Sống chậm thời sống nhanh

Tổng hợpThứ Tư, 25/07/2012 12:07:00 +07:00

“Sống khỏe – Chết nhanh – Ít của để dành – Mọi người yêu quý”. Đó là phương châm sống của Giáo sư Lân Dũng, vị Tiến sĩ Sinh học nhiều người biết tới.

“Sống khỏe – Chết nhanh – Ít của để dành – Mọi người yêu quý”. Đó là phương châm sống của Giáo sư Lân Dũng, vị Tiến sĩ Sinh học nhiều người biết tới.Ông nói kèm cách cười vui hích hích quen thuộc của riêng ông. Vui đến …chết người.

Cách đây một tuần trong một talk show “Chuyện đêm muộn” Giáo sư Trần Quán Anh, vị Tiến sĩ Y học nói về tình dục tuổi xế chiều cũng đề cập tới câu này nhưng chỉ dùng hai vế đầu “Sống khỏe – Chết nhanh”. Sinh học hay Y học cùng rất quan tâm tới cách sống và chất lượng sống.Chậm, nhanh là tốc độ sống.

Sống châm với mùa Thu (Ảnh Internet)
Trong thời toàn xã hội đang sống nhanh thì bỗng dưng người ta sực tỉnh khuyên nhau sống chậm. Xã hội hiện đại cái gì cũng khẩn trương sống gấp người ta không thể ề à cầm chừng dường như sợ cơ hội tuột khỏi tay. Giao thông vận tải có tầu hỏa siêu tốc, xu hướng đi máy bay là tính thời đại.

Thông tin liên lạc là viễn thông và internet giao lưu trực tuyến dẫu xa cách nửa vòng trái đất. Bữa ăn cũng là ăn nhanh. Nước uống cũng đóng chai đóng hộp vừa di chuyển vừa uống. Đến như quan hệ tình ái cũng “tàu nhanh”.

Tri thức cũng trau dồi nhanh với các giáo trình cấp tốc. Cập nhật thông tin có máy tính xách tay gọn nữa là iPad có thể lướt mọi lúc mọi nơi đồng bộ cả tiếng và hình. Kiếm tiền cũng khẩn trương như mọi hoạt động khác thương nhân thì chộp giựt, ca sĩ nghệ sĩ thì chạy sô không kể ngày đêm.

Tôi tới lại một nơi có cảnh sắc quen sau hai năm đã thấy khác lạ, đô thị hóa cả một vùng nông thôn êm đềm bỗng dưng khao khát một tiếng gà trưa sau lũy tre làng. Không có gì sai. Cuộc sống ai ai cũng thế tất thảy cùng thế nó thúc đẩy xã hội phát triển và người ta lấy tốc độ tăng trưởng làm thước đo tiến bộ xã hội.

Vậy sao người ta lại khuyên nhau sống chậm? Chắc sống nhanh có gì đó không bền vững! Một nhà văn viết một truyện ngắn thanh minh cho Adam và Eva không có tội theo giáo lý Thiên Chúa là tội “Tổ tông truyền” vì hai ông bà đã ăn trái cấm vườn Địa Đàng.

Sống nhanh có gì đó không bền vững!( Ẩnh Internet)
Nếu họ vâng lời Chúa không ăn trái cấm, thì loài người bây giờ vẫn là một loại động vật ngu si và đần độn chỉ biết ăn sẵn các thứ Chúa ban nơi Địa Đàng mà không biết tự làm ra một thứ gì dẫu bé nhỏ như cái tăm. Nhờ họ ăn trái cấm bị phạt xuống thế gian này phải lao động cật lực mới có ăn và đã lao động sáng tạo nên mới có hậu duệ là loài người thông minh giỏi giang văn minh như ngày nay.

Thực ra sống không nhanh không chậm ở mức phát triển tự nhiên như quy luật tạo hóa lập trình là tốt nhất bền vững nhất. Một bào thai người phát triển cần có thời gian 9 tháng 10 ngày từ hình thành phôi, lục phủ ngũ tạng, hệ thống xương cốt tuần hoàn máu và hệ thần kinh nói cách khác là thời gian cần và đủ để hình thành một cấu trúc sinh học.

Không ít hơn và cũng không nhiều hơn mới cho ra đời một con người hoàn chỉnh và đủ đầy sinh lực. Thế nhưng con người thích khám phá và sáng tạo muốn can thiệp vào tất cả những gì thuộc quy luật tự nhiên. Ví dụ: Lai tạo ra giống lúa ngắn ngày, dùng ánh sáng thay đổi chu trình ngày đêm để gà mái đẻ hai trứng một ngày, lai cho giống lê có mùi táo, đưa thức ăn thúc để lợn tăng trọng nhanh, thụ tinh nhân tạo không những cho súc vật mà cho cả con người, thậm chí vắt đất ra nước thay trời làm mưa, thì quả con người giỏi giang hơn cả Chúa Trời khi Chúa Trời chỉ có thể tạo ra Adam từ một hòn đất sét và phù phép ra bà Eva từ cái xương sườn của Adam.

 Ảnh Internet.
Khi con người quyết tâm làm những việc đó là có lý do tích cực, ấy là loài người sinh sôi theo cấp số nhân còn lương thực thực phẩm lại sinh sôi theo cấp số cộng. Nếu không làm thế lấy đâu ra đủ lúa gạo và thịt lợn cho con người dùng. Mà con người nay sống dai sống thọ quá mà các nhà nhân chủng học phải cảnh báo nhiều quốc gia trên thế giới đang có dân số già.

Vậy là con người mới tìm cách khắc phục khó khăn tăng dân số bằng liệu pháp sinh đẻ có kế hoạch. Nhưng sự phát triển xã hội loài người hiện nay là sự phát triển nhanh, nóng và thiếu bền vững. Thịt động vật tăng trọng nhanh và cây lương thực ngắn ngày không cho chất lượng cao nên con người ăn nhạt miệng thấy chán, lại rủ nhau lên miền núi tìm lợn nuôi thả rông và gà ri nuôi vườn đồi cùng rau rừng mọc hoang ven suối ăn ngon miệng như chưa từng được ăn. Trở về cuộc sống thời xưa cũ. Vì thế người ta mới khuyên nhau sống chậm.

Sống chậm không có nghĩa phủ nhận sống nhanh. Mà là cần có những phút, những giờ, những ngày sống chậm giữa thời sống nhanh. Bộ óc con người vận hành liên tục tư duy sáng tạo ứng phó với mọi tình huống. Thông tin thời nay gấp nghìn lần ngày xưa. Nếu không biết vệ sinh tâm thần (thư giãn – xả stress) là rơi vào tình trạng tâm thần phân lập. Xã hội càng văn minh bao nhiêu số lượng người mắc chứng tâm thần phân lập tăng lên bấy nhiêu. Các nước phát triển tỷ lệ ấy là 40%. Các nhà nghiên cứu tâm thần học Việt Nam chỉ dám công bố 10%.

Có biểu hiện về bệnh lý, lộn xộn về tư duy, mất bình thường về quan hệ chính là triệu chứng của căn bệnh thời sống nhanh ấy đấy. Sợ. Cũng là giữ vệ sinh tâm thần, người ta mới khuyên nhau sống chậm. Con số 30 được các nhà khoa học tim mạch khuyên mỗi buổi sáng khi trở dậy từ giường xuống sàn cần có 3 thời đoạn 30 giây, ấy là 30 giây cho trở mình, 30 giây cho vươn vai ngồi dậy, 30 giây bước xuống sàn nhún nhảy, rồi sau đó mới đi làm công việc gì đó để tránh đột quỵ. Còn các nhà tâm thần học thì khuyên hãy dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày xuống đường tản bộ nơi công viên hay ven hồ nước.

Tập dưỡng sinh.

Dành 30 phút cho các động tác thể dục toàn thân hít thở đều sâu và lãng quên mọi thứ cần nhớ dẫu đó có là tiền tài địa vị hoặc thù hận để tránh nguy cơ tâm thần phân lập. Những 30 ấy là con số dành cho sống chậm. Hãy dành 30 giây ngắm và thả hồn vào một bông hoa đang khoe sắc mỗi khi cần thư giãn. Tháng giêng có hoa cẩm chướng. Tháng hai có hoa hồng môn. Tháng ba có hoa thược dược. Tháng tư có hoa loa kèn. Tháng năm có hoa sen hoa lộc vừng…Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa lại “Sức khỏe không phải là không bệnh tật. Mà là có đủ đầy về dưỡng chất và thoải mái về tinh thần”. Cần sống chậm thời sống nhanh.

Nhưng con người sống trên đời này về bản chất là năng động. Chỉ có điều xã hội cần hướng con người năng động có lợi cho xã hội mà không phải là phá hoại. Tất nhiên có hai phân khúc trẻ tuổi và cao tuổi.

Trẻ tuổi có sức khỏe có nhiệt khí thích cách sống có tốc độ cao: đi nhanh nghĩ nhanh quyết định nhanh hầu như không do dự đôi khi không biết trước đích nào sẽ tới trở ngại nào sẽ gặp rủi ro nguy hiểm nào sẽ phải vượt qua. Họ trải nghiệm cuộc sống không ngoái lại sau thậm chí không liếc ngang và luôn lo lắng tụt hậu. Cái hay là nhanh thành đạt và nếu thất bại là ê chề. Nhưng họ không mang nỗi đau lâu “thua keo này ta bày keo khác”. Trước khi gà gáy sáng hãy thức qua được đêm dài.

Cuộc sống ngày nay mà ta gọi là thời hiện đại thì sống nhanh là một phong cách sống của giới trẻ. Tích cực nhất là muốn nhanh chóng thu nhận học vấn và vốn tri thức xã hội. Một học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở ngoài học ở trường còn học thêm ở các lớp học khác hoặc thuê gia sư mà phần lớn không phải vì ép buộc mà ham thích thực sự ganh đua nhau muốn biết nhiều không chịu được khi thua chị kém anh.

Nhiều học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học học cùng khóa nhiều trường trong đó có trường năng khiếu bộc lộ tài năng sớm mà các cuộc thi kiến thức, thi tri thức, thi sáng tạo rất đáng tự hào. Các cuộc thi robotcon và các cuộc thi toán, vật lý, hóa học quốc tế tuổi trẻ Việt Nam luôn giành nhiều giải cao. Cuộc thi “Lên đỉnh Olimpia” người dẫn chương trình chưa nói hết từ cuối câu hỏi đã có thí sinh nhấn chuông làm khán giả truyền hình ngạc nhiên cười ha ha sao cậu thí sinh đó nghĩ được nhanh thế? Nhu cầu sống nhanh của giới trẻ thúc đẩy các ngành nghề xã hội phát triển với tốc độ tương ứng thậm chí trước một bước mới đáp ứng kịp tốc độ sống.

Giới trẻ ngày nay hầu như nắm chắc bất cứ cơ hội nào để sống nhanh. Làm nghìn cái vợt để bắt ước mơ nhưng lại không bắt sống được cảm xúc của mình và của ai đó. Không cảm nhận được trong khúc hát người ta hẹn hò cũng có trong cơn mưa chiều nay. Mà lẽ ra con người có thể tìm lấy sự thanh thản trong  chính lòng mìnhtrong khúc ca ấy. Đó là cái rốt cục của sống nhanh.

Cho tới mãi khi bước sang tuổi già con người mới chịu sống chậm. Có thể là đã ngấm đủ sống nhanh. Cũng có thể là oải không đủ sức sống nhanh nữa.

Hà Nội cũng như các thành phố khác, ở phân khúc người cao tuổi, mỗi sáng sáng chiều chiều, gần như tất cả họ đổ ra công viên và ven hồ gần nơi cư trú dung giăng đi tản bộ, hoặc tụ lại từng nhóm nhỏ nhóm to ngắm cảnh và chuyện trò đủ thứ trên đời. Họ lập hội, câu lạc bộ mở nhạc xòe quạt hát múa và tập dưỡng sinh. Tuổi đầu chiều còn rủ nhau mở nhạc dạy nhảy van hoặc tăng-gô.

René Traunitz bạn tôi khi anh còn làm Tùy viên Văn hóa Sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội có lần khoe với tôi một bộ ảnh bờ hồ Hoàn Kiếm trong đó có một bức ảnh anh chụp một vòng tròn các cụ ông cụ bà gần ba chục rồng rắn xen kẽ nhau cùng còng khom đấm lưng cho nhau sau mười cái lại đổi chiều đấm đều tăm tắp gương mặt nào cũng tươi như hoa tinh thần thật sảng khoái mà ở nước anh chưa có cảnh vui thú này.

Khi làm phim về Câu lạc bộ Thăng Long của các cán bộ cao cấp ở trường đoạn các cụ tập thái cực quyền tôi viết lời bình: “Phải đi từ bình minh qua đỉnh trưa mới tới được buổi chiều. Phải đi từ tuổi ấu thơ qua tuổi thanh  xuân mới tới được tuổi già. Phúc cho ai đi tới được tuổi già”. Các cụ vỗ đùi khen hay. Thưởng. Ở trường đoạn các cụ treo bích báo có cái tên rất kêu “Trẻ mãi không già”, lời bình của tôi: “Đây là lời tuyên ngôn với tuổi trẻ. Tuyên ngôn với nhiều thế hệ mai sau”. Lại vỗ đùi thưởng. Tôi rút ra một điều mỗi khi mệt mỏi hãy tìm đến trẻ thơ và người lớn tuổi.

90% nông dân ngày xưa suốt ngày lao động trên cánh đồng nhưng họ đã biết xen kẽ sống chậm mặc dù họ chưa ý thức như chúng ta ngày nay. Vừa tát nước gầu sòng vừa hát đối. Thợ cấy chổng mông dúi rẻ lúa xuống bùn miệng không ngơi í a ngâm câu ca dao. Vào lúc nghỉ giữa buổi hay đỉnh trưa dưới gốc cây đa đầu làng hay bên lũy tre xanh là bát nước chè vườn hãm đặc miếng trầu câu chuyện làng trên xóm dưới cùng điếu thuốc lào rít sòng sọc nõ chiếc điếu cày nghe mà vui tai.

Con gái thì buông tóc chải lược sóng mượt con trai thì chòng ghẹo đôi lời bướm ong mà không thô thiển. Bà tôi trồng hoa trên đồng sáng sớm 9 giờ về lại có thói quen ngồi bậu cửa hóng gió và nắng non vá quần áo rách cho con cho cháu. Nói điều này với một triết gia, ông ta bảo khi người ta trẻ thì phát tán năng lượng vào mặt trời thuật ngữ kinh tế gọi là xuất siêu. Khi về già hay phơi nắng bên hiên nhà là thu lại năng lượng ấy gọi là nhập siêu. Tự nhiên tôi muốn tắm nắng nên ông ấy bảo tôi sắp bước vào tuổi già.

Nếu triết lý ấy là đúng thì lẽ gì ta không điều tiết xuất siêu nhập siêu cho cân bằng sinh thái ngay từ khi còn trẻ. Và câu nói như lỡm đời của Giáo sư Lân Dũng làm tôi vui cũng mong muốn sống khỏe - chết nhanh – ít của để dành – mọi người yêu mến.

Giang Lâm

 

Bình luận
vtcnews.vn