Kỳ vọng

Tổng hợpThứ Bảy, 14/01/2012 11:58:00 +07:00

Gần 700 tờ báo, tạp chí từ các ngành đến các hội, đoàn, địa phương và trung ương…đều có ấn phẩm Tết...

       Ngay tuần đầu năm Dương lịch 2012, các báo và tạp chí số Tết Nhâm Thìn đã nhanh tay in và đua nhau phát hành tràn ngập các sạp cùng quầy giao dịch bưu điện trong toàn thành phố Hà Nội, lung linh sắc màu như hoa mùa xuân đua nở. 90% hình ảnh đăng trên các trang bìa là…gái đẹp, gái đẹp lung linh, tạo dáng bắt mắt. Hầu như… đến Tết là phải có số Tết. Gần 700 tờ báo, tạp chí từ các ngành đến các hội, đoàn, địa phương và trung ương…đều có ấn phẩm Tết. Gộp số, tăng trang, mở rộng khổ và tăng giá bán. Bởi ấn phẩm đặc biệt này được đầu tư nhiều công sức và trí tuệ, in trên giấy cút-sê láng phấn, công nghệ ốp-sét, nhiều tranh ảnh nhiều màu chi phí cao. Một năm mới có một cái Tết. Tiếc gì! Có số báo Tết trong nhà tăng sắc Xuân hơn. Tựa như có bình hoa, cành đào, cây quất, đèn lồng trong nhà ấy.

       Nhưng điều quan tâm là những thông điệp gì có trên báo Tết? Trang trọng, đẹp đẹp vui vui thì rõ rồi. Báo Tết còn cung cấp cho ta tri thức và cách nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, cho người người nhà nhà hướng tới kỳ vọng, kỳ vọng một năm mới sẽ có nhiều đổi thay về ý tưởng và thực tiễn, mặc dù trước Tết người ta còn đang lo có tin báo đạo rằng tiền thưởng Tết này ít hơn Tết trước. Giá thực phẩm sẽ tăng. Ngân hàng đe hạ trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm làm cho người làm công ăn lương, về hưu lo lắng số phận món tiền mọn dành dụm. Điện, xăng, nước, gas cũng chập chờn bắn tiếng tăng giá… May thay, tất cả đã chưa, chí ít cũng là trước khi ăn Tết.

 Bình tĩnh “Ðọc – Nghe – Nhìn” và nghĩ suy.

    

Cơ sở hạ tầng hiện đại

Có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2011 đã phải trả giá không nhỏ khi phải vật lộn với khó khăn suốt từ đầu năm tới cuối năm. Việc phải liên tục điều chỉnh chỉ số CPI từ hơn 7% đến tháng 11 là 18%, cho thấy khó khăn không nhượng bộ. Lại một thời gian dài thị trường tiền tệ nổi cộm lãi suất tăng cao giá vàng nhảy múa loạn, tỷ giá liên tục thay đổi theo chiều hướng đi lên, mà đã lên là không xuống, khiến cho hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung chịu tổn thất không nhỏ. Chúng ta không thể chỉ dùng những biện pháp thỏa mãn những mục tiêu ngắn hạn và tức thời. Phải mướt mồ hôi mới có được CPI trong 3 tháng cuối năm được kiểm soát. Mới có được liên tiếp tháng 10 và tháng 11 – 2011 ở mức 0,36% và 0,39% mà CPI những tháng đầu năm tăng mạnh tới 3%. Phải ổn định kinh tế vĩ mô! Nhưng nghĩ và làm cho một nền kinh tế ổn định ở tầm vĩ mô cho một đất nước như đất nước ta đâu có thể dễ vượt qua quá nhiều ngáng cản.

    

Ðón năm mới, bước vào năm mới, cho ta những kỳ vọng gì?

      Với hai mục tiêu quan trọng là “Kiềm chế lạm phát - Ổn định kinh tế vĩ mô”, nền kinh tế đã có những tương tác “bật sáng” những tín hiệu đáng mừng. Điển hình là việc kiềm chế và kiểm soát được nhập siêu. Ước cả năm nhập siêu khoảng 10 tỷ USD, mức thấp nhất so với 4 năm trước. Trong khi xuất khẩu lại tăng trưởng mạnh. Ước cả năm có thể đạt 95 tỷ USD, tương ứng mức tăng 31,6% - mức tăng kỷ lục từ trước tới nay và cao nhất trong nhiều năm qua. Mặc dù số lượng doanh nghiệp phá sản cao, nhiều loại thuế được giảm hoặc dãn, nhưng thu ngân sách lại khả quan. Tổng thu ngân sách tính đến hết tháng 11 ước đạt 616.000 tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm, và có thể vượt trên 12% dự toán cả năm. Chính điều đó, là yếu tố để bội chi / GDP cả năm mới thấp hơn dự toán và thấp hơn năm trước.

      Vài điểm sáng không có nghĩa là sáng bừng. “Bệnh cần mổ thì không thể xoa dầu”. Đã từ lâu rồi ta quen “xoa dầu mà ngại-sợ mổ”. Khen chê đều hời hợt. Thì giờ đây ta cần “đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2011 để chủ động bước vào năm 2012”. Đó là “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam” với chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, tạm coi là “Giải phẫu bệnh lý biện chứng”, đã thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng đổi mới, đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Giao thông được cải thiện

      Bức tranh kinh tế năm 2011 có điểm sáng nhưng chưa nhiều điểm sáng. Đó là đánh giá trong diễn đàn. Chất lượng tăng trưởng chưa cao. Lạm phát dần được đẩy lùi trong những tháng cuối năm nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng mới chỉ bắt đầu giảm chưa thể phát huy tác dụng.

      Bộ Kế hoạch – Đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế cùng nhận định, rằng chỉ số lạm phát Việt Nam cao hơn hẳn các nước có nguyên nhân sâu xa từ cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa hợp lý. Nhiều năm qua Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để huy động vốn nhưng là cho một mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, thì nền kinh tế nước nhà đã bộc lộ một số điểm yếu cố hữu, đó là chất lượng nguồn nhân lực kém; hệ thống pháp luật, chính sách chưa hoàn chỉnh; trình độ phát triển và công nghệ thấp; bất cập về năng lực quản lý và điều hành.

      Cảm nhận từ môi trường kinh doanh, mà các tiêu chí quan trọng đối với sức sống và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng đã được các doanh nghiệp nhìn nhận một cách cụ thể hơn.

      Giới doanh nghiệp trong nước thì đưa ra mức điểm bình quân là 2,044 / 4 (thang điểm là 4 – tương đương với mức “rất tốt”). Đây là mức thụt lùi, thấp hơn so với mức 2,52 / 4 của năm ngoái. Có 26 % doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 là “tốt”, nhưng lại chỉ bằng một nửa so với 2010.

      Trong khi đó mức độ bi quan của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cao hơn so với doanh nghiệp trong nước, khi khối này cho điểm bình quân là 1,88 / 4 so với mức điểm của doanh nghiệp trong nước là 2,08 / 4. Thực tế này sẽ gây tâm lý e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, làm gia tăng tình trạng lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư khi phải đối mặt với một số hạn chế chưa được tháo gỡ triệt để, đó là sự yếu kém về hệ thống hạ tầng, vấn đề tiếp cận đất đai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. E ngại và lưỡng lự, nhưng các đối tác nước ngoài vẫn “ngưỡng vọng” Việt Nam, vì chúng ta có, và vì cả chính họ nữa.

      Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp châu Âu mặc dù đang quan ngại về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ trong quá trình phát triển của Việt Nam.

      Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Đó là ý chí của chúng ta và cũng là mong muốn của các đối tác phát triển.

      Năm 2012, Việt Nam sẽ tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp chủ yếu: Tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc tái cơ cấu đầu tư / Cải tiến quản lý hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước nhằm đổi mới mô hình phát triển / Chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu / Ưu tiên du nhập và phát triển công nghệ cao / Tăng năng suất lao động / Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư / Tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

      Mục tiêu hành động là rõ ràng: Tập trung nguồn lực tạo thế đột phá trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm 2012. Nhưng quan trọng hơn, những mục tiêu ấy sẽ là những tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Kinh tế phát triển

      Cạnh tranh! Thật ngẫu nhiên trùng lặp. Đúng vào lúc này, thị trường Hàng không tại Việt Nam vừa góp mặt một Hệ thống bay thương mại nội địa giá rẻ của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Air dòng Airbus thế hệ mới. Với giá 900.000 đ / chuyến / khách. Có hai chiều khứ hồi Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh. Sự khác biệt của Vietjet Air là “thân thiện – vui vẻ - an toàn – giá rẻ”. Với phương châm “giá rẻ hơn - bay nhiều thêm”. Vậy là ngay Tết này đã có một cuộc tranh đua giảm giá hút khách, mặc dù giữa tháng 12 Bộ Tài chính chấp thuận cho các hãng hàng không tăng giá máy bay nội địa khứ hồi Tp Hồ Chí Minh – Hà Nội cao nhất lên tới 8,6 triệu đồng.

      Những tháng cuối năm báo chí đưa tin dày đặc về “Tái cấu trúc kinh tế”. Trong khi giá cả vượt quá 20%, mức lãi suất danh nghĩa cao, tiền đồng bị mất giá và thâm thụt mậu dịch triền miên đã gây suy yếu niềm tin trong chiến lược phát triển của Chính phủ, bao gồm cả việc tự do hóa thương mại trong ngành nông nghiệp và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, cộng với việc trợ giá và bảo hộ cho các công ty nhà nước.

     Việc tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới đã được chính thức phê duyệt. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các mảng dịch vụ cốt lõi của họ, và yêu cầu Bộ Tài chính công bố kết quả tài chính của các Tổng công ty và các Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, tái cơ cấu kinh tế lại được hiểu theo các cách khác nhau từ những người khác nhau.

      Việt Nam đầu tư hơn 40% GDP phần lớn từ ưu đãi quỹ đất và tín dụng cho các công ty nhà nước cũng như chính quyền các địa phương. Có nghĩa là người ta dễ có lãi khi được cấp đất và được vay vốn với lãi suất thấp, chứ thực ra kinh doanh để có lãi không phải là mục đích chính.

      Khi công chức với nhiệm kỳ 5 năm hoặc ngắn hơn, họ nhờ tiền được chi để thực hiện giao dịch và ký kết hợp đồng, thì lối đầu tư này kể như là giao dịch chỉ có một lần hơn là cam kết có tính lâu dài. Và truyền thông xuất hiện thành ngữ mới “Tư duy nhiệm kỳ”. Bán các công ty nhà nước và buộc chính quyền cấp tỉnh dùng doanh thu của địa phương và vay qua trái phiếu để đầu tư công, mới có thể làm giảm phạm vi cho vay với động cơ ngoài kinh tế.

      Tái cơ cấu thực sự, sẽ chỉ xảy ra khi người ta cân nhắc tới kinh tế thay cho tính toán chính trị để làm cơ sở ngân hàng cho vay tiền. Sự bùng nổ các tập đoàn “giống tư nhân” đã tích lũy được tài sản khổng lồ thông qua ưu đãi về đất đai của nhà nước, cùng tín dụng và các hợp đồng kinh doanh béo bở. Xuất hiện một mạng lưới doanh nghiệp có liên quan tới chính quyền. Có 70% dự án nghiêng về bất động sản. Có thể lấy các dự án thuộc phân khúc sân golf làm ví dụ. Trung ương, địa phương trình rất nhiều dự án sân golf. Biểu đồ đi lên của sân golf là đi xuống của diện tích đất nông nghiệp. Nhưng qua kiểm tra các dự án sân golf đã làm thì chỉ có phần rất nhỏ diện tích đất dành làm sân golf (thậm chí không làm sân golf), còn là xây các nhà nghỉ dưỡng siêu cao cấp được gọi là “Khoảng trời mơ ước”, cùng các biệt thự để bán cho giới thượng lưu được gọi là “Ngôi nhà mơ ước” với những cái tên kiều diễm như Tiên: “Thiên yến”, “Thiên hạc”, “Hoàng yến”, “Khổng tước”, “Phượng hoàng”. Hạnh phúc người giàu – Bi kịch kẻ nghèo. Nếu nói “Lỗ golf – Lỗ thủng dân sinh” không có gì là thậm xưng. Hiện còn vài chục dự án sân golf “chót – lỡ” đang chờ duyệt bổ sung. Người ta lo ngại vì lý do nào đó mà Chính phủ “chấp thuận”, có nghĩa là sẽ mất thêm 4.000 héc-ta đất canh tác nông nghiệp cho sân golf. Điều gì sẽ xẩy ra? Không chỉ là hậu quả môi trường, mất ổn định quy hoạch, mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo. Mặc dù Quốc hội đặt ra cả nước phải có 3,8 triệu héc-ta đất lúa, với lời cảnh báo “Bảo vệ đất lúa chính là vì sự sống chúng ta”.

      Các nhóm lợi ích có “ngại-sợ” hoặc “tự trọng” mà dừng cuộc chơi “phiêu lưu” trong một môi trường tràn lan tệ tham nhũng và nạn kiếm chác mà theo “Tư bản luận” của Karl Marx định danh thì nó là “Tư bản dã man”, ở Việt Nam hay không? Không lúc này thì là lúc khác, con đường dẫn từ hiện tại đến tương lai “dường như” đã được thiết kế bởi những ý đồ trong quá khứ.

      Người Việt Nam đã mất lòng tin vào các doanh nghiệp nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tin người nước ngoài.

      Làm thế nào để đạt được sự thay đổi này vẫn là vấn đề cơ bản của việc tái cấu trúc kinh tế tại Việt Nam, mà không “núp bóng” cổ phần hóa để tái cấu trúc kinh tế?

      Vương quốc Anh là Nhà tài trợ điều phối về Phòng, chống Tham nhũng của các Đối tác phát triển Quốc tế cho Việt Nam. Thì vừa qua, Vương quốc Anh phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng tổ chức một cuộc “Đối thoại” lần thứ 10 tại Hà Nội, thảo luận về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được sau 5 năm thực hiện “Luật Phòng, chống Tham nhũng”. Trong cuộc thảo luận này, các đối tác phát triển nhận xét “Thành công 5 năm qua là không thể phủ nhận, nhưng thách thức vẫn còn đó”.

      Tiến sĩ Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam dẫn sự kiện cách nay 55 năm, rằng năm 1946, các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chất vấn Chính phủ về nạn ăn hối lộ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị, và sẽ trị cho kỳ hết”.

      Tuy nhiên 55 năm đã trôi qua, tham nhũng vẫn là vấn đề mang tính hệ thống. Tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam. Tham nhũng làm tổn thương người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Và tham nhũng làm khoảng cách giàu nghèo ngày một dãn rộng thê thảm. Khi mà người nghèo chạy ăn từng ngày, thì lớp người giàu toàn tính chuyện chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ…

      Các đối tác phát triển ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc xây dựng khung pháp luật khá toàn diện, nhưng cũng chỉ ra rằng việc thực thi khung luật pháp đó mới là thách thức thực sự. Đại sứ Vương quốc Anh gọi cuộc “đối thoại” lần này sẽ là cơ hội để xác định những biện pháp quyết liệt mang tính đột phá để cùng nhau đấu tranh chống tham nhũng.

      Năm 2011 là năm Việt Nam mở rộng và giành được nhiều thành tựu nhất trong bang giao và quan hệ quốc tế, và cũng giành được sự ủng hộ dồi dào về mọi phương diện của thế giới, có vị trí quan trọng trong lòng họ.

      Cuộc họp báo gần đây nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà Sri Muhjani Indrawati, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, WB sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ủng hộ chính sách của Việt Nam trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua đổi mới. Tư vấn chính sách, hỗ trợ nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong phát triển kinh tế. Bà có lời khuyên, trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, nền kinh tế nào cũng bị khủng hoảng, vì thế Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ các nước khác nhau để tránh những thiệt hại mà các nước đã gặp phải.

      Các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng mục tiêu chính của Việt Nam hiện nay chưa phải là con số tăng trưởng bao nhiêu, đồng thuận với quan điểm của WB và nhiều chuyên gia quốc tế, rằng Việt Nam cần hy sinh lợi ích ngắn hạn trong đó có cả sự tăng trưởng để tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ đầu tư công…nhằm  đạt được mục tiêu dài hạn và sự tăng trưởng bền vững.

      Nhưng, dù ta có tái cấu trúc nền kinh tế hợp lý và biện chứng đến đâu cho hai mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát - ổn định kinh tế vĩ mô”, mà “vi-rút tham nhũng” không được “trị cho kỳ hết” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói từ năm 1946 được ông Đại sứ Anh quốc viện dẫn, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một năm mới ban đầu đã có những tín hiệu phát sáng?


      Tùy bút của Giang Lân


Bình luận
vtcnews.vn