Rượu bia xa lộ hành

Tổng hợpThứ Năm, 06/10/2011 11:38:00 +07:00

Theo một số liệu công bố trên báo chí vào đầu quý III năm nay, một ngày cả nước có 31 người tử vong vì tai nạn giao thông...

      Trong một cuộc triển lãm tranh biếm họa về đề tài “An toàn giao thông” trưng bày ở Nhà triển lãm Tràng Tiền Hà Nội, trong đó có tới 80% tác phẩm đề cập tới “Chàng Rượu Bia” đồng hành trên xa lộ gây ra tai nạn giao thông.

      Tranh nào cũng hóm và thú vị. Các họa sĩ tìm tòi nhiều khía cạnh có thể nói là rất sâu sắc phản ánh bản chất của rượu bia chi phối tai nạn giao thông tài khéo khó tưởng tượng. Buồn cười đấy mà cũng buồn…đau đấy.

 
      Dẫn vài bức tranh ta cùng thưởng ngoạn và cùng…cười.

      Tranh thứ nhất, vẽ một chai rượu Tây “XO” được nhân cách hóa, nụ cười đắc ý, ngồi chễm trệ vươn hai bàn tay to bè nắm lấy hai bàn tay anh chủ xe ngồi trước như chỉ đạo anh ta lái. Còn anh chủ xe ngồi ngả ngốn tựa lưng vào “XO”, gối đầu lên vai “XO”, mắt ti hí nhìn lên bầu trời miệng mỉm cười vu vơ phó thác sự đời cho “XO”. Cái hay là vết bánh xe lăn phía sau mang hình sin …của con giun đất.

      Tranh thứ hai, vẽ một nạn nhân ngã xe máy thương tích đầy mình. Nhưng người đưa anh ta đi cấp cứu bệnh viện lại là hai chàng… “Chai 45 độ” tốt bụng, xốc hai bên nách nạn nhân chạy kéo lê dọc đường.

      Tranh thứ ba, vẽ một lái xe đang bị cảnh sát giao thông yêu cầu thổi hơi vào máy kiểm tra nồng độ cồn. Có lẽ áp lực nồng độ cồn quá mạnh, mạnh tới mức hơi xì… bục qua đường rốn.

      Cả ba tranh cùng là tranh không lời. Không lời mà nói nhiều điều. Nói trong im lặng. Làm người xem nghĩ ngợi.

      Mười ngày trước vào một buổi tối lúc 20 giờ tôi vào Bệnh viện Việt-Đức thăm bệnh nhân. Thật sửng sốt, trong có 10 phút ở cổng tôi chứng kiến có tới 6 ca cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh khác đưa về. Họ là nạn nhân (bị người khác làm cho bị thương) hay vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân (gây thương tích cho người khác và làm thương chính mình) thì chưa rõ. Đó là số người bị thương. Còn tử vong sẽ là bao nhiêu trong ngày hôm đó? Và trong số ấy có bao nhiêu phần trăm nạn nhân là từ…rượu bia?

      Theo một số liệu công bố trên báo chí vào đầu quý III năm nay, một ngày cả nước có 31 người tử vong vì tai nạn giao thông. Tương đương một vụ đánh bom liều chết ở Iraq, ở Afganistan, ở Pakistan. Nhiều hơn một trận chiến ở Lybia. Và cũng trong số ấy có bao nhiêu nạn nhân “hy sinh” chỉ vì rượu bia?

      Tháng 9 này là tháng “An toàn giao thông”. Mà điểm nhấn là “Hãy nói không với Rượu – Bia khi điều khiển xe”, “Phòng chống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Những khẩu hiệu ấy chăng ngang đường phố và treo trên các cột đèn, cột điện, tường phố chữ trắng nổi to trên nền vải đỏ vải xanh nơi đâu cũng gặp. Vậy mà sơ tính nửa tháng đầu Hà Nội đã xử phạt gần 2.000 vụ vi phạm, tương đương số vụ xảy ra cùng kỳ năm ngoái. Có 26 vụ tông xe làm 26 người chết và 5 người bị thương. Mà sao lại chỉ có tháng 9 “Nói không với rượu bia khi điều khiển xe”? Người ta uống rượu bia quanh năm cơ mà. Rượu người ta uống bây giờ là rượu ngoại Cognac, Vodka, Whisky nồng độ cao. Uống trong không khí tưng bừng của quán nhậu, quán bar. Trong giai điệu dzo-dzo-dzo càng dzo-dzo càng bốc. Bia cũng thế. Nồng độ thấp nhưng lượng biến thành chất. Gương mặt đỏ hồng hào không thua kém gương mặt người uống rượu mạnh. Và cũng “tây tây”, ngất ngưởng “phê”. Gương mặt ấy hình dạng ấy vẫn thản nhiên rủ nhau lên xe lái. Lối sống tùy tiện cùng tính ích kỷ làm họ quên rằng, ngoài sự sống của họ, còn có nhiều sự sống của người khác, và nhiều cuộc sống khác nữa. Bởi vậy nó là cuộc sống của nhân loại. Người ta chỉ sống có một lần. Đừng để người khác sống trong sợ hãi khi ra đường.

      Mỗi người cần đặt những câu câu hỏi cho chính mình:

      “Người sống với mình như thế nào?

      “Mình sống với người như thế nào?

      “Và, người sống với người ra sao?

      Liệu những công dân ấy có thực hiện được bổn phận của họ với xã hội không? Xử nghiêm, phạt nặng, biện pháp ấy chỉ là biện pháp tình thế. Mà kết quả nhãn tiền là số vụ vi phạm vẫn tương đương cùng kỳ năm trước. Năm trước lại tương đương cùng kỳ năm trước nữa...

 

      Ngày cuối tuần rồi tôi đến gia đình đứa con trai ở khu Bách Khoa ăn cỗ mừng “7 năm hôn nhân bền vững” của vợ chồng chúng. Chúng nói rằng hôn nhân bây giờ mỏng manh. Bền vững được năm nào ăn mừng ngay năm ấy. Đứa con gái đầu của vợ chồng chúng ra mở cửa, reo chào, hỏi luôn: “- Xe ông đâu ạ?” “- Ông đi xe buýt” “- Hi hi! Ông thông minh đấy. Khen ông nghiêm chỉnh. Hôm nay bố cháu mời rượu Whisky. Nếu đi xe máy là công an bắt ông phải thổi máy kiểm tra nồng độ cồn”. Bà ngoại nó cười rưng rức: “Con cháu nhà báo có khác, rất là thạo tin tức!” Trong bữa ăn, cô vợ xin tôi dạy bảo thêm cho chồng nó. Qúa hư. Chiều nào cũng bia bọt về nhà bỏ cơm. Ca cẩm thì chồng bảo áp lực công việc căng thẳng nên tụ tập bạn bè uống bia cho xả stress. Tối hôm kia nghe tiếng xe hơi xịch đỗ trước cửa. Ra, chồng say. Bạn bè phải thuê taxi khiêng về. Bà mẹ vợ bênh con rể ra mặt: “- Con ơi! Nam vô tửu như cờ vô phong!” “- Vâng! Mẹ thấy đấy! Cờ thì rủ mà gió thì bốc mùi!” Tôi bật cười: “- Vậy con có làm gì để chồng con buồn không?” Nói thế là để rút lửa đáy nồi. Nào ngờ con dâu tôi hỏi lại: “- Thế bố kê cho con liều thuốc giải buồn đi. Việc nhà tối mắt cùng chăm hai đứa trẻ chẳng lẽ không stress. Rượu bia nhé? Con cũng đang buồn nẫu!”

      Những khi như thế này con bé gái lớn tựa như một cốc nước chanh đá mát lành. Nó vít đầu tôi tưởng để nói thầm nhưng lại nói to: “- He he! Ông thì viết cái truyện ngắn “Ở trọ nhà mình”. Chứ bố con lại đang viết tiểu thuyết, cuốn “Không gia đình”. Cả nhà cười rũ. Con dâu tôi đang ngậm “cục tức” chưa nuốt nổi cũng buột miệng cười.

      Bia ơi là bia! May mà con trai tôi đã không lái xe đêm ấy.

      Tôi ít khi xuống phố. Càng không lui tới quán bia. Đi làm thì đi đường đê thưa vắng. Tốc độ 10 đến 15 cây số giờ. Nhưng được bạn bè đưa tin Cảnh sát Giao thông đang đặt chốt trước cửa các quán nhậu bia bọt, chờ các “bợm bia rượu” lên xe là giơ tay chào xin được kiểm tra nồng độ cồn. Cao hơn mức từ 0,25 đến 0,40 mg/lít là làm biên bản. Chống đối sẽ là một biên bản thứ hai. Phạt nặng. Giữ phương tiện dài ngày. Ở Hà Lan người ta còn bắt “tù một đêm” để suy nghĩ. Cảm ơn các chiến sĩ Cảnh sát Giao thông làm cho “Cờ không gió” trong đám mày râu, cứu chính họ và cứu những người sắp trở thành nạn nhân bởi các “bợm bia rượu” gây ra.

      Trật tự giao thông đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội trên bình diện cả nước, từ đô thị tới các vùng nông thôn mênh mông kể cả vùng núi xa xôi.

      Nó cuốn hút cả một lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát cơ động ngày đêm vất vả canh chừng, phòng ngừa và can thiệp, mà nguy cơ tai họa khủng khiếp nhất là đua xe phân khối lớn. Đua xe vụng trộm là liều. Ranh giới sống chết cách nhau bằng sợi tóc. Rượu bia sẽ là “toa” thuốc liều.

     Suy nghĩ nông cạn, quen sống tùy tiện, đã hướng đạo một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn tìm cách cưỡng lại những quy định cho giao thông an toàn. Trong số ấy lại còn có một số có hành vi chống lại người thi hành công vụ trên xa lộ, tới mức xúc phạm họ, thậm chí liều lĩnh sát hại cảnh sát giao thông. Khi đã say xỉn, trạng thái tư duy của họ méo mó lệch lạc đến nỗi cho rằng “Thiên hạ đều say mình ta tỉnh. Thiên hạ đều đục mình ta trong”.

 
      Chỉ với quy định nhỏ cho người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không chở kèm quá hai người trên xe, không uống rượu bia khi lái xe, mà quy định ấy suốt 15 năm nay ở Hà Nội không làm sao để quy định ấy được thực thi thành nề nếp quen. Năm nào cũng kêu gọi, tuyên truyền, giáo dục với quy trình giống như năm đầu ban hành quy định. Và năm nào cũng có tháng ra quân quyết liệt, kiểm tra gắt gao, phạt nặng bằng nhiều hình thức, vấn nạn có tiến bộ chỉ được nửa tháng, để rồi vấn nạn lại trở về “mo”. Có người khôi hài đặt cho nó một cái tên khoa học là “Định luật ao bèo”. Nghĩa là ném hòn đá xuống mặt nước ao bèo tấm, bèo dạt ra một lúc để rồi sau đó trở lại khép kín nguyên si cũ. Không thay đổi được lối sống tùy tiện. Trong khi ở các nước phát triển đi xe đạp họ cũng đội mũ bảo hiểm.

      Ở những con người có lối sống tùy tiện ấy thường nghĩ rằng tai nạn giao thông xảy ra với họ thì họ chịu mà không nghĩ tới cho người khác.

      Một va chạm giao thông trên đường bao giờ cũng liên quan tới chí ít một người nào đó, nhẹ thì bị thương, không loại trừ tử vong.

      Một va chạm giao thông trên đường luôn dẫn tới hậu quả giao thông tắc nghẽn. Hàng trăm công chức viên chức đi làm trễ. Hàng trăm sinh viên học sinh không tới được trường lớp đúng giờ.

      Một người bị tai nạn giao thông kéo theo những dịch vụ cấp cứu y tế đòi hỏi một đội ngũ luôn phải túc trực ngày đêm tại các bệnh viện, kéo theo những chi phí tốn kém cho xã hội đặc biệt là nguồn máu, mà lẽ ra không đáng xẩy ra. Ví dụ lần tôi đến Bệnh viện Việt Đức có 10 phút trong một buổi tối đã có 6 nạn nhân tai nạn giao thông. Một đội ngũ bác sĩ, y tá phải khẩn trương sơ cứu thăm khám. Một nhóm nhân viên y vụ làm thủ tục nhập viện. Một nhóm các kỹ thuật viên các khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh triển khai công việc ngay để có các kết quả cho các bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị. Tất cả những việc làm ấy lại chỉ để khắc phục hậu quả của những sai lầm chủ quan của một cá nhân. Người ta đã tìm cách đổ lỗi cho hệ thống giao thông không đáp ứng được mật độ phương tiện di chuyển. Và lượng xe gắn máy gia tăng không kiểm soát nổi. Có một phần đúng. Nhưng nó chỉ gây ra ùn tắc. Rượu bia vào không làm chủ được tay lái và tốc độ mới làm nên tai nạn.

      Phải thừa nhận hệ thống giao thông của chúng ta có những bất cập ngay từ khi xây dựng đề án, nhất là ở nội đô. Năm đầu hòa bình từ đường rừng chiến khu về đồng bằng, nhà thơ Tố Hữu sung sướng có câu thơ “Đường ta rộng thênh thang tám thước”. Hơn 50 năm sau con “đường thênh thang tám thước” ấy chỉ xứng con đường làng. Các nhà làm quy hoạch đã thiếu tầm nhìn xa, xây dựng “Đường” 15 năm trước, giờ, con “Đường” ấy chỉ xứng là con “Phố” như đường Nguyễn Văn Cừ quận Long Biên hay đường Huỳnh Thúc Kháng và Láng Hạ quận Đống Đa. Ví dụ thế thôi chứ còn nhiều lắm. Ngay như đường Láng – Hòa Lạc niềm tự hào về con đường ngoại ô 8 năm trước, nay cũng bắt đầu trở nên quá tải.

      Vì chỉ xứng là “Phố” nên không thể phân làn đường giao thông. Trên con phố chật hẹp ấy có tới năm loại phương tiện tốc độ khác nhau cùng vận hành chung: xe con, xe buýt, xe mô-tô, xe đạp, xe thồ. Một số đường phố có cả xe ba bánh cải tiến và xe xích lô. Ở quốc lộ và đường liên tỉnh lại có cả xe bò kéo, xe công nông. Hầu hết vỉa hè phố cổ Hà Nội bị chiếm dụng bán bày hàng hóa hàng ăn và để xe máy, người đi bộ không lách được chân  phải xuống lòng đường giao thông cùng xe cơ giới. Trật tự lưu thông Hà Nội cũng như nhiều đô thị có hoàn cảnh tương đương luôn lúng túng như “gà mắc tóc” không thoát ra được. Tuy nhiên, tháng “An toàn Giao thông” năm 2011 này lấy chủ điểm “Nói không với rượu bia khi lái xe” là bắt đúng “bệnh”. Đồng nhất với “chẩn đoán” của các họa sĩ trong triển lãm tranh biếm họa, là 80% tai nạn giao thông nguyên nhân là từ rượu bia.

 
      Hoàn cảnh giao thông bất cập ấy nhưng không phải là ta không thể tổ chức được một trật tự giao thông trong hoàn cảnh ấy. Đừng chỉ hỏi bao giờ mà không làm gì thì chỉ là không bao giờ. “Khéo ăn thì no khéo co thì ấm”. Mỗi con người nếu ý thức được bổn phận  của mình trong xã hội, chế ngự tính ích kỷ cùng lối sống tùy tiện, những nguyên tắc sống chung sẽ đồng điệu và cộng hưởng tốt đẹp lên. Trong khi chúng ta chưa có được một cơ sở hạ tầng “Giao thông thông minh”. Chúng ta vẫn có thể thiết lập một “Văn hóa giao thông lành mạnh”: Tôn trọng những qui định An toàn Giao thông.

      Ví dụ như cơ quan giao thông Hà Nội có sáng kiến bỏ các điểm có đường giao cắt ở những nơi có thể, thay bằng, các phương tiện di chuyển theo dòng liên tục lượn lại qua khoảng trống của dải phân cách, di chuyển ngọt êm liên tục không dừng, không va quệt và cũng không phải đợi chờ, không tắc đường, ai cũng nhận ra đó là một giải pháp hay trong hai năm qua. Vậy mà có ý kiến phản đối dữ dội chỉ vì cho rằng làm thế là làm mất đi cái gọi là “Văn hóa đèn giao thông”(!). Mặc dù đây cũng là một nửa của “Văn hóa vòng xuyến” như bao lâu nay! Ngay như việc triển khai nhiều điểm ở các quán bia rượu kiểm tra nồng độ cồn những người lái xe, có người còn xem việc làm ấy là… bất nhã. Mà lại không lên án những “Người rượu bia” còn lái xe tham gia giao thông là bất cẩn và bất kính tính mạng người khác.

      Cái cố chấp của con người cũng gây  ách tắc giao thông không nhỏ.

      Không chỉ là bổn phận xã hội, mà mỗi người cần ý thức, rằng mình đừng vô tư với sự sống của người khác. Nó là đạo đức, là danh dự. Người ta không có đạo đức và danh dự thì chẳng là gì hết.

      Tôi xin kết thúc ở đây. Dẫu khuynh hướng của câu chuyện có là lời khuyên can, hay là sự áp đặt bởi sự sống cộng đồng, thì nó rất cần sự tán thưởng của muôn người. Bởi “Giao thông an toàn” là sự sống không của riêng ai. Khi mà muôn người đang cùng nhau chung tay gắng sức nâng cao chất lượng sống, thì đừng để cho những ai mỗi khi dắt xe ra khỏi cửa nhà xuống phố là canh cánh bên lòng nỗi bất an.

      Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn