Đàn ông tuổi 30+

Tổng hợpThứ Sáu, 05/08/2011 09:41:00 +07:00

Người ta đang bàn chuyện đàn ông vào tuổi 30+ là thời kỳ giảm năng nổ cạn vô tư. Hành động thì dè dặt, dù tư duy sâu.

    Người ta đang bàn chuyện đàn ông vào tuổi 30+ là thời kỳ giảm năng nổ cạn vô tư. Hành động thì dè dặt, dù tư duy sâu. Nếu quả là thế thì cuộc sống quả chưa vui!

Thời ông cha ta coi đàn ông 30 tuổi vẫn còn được gọi là “trai” (trẻ):

“Trai ba mươi tuổi đang xoan” (tức đang xuân).

Đang xuân thì có gì phải lo, phải sợ.

Trai 30+, ngôn ngữ hiện đại gọi là 30plus. Ông cha ta gọi “nôm” là “băm”: băm mốt, băm hai, băm ba ...

Thành ngữ nôm có câu: “Nam - Tam thập nhi lập”. Có nghĩa là, đàn ông ở cái tuổi 30 là cái tuổi thường đã lập nghiệp, lập gia đề huề. Cái tuổi đã vững vàng hoặc chớm vững vàng trong cuộc sống, trong cuộc đời. Có thể viên mãn. Các cụ nói thế, vậy mà, ba, bốn mươi năm trước trai ở vào tuổi ấy vẫn bị nằm trong tầm mắt (kiểm soát) của cha mẹ trong từng bước đi. Sợ con vấp ngã trong trường đời. Bởi trường đời là trường đấu mà tuổi “băm” chưa từng trải mà cũng chưa đủ khôn.

Bây giờ không thế. Cha mẹ lo bởi họ là cha mẹ.

Cứ tính theo “dự toán” là thế này: Nếu có đủ thông minh và có đủ tiền cộng may mắn gặp được những người tử tế, thì trai 22 - 23 tuổi học xong đại học, có chuyên môn và xin được việc làm, bắt đầu thực hành kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Nếu thêm có chí và cũng phải có tiền, thì học tiếp một hoặc hai học vị cao hơn: Thạc sĩ, Tiến sĩ, thì việc thăng tiến có cơ hội hơn. Và cũng là lúc bước vào tuổi 30. Ấy là suôn sẻ.

Lý thuyết là thế mà thực tế lại xa vời.

 
   Lứa tuổi dưới 30 đàn ông ngày nay là lứa tuổi đẹp nhất nhiều kỳ vọng nhất. Vô tư sự đời quyết chăm lo học hành cho nên người, mong lập nghiệp nuôi mình và có thể phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng chỉ có 20 phần trăm trong số họ có đủ điều kiện về tài chính nuôi họ ăn học và chỉ chuyên tâm ăn học. Phần còn lại đã sớm biết năng động kiếm tiền, phải bươn chải “bán thời” làm các công việc như phụ việc ở quán ăn, chạy bàn, đi phát tờ rơi, cắt tóc, đánh giày, bán báo dạo, làm gia sư, bán hàng lưu niệm, thậm chí lau quét nhà theo giờ, làm ô-sin … để có tiền thuê nhà trọ, trả tiền học phí, tiền ăn ... Họ coi đó là sung sướng vì đã sớm làm ra tiền từ sức lao động và đôi tay của chính mình mà lại là để đầu tư cho việc học, tuy rằng nhọc nhằn vất vả. Ý chí ấy thôi thúc họ học hành chăm chỉ. Có sức sáng tạo ngay khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Chính những con người ấy, không chỉ ở trong nước, mà ngay cả trên đấu trường quốc tế, các kỳ thi Olimpic về toán, về vật lý, về hóa học họ đã giành giải cao và nhiều hơn cả sinh viên các quốc gia phát triển. Đó là điều kỳ diệu.

Năm Việt Nam lần đầu cử đội học sinh dự thi toán quốc tế đã có ngay thí sinh Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất, đến nỗi, tính theo tỷ lệ thí sinh mỗi nước tham gia và số giải thưởng đoạt được, báo chí nước ngoài đã giật một cái tít chạy ngang trang báo rất oanh liệt, kinh khủng khiếp luôn: “Tám học sinh Nga mới bằng một học sinh Do Thái. Nhưng ba học sinh Do Thái mới bằng một học sinh Việt Nam!”

Năm cuối nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam có cuộc giao lưu với sinh viên. Ông nói “Việt Nam là đất nước lao động trẻ. Tương lai Việt Nam tôi trông chờ ở lực lượng sinh viên đang ngồi trước mặt tôi đây ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.”

Hai năm trước nhân tuần lễ Hữu nghị Việt – Nga, trong buổi tối gặp mặt các cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Trường Đại học Lômônôxốp, ông cựu Hiệu trưởng Trường Đại học này cảm động nói “Tôi tự hào gặp lại các cựu sinh viên có mặt tại đây (Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội) lại có những nhà khoa học, cán bộ cao cấp của nhà nước, có những tổng biên tập của tờ báo lớn và đài truyền hình quốc gia, và lại có cả các vị tướng nữa!”

Chưa phải là tất cả, nhưng nó đánh dấu niềm kiêu hãnh của đàn ông lứa tuổi dưới 30 một thời.

Nền kinh tế thị trường đã tạo cơ hội cho kinh tế phát triển, trong đó có một nhánh quan trọng góp phần làm tăng GDP, là kinh tế các doanh nghiệp cổ phần cùng các doanh nghiệp tư nhân. Và ở khu vực kinh tế này, lực lượng sản xuất đã thu hút được những người tài thuộc lứa tuổi dưới 30 có đất để lao động sáng tạo. Cũng chính ở khu vực kinh tế này, xuất hiện hàng loạt các chủ doanh nghiệp thực sự tài, sáng tạo và táo bạo, ăn nên làm ra, giải quyết việc làm có thu nhập cao cho hàng vạn lao động tạo ra nguồn sản phảm xã hội phong phú và đa dạng. Nhiều danh nhân trở thành “đại gia”. Những kỳ trao giải quốc gia cho những tác giả có ý tưởng sáng tạo, công trình sáng tạo, sản phẩm sáng tạo, như “Giải thưởng Sao Khuê” chẳng hạn, toàn là những gương mặt… tuổi 30+.

Sau một cuộc chinh chiến khẳng định năng lực mình, có thể cũng là lúc ngắm nhìn lại, nghĩ lại một chặng đường đầu khi đàn ông bước sang tuổi 30+. Cũng có thể có người bỗng giật mình lo sợ.

Người đã lập gia thất thì cũng đã có một con, hai con. Họ yêu từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Yêu thì nhiều nhưng chỉ lấy được một người mà cũng phải trải qua cân nhắc. Khi yêu đẹp đẽ bao nhiêu vì lý tưởng hóa, thì bây giờ luôn buồn, vì phải đối mặt với thực tế cuộc sống mà cái gì cũng cần đến… tiền. Thậm chí địa vị xã hội nữa.

Có một người vợ yêu cầu chồng tắt ti-vi khi chồng đang xem bóng đá. “Sao vậy?” “- Em ghét bóng đá. Nó làm em tủi thân. Vì “giá” cái đầu của chồng em lại không bằng “giá” cái chân của chồng kẻ khác!” Thật cay đắng mà cũng buồn cười. “Em ơi! Tiến sĩ bây giờ nhan nhản trên ti-vi. Chứ đôi chân danh thủ khó tìm!”

Lo sợ nữa là đường danh vọng và môi trường làm việc. Mặc dù vẫn biết một phòng chuyên môn mười người chỉ cần một trưởng phòng. Điều đó có nghĩa là chỉ có một người được ngồi kiệu. Số đồng học còn lại phải khiêng kiệu, cầm lọng, đánh trống, vẫy cờ reo… Cái buồn là người ta chọn người ngồi kiệu không xứng cho bõ công khiêng kiệu. Anh ta tâm sự với một bạn đàn ông khác cùng lứa đàn ông 30+. Rằng anh muốn chuyển đổi nơi làm việc bởi môi trường làm việc nơi đây bị kiềm chế không phát huy được tài năng. Người đàn ông này từng trải hơn anh, khuyên: “Đừng! Ở đâu cũng có mùi khó ngửi trong bầu không khí lành. Phải biết chắt gạn không khí lành mà thở!”

Đàn ông không phải ai bước sang tuổi 30+ cũng đã lập gia mặc dù lập nghiệp thành công. Bởi vì quá say mê lập nghiệp nên trái tim mất đi sự nhạy cảm trong tình yêu. Tình yêu thời nay ví dụ nó cần tới ba bốn thứ mà anh lại chỉ có một hoặc hai. Trông đi nhìn lại thoắt cái đã là 30+2, 30+3, 30+4 …Lấy vợ đâu phải lấy đại. Cần có những điều kiện cần và đủ của nó. Ví dụ: Tương quan về lực lượng như kiến thức, tri thức, năng lực tài chính, môn đăng hộ đối. Và chung hòa về tình cảm chẳng hạn. Đắn đo rồi thời gian trôi, thoắt đã 30+5, 30+6. Lòng héo khô. Lấy đại! Cái quyết định lấy đại ấy khiến hôn nhân tồi tệ. Tỷ lệ hôn nhân tan vỡ ngày nay gia tăng là như thế.

Tôi biết một anh lập nghiệp lên tới vị trí Phó Tổng giám đốc ở tuổi 30+12 mà vẫn đơn côi. Tên anh là Chung. Sống tử tế. Phụ nữ cơ quan yêu quý anh mà không thể. Bởi yêu quý mới đặt cho anh một cái tên đáng yêu mang âm ngôn ngữ Hàn Quốc, là Chung Sun Cu.

Đàn ông ở tuổi 30+ cuộc sống hiện đại đồng thời cũng thôi thúc họ ham muốn quyền lực và làm giàu nhanh. Người tử tế thì ham muốn quyền lực và làm giàu bằng con đường chân chính từ tài năng thực. Quyền lực ở đây là sự chinh phục lòng tin của những người cộng sự và dưới quyền có quá trình khâm phục mà vị nể tuân theo. Làm giàu là làm giàu cho doanh nghiệp trong đó có quyền lợi mình được hưởng theo trách nhiệm và theo quy định của pháp luật. Nhưng người không tử tế lại muốn làm giàu nhanh, cực giàu cực nhanh bằng con đường bất chính. Bất tài chuyên môn nên dùng tài chụp dựt lừa đảo thành lập Công ty ma huy động vốn, chiếm dụng vốn từ “tín dụng ngầm”, thông qua các mối “quan hệ đen”. Để rồi sau đó “phắn”. Cứ theo dõi trên mặt báo chí thì ngành nào địa phương nào cũng có loại người không tử tế này. Một tuần hai, ba vụ, ấy là đã bị phát giác.

Con trai tôi làm trưởng phòng một Sở, lương tháng phọt phẹt 5-6 triệu. Cứ ấm ức với bạn của nó làm Tổng Giám đốc một Công ty bất động sản, rằng sao bạn nó lại có thể làm giàu nhanh đến thế. Thời sinh viên ở quê lên còn tá túc nhờ ở nhà tôi. Giờ, xe hơi hạng sang hai, ba chiếc. Ở biệt thự triệu đô. Ngày cuối tuần đưa vợ con đến Big C, Metro mua thực phẩm và hàng gia dụng thanh thản nhẹ nhàng. Đi du lịch nước ngoài mỗi tháng. Ông trời thật không công bằng. Rồi một hôm hai tháng trước, con trai tôi tới nhà nhờ đón con nó và nói với tôi “Bị bắt rồi!”. “Ai?”. “Bạn con”. Và đưa tôi xem một tờ nhật báo có đăng tin bạn nó bị bắt vì tội lừa đảo chiếm dụng tới 50 tỷ đồng của người mua nhà. “Ông trời công bằng đấy chứ?” – Tôi nói. Con trai tôi lặng im. Nó thương bạn hơn là căm giận.

Theo một điều tra xã hội công bố trên một tờ báo tháng trước, rằng thu nhập chênh lệch giữa người giàu và người nghèo hiện nay lên tới 131 lần. Có lẽ đấy là cách tính trung bình. Cá biệt gấp nhiều lần hơn thế. Tuần trước có một bài báo rút một cái tít rất đặc trưng của sự giàu mới nổi “Giẫm gai cũng đi Singapore chữa bệnh”.

Đàn ông tuổi 30+ mới đi chưa hết đoạn đầu đường đời. Sóng gió gặp phải nếu có cũng chỉ là sóng gió đầu mùa. Mới là thời kỳ đầu trải nghiệm  đường đời dài. Sao đã lo âu và nóng lòng sớm thế. Chặng đường phía trước mới là chặng đường chính đầy chông gai và nhiều thử thách. Và chặng đường này mới là thời kỳ để mỗi đàn ông khẳng định tài năng mình một cách bền vững trước xã hội và trong cộng đồng. Vấp ngã đau nếu có cũng là ở chặng đường này. Vấp ngã cũng chỉ có ý nghĩa một bài học dạy khôn để đàn ông lớn lên khôn hơn. Gọi là từng trải. Bởi vậy mới có thành ngữ “Gừng càng già càng cay”.

Tôi đã vượt qua cái tuổi 30+ ấy một cách đẹp đẽ như bao người khác cùng thời. Không lo sợ mà cũng chẳng đam mê quyền lực. Bởi thời đó là thời chiến. Trước mắt chúng tôi chỉ có câu hỏi “Tổ quốc hay là chết?” mà không vẩn chút riêng tư. Thời đầu hòa bình cũng thế, chia nhau công việc và chia nhau đồng lương tối thiểu để không ai giàu sang và không ai đứt bữa. Công bằng xã hội làm mọi người thương yêu nhau. Mà hồi đó là thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh nên ngân sách nhà nước chưa là chiếc bánh ga-tô to đùng để cán bộ tham moi khoét. Không ai mong đất nước ngày nay lại nghèo khó như mấy chục năm ấy. Giàu mạnh lên là điều rất vui rất mừng. Nhưng công bằng xã hội thì không thể để như bây giờ.

Đâu chỉ có lứa tuổi 30+ mới là thời đoạn đàn ông rơi vào trạng thái lo âu và ham muốn lớn. Ở cái mốc 20, 40, 50, 60… cũng có lo âu và ham muốn, nhất là mỗi năm lại thêm một dấu “+”. Lo âu là lo âu ta chưa làm được nhiều việc có ích. Thời gian trôi đi nhanh quá mà ta chưa làm được việc gì đáng nhớ để đời. Nhưng hãy lo sợ về sức khỏe. Và hãy ham muốn được làm việc theo khả năng mình.

Nhà văn Tô Hoài, một tác giả nhiều người biết tới, lại vừa được Nhà xuất bản Trẻ in cho ông một tập truyện ngắn. Mà hai năm trước ông bệnh “thập tử nhất sinh” phải thở máy tưởng không qua khỏi. Trong lời giới thiệu tại buổi ra mắt tập sách, người viết nói rằng nhà văn Tô Hoài đang viết tiếp về Hà Nội như đã từng viết về Hà Nội, vì Hà Nội là mảnh đất quen nếu như trời cho sức khỏe. Ông tiếp tục đam mê làm một lực điền cày trên cánh đồng văn chương, dù đã bước vào lứa tuổi… 80+.

Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn