Màn hình và đôi mắt trẻ thơ

Tổng hợpThứ Tư, 23/03/2011 01:57:00 +07:00

Chiếc màn hình tivi giúp "đem cả thế giới vào trong ngôi nhà của bạn" là một trong những khởi đầu của thành tựu trí tuệ mà loài người đạt được...

Chiếc màn hình tivi giúp "đem cả thế giới vào trong ngôi nhà của bạn" là một trong những khởi đầu của thành tựu trí tuệ mà loài người đạt được trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là cách mạng thông tin. Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống để rồi từ mạng lưới trí tuệ phôi thai đó mà hình thành một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh. Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trên trái đất.

Nhưng cũng từ sự "kỳ lạ" ấy mà bao nhiêu vấn đề đặt ra trước chiếc màn hình tivi đó. Chiếc màn hình chiếm một vị trí khiêm tốn hay trang trọng trong ngôi nhà tùy theo gia cảnh của chủ nhân, nhưng điều có thể khẳng định là khi chiếc màn hình ấy "đem cả thế giới vào trong ngôi nhà của bạn" thì nó đã gắn kết những người trong ngôi nhà ấy với thế giới mà họ đang sống. Và đó chính là một minh chứng sống động về sự hiện diện rất trực tiếp và rất cụ thể thành tựu của nền văn minh đã tác động đến cuộc sống của từng người.

 

Cũng phải nói thêm là, với sự nỗ lực không mệt mỏi của những người làm truyền hình với những cải tiến thường xuyên và trong những chừng mức nhất định cho dù với chiếc "mũ kim cô" lúc cởi ra, lúc thít chặt, đã nhọc nhằn và say mê chuyển tải đến cho người xem những món ăn tinh thần bổ ích. Những phóng sự kịp thời kịp thời hiện diện trước mắt công chúng thực sự là những lời cảnh báo nghiêm khắc mang tính phản biện mạnh mẽ nhằm loại trừ cái sai, cái xấu, cái ác và cổ vũ cho cái đúng, cái đẹp, cái thiện trong xã hội, tiếp sức cho những nhân tố tích cực trong đời sống tinh thần xã hội.

Chính những cố gắng đó là cách làm cho tờ báo hình thực hiện một cách ngoan cường đòi hỏi của Bác Hồ : "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Làm được như vậy chính là phấn đấu thực hiên sứ mệnh cao cả của tờ báo hình "sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ" như khát vọng của C.Mác! Làm được đến đâu còn là một câu hỏi và một ước vọng, tuy nhiên trân trọng những gì đã làm được là thái độ cần phải có để thúc đẩy những nhân tố tích cực đẩy lùi những tiêu cực đang đầu độc môi trường xã hội, cái này còn nguy hiểm hơn chất thải đang đầu độc những dòng sông!

Đấy là chuyện lớn. Mà chuyện lớn thì làm sao nói hết được trong một bài báo. Vì vậy, tạm dừng chuyện lớn để chỉ nói một chuyện nhỏ, chuyện chiếc màn hình ấy trước đôi mắt trẻ thơ! Ấy thế mà chuyện "nhỏ như con thỏ" này có khi lại không nhỏ tí nào nếu làm một con số thống kê, xem thử có bao nhiêu đôi mắt trẻ thơ ngày ngày dán chặt vào chiếc màn hình, thành tựu của nền văn minh, đang "đem cả thế giới vào trong ngôi nhà của bạn"

Chưa có thống kê, xin nhắc lại một lời ru ngọt ngào: "Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha". Song bé lớn lên không phải chỉ "nghe" những lời mẹ cha, mà còn "lắng tai nghe lấy" biết bao người khác, chuyện khác nữa. Và không chỉ có nghe, mà còn nhìn, còn làm theo. Mà làm theo biết bao điều vượt khỏi những lời mẹ cha khi chúng dán mắt vào chiếc màn hình ti vi đang "đem cả thế giới vào trong ngôi nhà" chúng đang sống. Hơn nữa, theo Piaget, nhà tâm lý học bậc thầy: "người khác là đối tượng cảm nhận vào bậc nhất... một đối tượng mà quan hệ qua lại với em bé vừa mang tính cảm giác nhận thức vừa tính cảm xúc, tình cảm" .

Hãy chỉ nói đến những "người khác" ấy, và tác động của họ đến sự "nên người" của bé qua cái công cụ chuyển tải trực tiếp những tác động ấy đến với bé, chiếc màn hình tivi! Nếu thử soát xét thật kỹ, bên cạnh những tác dụng không phải bàn cãi với thành tựu kỳ diệu của nền văn minh đã gợi ra ở trên, còn có bao nhiêu những hình ảnh, lời nói, âm thanh gieo vào tâm hồn trẻ thơ những rác rưởi, độc hại?

Đừng quên là, trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, phần rất lớn trẻ em và ông, bà, cha mẹ, anh chị đều cùng chung một màn hình. Khoan nói về thị hiếu riêng của mỗi thành viên trong gia đình với những chọn lựa các tiết mục mà chiếc màn hình trưng ra. Hãy tạm dừng lại ở những trương mục quảng cáo mà bất cứ trương mục nào [trừ tin thời sự] cũng buộc phải có, mà xem ra đó là một trong những "điều kiện sống còn" của chiếc màn hình ấy để nó có thể thực hiện sứ mệnh cao cả vừa nói kia!

 

Tạm gác lại những trương mục quảng cáo có khả năng làm tê liệt "giây thần kinh xấu hổ" của con người mà đôi lúc vẫn khơi khơi diễn ra trên màn hình để rồi đã bị thổi còi. Hãy chỉ điểm lại vài trương mục tiếp thị và mời chào bánh kẹo mà đối tượng là các cháu bé. Ở đây là thói tham ăn, tục uống được dẫn giải như là sự sảng khoái số một ở đời, và "ăn thêm lại càng ngon nhé". Thật là một khuyến cáo giật gân đối với đầu óc tuổi thơ!

Nhưng, không chỉ có thế, còn những ảnh hưởng bạo liệt hơn và cũng đáng sợ hơn, đó là khi cũng chiếc màn hình ấy chuyển tải những giá trị phải "mua ngay kẻo hết". Trong đó là những gào rú kích động của sự cầu may trúng thưởng, phút chốc có bạc triệu mà không cần học hành hay lao động cần cù, siêng năng nặng nhọc gì; là sự chào mời tình cảm thật mùi mẫn rẻ tiền nhờ những hóa mỹ phẩm. Đôi mắt trẻ thơ lại phải dõi theo những hình ảnh và lời thoại ỡm ờ để quảng cáo cho các loại thuốc bổ thận tráng dương rồi hỏi lại khiến người lớn lúng túng đỏ mặt tránh câu trả lời vì sao "một người khỏe, hai người vui" kèm theo cái cười thô lậu! Ở đây "cái nết" xin ngả nón trước cái đẹp có thể mua được và chào bán khá dễ dàng, trâng tráo, lộ liễu… Còn có thể kể dài dài ra nữa.

Các cháu rồi sẽ còn bị đầu độc bởi cái thứ "văn hóa" quảng cáo dài dài này mà e rằng khó bề ngăn chặn vì nó được bảo kê bằng sức nặng của số tiền dành cho mỗi giây lên hình được hiện diện trước mắt người xem truyền hình không phân biệt nam, phụ, lão, ấu! Sẽ giật mình nếu nhớ lại khuyến cáo của nhà văn hóa đáng kính Nguyễn Khắc Viện : "có thể nói sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi" sẽ khó mà đo đếm về tác động của chiếc màn hình đối với tính tình trẻ thơ.

Sẽ càng khó nghĩ hơn với lời khuyên của nhà văn hóa đáng kính: "Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ". Chúng ta đã làm gì để các cháu có thể "sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của chúng", để chúng có thể hình thành được những tính cách, mà rồi giáo dục sẽ khó mà biến đổi khi mà hàng ngày chiếc màn hình "đem cả thế giới vào ngôi nhà" của bé.

Đương nhiên, đây không thể chỉ là câu hỏi đặt ra cho "chiếc màn hình", cho người thổi hồn vào nó mà là cho cả những ai có trách nhiệm vun đắp nền văn hóa dân tộc đang có những biểu hiện xuống cấp đáng quan ngại.

Mà đáng quan ngại vì văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hóa được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và tưởng như vô thức. Ở độ sâu này, có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hóa điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Chính sự tiềm ẩn và tưởng như là vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc, làm nên bản lĩnh và cốt cách, tạo dựng nên sức mạnh của dân tộc. Cũng vì vậy vun đắp văn hóa không thể làm theo cách ăn xổi ở thì kiểu "mì ăn liền". Văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu. Để vun đắp văn hóa phải biết "thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó" như lời bàn của Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ thế kỷ XVIII.

Bởi vậy, cứ tưởng như liếc màn hình tivi giỏi lắm cũng chỉ phản chiếu cái bề mặt của cuộc sống, song ngẫm cho kỹ, chính từ bề mặt đó mà chiều sâu của văn hóa sẽ hiện dần lên trong đời sống tinh thần của con người, mà ở đây lại là tâm hồn của trẻ thơ. Ở đó là một tờ giấy trắng mà những nét bút thanh tao, tinh tế hay thô lậu, sẽ viết lên những hình ảnh, những biểu tượng của cái thiện hay là cái ác, cái đúng hay là cái sai, cái đẹp hay cái xấu để hình thành tính cách con người.

Chiếc màn hình bé nhỏ diệu kỳ kia, một biểu hiện của thành tựu văn minh của thời hiện đại vì vậy mà phải biết cách phát huy tác động của mình một cách có trách nhiệm đến đôi mắt trẻ thơ. Vì đó là tương lai của dân tộc và là nơi để chúng ta gửi gắm niềm tin khi mà khó gửi gắm ở đâu khác. Nói đến chiếc màn hình cũng chính là để chân tình nhắn gửi những người làm truyền hình hãy quý trọng đôi mắt của tuổi thơ, để do đó mà cẩn trọng góp phần định hình nhân cách của cả một thế hệ.

Muốn thế, phải học ông cha mình để biết "thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó" với những công cụ hiện đại, thành tựu của khoa học và công nghệ thế kỷ XXI.

Tương lai

Bình luận
vtcnews.vn