Phóng viên còn thua nghề rửa bát?

Tổng hợpThứ Năm, 13/06/2013 04:14:00 +07:00

Phóng viên là những người được đón tiếp nồng nhiệt, được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ các nguyên thủ thế giới, dự tiệc cùng các ngôi sao...

   Phóng viên là những người được đón tiếp nồng nhiệt, được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ các nguyên thủ thế giới, dự tiệc cùng các ngôi sao, gặp những người anh hùng và nhận được kha khá thù lao cho các công việc đó. Vậy thì làm sao nghề tính toán, thống kê tẻ nhạt lại có thể hơn nghề phóng viên được?

 

 

Nghề thú vị: cứ làm đi

Trong khi trở thành phóng viên là mơ ước của không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ thì theo bảng xếp hạng nghề nghiệp được đánh giá hàng năm của trang web tuyển dụng CareerCast tại Mỹ, phóng viên báo in đứng hạng chót. Trên cơ sở số liệu từ Cục Thống kê lao động, Cục Ðiều tra dân số, Hiệp hội Nghiên cứu thương mại và nhiều cơ quan khác của Mỹ, CareerCast đã tiến hành phân tích 200 công việc khác nhau dựa trên năm tiêu chí gồm: thu nhập, áp lực công việc, môi trường làm việc, yêu cầu thể chất và triển vọng phát triển. Kết quả là nghề phóng viên báo in còn thua nghề bồi bàn, rửa bát và thậm chí, nông dân, người nhặt rác hay thợ đốn gỗ còn đứng ở thứ hạng cao hơn phóng viên.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên nghề phóng viên lọt vào danh sách những công việc tệ nhất mà trong vòng 5 năm qua, nó đã liên tục rơi vào “top nguy hiểm.” Chỉ có điều, chưa năm nào tương lai của một công việc vốn được cho là đáng mơ ước lại trở nên tăm tối như năm nay. Làm một phép so sánh đơn giản chúng ta có thể thấy rõ điều này. Năm 1988, khi trang CareerCast lần đầu tiên đánh giá những công việc tốt nhất và tệ nhất ở Mỹ, nghề phóng viên báo in đứng thứ 126. Năm 2012, nó tụt xuống vị trí 196 và năm nay thì chính thức đứng bét bảng. Năm 2013, chuyên viên thống kê đã vượt qua kỹ sư phần mềm để trở thành công việc tốt nhất với mức lương trung bình khoảng 87.650 USD/năm. Trong khi đó một phóng viên báo in ở Mỹ với thâm niên 6 năm làm phóng viên theo mảng pháp luật như chị Rochelle Gilken chỉ nhận được khoảng 36.000 USD/năm.

“Có một điều trớ trêu là trong khi tiền nhuận bút chỉ ở mức quá bình thường thì áp lực công việc lại tỉ lệ nghịch với nhuận bút. Tôi có hai đứa con và nói thật là tôi không thể cân bằng giữa việc nhà và việc cơ quan. Vì thế lúc nào tôi cũng cảm thấy phải gồng mình hết sức.”

Ngoài chuyện thu nhập thấp và áp lực cao trong công việc, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến chị Gilken quyết định đổi nghề.

“Tôi từng mơ ước được làm việc cho một tờ báo lớn với vị trí cao hơn nhưng thực tế cơ hội để leo lên bậc thang danh vọng đã biến mất khi các báo in liên tục cắt giảm chi phí và nhân sự vì kinh tế khó khăn. Tôi muốn đi nhiều nơi để viết về những vấn đề hấp dẫn nhưng tiền đi công tác không có nên đành chịu.”

Theo CareerCast, áp lực cao trong công việc, hạn nộp bài chặt chẽ, thu nhập thấp và yêu cầu làm việc trong mọi điều kiện để có được tin bài, triển vọng nghề nghiệp kém và sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số là những nguyên nhân chính dẫn đến vị trí ngày càng “khiêm tốn” của nghề phóng viên báo in. Nhờ sự phát triển của công nghệ, giờ đây hầu như ai cũng có thể truy cập vào các trang tin trực tuyến để đọc báo ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên sự tiện lợi ấy lại là mối đe dọa lớn nhất đến sự tồn vong của các loại báo in truyền thống. Theo dự đoán của Cục thống kê lao động Mỹ, đến năm 2020, số lượng phóng viên có thể giảm 6% và thu nhập trung bình cũng có chiều hướng ngày càng giảm xuống.

Với những người làm nghề phóng viên ảnh, tương lai cũng không khả quan hơn là mấy khi công việc này chỉ đứng ở vị trí 188. Tuy nhiên theo ý kiến của một nữ phóng viên ảnh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Anh, nghề phóng viên không tệ như người ta đánh giá.

“Những người thực hiện khảo sát này chẳng hiểu gì cả. Cá nhân tôi cho rằng lẽ ra thứ tự phải ngược lại mới đúng. Phóng viên là những người được đón tiếp nồng nhiệt, được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ các nguyên thủ thế giới, dự tiệc cùng các ngôi sao, gặp những người anh hùng và nhận được kha khá thù lao cho các công việc đó. Vậy thì làm sao nghề tính toán, thống kê tẻ nhạt lại có thể hơn nghề phóng viên được?”, phóng viên Susie Boniface chia sẻ.

Thoạt nghe những lý lẽ kể trên có vẻ rất hấp dẫn song chính bản thân phóng viên Susie cũng phải thừa nhận công việc của bà không phải chỉ toàn ánh hào quang.

“Ðúng là công việc của chúng tôi không chỉ toàn ánh nắng và hoa hồng. Có nhiều lúc các phóng viên không có quyền thể hiện hết mọi quan điểm cá nhân và nếu chẳng may bị hành hung trong quá trình tác nghiệp thì cảnh sát cũng khó có thể hỗ trợ kịp thời. Ðó là chưa kể chúng tôi phải đeo bám nhiều vấn đề mà mọi người thường tránh xa như thâm nhập vào thế giới của những ổ tội phạm.”

Bà Susie cũng cho rằng lý do khiến các phóng viên báo in bị đánh giá thấp nhất có lẽ là do họ than vãn quá nhiều. “Tôi nghĩ rằng CareerCast đã đánh giá các công việc bằng cách hỏi mọi người rằng liệu họ có thích việc mình đang làm hay không. Mà phóng viên, đó thường là những người hay nhìn vào mặt trái của mọi thứ và đôi khi hay trầm trọng hóa vấn đề, từ đó dễ nảy sinh cảm giác chán nản. Ðó chính là lý do tại sao họ luôn nói rằng nghề này khó có triển vọng phát triển. Mặc dù vậy lời khuyên của tôi dành cho bất cứ ai muốn làm phóng viên là đây là nghề mang lại cho bạn rất nhiều điều thú vị. Cứ Làm Ði.”

 

 

ch đánh giá tùy ý, không khách quan của CareerCast

Dù việc đánh giá, xếp loại công việc được trang CareerCast tiến hành thường niên và năm nay cũng đã là lần thứ 25 song trước kết luận “phóng viên là nghề tệ nhất năm”, không ít “người trong cuộc” đã lên tiếng phản đối. Giáo sư Paul Knox đến từ khoa báo trường đại học Ryerson ở Mỹ cho rằng để hiểu rõ vì sao nghề phóng viên bị xếp sau nghề nhặt rác và nghề đánh máy thuê, chúng ta phải nhìn lại những tiêu chí và cách CareerCast chấm điểm. Theo trang web này, việc “gặp gỡ mọi người” và “tần suất đi lại” cũng được coi là những yếu tố gây ra căng thẳng trong khi đây lại là 2 tính chất cơ bản của nghề phóng viên. Còn về vấn đề đáp ứng thời hạn, CareerCast đánh giá một cách rất “buồn cười” rằng “nghề phóng viên phải làm việc theo thời hạn hàng ngày nên nhận được số điểm đánh giá cao nhất là 9 (điểm càng cao càng bất lợi) còn các nhà sinh học hiếm khi phải làm việc theo deadline nên nhận điểm 0.

Với CareerCast, một công việc lý tưởng phải là việc được trả lương cao, không nguy hiểm và phải đoán trước được. Và tất nhiên một công việc cứ lặp đi lặp lại theo một chu trình nhất định luôn được đánh giá cao hơn công việc đòi hỏi phải có kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo. Với kiểu xếp hạng này, rõ ràng nghề phóng viên hoàn toàn bị rơi vào tình thế bất lợi. Tuy nhiên ngay cả khi các phóng viên chấp nhận cách đánh giá tùy ý và không khách quan này thì phương pháp tính của CareerCast vẫn có nhiều chỗ khó hiểu, đặc biệt là nguồn số liệu. CareerCast đã dùng dữ liệu của Cơ quan quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ để tính toán mức độ áp lực và môi trường làm việc còn các số liệu về việc làm và tiền lương lại do cơ quan quản lý lao động và điều tra dân số cung cấp. Các khảo sát về những khoản thu nhập ngoài lương cũng được đưa vào sử dụng. Một điều đáng nói nữa là những người khảo sát không hỏi cảm nhận của mọi người về công việc của họ và mọi dấu hiệu bất ổn về tương lai đều bị đánh giá một cách tiêu cực cho dù trên thực tế những thành tựu khoa học công nghệ có thể nâng cao chất lượng của một số công việc. Bên cạnh đó, định nghĩa về các công việc cũng rất cẩu thả. Trong khi định nghĩa về phóng viên báo chí là người ghi nhận, phản ánh thông tin cho các tạp chí và cả đài truyền hình thì CareerCast lại cho rằng đó là người “tuyên truyền cho các sự kiện đáng đưa tin cho một công ty kinh doanh báo in” mà thôi chứ không tính phóng viên báo mạng. Ðiều này trái với thực tế rằng có rất ít phóng viên báo chí thuần túy và cũng chỉ có vài doanh nghiệp chỉ có một sản phẩm duy nhất là báo in. 

Lý lẽ cuối cùng mà các nhà báo đưa ra để bảo vệ cho công việc của mình là nếu phóng viên là công việc tệ như vậy thì tại sao vẫn có nhiều người lao vào tìm việc này đến thế. Giáo sư Sree Sreenivasan đến từ trường Ðại học Columbia Mỹ cho biết, cách đây không lâu trường ông đã tổ chức một hội chợ nghề nghiệp cho những nhà báo tương lai với sự tham dự của hàng nghìn ứng viên, 135 công ty và 200 nhà tuyển dụng. Và tất nhiên, dưới con mắt của một người làm nghề lâu năm như ông, vấn đề không nằm ở chỗ công việc nào tốt hơn, công việc nào kém hơn mà điều quan trọng nhất là tìm được công việc mang lại cho con người ta cảm giác mãn nguyện.

   Lan Anh

Bình luận
vtcnews.vn