Câu chuyện từ những con số 0

Tổng hợpThứ Hai, 15/07/2013 10:45:00 +07:00

Nếu như họ chỉ ngồi và vẽ nên con đường, rồi nhìn thấy những khó khăn trước mắt mà chùn bước thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ...

Nếu như họ chỉ ngồi và vẽ nên con đường, rồi nhìn thấy những khó khăn trước mắt mà chùn bước thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ...

Gian nan những ngày “khai hoang, vỡ đất”
BTV Huyền Trang vẫn nhớ mãi những ngày đầu tiên ấy, khi biết tin có chương trình mới “NetViet Stories”, phát sóng 15 phút hằng ngày được chuyển vào sản xuất hoàn toàn trong phòng Sản xuất phía Nam. Một chương trình talk show chia sẻ những câu chuyện thường ngày về Văn hóa - Xã hội từ những khách mời, qua đó mang đến những thông điệp ý nghĩa và có tác động tích cực đến xã hội

 

Cả văn phòng phía Nam phấn chấn, háo hức nhưng cũng không khỏi lo lắng, áp lực. Bởi phía sau cột mốc này là một chặng đường dài đầy khó khăn phía trước. Khi đó văn phòng miền Nam vừa trải qua 2 lần “chuyển nhà”  và đang trong thời kì thiếu nhân sự trầm trọng. Khối lượng công việc của văn phòng lúc này đã khá nặng: 4 chương trình chuyên đề (Ấn Tượng Việt Nam, Một ngày làm người Việt, Người việt bốn phương, Chơi chợ) và 3 chương trình khối Thời sự (Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững, Việt Nam ngày nay, Open Việt Nam) cùng 3 bản tin Tài chính, Bất động sản và Bản tin Xuất nhập khẩu. Trong khi nhân sự cơ quan chỉ có 6 Biên tập viên chính, còn lại chủ yếu là cộng tác viên và nhân sự thử việc. 
Số lượng chương trình nhiều nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn 3 quay phim, 4 máy quay và 1 chiếc míc xăng - phin. Chỉ cần 1 ngày có 2 chuyên đề và thêm 1 lịch quay thời sự nữa là hết máy. Vấn đề này khiến Huyền Trang và ê-kip “NetViet Stories” rất đau đầu vì quay talk luôn phải có hai máy quay mới đủ. Có người gợi ý cho Trang thuê thêm máy quay nhưng sau khi họp bàn cả ê-kip để tính toán, Trang quyết định vẫn dùng những thiết bị “nhà trồng được” để tiết kiệm chi phí, đổi lại, nhóm sẽ phải đi quay 1- 2 ngày trong tuần và mỗi lần quay như thế phải hoàn thành ít nhất 5 số. 
Coi như đã xong vấn đề máy quay, nhưng vẫn còn một câu hỏi to đùng trong đầu cả nhóm: Quay ở đâu?... “Nếu như ở văn phòng miền Bắc, khách mời có thể đến trường quay của kênh để ghi hình với hệ thống âm thanh tốt, ánh sáng đầy đủ, ít nhất 3 máy quay hiện đại, thậm chí cả các thiết bị hỗ trợ như dolly và đạo diễn ngồi bấm hình thì ở văn phòng miền Nam, chúng tôi chưa hề có những thứ đó”- Huyền Trang chia sẻ. Cuối cùng, mọi người quyết định thuê trường quay nhưng sau mấy ngày trời chạy long sòng sọc khắp Sài Gòn, nhóm vẫn không tìm được trường quay nào phù hợp. Đa số trường quay ở Sài Gòn đều lớn, giá thuê rất cao mà chỉ có một phòng trống với các loại rèm và đèn chứ không có bàn dựng. Ai mang bàn ghế đến? Ai sắp xếp hậu cảnh? Chẳng lẽ 360 số/ 1 năm lại cứ dùng đi dùng lại mấy bộ bàn ghế cũ?...

 
 
Cuối cùng, một giải pháp nữa được đưa ra, đó chính là những quán cà phê đẹp ở Sài Gòn. Tiêu chí là một quán nằm trong ngõ, không gian yên tĩnh, cách âm tốt, khách không quá đông và đặc biệt chủ quán phải… dễ tính. Cả nhóm chia nhau lao vào công cuộc… lang thang cà phê. Cả đời BTV Huyền Trang chưa bao giờ vào quán gọi một cốc cà phê, thế mà giờ đây cứ đều đặn ngày 4-5 lần như dân nghiền cà phê thứ thiệt.  “Người ngoài nhìn vào cứ tưởng chúng tôi rảnh rỗi, thư thái nhưng thực ra trong đầu mọi người đang suy nghĩ khủng khiếp lắm. Gọi cốc cà phê ra, uống thì ít mà phần lớn dành thời gian đảo mắt săm soi từ mỗi cái góc quán cho đến ông chủ tiệm…”- Huyền Trang cười nhớ lại. Sau đợt “ra quân” rầm rộ đó, nhóm cũng kiếm được một vài địa chỉ tạm ưng ý. 
Một ngày nọ, Tổng giám đốc Phan Chí Thanh trực tiếp công du miền Nam.  Huyền Trang cùng với ê-kip đưa ra một bản tính toán về phương án sản xuất và chi phí sản xuất cho “NetViet Stories”. “Thú thật là nó cũng khá mơ hồ, cả văn phòng im lặng khi nghe tôi trình bày và chính anh Thanh đã nói rằng anh chỉ lo các em không thể làm được vì để mời nhiều khách mời đến quay cùng một ngày là rất khó. Chính câu nói của anh đã kích thích sự quyết tâm trong tôi và tôi tự nhủ phải làm bằng được”- Huyền Trang tâm sự. 

Chuyến đi “3 không”, BTV hóa… quay phim
Đó chính là chuyến đi quay “mở hàng” đầu tiên theo đúng phương án sản xuất mà Huyền Trang đã đưa ra. Trang gọi đó là chuyến đi “3 không”: “Không tiền, không quay phim, không trường quay”. 
Hôm đó, dốc hết tiền tiết kiệm, Trang chạy đôn đáo để thuê được cái lầu 2 của một studio nho nhỏ theo kiểu tự chế. Ở đây từng ghi hình khá nhiều chương trình talk show của các đài bạn. Nhìn qua các chương trình ấy, Trang rất ưng ý, thậm chí còn nhắm trước bộ bàn ghế màu đỏ sẽ dành cho cô hoa hậu, màu ghi sẽ dành cho ông đạo diễn, cái ghế cao cho nhà tạo mẫu tóc, lọ hoa sẽ đặt ở kệ tường…

 

Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi ghi hình ngày hôm sau, ngay buổi tối hôm trước, Trang đã đến studio để sắp xếp lại mọi thứ. Khi cánh cửa phòng mở ra, Trang há hốc mồm đứng ngớ người một lúc. Căn phòng trống trơn, chả có gì ngoài tấm rèm cửa và cái thảm cũ mèm. Hóa ra, những bộ bàn ghế kia là của một công ty tài trợ, họ mang đến quay xong rồi lại mang về. Vậy là không trường quay trường học gì nữa. Bài học cho việc không hỏi han cẩn thận quá thấm thía!
Đen đủi hơn nữa, ngay lúc ấy, Trang nhận được tin ngày mai phải nhường lịch cho một chương trình thời sự và một chuyên đề đi sản xuất ngoại tỉnh.  Nghĩa là “NetViet Stories” sẽ chỉ có 1 quay phim với 2 cái máy quay và 2 cục pin. Trong khi, dự định của Trang là phải “chiến” được 5 số trong “trận mở màn” này. 
Khách mời đã hẹn, trường quay thì không có, quay phim lại thiếu. Tưởng như tất cả những khó khăn đều rủ nhau ào đến ngay trong lần quay đầu tiên ấy. 9h tối, bụng đối cồn cào, cộng với tâm lý “gian nan bắt đầu nản”, Huyền Trang đã nghĩ tới việc hủy lịch. Nhưng câu hỏi “Nếu bước đầu tiên đã lùi thì các bước sau liệu có qua nổi?” cứ loanh quanh trong đầu. Cuối cùng, Trang rút điện thoại cầu cứu bạn bè hỗ trợ. Đúng 11h đêm, cô nhận được tin nhắn: “Mai quay nhé, có địa điểm rồi!...”. Trút hơi thở dài, Trang mới yên tâm nhắm mắt đi ngủ.  
Ngày hôm sau, cô cùng quay phim Phan Hanh xách 2 chiếc máy quay cùng một đống đèn ra hiện trường. Đó là một salon tóc với kiến trúc và bài trí khá đẹp mắt. Sắp đặt bối cảnh xong, Phan Hanh để 2 máy quay ở hai phía và phân công công việc: Trang sẽ đứng máy bắt hình MC, còn Hanh đứng máy quay nhân vật. Nhiệm vụ của Trang là nghe tiếng và kiểm soát hình sao cho nhân vật không bị rơi ra khỏi bố cục mà Phan Hanh đã đặt sẵn. Khổ nỗi, đứng được một lúc thì “máu nghề” nổi lên khiến Trang không cầm lòng được. Từng học qua một khóa quay phim khi còn ở trường Sân khấu – Điện Ảnh nên khi được “đứng máy” như thế này, Trang vô cùng phấn chấn, hết zoom ra zoom vào rồi quay cận lại quay trung… Đứng ở “chiến tuyến” bên kia, Phan Hanh “lạnh xương sống” lo sợ khi thấy Huyền Trang cứ lắc máy loạn xị ngậu. Hết lượt quay đầu tiên, Hanh lật đật chạy sang kiểm tra từng hình quay. Cũng may, Trang vẫn lấy đủ hình MC và nhìn chung không đến nỗi… phá hoại lắm!... 
Cứ như thế, sau hơn 6 tiếng đồng hồ, quay phim chính Phan Hanh và “quay phim phụ” Huyền Trang đã trở về kênh với thành quả là 5 chương trình được ghi hình thành công. Hai anh em cầm tay nhau nhảy tâng tâng, vừa cười vừa khóc. 
Sau đó là những chuỗi ngày sản xuất nối tiếp nhau. Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, mọi người lại thấy Huyền Trang tay cầm một cái mũ đi quanh văn phòng với một câu nói quen thuộc: “Ai có tiền cho tớ vay mai đi quay nào?”.  Và cứ thế, mỗi người cho mượn một ít, người thì 1-2 triệu, người mấy trăm nghìn để ngày mai ê-kip “NetViet Stories” hoàn thành tốt ngày quay của mình. Kế toán thấy vậy cũng thương lắm, nhưng nguyên tắc vẫn là nguyên tắc. Bản thân Trang cũng luôn tự nhủ với mình và động viên mọi người trong nhóm hãy vững tin làm tốt công việc của mình để bước qua những ngày đầu khó khăn này đã, khi chương trình đã vào guồng thì chi phí sản xuất sẽ không phải là vấn đề nữa. 

 

 
“Chúng tôi là một đội tuyệt vời!”
Đó là niềm tự hào và cũng là điểm tựa vững chắc cho Huyền Trang cũng như cho tất cả mọi người trong ê-kip sản xuất “NetViet Stories”. Thời gian đó, hầu như cả nhóm “ăn ngủ” cùng chương trình. Có những cuộc gọi lúc nửa đêm chỉ để chia sẻ một ý tưởng nhỏ, hay những buổi chiều đói meo ngồi tranh luận với nhau về một chương trình. 
Nếu có ai đó nhìn thấy cánh quay phim ở văn phòng phía Nam của NetViet VTC10 miệt mài bê vác bàn ghế, quét mạng nhện, nhặt rác hay lau nhà thì cũng đừng vội ngạc nhiên. Bởi đấy là những công việc đã quá quen thuộc với họ. Quay phim ít mà nhiều khi lịch sản xuất lại dày đặc nên để kịp ghi hình đúng giờ, họ vui vẻ gặm bánh mì ngay trên xe. 
Kỹ thuật hậu kỳ có lẽ là những người… kỹ tính nhất. Mỗi một chương trình biên tập mang về, họ đều chịu khó nghe đi nghe lại cả câu chuyện, tìm thêm thông tin để hiểu về nhân vật và tìm tòi, thử nghiệm những kĩ thuật dựng phù hợp nhất. 
Ngoài Huyền Trang, trực tiếp sản xuất “NetViet Stories” còn có Quỳnh Trang, Danh Nhân và Chí An. Mỗi người một phong cách, đã mang đến cho chương trình những mảng màu sắc phong phú. Nếu như Quỳnh Trang luôn điềm đạm, nhẹ nhàng và khiến cả nhóm yên tâm về việc đảm bảo tiến độ chương trình thì Danh Nhân và Chí An lại là những “chiến binh” thực thụ. Hai anh chàng này có thể xông pha vào rất nhiều lĩnh vực với tinh thần chiến đấu và tinh thần đồng đội cao. MC Ngọc Vy, mặc dù là phận “liễu yếu đào tơ” nhưng luôn hừng hực khí thế cống hiến. Cô nàng luôn giục biên tập gửi kịch bản sớm để nghiên cứu đề tài, nhân vật và sẵn sàng nhịn ăn cả ngày để đuổi kịp tiến độ chương trình…
Từ khi làm việc cùng nhau, chưa bao giờ các thành viên của ê-kip “NetViet Stories” cảm thấy mệt mỏi hay xuống tinh thần mà trong bất cứ khó khăn nào, mọi người đều cố gắng tìm ra giải pháp và thực hiện hết sức. Đó là điều để họ luôn tự hào nói với mọi người rằng: “Chúng tôi là một đội tuyệt vời!”…
Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ những ngày đầu tiên ấy, giờ chương trình của họ, “đứa con cưng” của họ đang lớn mạnh từng ngày. “NetViet Stories” trở thành một trong những chương trình “đinh” của kênh VTC10 trong năm 2013. Lãnh đạo phấn khởi đặt trọn niềm tin vào những bạn trẻ đã dám biến những điều “không thể” thành “có thể”. Những “quả ngọt” đầu mùa khiến cho mỗi người trong ê-kip sản xuất chương trình nhận ra rằng: Con đường sẽ hình thành từ trên chính dấu chân của mình. 
Nếu như họ chỉ ngồi và vẽ nên con đường, rồi nhìn thấy những khó khăn trước mắt mà chùn bước thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ có con đường nào mở ra với họ như ngày hôm nay.  
Nếu không dám bước đi, họ cũng chẳng bao giờ gặp được Mạc Can để nghe ông kể về tình nghệ sĩ với Hồ Kiểng, hay nghe Tâm “si- đa” nói về hành trình vượt qua cái chết của chính mình. Họ sẽ không được nghe Phạm Đăng Anh Thư nói về cột mốc 25 và những nỗ lực của một người trẻ, hay Phan Thanh Nhiên chia sẻ niềm tự hào lớn lao của người Việt Nam trên đỉnh Everest… Họ cũng sẽ không có những giây phút xúc động khi nghe diễn viên Hiếu Hiền kể về mẹ, hay câu chuyện của một người mẫu đi trên chính đôi chân của mình bằng những gánh bún đậu… Và còn rất nhiều những câu chuyện nữa mang theo những thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống, cho khán giả và cho những người trong cuộc như họ - những người đã viết lên một “NetViet Stories” từ những con số 0… 

Thương Anh

Bình luận
vtcnews.vn