Từ bột... Thành hồ

Tổng hợpThứ Sáu, 14/06/2013 10:31:00 +07:00

Cũng dễ hiểu tại sao các báo lớn, năm nào cũng nói về đề tài Cách mạng, đề tài Bác Hồ mà mỗi năm đều có những chuyện mới, hình ảnh, tư liệu rất quý.

* Có bột mới gột nên hồ. Người đi buôn cần có chợ, nhà nông cần có ruộng, người làm báo cần bản thảo...

* Và bản thảo đã làm nên danh vọng của những biên tập viên, phóng viên.

 Biên tập viên, nói rộng ra tất cả những người trong toà báo đều có tâm trạng thích báo mình có tiếng, có thương hiệu. Thương hiệu báo được hình thành từ chất lượng, ý nghĩa xã hội, hiệu ứng xã hội… của mỗi bài báo tạo nên. Chỉ một cú điện thoại từ đâu đó đến toà soạn, nói rằng báo hôm nay có bức ảnh lần đầu mới công bố, hoặc bài thơ hay, tin mới gãi đúng chỗ ngứa, được nhiều người tìm đọc… là cả toà soạn tin cho nhau cùng chia sẻ vui mừng. Vì thế khi nhận một bài thơ, bài ký, phóng sự, kể cả cái tin mới lạ, biên tập viên nào cũng thích. Họ hào hứng kiểu như là sắp được thưởng thức một món ăn vừa lạ vừa ngon. Họ cũng buồn khi mà tờ báo tung ra, giống như hòn đá cuội ném xuống ao bèo, không dư âm, không sủi bọt, vô cảm vô hồn.

Mỗi buổi đến văn phòng, anh cán bộ biên tập lại hồi hộp khi nhận những bài viết mới được chuyển đến. Thật thích thú khi có thêm một tác giả mới,  cách viết lạ,  đề tài mới lạ gửi tới toà soạn. Vì thế các báo, cụ thể các biên tập viên có ý thức để dành tài liệu cho những số đặc biệt. Kiểu như người ta ghim hàng quý hiếm, để dành đến tết mới bung ra. Cũng dễ hiểu tại sao các báo lớn, năm nào cũng nói về đề tài Cách mạng, đề tài Bác Hồ mà mỗi năm đều có những chuyện mới, hình ảnh, tư liệu rất quý lần đầu được công bố, khiến cho bạn đọc háo hức tìm mua. Tôi có bạn làm báo kể rằng, có khi đi điền dã, phát hiện ra một vài tư liệu mới, họ nâng niu để dành cho số chuyên đề. Với cách làm ấy mà báo luôn gây được chú ý theo dõi của bạn đọc. Tờ báo càng ngày càng có sự hấp dẫn .

 
   Năm ngoái, tôi tình cờ nghe được một chuyện rất cảm động: một doanh nhân là người ngoài đảng, nhưng xin thành lập chi bộ ở công ty mình.

Sau khi chi bộ thành lập, ông ta phấn đấu trở thành đảng viên khi đã vào tuổi 53. Tôi viết bài gửi cho một tờ báo Ðảng, phấp phỏng chờ mãi mà không thấy sử dụng. Nhưng đến số xuân Quý Tỵ thì bất ngờ bài báo được in rất trang trọng. Hoá ra BBT có ý lưu lại để cho số Tết. …

Nếu ví bản thảo như là nguyên liệu cho một thực đơn, thì biên tập viên là người đầu tiên tiếp cận với nguyên liệu ấy. Anh gia công thêm để thành món ăn. Cũng là lẽ thường, với những bài hay, người biên tập chỉ muốn phô bày ra cho cả cộng đồng thụ hưởng. Ðấy là phẩm chất phóng khoáng của người toà báo.

Nhưng thực tế người làm nghề biên tập, người duyệt bản thảo cuối cùng có nỗi khổ tâm riêng. Hàng ngày anh phải tiếp xúc nhiều nguồn bản thảo từ khắp nơi gửi về. Cộng tác viên có đủ đối tượng, đủ trình độ và kỹ năng viết báo khác nhau. Họ viết tuỳ hứng, và tự nhiên theo cảm tính. Còn người biên tập lại phải đọc bài của cộng tác viên theo bổn phận. Nói đúng ra, biên tập viên phải có nhiều cách đọc.

Lần đầu anh ta đọc theo bản năng, cảm thụ theo tạng của mình vốn có để xác định tác phẩm của bạn viết.. Chưa đủ, anh phải đọc lần thứ hai với tâm thế của một người bình dân, và đặt vị trí của những người ít học, khi đọc sẽ có hiệu quả ra sao. Và cuối cùng, người biên tập phải đọc với bổn phận, với chức danh nghề nghiệp mà cơ quan  giao cho.

Tổng hoà những mối ràng buộc ấy, biên tập viên phải xử lý, thậm chí phải cắt chỗ này dán vào chỗ kia, sao cho không bị khập khiễng, sao cho thành tác phẩm trau chuốt, sáng sủa rõ ràng, có thể phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc.

Biên tập viên cần có đức tính cẩn trọng, càng có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, khi xử lý bài của cộng tác viên sẽ càng hiệu quả.  Những người non vốn sống, thiếu cẩn trọng về nghề, thiếu tri thức… sẽ có hiệu quả ngược lại.

Vương An Thạch - là tể tướng đời Tống Thần Tôn, Trung Quốc. Ông không chỉ là nhà chính trị mà còn là học giả có tư tưởng tiến bộ, đặt nhiều phép cải lương của đất nước. Tô Ðông Pha là danh sĩ, một nhà thơ đời Tống, đọc thơ ông, gặp câu :

Minh nguyệt sơn đầu kiếu,

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Tô Ðông Pha hiểu rằng: Minh nguyệt là trăng sáng, Hoàng khuyển là chó vàng. Kiếu là kêu, ngọa là nằm. Vậy hai câu thơ sẽ có nghĩa: Trăng sáng kêu đầu núi, chó vàng nằm trong hoa. Tô chê Vương An Thạch làm thơ không chỉnh. Tại sao trăng sáng lại kêu? chó vàng nằm được trong hoa kia chứ? Ông sửa lại là: Minh nguyệt sơn đầu chiếu, Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Trăng sáng soi đầu núi, chó vàng nằm bóng hoa).

Thật trớ trêu, ít lâu sau Tô Ðông phải đi lưu đầy đến một miền xa lạ. Ở đây ông gặp một loài chim Minh nguyệt, một loài sâu Hoàng khuyển. Tô Ðông Pha mới giật mình. Ông ân hận là chưa biết mọi sự vật trên đời, vội vàng sửa thơ sai ý tác giả. Hoá ra câu thơ của Vương An Thạch là chính xác: Chim minh nguyệt hót đầu núi, Sâu hoàng khuyển nằm trong hoa.

Tôi có thói quen là khi bài báo được sử dụng, thường đem ra so sánh với bản thảo. Mới thấy các biên tập viên sửa thật tài. Họ sửa chỉ vài chữ nhưng làm cho những mệnh đề trở nên khúc chiết, không bị lỏng lẻo, rành mạch thêm nhiều. Khi người viết quá say mê, quên cả bao quát chung toàn bài, thành khập khiễng, giống như một bức tranh bố cục lệch lạc, méo mó không cân đối… thì chính lúc ấy, biên tập viên phải xử lý, gia công thêm. Người ta gọi họ là người làm bếp núc cho tác phẩm văn chương báo chí.. ./.


Khúc Hà Linh


Bình luận
vtcnews.vn