Như Ý: Chàng quay phim “Chân đất”

Tổng hợpThứ Hai, 05/09/2011 08:26:00 +07:00

"Tôi muốn cho nó có một bộ não, và tốt hơn, thử cho nó một trái tim… Tôi muốn biến niềm đam mê ấy của mình thành một nghề nghiệp thực sự…"

“Bằng những hướng nhìn chuyển động… tôi muốn biến chiếc máy quay của tôi thành thực thể sống, đưa nó lại gần với con người. Tôi muốn cho nó có một bộ não, và tốt hơn, thử cho nó một trái tim… Tôi muốn biến niềm đam mê ấy của mình thành một nghề nghiệp thực sự…”. Đó là những tâm sự sau ống kính của anh chàng quay phim trẻ Như Ý, người được mệnh danh là “ngôi sao mới nổi” của kênh truyền hình Tam nông VTC16.

 

Vào nghề từ con số 0

Như Ý là chàng trai xứ Nghệ có giọng nói hỗn hợp “Bắc pha Trung” nhưng “lắc” chưa đều nên hơi khó nghe. Ấy thế mà cộng với vẻ bẽn lẽn, ngượng nghịu mỗi khi phải làm việc với những đồng nghiệp nữ, lại khiến cho hắn trở nên ấn tượng. Ý sinh ra trong một gia đình làm nông, từ nhỏ đã quen phụ bố mẹ làm ruộng nên khi làm việc ở VTV16, Như Ý có một vốn kiến thức thực tế nhất định về nông dân và nghề nông khiến các BTV đôi khi cũng phải nhờ hắn “chỉ giáo”.

Trước khi trở thành bạn với chiếc máy quay, Như Ý từng tốt nghiệp Cao đẳng Hóa học Phú Thọ. Làm việc ở Hà Nội một thời gian, Ý thi đỗ vào chuyên ngành quay phim, trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh. Hắn đến với ngành này bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Nhờ những bữa đi theo người bạn học chụp ảnh mà bỗng dưng hắn bắt đầu biết rung động trước những khuôn hình. Năm đầu học ĐHSKĐA, hắn chuyên vác máy ảnh đi chạy show chụp đám ma đám cưới kiếm tiền. Năm thứ hai, Ý bắt đầu thử làm phim truyện. Ba năm tiếp theo đó, hắn theo hãng phim truyện Việt Nam đi làm phim nhựa. Từ chỗ chẳng hiểu biết gì về phim ảnh, hắn chịu khó xin đi theo phụ làm ánh sáng cho một số phim nhựa như  “Được sống” của Đạo diễn Trần Quốc Dũng- một bậc thầy về ánh sáng trong mắt hắn.

Thời sinh viên khó khăn, những bữa chạy theo phụ các thầy tiền chẳng được bao nhiêu nhưng đối với hắn lại có sức hấp dẫn đến lạ. Thích làm phim quá, cứ sau mỗi buổi học Ý lại cắp cặp chạy thẳng đến đoàn làm phim. Anh em trong đoàn quý tính cách chịu khó, thích học hỏi của hắn nên bữa nào cũng để phần cơm cho hắn. Sau “Được sống”, Như Ý tiếp tục tham gia làm ánh sáng cho phim nhựa Bụi đường và nhiều phim truyện khác. Khi đó Như Ý xác định sẽ làm “lính đánh thuê” để lấy kinh nghiệm.

Yêu phim truyện và mong muốn được làm phim sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng cái duyên cái số lại đưa Như Ý rẽ sang con đường khác: Làm Truyền hình. Tuy rằng, “mối tình đầu” thường rất khó quên và ám ảnh nhưng không vì thế mà khi đến với kênh 16, hắn bị sao nhãng. Ý chia sẻ: “quan điểm của mình là khi đã chọn làm công việc nào thì phải làm tốt nhất có thể, làm hết sức mình. Có thể mình không quay đẹp bằng người khác, nhưng ngày hôm nay sẽ cố gắng quay đẹp hơn mình hôm qua và ngày mai sẽ quay đẹp hơn hôm nay”.

 

Quay phim nói chuyện bằng hình ảnh

Thoạt đầu mới về VTC 16, Như Ý vào chi nhánh của kênh trong Sài Gòn công tác. Hai tháng ở Sài Gòn có lẽ là hai tháng Ý “xê dịch” nhiều nhất, cũng có thể nói là người đi nhiều nhất kênh.  Hầu hết các tỉnh miền Tây, miền Trung, chưa có nơi nào Ý chưa đặt chân đến. Mỗi nơi đến lại có những kỷ niệm khó quên, đặc biệt với một người quay phim có “sứ mệnh” ghi lại, lưu giữ những hình ảnh, những khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên, con người ở những nơi đã đi qua.

Như Ý có vẻ “thích thú” nhất kỷ niệm chuyến đi miền Tây cùng một BTV trẻ mới vào. Chuyến công tác trên sông nước, trời lúc nắng lúc mưa. Vốn quen cộng tác với những cộng sự nhiều kinh nghiệm nên thấy BTV trẻ mới còn lóng ngóng, Ý sốt ruột cứ thúc giục đồng nghiệp làm việc khẩn trương khiến cô bạn cứ lóng nga lóng ngóng. Đã vậy, lúc về gặp lúc trời đổ mưa, ngồi trên xuồng với chiếc áo mưa duy nhất xin được. Lẽ thường trong tình huống này, áo mưa phải nhường chị em phụ nữ nhưng vì lúc ấy cái máy quay còn quan trọng hơn nhiều nên cuối cùng chiếc áo mưa được dùng để bọc máy quay. Ý thanh minh “máy quay coi như vật bất ly thân, muốn quay đẹp phải yêu cái máy đã”. Thấy vậy, cô bạn đồng nghiệp cũng cởi nốt chiếc áo gió mặc ngoài để che cho máy quay. Ý cười tếu táo: “Lúc đó hai bọn mình cùng ôm cái máy như trong phim Titanic vậy”.

Hết vùng sông nước, ngược lên Điện Biên lại có cái “khó” riêng là ngày nào cũng phải uống rượu nên hắn sợ. Nhưng cũng giống như những lần công tác trước, những chuyến đi xa luôn khiến anh chàng học được những bài học thú vị từ những con người mới gặp hay từ chính những đồng nghiệp của mình. Còn nhớ lần đi công tác cùng cô bạn Hồng Lĩnh lên mốc số 0 để quay. Dốc thẳng đứng, leo đến 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vác máy quay leo dốc, anh chàng vừa đi vừa càu nhàu nhưng cứ mỗi lần ngẩng đầu lên nhìn cô bạn BTV đi phăng phăng phía trước, hắn lại thấy ngượng quá nghĩ bụng “mình là con trai ai lại bỏ cuộc”. Hắn hồn nhiên kể: “Mình vừa đi vừa quay. Chỉ khi lên đến mốc số 0 mới cảm thấy nhẹ nhõm. Leo lên đỉnh núi vừa nhai cơm do biên phòng chuẩn bị cho, mắt vừa đánh ngang đánh dọc xem phải quay cái gì. Kết quả là không biết quay cái gì ngoài cái cột mốc nhưng vẫn cảm thấy đó là những hình ảnh vô cùng đắt giá vì công sức mình bỏ ra nhiều hơn bình thường ”.

 
  Làm quay phim ở một kênh chuyên biệt về tam nông, Như Ý có dịp đồng cảm với nhiều số phận có hoàn cảnh đặc biệt. Bởi sinh ra trong gia đình có bố là công nhân lái xe phải nghỉ hưu non vì bệnh. Cả nhà sống nhờ vào mảnh ruộng nên hơn ai hết Ý đồng cảm với nỗi vất vả của những người nông dân như cha mẹ mình. Chẳng những thế, từ bé đã phụ mẹ làm ruộng nên bây giờ dù sống ở thành phố đã lâu nhưng với anh quay phim này, “lội ruộng là chuyện quá bình thường”. Nhiều khi, BTV chưa kịp định hình thì Ý đã cởi giày xuống ruộng trước. Trêu thì hắn thủng thẳng “quay người nông dân mà không chịu xuống ruộng thì quay làm sao được”.

BTV Xuân Quỳnh, trong một chuyến đi công tác cùng Ý đã được một phen “trố mắt” khi thấy anh quay phim của mình xuống ruộng gặt lúa (để lấy chỗ đặt máy quay) khéo léo và nhanh như một nông dân thực thụ. Không những thế, Xuân Quỳnh còn đánh giá “Như Ý là người rất chủ động, chăm chỉ nhiệt tình và cầu toàn. Từ chọn hình ảnh, góc quay, bối cảnh Ý đều rất chu đáo. Nếu không ưng ý thì cho dù biên tập viên có hài lòng rồi thì Ý vẫn quay lại bằng được thì thôi”.

Ý bảo, hắn rất thích một câu châm ngôn: “Nghĩ trước khi làm và làm trước khi nói”. Theo hắn, làm quay phim thì nên nói chuyện bằng hình ảnh, bằng sản phẩm chứ đừng nói suông. Chính vì chăm chỉ, chịu khó và nhiệt tình như vậy nên Như Ý luôn được đồng nghiệp quý mến chọn mặt gửi vàng cho những chuyến đi công tác xa đòi hỏi người quay phim phải chịu khó lăn lộn, dấn thân. Và trên những chuyến đi ấy, họ đặt cho hắn biệt danh mới: “anh chàng quay phim chân đất”.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn