Thể thao vì gì?

Tổng hợpThứ Tư, 29/08/2012 10:07:00 +07:00

Tập thể thao để người ta khỏe lên, nhưng thi đấu thể thao thì chưa chắc vì con người.

Hỏi “Thể thao vì cái gì?” có lẽ thừa. Ai chả biết thể thao là làm cho người ta khỏe lên. Thể thao vì con người chứ vì cái gì nữa.

Vâng, tập thể thao để người ta khỏe lên, nhưng thi đấu thể thao thì chưa chắc vì con người. Đó là vì… huy chương, vì bảng thành tích. Người ta còn nói vống lên: Vì vinh quang Tổ quốc.

Nhìn ngắm các giải thể thao, càng gần đây, càng thấy thể thao có lẽ chưa chắc vì con người, mà vì cái gì đó ngoài con người.

 
Hãy nhìn hình ảnh điển hình thế này: Olympic London 2012, khi trao huy chương, các vận động viên đều cầm huy chương giơ lên, như là khoe với mọi người: “Ta có huy chương đây”. Có người ban tổ chức còn nhắc vận động viên, khi vận động viên rời bục vinh dự rồi, vẫn cứ phải giơ huy chương lên cho cánh truyền hình và khán giả xem. Tôi nhớ lại, ngày xưa, ở các Olympic khác, khi lên bục nhận huy chương, vận động viên chỉ ôm hoa cười tươi, còn huy chương thì vẫn đeo dây qua cổ thôi. Việc gì phải giơ cái huy chương lên người ta mới biết là mình có huy chương.

Phân biệt bằng màu huy chương rồi, đứng cao nhất rồi, tấu quốc thiều rồi, còn gì phải giơ lên khoe thế nữa. Có lẽ ngành quảng cáo đã thò tay vào giải thể thao quần chúng lớn nhất thế giới này rồi.

Với các giải nhà nghề, thì thể thao gắn liền với đồng tiền. Giải thưởng ngất ngưởng. Tennis có giải cá nhân hơn 1 triệu bảng. Bóng đá, bóng rổ, quyền anh, và điền kinh nữa, và còn nhiều môn khác, đâu đâu cũng thấy tiền bạc kêu xủng xoảng ở giải thể thao.

 
Còn Olympic, ai cũng biết đây là giải thể thao quần chúng. Nhưng dần dần, Olympic thành giải đua tranh vì danh dự đất nước, vì màu cờ sắc áo. Tôi tưởng chỉ có mấy đoàn nước nhỏ được huy chương đồng vận động viên mới quấn quốc kỳ vào người chạy, nhưng hóa ra Mỹ, Anh, Pháp, Nga đều thế, nói gì Trung Quốc, vốn máu me thành tích từ trước đến nay. Vận động viên Trung Quốc trả lời báo chí: Chúng tôi chỉ có học và học, tập và tập, ngủ và ngủ. Trung Quốc nuôi vận động viên từ chưa đến mười tuổi, hàng chục năm không về nhà, coi như vỗ gà chọi. Như thế liệu còn có thể coi thể thao là vì con người không? Mà khi con người vì cái gọi là thể thao thì càng không thể nói gì đến nhân văn với nhân đạo.

Người ta nói, thể thao quảng bá hình ảnh đất nước ở Olympic là đúng. Tôi cũng thấy nên làm việc đó. Mấy anh chị đánh tennis giải nhà nghề hàng triệu đô, khi bảo đi Olympic họ cũng vui vẻ đi, mặc dù cái huy chương vàng ở đại hội này chả so được với giải nhà nghề. Họ không biết ở Việt Nam, cầu thủ câu lạc bộ tìm cách chối không tập trung vào đội tuyển quốc gia. Nếu họ biết, chắc họ sẽ nói: Nền thể thao có vận động viên nào thì thành tích thế thôi.

Cái cách giành huy chương cũng nói đất nước anh đang ở đâu. Ví dụ như chúng ta, Việt
Nam, không có cái huy chương nào, mà bạn bè Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia lại có, thì ta thấy thực sự nền thể thao của ta ở đâu.

Ôi bao giờ ở nước ta làm thể thao vì con người, để cho thể thao quảng bá hình ảnh đất nước ta sánh vai cùng các nước. Hỡi những nhà quản lý thể thao, nói ít thôi, nên làm nhiều hơn. Đứng thứ nhất, nhì ở vùng Đông Nam Á bé tý cũng đừng vội vui mừng ầm ĩ lên. Mà nước ta, ngành thể thao cũng tốn hàng núi tiền đấy chứ. Nhưng nếu chưa đạt được huy chương thì cũng không nên làm như cái nước nuôi vỗ vận động viên như gà chọi.

Xuân Hưng

Bình luận
vtcnews.vn