Chuyện ông tây và luật giao thông ta

Tổng hợpThứ Sáu, 21/10/2011 03:19:00 +07:00

Sát hạch viên thông báo qua micro, yêu cầu lên xe nhưng ông vẫn thản nhiên dắt xe đi bộ! Cuối cùng ông nhận kết quả: Trượt.

Vừa rồi tôi có nghe được một câu chuyện khá thú vị về một công dân Tây đi thi lấy bằng lái xe máy ở ta. Trong kỳ thi sát hạch, bác công dân người Đức khi lượn vòng số 8 thì rất ngọt nhưng đang bon bon chạy bỗng dừng lại, xuống xe dắt một mạch tới cuối đường rồi mới leo lên xe chạy tiếp. Sát hạch viên thông báo qua micro, yêu cầu lên xe nhưng ông vẫn thản nhiên dắt xe đi bộ! Cuối cùng ông nhận kết quả: Trượt. Thế là, ông liền... bắt đền ban giám khảo. Rồi ông thanh minh do cao tuổi, đi đường mà gặp nhiều đoạn vòng vèo như vậy nên xuống dắt xe cho... an toàn. Ông thắc mắc luật không tôn trọng sự cẩn thận của công dân. Tại sao không vẽ một đường lớn, một đường nhỏ để tự giác dừng lại vài giây nhường nhau mà lại vẽ đường gấp khúc giống như để tập lạng lách vậy. Cho đến khi sát hạch viên giảng giải với mật độ xe lưu thông nhiều như ở Việt Nam, nếu không chắc tay lái, loạng choạng thì khả năng gây tai nạn sẽ rất cao.

Tôi thấy thú vị và ấn tượng nhất với câu hỏi của ông Tây: “Tại sao không vẽ một đường lớn, một đường nhỏ để tự giác dừng lại vài giây nhường nhau mà lại vẽ đường gấp khúc giống như để tập lạng lách vậy”.

Có lẽ ông không biết rằng, ở Việt Nam mỗi một con đường mang tên một thử thách. Và bất cứ ai tham gia giao thông trên con đường ấy đều xứng đáng là một nghệ sĩ hay chí ít thì cũng là vận động viên thể thao. Bởi họ cần phải khéo léo, nhanh nhẹn, kiên nhẫn thậm chí cả liều lĩnh nữa. Rất nhiều khách Tây đã ví việc tham gia giao thông ở Hà Nội giống như chơi thể thao mạo hiểm. Ấy thế mà ông lại dừng xe để dắt ở những đoạn khó như thế thì khác nào đá bóng dùng tay, chạy vượt rào lại… nhấc rào sang một bên. Phạm quy, trượt là đáng!

 
Nhất là hôm nào, giá thử đi phải con đường nhỏ, hẹp trong giờ cao điểm mà ông lại xuống dắt xe thì hỏng, hỏng hẳn. Ông ta nên quan sát và học theo người bản xứ, phải chen, phải lấn, phải lạng lách. Khi kẹt xe thì phải nhích từng chút một và nguyên tắc là tuyệt đối không để hở một cm nào cho bánh xe khác chen vào. Hoặc có thể lao lên vỉa hè, tận dụng từng khoảng trống một để nhích. Ở Việt Nam, các anh xe ôm có lẽ là những nghệ sĩ xiếc, họ có thể lạng lách, đánh võng, lượn qua những đoạn đường hẹp, giữa hai làn xe san sát nhau một cách hết sức điệu nghệ. Khi cần họ có thể leo lên vỉa hè hoặc lách giữa hai chiếc ô tô đang song song với nhau mà không hề nao núng, chỉ có khách ngồi sau là được phen thử cảm giác mạnh mà thôi.

Cách đây khá lâu tôi xem một bộ phim giả tưởng nói về một anh cảnh sát truy đuổi một tên tội phạm. Cả hai ở thế kỷ 21 bị lạc vào tương lai. Ở tương lai, cảnh sát Mỹ không phải dùng súng, không phải đánh đấm võ vẽ gì vì người ta đã quá văn minh. Đến độ, chỉ cần anh nói tục một câu, lập tức sẽ có một vé phạt gửi đến tận nơi. Lại nói về tên tội phạm lạc vào tương lai, hắn ngang nhiên cướp tiền từ các cột rút tiền tự động trên phố, đánh và bắn vào cảnh sát nhưng cảnh sát Mỹ ở tương lai chẳng biết làm gì vì họ chưa từng phải xử lý một trường hợp tội phạm nào kì dị như vậy. Và gã tội phạm đó chỉ có thể bị xử lý bởi anh cảnh sát sinh sống cùng thời với anh ta, biết chửi thề, biết đánh nhau và biết dùng súng. Câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến một kịch bản ngược lại, một gã ở tương lai lạc vào thời điểm cách đấy đến cả trăm năm. Và để thích nghi, anh ta buộc phải… “thụt lùi” lại cái sự văn minh của mình để tồn tại.

So sánh hơi khập khiễng nhưng những người ở những nước văn minh và phát triển, quen với việc sử dụng một hệ thống giao thông tiến bộ sẽ chẳng biết phải xử sự thế nào khi đến một đất nước kém phát triển hơn với một cơ sở hạ tầng lộn xộn, xuống cấp và người ta tham gia giao thông một cách đầy tính chất “biểu diễn” như ở Việt Nam. Thế nên mới có một anh nhà báo nước ngoài ví người dân Việt Nam giống như các nghệ sĩ múa ballet hết lượt.

Thật chẳng lấy gì làm vinh dự với sự ví von này nhưng mấy anh Tây sang Việt Nam nếu muốn học lái xe để đi câu cá như ông người Đức này thì có lẽ nên “nhập gia tùy tục”. Bởi đôi khi, tham gia giao thông ở Việt Nam cũng giống như khi ta phải đối mặt với một gã cù nhầy mà ứng xử với một gã cù nhầy thỉnh thoảng ta cũng phải… cù nhầy lại.

Nếu có thể gặp ông Tây người Đức kia, tôi rất muốn khuyên ông ta, tốt nhất ông hãy nên ở trong nhà chớ bước chân ra đường, lại càng chớ nên lái xe máy làm chi. Mà nếu nhất quyết phải ra đường thì nên ngồi sau xe một bác Việt Nam chính hiệu.

Hà Trang


Bình luận
vtcnews.vn