Chơi máy nghe nhạc không đụng hàng thời Audiophile

Tổng hợpThứ Hai, 27/02/2012 09:43:00 +07:00

“Chạy theo công nghệ nhưng không tầm thường”, ấy là định nghĩa của một tín đồ của hi-end thuộc thế hệ trẻ...

    Khi mà cuộc sống ít dần đi những phút giây thảnh thơi ngồi trong phòng nghe và tận hưởng âm thanh hi-end thuần khiết thì cũng là lúc thú chơi máy nghe nhạc cầm tay trở thành xu hướng mới.

 

iBasso DX100

iPod ư? Vứt!

Đó là một ngày đẹp trời của năm 2010, cái thời cao trào mà Apple trở thành một thứ tôn giáo, iTunes trở thành giáo lý và iPod, iPhone là những quyển kinh thu nhỏ. Khi mà nhà nhà, người người trên tay cầm cái máy nghe nhạc nhỏ xíu, thời thượng và thời trang ấy như một dấu chứng nhận sành điệu thì ở một góc nào đó, audiophile đã tìm cho mình một thú chơi riêng.

“Chạy theo công nghệ nhưng không tầm thường”, ấy là định nghĩa của anh Công “nhạc”, một tín đồ của hi-end thuộc thế hệ trẻ. Vừa làm kinh doanh, vừa thích âm nhạc, thời gian của anh thường thì ngoài đường nhiều hơn là ở nhà để có thể thư thái ngồi giữa phòng nghe của bộ dàn đắt tiền.

Thứ anh đem ra khoe hôm đó là một cỗ máy kỳ lạ, mà nếu có “trót dại” đặt cạnh iPod Touch của một iFan cuồng tín nào đó chắc chắn nó sẽ bị xỉa xói cho bằng chết bởi vẻ ngoài kỳ dị và khác lạ quá xa so với tiêu chuẩn của một MP3 Player.

Chiếc máy nghe nhạc Colorfly mà anh cầm trên tay quả thực khác xa so với những gì người khác có thể tưởng tượng. Được anh mua về từ châu Âu xa xôi, mà theo anh thì đây là một món hời bởi nó là một trong số ít những DAP (Digital-to-Analog player) bán trên thị trường “quất” nổi chuẩn nhạc số lossless 24bit/192kHz.

iBasso DX100 

Được tích hợp chipset Cirrus Logic CS4398 đắt tiền, mà tính ra có lẽ riêng con chip DAC (Digital-to-Analog Converter) này đã ngang một cái iPod Nano thế hệ mới, Colorfly C4 trông khá khùm khoàm và hầm hố. Với chất âm bass sâu và ấm đến mê mẩn cùng âm trung nét và trong, bản nhạc Canon in D nguyên thuỷ của Pachelbel tựa như được ngồi giữa một khán phòng mà người nghệ sỹ độc diễn cho một khán giả duy nhất.

Chả thế mà chiếc Colorfly này theo anh Công chu du khắp trời Âu, Mỹ trong những chuyến công du tìm đường làm ăn và cũng vì thế mà phòng nghe tối tân cùng con xe Mercedes S-class cùng hệ thống âm thanh Kenwood của anh phủ bụi đã lâu.

Cùng thú chơi với anh Công, anh Minh Trường, đại diện của một hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam tỏ ra am hiểu về các dòng DAP và tai nghe. Anh cho biết: “Máy nghe nhạc hay điện thoại nghe nhạc đều dựa trên luồng xử lý digital thay vì analog như trên các dàn hi-end. Vì vậy, cách chơi DAP cũng vừa đơn giản mà lại vừa phức tạp hơn rất nhiều so với một dân chơi hi-end bình thường”.

Đơn giản là vì nguồn nhạc lossless hiện nay khá phong phú thay vì các đĩa CD cho dàn hi-end nhưng phức tạp thì vô vàn bởi nếu chơi hi-end đã là một nghệ thuật của sự lắp ghép, tìm tòi và phối âm thì hi-end trên các máy nghe nhạc cầm tay vốn đã ít phổ biến, lại càng gian truân hơn bởi các phụ kiện không phải dễ tìm, nhất là đối với những đôi tai khó tính.

Theo anh thì nếu như các dòng MP3 “hàng loạt” như Apple iPod, Creative thường chỉ chú trọng đến dung lượng và các tính năng phụ trợ thì các DAP được nhà sản xuất trau chuốt từng con tụ, giắc cắm và thậm chí là cả vỏ máy.

Nếu những máy đã có sẵn DAC “xịn” như Colorfly, iBasso thì còn có thể tạm chấp nhận được chứ nếu không phải sắm thêm tai nghe multi-driver thì vô cùng mệt bởi nó giống như việc ta phải thử từng bộ loa trên dàn hi-end nhưng với rất ít lựa chọn và khó tìm hơn rất nhiều.

Anh cho biết: “Hồi cuối năm ngoái phong thanh tai nghe XBA-4 của Sony với 4 driver ra mắt, tớ đã cho ngay thằng em mua bên Nhật gửi về giá thành tiền gần 15 triệu để dùng thì mới tạm ưng ý”.

Một điểm chung của các DAP chính là chúng đều không đặt nặng tính thẩm mỹ như các chuẩn máy MP3 player thông thường. Nếu như gần đây có iBasso DX100 tích hợp thêm HĐH Android, màn hình cảm ứng thì Colorfly C4 trông chẳng khác một chiếc máy điện tử xếp gạch của Trung Quốc là mấy với những phím bấm cơ học lạ mắt giữa thời buổi công nghệ này.

 

 Sony XBA-4

“Những gã hi-end nửa mùa”

Đó chính là bức chân dung mà các audiophile này tự nhận về mình bởi cứ nhắc đến hi-end, người ta nghĩ ngay tới những bộ loa hoành, dàn khủng và một phòng nghe cầu kỳ đến hoàn hảo. Ấy vậy mà sự lai căng giữa cũ và mới đã tạo nên diện mạo của những audiophile thế hệ mới với style lủng lẳng tai nghe cùng những chiếc MP3 player không-thể-đụng-hàng.

Anh Công cho biết, hồi anh mua Colorfly C4, thời giá vào khoảng gần 15 triệu mà bây giờ giá vẫn như vậy mà còn khó mua hơn bởi lượng hàng mà công ty mẹ sản xuất cũng rất giới hạn.

Vì một lý do nào đó, những audiophile này không thể có được những phút giây tao nhã như bất kỳ ai và có lẽ việc lựa chọn các hi-end player là một giải pháp khá hợp lý mà đôi khi sự hợp lý thường đi cùng với...chi phí cao.

Vị chi cho việc đầu tư vào DAP chỉ tính riêng tiền máy vào khoảng 5,600 USD, cộng với một tai nghe tiêu chuẩn giá xấp xỉ thì nhìn chung mỗi audiophile dạng này đã bỏ ra số tiền tương đương với một bộ dàn cỡ vừa.

Tất nhiên, thú chơi là không có giá và công sức bỏ ra lại càng không thể cân đo, đong đếm thành con số. Anh Thành Trung, một dân chơi công nghệ có “số má” trên diễn đàn nghe nhìn cũng thừa nhận: “Với thời buổi cơm-áo-gạo-tiền như bây giờ thì khó có thể có phút nào ngồi yên ở nhà hay một chỗ nhất định. Mà chả lẽ đi làm về lại bỏ con chui vào phòng ‘tự kỷ’ nhạc một mình như mấy em ‘tuổi teen’? Vậy thì đầu tư cho hi-end player cũng đáng tiền chứ sao”.

Anh cho biết, tới đây khi dòng máy DX-100 của iBasso cho đặt hàng thì chắc chắn anh sẽ mua một máy bởi đó chính là sự phối hợp hoàn hảo giữa thú chơi và công nghệ. Được biết, đây cũng là Android Player đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn DAP với tụ DAC ES9018 tích hợp và có hẳn chân cắm tai nghe Optical/Coaxial chuyên nghiệp.

Cũng theo anh thì xu hướng trong tương lai gần, thị trường sẽ xuất hiện ngày một nhiều các hi-end player bên cạnh các mẫu MP3 Player tầm trung như iPod hiện nay. “Giống như các bạn là người sành ăn, kén món, phải đi ăn ở những nơi có bếp trưởng hợp miệng thì âm nhạc cũng vậy và iPod chỉ được xếp vào hàng đồ ăn nhanh mà thôi”.

Khôi Nguyên


Bình luận
vtcnews.vn