Quá khứ hào hùng bừng sáng trái tim ta

Tổng hợpThứ Sáu, 30/11/2012 08:33:00 +07:00

Nghĩa tình đồng đội đã như liều thuốc tăng lực làm cho sức họ trở nên cường tráng khó lòng tưởng tượng nổi ngồi xe ô tô leo núi vượt đèo vòng vèo uốn khúc...

Cuộc hành trình về quá khứ lịch sử tôi ghi lại ở bài viết này là của các đoàn Cựu chiến binh truyền thống Mặt trận Đường 9 Quảng Trị liên các tỉnh thành, Cựu chiến binh Đoàn bộ binh đặc công dù, Cựu chiến binh tham gia hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Cựu chiến binh tham gia ba chiến dịch lịch sử: “Điện Biên Phủ 1954” – “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” – và “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”.

Một đoàn cựu binh 270 người do Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan – Anh hùng Lực lượng vũ trang dẫn đầu, và do Cựu binh Trưởng ban LL CCB Nguyễn Văn Vị tổ chức, gồm các cựu binh sĩ quan, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Dũng sĩ diệt Mỹ, Thương binh - Bệnh binh các khu vực từ Tây Nguyên, Quảng Trị, Quảng Bình trở ra các tỉnh phía Bắc.

 
Cuộc hành trình ấy mang tên “Thăm chiến trường Điện Biên lịch sử và Tri ân liệt sĩ ba tỉnh Sơn La – Điện Biên – Lao Cai”. Rong ruổi đường trường trên 15 chiếc xe khách trưng cờ biểu ngữ đỏ sắc máu nối đuôi nhau “trùng trùng quân đi như sóng” lên miền Tây Bắc.

Cuộc hành trình ấy của thế hệ cựu binh ngực mang đầy huân chương huy chương huy hiệu tuổi từ 70 đến 80 mà nghĩa tình đồng đội đã như liều thuốc tăng lực làm cho sức họ trở nên cường tráng khó lòng tưởng tượng nổi ngồi xe ô tô leo núi vượt đèo vòng vèo uốn khúc suốt chặng đường 1.800 cây số có lúc tức thở khi lên tới đỉnh các cổng trời đầy sương đầy mây.

Tôi có cơ hội đi nhiều với các đoàn cựu chiến binh thăm chiến trường xưa trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa gặp một đoàn nào đông vui như thế, hào hùng như thế, tổ chức chặt chẽ đến thế. 

 
Trong khi cả nước tiến tới kỷ niệm 66 năm ngày “Toàn quốc kháng chiến” và 40 năm trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”, thì cuộc hành trình của các cựu binh từng tham chiến trong “9 năm kháng chiến trường kỳ” và “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã làm sống lại một thời oanh liệt chiến công, làm tươi mới những trang lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cho các thế hệ đang sống tự hào về một thế hệ những người chiến binh đã khuất và còn sống.

Đi cùng họ, quá khứ hào hùng bừng sáng trái tim tôi. Đầu tiên, là sao “chất lính” nơi họ vẫn đậm phẩm hạnh “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đến nghĩa trang liệt sĩ nào, đến đài Tổ quốc ghi công nào họ cũng giữ trong đội ngũ tề chỉnh theo sắc phục mỗi quân binh chủng trong hàng quân dài bước đều giữa hai hàng kiêu binh sắc phục trắng giơ tay nghiêm chào. Không ai có thể nghĩ rằng người cựu binh Trưởng ban liên lạc Nguyễn Văn Vị đã 80 tuổi lại còn quyền năng điều khiển một tiểu đoàn cựu chiến binh thực hiện một nghi lễ viếng theo một kịch bản như nghi lễ nghiêm cẩn quốc gia từ chiếc loa pin ông cầm tay.

Trong tiếng nhạc trầm hùng của khúc quân hành, hai kiêu binh chậm rãi sải những bước dài khiêng vòng hoa to nền đỏ sắc máu có ngôi sao vàng tươi rói mang hàng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ” tiến lên Đài tưởng niệm đặt dưới chiếc đại bình lư hương nghi ngút khói bay. Một lời điếu thống thiết từ đáy lòng bố cáo với các vong linh đồng đội đã khuất. Một phút mặc niệm rưng rưng tưởng nhớ giống như họ đã từng vĩnh biệt đồng đội năm nào nơi chiến trường. Và trong giọng một nữ cựu binh lảnh lót bài khấn mang âm hưởng ca trù, người Anh hùng Lực lượng vũ trang Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan dẫn đầu thắp nén nhang đầu tiên và lần lượt sau đó từng binh chủng lên đài hương thắp nhang cho đồng đội.

 
Cái bất ngờ thứ hai là không có một ban tổ chức chuyên nghiệp mà sao lại có thể tổ chức được một cuộc hành trình công phu đến thế. Chỉ riêng việc đặt khách sạn lo nơi ăn chốn ngủ cho 270 con người chu đáo đã tưởng như có phép lạ thần kỳ. Lịch trình diễn ra khớp khít như ta giở những trang sổ tay. Mỗi đêm ở lại Sơn La, Điện Biên hay Lao Cai là những đêm giao lưu văn nghệ với địa phương thân thiết như những người quen lâu nay trở lại thăm nhà. Những khúc ca dù là đơn ca tốp ca hay những màn múa tưởng như có lửa cháy lên không cầm giữ nổi. Ở lứa tuổi “các cụ” mà phong độ trai trẻ khó lường. Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan đã ở cái tuổi gần 80 đêm nào cũng hát mà đã hát là hát hai bài liền. Ông hát bài “Phi đội ta xuất kích” trên trời cao xong, lại xin hát tiếp một bài nữa đề tài về biển, như phép “biền ngẫu” trong văn chương. Ông thổi vào những người đồng ngũ đồng lứa khí phách.

Thời gian không có chỗ cho tôi tiếp cận các nhân vật mà cống hiến của họ như huyền thọai. Suốt ngày trên đường ngồi riêng xe. Hẹn với nhau sẽ trò chuyện ở những nơi tạm dừng như khi thăm nhà tù Sơn La hay viếng nghĩa trang liệt sĩ hầu như lỗi nhịp, vì mọi việc diễn ra cứ theo đà cuốn chiếu. Tôi bắt chước phương pháp của nhà văn Trần Dân Tiến “vừa đi đường vừa hỏi chuyện” có thể có hiệu quả. Nó cho tôi những ký ức vụn. Nhưng bất ngờ là khi xâu những ký ức vụn ấy từ mỗi người lại cho tôi một chuỗi ký ức hòa sắc long lanh. Bởi nhiều nhân vật trong nhiều trường hợp có liên quan tới nhau ở một thời gian nào đó. Cũng đúng thôi. Trong chín năm kháng chiến trường kỳ họ di chuyển nhiều trận mạc, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Rồi hòa bình lập lại năm 1954 họ được học tiếp để làm phi công, lái xe tăng, pháo thủ cao xạ, hoặc vào chiến trường miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Trên xe tôi có cựu binh Nguyễn Văn Tư quê Bắc Giang năm nay tròn 80 tuổi. Ông đi TNXP hỏa tuyến năm 17 tuổi. Rồi chuyển qua bộ đội tham gia nhiều trận đánh “qua miền Tây Bắc” giải phóng một vệt Cao –Bắc - Lạng. Đánh tiếp Tà Sản Mộc Châu sang cả Sầm Nưa. Năm 1953 thì đơn vị ông được lệnh chuẩn bị khí tài cho chiến dịch Điện Biên Phủ và kỷ niệm khó quên đối với ông là công cuộc vận chuyển pháo qua đèo Pha Đin “vất ơi là vất”. Trận mở màn ông đánh đồi Him Lam. Người em con chú ông đã hy sinh vì súng phun lửa khi đánh đồi A1. Cô Trịnh Bích Hồng nghe chuyện như có mối dây liên tưởng về người cha Trịnh Ngọc Kim trong “Nhóm 34 người” mang biệt danh Ngọc Văn Xuân sang Trung Quốc vận chuyển về được 17 khẩu pháo cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ cô là Vũ Thị Quyên cũng đi dân công hỏa tuyến trên đất này.

 
Trên con đường dốc từ đồi A1 xuống gặp một căn hầm nằm cạnh lối đi quãng lưng chừng đồi, bỗng thượng tá Đinh Văn Niêm kéo tay tôi nói, căn hầm này là nơi anh Chu Văn Mùi đặt điện đài. Anh ấy kể lại trên đồi A1 này có tới 4.800 quân ta và quân địch tử trận. Quãng 30 ngày sau máu ở trên mới ngấm xuống căn hầm của anh. Lạ nhỉ! Khi chuyện với tôi bên gốc đào Tô Hiệu nhà tù Sơn La Đinh Văn Niêm lại kể với tôi anh là phi công lái máy bay A2 cải tiến lắp bom và tên lửa được gọi là máy bay cường kích của Việt Nam chuyên đánh trên biển đánh lạc hướng hải quân Mỹ gọi là dọn đường hành trình cho những “con tàu không số” của ta vào mặt trận phía nam mà sau này gọi là “Đường Hồ chí Minh trên biển”.

Anh Niêm cười: đó là sau này. Năm 1960 sau Điện Biên Phủ thì Chu Văn Mùi về Lạng Sơn học văn hóa cùng anh một trường và kể lại mới hay. Có cả anh La Văn Cầu nữa. Học xong chia tay nhau, Đinh Văn Niêm mới qua Trung Quốc học lái máy bay. Ở bên Trung Quốc đã có các anh Đào Đình Luyện, Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan cũng đang học lái máy bay MiG-17A. Vậy là ngã rẽ trong ghi chép của tôi lại chuyển qua những nhân vật lái  máy bay MiG. Và từ trận chiến Điện Biên Phủ đánh bại một chế độ thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp, lại dội lên trong tôi những ký ức về một “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” đánh bại ý chí thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ.

 
Vâng. Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan đang có mặt ở đây được dư luận trong nước và quốc tế biết tới rất sớm với tư cách là một phi công. Đúng thế, người phi công đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ F-8E qua không chiến trên bầu trời Hàm Rồng Thanh Hóa bằng máy bay MiG-17A từ một quả tên lửa duy nhất vào ngày 3 – 4 -1965. Hôm ấy cũng là trận đánh đầu tiên của Không quân Việt Nam tấn công các máy bay Hải quân Mỹ tập kích vào khu vực cầu Hàm Rồng. Biên đội do Phạm Ngọc Lan chỉ huy cùng với các phi công Phạm Văn Túc, Hồ Văn Qúy và Trần Minh Phương với nhiệm vụ công kích. Với cách đánh dũng mãnh và thao lược, 10h09 Phạm Ngọc Lan hạ knock-out một một chiếc F-8E. 10h17 Phạm Văn Túc hạ tiếp một chiếc F-8E nữa. Sự kiện ấy là qúa bất ngờ với không lực Mỹ.

Đi bên nhau. Ngồi ăn cùng bàn. Chung cuộc tiếp khách. Vậy mà không có khoảng trống thời gian để chuyện trò. Khất lần khất lần rồi Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan mới dành cho tôi được 15 phút nghỉ ngắn trên đỉnh đèo Pha Đin để biết thêm đôi điều về ông. Quê ở Quảng Nam. Tham gia cách mạng khi 14 tuổi. Bốn năm sau mới chính thức được nhập ngũ. Nguyện vọng thích lái xe tăng. Lại cử đi học lái máy bay. Sau 8 năm học ở Trung Quốc, ngày 6 – 8 – 1964 ông dẫn đầu đội hình của Trung đoàn 921 – Trung đoàn Không quân Sao Đỏ - với 33 chiếc máy bay chiến đấu kiểu MiG-17A, và 3 chiếc máy bay huấn luyện kiểu MiG-15UTI hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sau một ngày diễn ra “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Đoàn bay được đích thân Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Gíap ra đón. Sau hai lần bị thương trong tác chiến, ông được cử đi học chuyển loại MiG-21 tại Liên xô cũ vào giữa năm 1966. Về nước cấp trên rút ông khỏi nhiệm vụ chiến đấu, chuyên tâm nhiệm vụ dẫn đường và huấn luyện phi công kế thừa.

 
Cũng trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” thì thiếu tá Nguyễn Văn Lý phi công MiG-21 lại “bị” phiên chế biên đội đánh ngày mà B52 Mỹ lại chỉ dám đánh đêm. Điều đó làm Nguyễn Văn Lý nuối tiếc không được có cảm giác đánh đêm. Khi anh được tuyển chọn đi học lái máy bay ở Liên Xô cũ hồi ấy người ta chỉ nói học lớp “kỹ thuật đặc biệt”. Học xong lái MiG-17 anh lại được chọn tiếp học gấp lái MiG-21.

Anh nhớ là ngày 23 – 11 – 1965 tốp MiG-21 xuất kích anh đã nhủ thầm “hãy tìm cách đánh không để mình bị bắn”. Cách đánh ấy là tạo thế thượng phong. Chiến công đầu của Nguyễn Văn Lý ghi nhận vào ngày 5 – 6 – 1967 bắn hạ một máy bay F-105 khi nó oanh tạc kho Đức Giang và cầu Long Biên. “Bia đã được uống chai thứ nhất” (mật khẩu báo về sở chỉ huy) – nghĩa là quả tên lửa đầu đã được phóng – con F-105 phụt khói đen nhưng không rơi. Anh lên độ cao thích hợp chọn cái cách của anh là thế của “Chim bói cá” ngắm mồi rồi bất ngờ bổ xuống. Và “Sử dụng chai bia cuối cùng” thì chai bia ấy chui tọt vào thân máy bay giặc. Chiến công thứ hai anh bắn hạ là một chiếc F8 được mệnh danh “Thanh đoản kiếm” của Hải quân Mỹ. Và chiến công thứ ba là chiếc F-4H trên vùng trời tỉnh Hà Bắc vào ngày 18 – 11 cùng năm.

 

Trong cuộc đời binh nghiệp “đi mây về gió” với 2.000 giờ bay, hàng nghìn lần xuất kích, gặp địch 10 lần trực tiếp không chiến, sử dụng “6 chai bia”, bắn hạ 3 máy bay, cũng là người có bề dày…công trạng. “Sao anh chuyển ngành sớm vậy?” “À, tôi nhảy dù bị thương. Sam2 ta bắn MiG ta! Một người ở đơn vị phòng không thú nhận khi đã quen thân nhau”. Chúng tôi được một trận cười tớ phớ. Thực ra trong cuộc chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” đã có ca từ “Ta giăng lưới lửa trên trời. Ta quăng lưới thép ngoài khơi. Chúng bay vào sẽ không có đường ra!” Trên vùng trời Hà Nội nhỏ bé là khó tránh “lưới lửa” khi mà pháo và tên lửa phòng không là “bắn đón”.

Tôi thú vị với luận đề Nguyễn Văn Lý nêu, là tại sao người ta không coi lực lượng Không quân Việt Nam đã mở một “Đường mòn Hồ Chí Minh trên trời” song hành với hai đường trên bộ và trên biển nhỉ? Rồi anh cũng nhắc tôi rằng báo chí đã “quên” công lao của thợ máy và phi công vận tải không quân. Anh chỉ sang Đại tá Bùi Văn Cơ và Thượng tá Nguyễn Hải Lý. Qủa là báo chí có lỗi đó. Bùi Văn Cơ và Nguyễn Hải Lý cùng được đào tạo ở Liên Xô cũ. Nếu không có đội ngũ thợ máy như anh Cơ lo sửa chữa chuẩn bị máy bay tốt, xăng dầu no đủ, lo làm hầm chữ A cất giấu máy bay và sửa đường băng bị giặc băm nát, thì liệu Nguyễn Văn Lý và đồng đội lấy “bia” đâu mà chuốc máy bay giặc.

Nếu không có đội ngũ phi công vận tải như Nguyễn Hải Lý, dùng trực thăng MiG-4 cứu thương cấp cứu nhảy dù, lái MiG-6 cẩu máy bay sang tận Mông Tự sơ tán, dùng máy bay IL14 vận tải hàng hóa quân nhu, đưa đón phi công tới những nơi máy bay sơ tán, chuẩn bị đường băng các sân bay dự bị để khi đánh máy bay B52 trở về có thể hạ cánh trong mọi tình huống thì Phạm Tuân, Trần Hanh đâu có đường về. Vẫn chưa hết những đối tượng cùng làm nên chiến công, đó là nhân dân quanh phi trường. Mỗi khi giặc đánh phá sân bay họ kéo nhau tới cùng góp sức sửa chữa đường băng, sẵn sàng nhường khu đất nơi mình ở làm hầm trú bảo vệ máy bay. Bùi Văn Cơ bùi ngùi nói rằng, các mẹ các em gái ở Đa Phúc mong ngóng âu lo mỗi ngày khi không nghe thấy tiếng máy bay ta xuất kích.

 
Ra là thế. Lòng dân! Tôi nhớ tới dân làng Chèm Thụy Phương. Nếu không có họ đùm bọc thì Tiểu đoàn 77 lực lượng phòng không của Đinh Thế Văn đã chưa trở thành “Quán quân” bắn rơi 4 máy bay B52 và 1 chiếc khác trong 12 ngày đêm huyền thoại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong tổng số hơn 30 B52 Mỹ bị bắn hạ mà là bắn rơi tại chỗ, có nghĩa là nhằm thẳng quân thù mà bắn, và làm nên một Đơn vị Anh hùng. Tôi tiếc là không gặp Đinh Thế Văn trong cuộc đi này vì anh đang có công chuyện tại miền Nam.

Anh Vị trưởng ban nói vui rằng những cuộc đi như thế này “cha” ấy “không tuần chay nào không có nước mắt!” Ôi! Nói tới lòng dân thì trong chuyến đi này trở lại Mường Phăng tôi cố công tìm gặp lại cụ Lù Thị Đôi dân tộc Thái đen mà ba năm trước tôi đã gặp. Cụ là người xay xát gạo hái rau rừng chuyển vào Sở chỉ huy nuôi Tướng Gíap năm 1954. Năm nay cụ tròn 100 tuổi. Tôi tặng cụ Lù Thị Đôi một bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khổ giấy A4 ép platic mà anh Vị đã chuẩn bị sẵn từ Hà Nội phát cho mỗi cựu binh mang trước ngực trên đường lên thăm đồi A1.

 Ngày cuối cùng ở Lào Cai làm tôi bất ngờ nhất là về sự kính trọng của chính quyền tỉnh, về sự trọng thị của họ dành cho đoàn CCB. Sở Công an dùng xe đặc chủng dẫn đường và hộ tống. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lao Cai huy động một đại đội chiến sĩ làm hàng rào nghiêm chào đón đoàn từ cơ quan văn phòng bộ qua biên giới thăm chiếc cầu qua cửa khẩu Kim Thành II mới khánh thành. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lao Cai cũng nghinh tiếp như thế tại Cơ quan bộ.

 

Đêm giao lưu mang tiêu đề “Ấm tình đồng đội” được chính quyền tỉnh tổ chức tại nhà Trung tâm Văn hóa thành phố. Những ca khúc một thời đánh Pháp đánh Mỹ của bốn lực lượng biên phòng, quân sự địa phương, đoàn thanh niên cùng CCB trình diễn thật hào sảng. Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan lại hát liền hai bài một cho trên trời một cho dưới biển. Cái giọng xứ Quảng khê khàn mà dễ thương. Có một tiết mục làm xúc động lòng người của cựu binh Hoàng Thảo sáng tác và biểu diễn “Nỗi đau da cam”. Anh hát như chính anh đang đau. Anh truyền nỗi đau ấy sang mọi người. Một hòm quyên góp được đưa ra. Người người xếp hàng lên bỏ những phong bì tiền vào đó. Và xúc động tột cùng khi Trưởng ban CCB Nguyễn Văn Vị trao chiếc hòm quyên góp đó cho chị Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai nhờ chị chuyển giúp tới tổ chức Chữ Thập Đỏ của tỉnh.

Đáp từ của chị Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai lại dội trong tôi niềm xúc động thêm một cung bậc nữa. Chị ôm ông Trưởng ban Nguyễn Văn Vị. Khóc. Nói trong nức nở, rằng, tấm lòng nhân hậu của các cựu binh một thời hy sinh xương máu cho độc lập tự do và hạnh phúc mọi người, nay vẫn vẹn nguyên tấm lòng ấy. Chị cảm kích hơn khi biết chính hai con ông Vị cũng là nạn nhân chất độc da cam. Chị nói, chị và thế hệ trẻ Lào Cai hôm nay có một tấm gương soi về phẩm chất một thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đúng là thế. Phẩm chất ấy là đức phẩm hạnh luôn nghĩ cho người khác.

Khiếu Quang Bảo

     

     

Bình luận
vtcnews.vn