Doãn Thành – Có một đam mê rất đỗi tuổi thơ

Tổng hợpThứ Năm, 10/11/2011 03:19:00 +07:00

Có lẽ, nếu không nhờ một clip ngắn phát trong đám cưới của hai người bạn quen sơ, thì chắc không bao giờ tôi biết anh.

Hiền lành, dễ chịu, cởi mở là cảm giác đầu tiên khi nói chuyện với Doãn Thành. Có lẽ, nếu không nhờ một clip ngắn phát trong đám cưới của hai người bạn quen sơ, thì chắc không bao giờ tôi biết anh -  một họa sĩ hoạt hình tài năng như thế mặc dù chúng tôi làm chung trong một tòa nhà.

 

Ấn tượng đầu tiên, đôi khi… đúng

Thật ra, mặc dù làm chung trong một tòa nhà nhưng tôi không biết Doãn Thành cho đến khi xem clip trong đám cưới của cô bạn. Nghe nói, ban đầu ý tưởng của cô ấy là làm một clip đơn giản thôi mô tả quá trình yêu đương, những sóng gió, gian nan… cho đến khi họ đến được với nhau. Và qua một người bạn giới thiệu bạn tôi đã nhờ Doãn Thành hiện thực hóa ý tưởng đó.

Cho đến giờ, clip đó vẫn là một trong những niềm tự hào của cô bạn tôi. Giọng cô đầy cảm kích khi nhắc đến Thành: “Thành rất có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Bằng chứng là bạn ấy đã cố gắng làm mọi thứ một cách hoàn hảo nhất dù nó chỉ là một clip chiếu duy nhất một lần trong đám cưới của hai người mà Thành không quen biết. Để làm nó, chắc chắn Thành đã rất cầu kì, chỉ riêng nghe nhạc và chọn nhạc thôi chắc cũng phải mất vài đêm rồi”.

Và cái tên Doãn Thành dường như đã bắt đầu trở nên ấn tượng hơn trong tôi, đặc biệt là sau khi tôi xem bộ phim hoạt hình ngắn Chú bé đánh giày của anh đã được giải cao nhất - Giải cánh diều bạc trong Liên hoan phim của Hội Điện ảnh năm 2009. Đó là bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh nhưng đầy nhân văn về thân phận của một cậu bé đánh giày, phải ngủ trong ống cống ở một công trường xây dựng. Và cậu bé đã phải đương đầu với đủ mọi khó khăn trong xã hội để dành giật từng miếng ăn nhưng cuối phim, cậu đã chia sẻ chiếc bánh mỳ quý giá của mình với một chú chó con khốn khổ khác. Một bộ phim không quá ấn tượng nhưng để lại dư âm. Đặc biệt là những hình ảnh cuối cùng với kết thúc có hậu, nhẹ nhàng, tinh tế.

Và tôi gặp Thành cùng với những ấn tượng tốt đẹp về anh. Thành không khác nhiều so với hình dung của tôi. Anh hiền lành, cởi mở. Đôi mắt to, miệng rộng và rất hay cười. Chợt nhớ tới những ấn tượng của cô bạn tôi về Thành và thấy hình như mình cũng có chung cảm giác đó. Có điều khi gặp và nói chuyện dường như mới hiểu rõ hơn về đam mê hoạt hình của Thành. Doãn Thành có thể vẽ vào bất cứ lúc nào rảnh rang. Đầu luôn mơ màng những ý tưởng. Thậm chí vừa lên chức bố, anh đã lập tức lo lắng đến chuyện phải vừa bế con vừa vẽ như thế nào.

Từ bé Thành đã mê truyện tranh. Có lẽ vì mê truyện quá mà sinh ra mê vẽ. Cuốn truyện có thể nói là “tác nhân” đẩy Thành đi xa hơn trên con đường vẽ của mình là cuốn Bảy viên ngọc rồng mà trẻ con, nhất là con trai đứa nào cũng mê mẩn. Thành bảo, rất vui khi những người vẽ truyện tranh nổi tiếng ở Nhật bây giờ, rất nhiều người cũng xuất phát từ niềm đam mê Bảy viên ngọc rồng giống như mình. Khác là, ở Việt Nam, Thành dường như không có cơ hội để phát huy hơn nữa khả năng của mình. Vì vậy, mặc dù đam mê nhưng hoạt hình vẫn chỉ là “người tình” theo cách ví của Thành thôi.

 
   Từ năm lớp 6, Thành đã vẽ những truyện tranh của riêng mình và gửi báo thiếu niên, gửi hú họa, gửi rải rác với hy vọng nó sẽ đậu lại ở đâu đó. Ấy thế mà nó đậu thật. Tiền nhuận bút kiếm về, Thành lại mang đi mua truyện tranh đọc tiếp.

Đến năm lớp 11, Thành đã tham gia vẽ cho nhiều tạp chí Truyện tranh Việt, Manga Heaven, Thần đồng đất Việt… Rồi tự sáng tác truyện tranh của mình, ký tên là S18. Các nhân vật chính trong chuyện của Thành thường là thiếu nhi, những đứa trẻ cơ nhỡ, bị hắt hủi phải tự lang thang kiếm sống nhưng đối tượng hướng tới lại là người lớn. Vẽ để thay đổi nhận thức của người lớn, tìm cách lay động lòng trắc ẩn của họ.

Bố Thành nhận thấy con trai có năng khiếu và đam mê nên đã mang về một món quà là một cây bút vẽ điện tử. Sự động viên của bố mẹ đã mở ra trước mắt thành con đường sáng. Tốt nghiệp phổ thông, Thành thi vào ngành thiết kế mỹ thuật cho phim hoạt hình. Trượt. Năm thứ hai anh tiếp tục thi đúng và khoa đó và trời không phụ công, Thành đỗ. Ở đây anh được tiếp xúc với những bậc thầy về hoạt hình , được sống trong đam mê và tin tưởng sự lựa chọn của mình là đúng.

Đề tài bài tốt nghiệp cuối khóa của Thành chính là tác phẩm chú bé đánh giày. Ban đầu thầy giáo trực tiếp hướng dẫn không chấp nhận tạo hình nhân vật em bé trong phim. Nhưng rồi vốn bản tính bướng bỉnh, Thành quyết tâm theo đuổi tạo hình đó. Không ngờ, từ một tác phẩm bị từ chối, Chú bé đánh giày đã  đoạt giải Ong Vàng của trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh (là giải cao nhất, không có giải vàng). Phim còn được chiếu tại Tuần lễ Văn hóa Việt ở Anh và trên VTV6. Và thầy của anh chính là người đã gửi phim đó đi dự liên hoan phim.

Đã 2 năm qua kể từ sau khi được giải, Thành chưa làm thêm được một tác phẩm nào. Hỏi Thành, Thành cười, chia sẻ rằng anh đang ấp ủ một vài ý tưởng sẽ cho ra vào cuối năm nay. Thật ra, cũng như nhiều người làm nghề khác, Thành hiểu rõ để sống với nghề của mình cần nhiều hơn một niềm đam mê. Và mặc dù vẫn đang khá bận rộn với công việc tại VTC Studio, nhưng bất cứ lúc nào rảnh, Thành đều dành để vẽ hoạt hình.

Chợt nhớ lúc trước có hỏi Thành tại sao ký tên là S18. Thành có có giải thích rằng, vì anh thích cầu thủ bóng đá người Ý khoác áo số 10 Roberto Baggio. Sau khi sút hỏng cú đá phạt, cầu thủ này đã trở thành tội độ trong lòng những cổ động viên Ý. Nhưng cuối cùng anh ta đã trở lại trong đội hình tuyển quốc gia và khoác áo số 18. Thành chia sẻ, chỉ cần còn có đam mê thì người ta có thể vượt qua tất cả. Không biết, khi nói vậy, có phải Thành muốn “hẹn” một sự quay trở lại với một cú “ghi bàn” ngoạn mục hơn cả Chú bé đánh giày trước đây hay không. Nhưng có lẽ, với sự điềm tĩnh, chắc chắn và cần cù của mình, tôi tin Thành có thể làm được.

 
   Khi vẫn còn đang học Đại học, Thành đã được mời về VTC Online làm việc. Hiện  nay, anh đang là Phó trưởng bộ phận VTC Studio, giữ trách nhiệm tạo ra sản phẩm của cả đội 2D và phải quản lý gần 30 con người. Thành quan niệm, không thể ép buộc sự sự sáng tạo. Điều này có lẽ Thành rút ra từ bản thân, bởi ngay từ hồi còn đi học, Thành vốn nổi tiếng trong lớp chuyên văn của trường là người có khả năng phóng tác. Những đề nào thầy ra đòi hỏi sự phóng tác, tưởng tượng, Thành luôn được điểm cao. Ngược lại, những đề tài mang tính khuôn mẫu, anh luôn bị rơi vào nhóm điểm thấp nhất lớp.

Sinh năm 1984, Thành đã sớm tìm thấy một người vừa là bạn đời vừa là đồng môn, và giờ đây là đồng nghiệp. Mọi người trêu, không biết đó là may mắn hay thiệt thòi của Thành khi cả hai vợ chồng luôn ngày ngày, giờ giờ chạm mặt nhau, hết ở nhà lại đến công ty. Nhưng có lẽ, với một người say mê công việc, và coi hoạt hình như người tình thì có lẽ đó là may mắn. Bởi cuộc sống hạnh phúc nhất là khi ta có thể chia sẻ niềm đam mê của mình với ai đó, nhất là khi “ai đó” chính là người bạn đời của ta. Và Thành đã có một người bạn đời như thế.

H.T

Bình luận
vtcnews.vn