Trước một kẻ yếu tim không nên kể chuyện…ma!

Tổng hợpThứ Hai, 23/05/2011 01:39:00 +07:00

"...một người lặng lẽ đốt lên que diêm có khi mang lại chút lạc quan cho nhiều người đang âm thầm nguyền rủa bóng tối!"

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Trước một kẻ yếu tim không nên kể chuyện…ma!

“Thay đổi nếp sống, nếp nghĩ không bao giờ dễ dàng như thay đổi thực đơn bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên, một người lặng lẽ đốt lên que diêm có khi mang lại chút lạc quan cho nhiều người đang âm thầm nguyền rủa bóng tối!”

 Tôi mua cuốn “Người Việt biết đùa” của Lê Thiếu Nhơn vào năm 2007 ở một hiệu sách quen. Phần vì tò mò với tựa đề sách, phần vì khi đó rộ lên một loạt các bài viết về thói hư tật xấu của người Việt. Khác với nhiều bài báo tôi đã đọc, những câu chuyện của Lê Thiếu Nhơn đều dẫn chứng từ những nhân vật và sự kiện có thật. Giọng văn anh chừng mực mà sâu sắc, hóm hỉnh và đầy xót xa. Gần đây, đọc thêm nhiều bài bàn  luận văn nghệ và đặc biệt là cuốn phê bình thơ “Thi ca nết đất” của Lê Thiếu Nhơn,  tôi chợt có cảm giác đây là một nhà thơ thẳng thắn có thể mang lại một cuộc trò chuyện thú vị...

 Cuốn “Người Việt biết đùa” của anh, tuy cái title có vẻ nhẹ nhàng nhưng nội dung lại rất sắc sảo. Trong đó những “căn bệnh” của người Việt, xã hội, đất nước Việt được tác giả chỉ ra vừa thẳng thắn lại vừa trào phúng, có phần chua xót. Có cảm giác như viết về thói xấu của con người, của xã hội này cũng giống như tự cầm dao “phẫu thuật” mình mà không có thuốc gây mê vậy?

Ở đời, hầu như ai cũng thích được người khác nhìn vào mặt tốt của mình mà thôi. Đặc biệt, người Việt lại có thói quen “đẹp khoe xấu che”. Theo tôi, tự nói về những điều chưa hay, cũng chính là một cách trưởng thành về mặt tư tưởng. Tuy không dễ dàng, nhưng cách nhận diện và loại bỏ những tế bào ít khỏe mạnh trên cơ thể, ngoài việc chống nguy cơ ung thư, còn giúp con người cường tráng hơn!  

 
Nhưng nếu chúng ta chọn cách im lặng. Chúng ta sẽ chỉ viết về những điều tốt đẹp của cuộc sống. Anh hãy làm thơ tình đi, hay viết tiểu thuyết yêu đương ăn khách cũng được. Chúng ta lạc quan về tinh thần và chúng ta sẽ khỏe mạnh?

Thái độ lạc quan vun vén cá nhân có thể mang lại sự khỏe mạnh tạm thời về áo cơm, nhưng vẫn tiếp tục ốm  yếu về nghĩ suy. Muốn ăn ngon mặc ấm, cứ kiếm nghề khác mà làm, sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với nghề viết lách. Tôi vẫn cứ tin rằng, người cầm bút chỉ có một cái quyền nhỏ nhoi nhất và cũng là cái quyền uy nghiêm nhất, đó là quyền chối từ sự tha hóa của đồng loại mình!

Nhà văn, nhà báo cứ viết, cứ phê phán nhưng thiên hạ cứ “chắc nó trừ mình ra” thì biết làm thế nào?

Thì đành tự an ủi xem như bản thân hòa đồng cùng vạn vật, gảy đàn phục vụ tai trâu. Cũng đáng khen về tinh thần sống chung với thiên nhiên hoang dã, chứ nhỉ!?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có tản văn “Ra đường dạy con”. Bà mẹ trẻ dạy con ra đường chớ nhổ nước bọt, chớ vứt rác ra đường, chớ nói dối nhưng ra đường thiên hạ nhổ bậy, quét rác từ nhà hất ra lối đi chung, cô giáo hứa mà không giữ lời... và đứa nhỏ hoài nghi ghê gớm. Thử hỏi, báo chí và nhà văn có thể cảnh tỉnh được thế hệ trẻ hay không khi mà hiện thực phơi bày quá trần trụi?

Đôi khi sự tuyệt vọng mang lại một vẻ đẹp có khả năng che chở những người còn biết hy vọng và còn dám hy vọng!

“Có lẽ phương Đông giàu truyền thống kính trên nhường dưới nên đâu đây trên đất nước Việt Nam chúng ta, yếu tố ngoan ngoãn vẫn được xem như một tiêu chí hàng đầu cho sử dụng, cho đề bạt, cho cất nhắc, cho phát thưởng, cho ban tặng, cho khen ngợi... Ở chừng mực nào đó, sự ngoan ngoãn trong xã hội hôm nay thường tiềm ẩn sự khôn khéo và tư lợi!”- Ý tưởng của anh khá rõ ràng. Hình như nói thế này sẽ đụng chạm đến rất nhiều người “thành đạt”, ngồi cao?

Thực chất, đấy là một sự cảnh tỉnh. Khi đối diện với những vấn đề liên quan đến tồn vong của cộng đồng, không thể lấy cảm tính làm cơ sở quyết định. Không chỉ chốn quan trường, ngay trong đời thường cũng cần tư duy lý tính. Nghĩa là, giá trị của một con người chỉ phát huy tác dụng khi đặt đúng vị trí. Cổ nhân đã nhắc “dụng nhân như dụng mộc” mà!

Các cụ dạy “Sự thật mất lòng”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Rõ ràng anh đã khứa vào những góc khuất của cuộc sống một cách chua xót. Ây vậy nhưng anh gọi đó là “đùa”, rằng có yêu nhau mới viết chân dung nhau. Đó có phải là cách anh “lựa lời”?

Lựa lời chứ! Giống như uống thuốc đắng vậy, tôi phải lấy sự hài hước làm chút đường cho dễ trôi!

“Đành rằng, việc viết về cái xấu, cái tốt đều là cần thiết. Viết về cái tốt để mọi người noi theo, thấy yêu cuộc đời hơn. Viết về cái xấu để mọi người cảnh giác, tránh xa. Nhưng với trường hợp đối tượng phản ảnh là các nhà văn nổi tiếng đã quá cố, câu hỏi đặt ra là: Viết về cái xấu của họ để làm gì? Để giúp độc giả nhận ra “chân tướng” của họ ư? Để độc giả bớt yêu tác phẩm của họ hơn? Vả chăng, những điều gọi là xấu ấy ai kiểm chứng? Chưa nói điều anh cho là xấu chắc gì đã xấu?” (trích trong Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn dùng bút pháp tiểu tiết?). Theo anh viết về cái xấu phải viết như thế nào?

Viết về cái xấu không nhằm đả phá, mà nhằm xây dựng. Hơn nữa, hoàn cảnh rất quan trọng. Ví dụ, khi thấy một vết nhọ trên khuôn mặt ai đó, chúng ta phải tùy trường hợp mới lên tiếng. Vết nhọ trên khuôn mặt một người đang lúi húi trong hầm mỏ thì kêu lên làm gì? Ngược lại, vết nhọ trên khuôn mặt một người đang ra phố thì im lặng có được không? Tôi cố gắng làm sao viết về cái xấu của người khác, mà chính người ấy nhận ra rằng tôi đang giúp lau vết nhọ trên khuôn mặt họ!

Sự nhân hậu, bao dung dường như là cần thiết để con người không trở nên bi quan và cực đoan khi nhìn vào mặt trái của con người và xã hội?

Tôi thì cho rằng, một con người văn minh luôn biết cách lắng nghe sự phản biện của người khác. Chúng ta không thể nào nghe được bất cứ lời nói chân thành từ ba loại người sau: Thứ nhất, những người nuông chiều chúng ta. Thứ hai, những người sợ hãi chúng ta. Thứ ba, những người cầu cạnh chúng ta.

Có câu chuyện kể về hai chú ếch rơi xuống giếng. Lũ ếch ở miệng giếng cứ gào lên “bỏ cuộc đi, các anh không thể thoát nổi cái giếng sâu này được đâu”. Một trong hai con ếch đã chấp nhận sự thật và bỏ cuộc. Nó chết ở đáy giếng. Con còn lại cứ cố mãi, cố mãi và nó đã nhảy lên được miệng giếng. Bọn ếch hỏi làm sao nó làm được thế. Thì ra vì nó bị điếc nên nó nghĩ nó đang được đồng loại của mình cổ vũ. Có lúc lời nói thật , thẳng thắn của nhà văn lại giết chết hy vọng và niềm tin của con người?

Lời nói dối lương thiện không có nhiều đâu, và không thể lấy lời nói dối lương thiện này lấp liếm cho lời nói dối lương thiện kia. Chỉ sự thật mới tồn tại mãi mãi. Hồi nhỏ, tôi là một đứa bé chậm chân và gầy còm. Có lần tôi nghịch ngợm đã bị một con chó rượt theo. Có lẽ vì quá sợ hãi mà tôi đã chạy nhanh hơn con chó để... thoát nạn. Thế nhưng, đi học tôi vẫn luôn nhận điểm kém môn thể dục. Lớn lên tôi phải nhắc nhở mình sở dĩ đã chạy nhanh hơn con chó là nhờ khoảnh khắc may mắn của bản năng sinh tốn, chứ không phải tôi có đôi chân đủ sức tham dự môn điền kinh ở Thế vận hội Olympic!

Cái xấu không chỉ của một con người mà của cả xã hội. Một hai người dám viết về cái xấu liệu có đủ để cảnh tỉnh và đánh thức xã hội không?

Thay đổi nếp sống, nếp nghĩ không bao giờ dễ dàng như thay đổi thực đơn bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên, một người lặng lẽ đốt lên que diêm có khi mang lại chút lạc quan cho nhiều người đang âm thầm nguyền rủa bóng tối!

Những người như ông Vương Trí Nhàn dường như là cô độc và bản thân ông ấy sau khi xảy ra bài phỏng vấn với VieTimes cũng bị tổn thương và thận trọng hơn. Anh thấy sao?

Tôi tin nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn vẫn tiếp tục công việc của ông ấy. Không vì một sự tổn thương nho nhỏ nào có thể bắt ông ấy ngưng thiện chí nâng cao ý thức “tri bỉ” của người Việt!

“Nếu không quá khốn đốn vì cơm áo, nếu không phải gọt mình đi, vén mình lại để hài lòng những kẻ trả lương cho bạn, hãy chứng minh dấu ấn của bạn trên cuộc sống này!” (trích “Những bức tranh nổi gió ở trên tường” trong cuốn “Người Việt biết đùa”). Đã khi nào Lê Thiếu Nhơn phải gọt mình đi, vén mình lại trước khi chứng minh dấu ấn của mình trên cuộc sống này chưa?

Có chứ! Nhưng gọt mình đi, vén mình lại không phải mưu cầu điều gì, mà thấy rằng lúc ấy, nơi ấy không phù hợp cho sự thẳng thắn của mình. Thế thôi. Trước một người bệnh tim mãn tính thì mình không nên kể chuyện… ma!

“Lời khen không mất tiền mua”. Tôi cá anh đã khen và cũng đã nhận rất nhiều lời khen. Anh ứng xử với những lời khen ấy như thế nào? Tôi nghĩ cách ứng xử với lời khen chê của người đời cũng thể hiện nhận thức của một người, có phải vậy không?

Lời khen thì như viên kẹo ngọt ấy, dễ làm người ta ngây ngất lắm. Tuy nhiên, chả có ai ăn kẹo để sống hết ngày này qua ngày khác. Người khôn ngoan, khi nhận lời khen sẽ biết cách để dành viên kẹo ngọt cho những lúc mình nhạt miệng!

Một người quân tử trong văn chương sẽ như thế nào?

Mê mải viết vì sự tiến bộ của xã hội, và ngừng viết khi nhận ra mình không còn theo kịp tốc độ phát triển của xã hội.

Còn khi nhà văn, nhà báo cũng đầy thói hư, tật xấu. Ai sẽ viết về họ?

Đồng nghiệp cùng thời của họ, thế hệ sau của họ hoặc bạn đọc đích thực của họ, sẽ viết. Tuy nhiên, tôi tin đã là nhà văn, nhà báo thì sẽ có lúc chính họ sẽ tự ăn năn, tự dày vò và phải viết ra như một cách tự sửa chữa thói hư, tật xấu!

Anh là một nhà thơ và cũng là một nhà báo, việc nhìn nhận vào thói hư tật xấu của con người, xã hội khi làm báo có làm con người thơ trong anh bớt “thơ” đi không?

Đôi khi cũng ngã lòng. Thế nhưng, phải có những ngày bị cảm cúm thì mới biết quý những ngày không đau bệnh gì!

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen sống trong bùn lầy, lấy dinh dưỡng sống từ bùn lầy nhưng lại tự hào mình không hôi tanh mùi bùn. Viết về thói  hư tật xấu của người Việt, người viết xét cho cùng vẫn phải tiếp tục sống chung với nó. Liệu có thể như sen ngẩng cao đầu mà tự nhận mình không hôi tanh hoặc chưa từng hôi tanh hay không?

Dám nghĩ và dám viết, đã là một sự khuyên răn nghiêm khắc dành cho bản thân. Hơn nữa, đó là cơ hội để tin phẩm chất tốt đẹp vẫn tiềm ẩn trong đời sống người Việt thời hội nhập!

 Xin cảm ơn anh!

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn