Lê Cát Trọng Lý – Nhảy chân sáo trên thảo nguyên âm nhạ

Tổng hợpThứ Hai, 09/05/2011 10:47:00 +07:00

Với mái tóc ngắn ngủn, xù lên và cử chỉ ngộ nghĩnh không kiểu cách, đôi khi trông em giống như một cậu con trai vậy...

Gặp Lý trước giờ em bay từ Hà Nội trở lại Huế sau hai đêm diễn với Tùng Dương. Ngoài đời, Lý nhỏ nhắn, xinh xắn, khuôn mặt mộc không trang điểm nhưng đôi mắt sáng thông minh. Với mái tóc ngắn ngủn, xù lên và cử chỉ ngộ nghĩnh không kiểu cách, đôi khi trông em giống như một cậu con trai vậy. Ở em có nét hồn nhiên của cô gái tuổi đôi mươi nhưng cũng thấp thoáng sự trải nghiệm của một người phụ nữ từng yêu và đau khổ…

 

 

Đêm nhạc Dương Lý đã kết thúc nhưng cảm giác thỏa mãn vẫn còn nguyên trên khuôn mặt của Lý. Em hồn nhiên đến khó tin: “Trước khi tham gia chương trình, em và các bạn trong band cũng khá lo lắng, vì anh Dương và band nhạc của anh Phương quá giỏi. Tụi em thì chơi như bụi đời, sợ là làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. May quá, nhiều người hài lòng sau đêm diễn khiến em rất hạnh phúc”.

Theo nguồn tin hành lang thì trước đó, người được mời đứng chung sân khấu với Tùng Dương là Vietnam Idol Uyên Linh. Song việc chuyển vai nữ sang cho Lê Cát Trọng Lý lại mang đến một sự kết hợp tuyệt vời, những thành công bất ngờ cho chương trình. Người ta ví von, trên sân khấu Tùng Dương - Lê Cát Trọng Lý như một đôi tình nhân, kẻ kiễng chân lên, người cúi xuống thấp để chạm tới nhau. Tùng Dương như lửa, lúc nào cũng bốc đồng, nổi loạn. Lê Lý thì như nước, lững thững, nhỏ nhẹ, sâu sắc. Tùng Dương nhìn vào đã thấy con người này phải thuộc về showbiz, sẵn sàng tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, từ chất giọng đến động tác hình thể. Lê Lý lại dễ lẫn vào đám đông, ăn mặc giản dị, đôi lúc tuềnh toàng, sợ khoác những bộ đồ đẹp, sợ gây chú ý. Tùng Dương hoạt ngôn, tự tin, luôn cố gắng làm chủ tình huống. Lê Lý thường giữ điệu bộ lúng túng một cách đáng yêu của cô gái nhỏ. Và trên tất cả, hai người đã thực sự mang đến cho khán giả một bữa tiệc no nê thanh sắc.

 

 

Thần tượng gió và nước

Nghe Lý hát, dường như cần một không gian riêng biệt thì mới trọn vẹn. Không gian đó không phải là lớn hay nhỏ, mà quan trọng là phải im lặng. Mọi thứ phải tập trung để không bị tách ra khỏi nó. Lý không đòi hỏi sân khấu phải cầu kỳ, rực rỡ màu sắc mà cái em cần là những tâm hồn lặng yên rộng mở để sẵn sàng lắng nghe, không bỏ sót dù chỉ một nhịp đập cảm xúc trong lời hát của em.

Không tưng bừng vũ đạo, không nhộn nhịp áo vá nhưng buổi diễn nào của Lý, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, cũng đều chật kín chỗ ngồi. Lý thường chỉ ngồi trên chiếc ghế cao, ôm cây đàn ghi-ta và thả vào không gian thứ âm nhạc của riêng mình.

Không ít người khi nghe nhạc đã có chung nhận xét rằng trong những sáng tác của Lý luôn thấp thoáng bóng dáng nhạc Trịnh. Tuy nhiên, cô nàng “chênh vênh” lại thú nhận là mình rất ít khi nghe các sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa này vì nó… buồn quá. Lý bảo nhạc Trịnh giống như một nền văn hoá mà có thể em bị ảnh hưởng lúc nào không biết. Sự ảnh hưởng đến từ trong tiềm thức, từ những ngày còn đi học vẫn thường nghe chị gái hát nhạc Trịnh. Và hình ảnh Lý ôm đàn guirta vừa chơi vừa hát cũng khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh gần gũi của nhạc sĩ họ Trịnh.

 Chia sẻ về thần tượng âm nhạc của mình, Lý tủm tỉm: “Em thích nhạc của Phạm Duy và dân ca Bắc Bộ. Nhưng thần tượng của em lại là gió và nước”. Thấy tôi tròn mắt, em gãi đầu giải thích: “Ngày trước đi học, một thầy giáo hỏi em là có hát được như gió như nước không. Lúc đó cũng tròn xoe mắt nhìn như chị lúc này nè, nhưng từ đó em nghĩ nhiều hơn về câu hỏi “Làm thế nào để hát được như nước chảy, như gió thoảng qua”.

Tôi không biết em đã thỏa nguyện chưa và khán giả cũng không có thời gian để đong đếm, so đo giữa giọng hát của em với tiếng nước hay tiếng gió. Bởi họ còn mãi lạc vào thế giới của em, những câu chuyện mà em kể qua lời hát bằng trái tim và cảm xúc. Đôi lúc nghe Lý hát, như âm thanh của côn trùng nói chuyện than thở trong đêm, như cô bé hiếu động loay hoay với những câu hỏi ngây ngô, như thiếu nữ thất chí không niềm tin vào cuộc sống “Tiếng của tôi đến từ đâu, chết về đâu, xong giấc mộng này, ngừng chơi” (Giấc mộng lớn).

Lý chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ mà chỉ khiêm nhường với danh hiệu “người hát những ca khúc do mình sáng tác”. Tự biết mình đang ở đâu và cần gì, sắp tới, dự định của em là sẽ sang Canada để học về sáng tác ca khúc và sản xuất âm nhạc. Lý hiểu rằng phải có kỹ năng thì mới có thể truyền đạt tốt cảm xúc của mình với âm nhạc.

 

 

“Tôi kể những giấc mơ của mình”

Lý quá già dặn so với tuổi đôi mươi của mình, khi viết những ca từ như: «Thương em anh trèo non cao/ Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc/ Thương anh em lội sông sâu/ Trôi hương, trôi hoa tan phận ngọc», nên có nhà báo đã gọi Lý là «cô gái đến từ hôm qua».

Lý gợi cho người ta hình dung đến một nữ nghệ sĩ lãng du, lang bạt khắp chân trời, chỉ với người bạn đồng hành là cây đàn. Tiếng ca ấy cất lên giữa hè phố, bãi chợ, nơi đủ mọi lớp người qua lại, như những lời dân ca chất chứa tâm sự của nhiều kiếp nhân sinh. Có lẽ, cô gái đó không chỉ của hôm qua mà còn của hôm nay và xuyên không gian đến ngày mai nữa.

Trước đây Lý hát vì người khác thích. Còn bây giờ Lý hát vì thấy mình thích hát, hát những bài hát của chính mình. Trong thế giới của Lý, người ta thấy một cái tôi cô đơn, là một mẫu số chung của thế hệ trẻ. Và hơn cả, âm nhạc của cô có tính thời đại. Lý viết những suy tư, trăn trở, những lo buồn, thậm chí là cả bế tắc của thế hệ mình. Nhưng đó không hề là những xúc cảm mang màu sắc tiêu cực. Nó là những nỗi ưu phiền trong trẻo, có khả năng thanh lọc tâm hồn.

Mặc dù thừa nhận, giọng của Lý vẫn còn nhiều chỗ thô mộc, giống như một hòn đá quý chưa mài sáng nhưng chính sự thô mộc đó lại khiến người ta thấy thích. Và đặc biệt, ai thích được sống trong một căn nhà gỗ cũ kĩ hơn là một căn biệt thự huy hoàng thì chắc sẽ... thích Lê Cát Trọng Lý. Đôi khi người ta quên mất là đang nghe Lý hát, cứ ngồi ngẩn ngơ như thể đang nghe cô gái nhỏ thủ thỉ, rù rì kể về câu chuyện cuộc sống, về tình yêu và con người.

Ca từ giàu tự sự, triết lý và giai điệu đẹp nguyên sơ, cùng giọng hát nghe như lời thủ thỉ của cô mang đến những cảm xúc thanh bình, yên ả đến lạ. Hoà thanh Lý sử dụng rất Tây phương, nhưng ca từ giai điệu lại rất Việt Nam, ẩn trong đó những lời ru, khúc dân ca, tiếng cầu kinh, tiếng khóc, hoặc đôi khi chỉ là tiếng hét bơ vơ trống rỗng.

Những người yêu mến em, đủ mọi thành phần, già trẻ trai gái đủ cả. Có người thích ca từ, có người thích yếu tố tâm linh, cũng có người lại thích giai điệu. Những từ ngữ thô mộc “nhảy” vào khuông nhạc và đi qua cô, bàn tay, tiếng hát, để đến với trái tim người nghe.

Em viết và hát về sự sống sự chết hồn nhiên: “Sau nhà em lúc nhúc côn trùng mới sanh/ Bên nhà em hấp hối hai người mới đi...”. Nghe tê tái. Mọi người đều biết có bầy giun trong vườn, biết có hai người đang hấp hối, nhưng mấy ai hát thành nhạc, viết thành thơ làm người khác tái tê?

Lý thoắt ẩn thoắt hiện, từ êm dịu “chân ta đi hôn mặt đất nồng ấm” đến nồng nàn nữ tính “anh tìm sen, em tìm tình em”. Vừa “chưa ai đóng đinh xuân bằng một lòng tạ ơn”, đã lại hồn nhiên sâu sắc “em nay muốn dâng tim đầy, nay muốn khoe ngu khờ, nay muốn vui hơn buồn...”. Những khúc đồng dao hiện diện giữa đời sống mà người ta đã bỏ quên, Lý nhắc lại và xoáy  vào nỗi cô đơn của người nghe.

Có đôi khi tôi thấy Lý như cô nàng digan nhỏ nhắn bước chân sáo giữa thảo nguyên âm nhạc bao la, mang vào đấy thứ ánh sáng trong trẻo, thoáng chút cô liêu. Âm nhạc của Lý tự nhiên như cây cỏ, tự do như gió thổi trên đồng vắng.

 

 

Đơn giản là sự khác biệt

Nhiều khán giả cho rằng tên của Lê Cát Trọng Lý khá ấn tượng, ấy vậy mà hồi nhỏ, cô bé Trọng Lý rất ghét tên của mình bởi “tên gì mà vừa dài vừa trúc trắc”, khi đi học, cô giáo điểm danh “cứ tưởng con trai”. Thế là em đã nhiều lần phải bực bội kêu ca với mẹ “đời con rồi sẽ khổ vì cái tên này!”.

Chẳng biết Lý đã khổ chưa nhưng rõ ràng cái tên ấy đã trở thành một thương hiệu trong lòng người yêu nhạc. Giữa cái thế giới ồn ào của showbiz mà cái giả, cái phù phiếm nhiều khi muốn nhấn chìm, vùi lấp hết cái thật, cái giá trị thì Lý xuất hiện như một điềm lành. Lý bước qua những lấp lánh giả tạo đang đầy rẫy trong đời sống âm nhạc, để làm âm nhạc hồn nhiên, như chính tuổi trẻ của mình. Lý chọn cách riêng của mình để đi đến với tâm hồn của mọi người, bằng sự đồng điệu trong những câu chữ mượt mà, những giai điệu êm đẹp và đôi khi chênh vênh tiếc nuối. Ở trong thế giới ấy, Lý khiến người khác cùng mỉm cười, cùng buồn vui, cùng sẻ chia. Vừa cao siêu khó hiểu lại vừa đơn giản, gần gũi vô cùng, Lý cứ thế, như một người làm nghề vừa quyết liệt vừa lơ đãng; vừa tự tin vừa thoáng chút e dè; vừa đứng ở trong vừa như đứng ngoài showbiz…

Tiếp xúc với Lê Cát Trọng Lý ở ngoài đời, dễ dàng nhận ra cô gái trẻ này không giỏi lắm về khâu ăn nói. Lý nói chuyện khá chậm rãi, thường hay mỉm cười trong lúc nói chuyện để suy nghĩ những gì cần nói tiếp. Những lúc như vậy, tôi thường nghĩ, con người của Lý cũng không mấy khác âm nhạc của Lý, không cầu kỳ, màu mè, nhưng dễ gần, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Lý sợ nhất là phải phát biểu trước đám đông. Lên sân khấu nhận giải Album vàng tháng 4, khi mọi người đi vào trong cánh gà, chỉ còn mình Lý trên sân khấu trống trải, em sợ nên cứ đứng lặng suốt 5 phút. Khi khán giả vỗ tay cô gái nhỏ mới lí nhí: “Có ai ra hỏi em hay không?”… Thấy tôi cười nhắc lại chuyện đó, vẫn cái giọng lí nhí, em giải thích: “Thực sự lúc đó không biết nói gì vì quá bất ngờ khi mình giành giải thưởng”. Lý là thế đấy!

Yêu Lý không chỉ vì âm nhạc của Lý đẹp mà còn vì ở cô gái nhỏ này, người ta tìm thấy sự chân thành, hồn nhiên đến bình yên. Ai mà nỡ giận khi nghe cô ca sĩ trẻ trình bày: “Em đã chuẩn bị bài hát mới để hát cho mọi người nghe. Bài hát cần có phần đệm piano nhưng (chép miệng, lắc đầu) bạn chơi piano vẫn chưa tới nên thôi giờ em hát bài khác vậy”. Những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm sân khấu thường chỉ việc thản nhiên giới thiệu bài hát tiếp theo rồi lại tiếp bài hát khác cho đến khi nhạc công đến. Song chính từ lời xin lỗi của Lý mà người ta có thể nhìn thấy sự chân thành hiếm có trong làng văn nghệ.

 Lý bảo, trong cuộc sống, em vẫn trẻ con, dễ tính nhưng lại rất sợ hậu quả. Em chưa đủ dũng cảm để gánh những hệ lụy từ sự dễ dãi của mình. Thế nên em luôn bắt mình phải chuẩn bị thật kỹ, tránh đến lúc ngồi một chỗ khóc mà nuối tiếc với sự “giá như…”. Lý luôn tiết chế hình ảnh của mình trên sân khấu sao cho càng giản dị càng tốt. Em bảo, đôi khi cũng thấy may vì mình khác biệt. Em muốn đi chầm chậm, vừa đi vừa tích luỹ.

Những lúc rảnh rỗi, Lý thường đọc sách Phật giáo, tìm gặp các vị sư để trò chuyện. Cũng có thể đó là lý do khiến nhạc của em luôn phảng phất triết lý thiền, về có - không, còn- mất, về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của từng cá nhân. Lý cũng rất thích chơi cờ vây. Em bảo chơi cờ vây hay lắm, bàn cờ giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể họp lại mà thành. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Cả bàn cờ giống như hình tượng biến hóa của Trời và Đất.

Nếu có điều kiện đi xa, vùng đất đầu tiên mà Lý muốn đặt chân đến chính là Tây Tạng. “Em hơi tâm linh một tí. Em từng đọc một quyển sách về Tây Tạng, kể những chuyến đi về miền cội nguồn của một nhóm người, em thật sự thích thú và muốn đến đó. Cảm giác như được trở về với cái nôi đã sinh ra mình… Nhưng trước hết thì em cần kiếm đủ tiền đã”- cô nàng tóc xù cười xòa đế thêm…

Lý là thế! Luôn khiến người ta yêu mến ngay từ lần đầu tiên bằng tự chân thành và tự nhiên của mình. Dẫu đã có lúc em hoảng hốt, hoang mang “Tiếng của tôi đến từ đâu, chết về đâu, xong giấc mộng này, ngừng chơi”… nhưng tôi vẫn tin rằng, cuộc chơi của em sẽ vẫn còn dài lắm, bởi tiếng hát và tâm hồn của em như viên ngọc thô quý giá, càng mài lại càng sáng…

Hương Rin - Ảnh: Phương Nam

Bình luận
vtcnews.vn