Một góc nhìn về “cái tôi” của trẻ con

Tổng hợpThứ Sáu, 06/05/2011 10:09:00 +07:00

Bắt đầu từ 3 cho đến 13 tuổi là giai đoạn hình thành kỹ năng tốt nhất của trẻ em và nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc...

Từ nhỏ tới lớn, người Việt Nam luôn được giáo dục rằng: ở nhà phải nghe lời cha mẹ, đến trường phải nghe lời thầy cô, đối với xã hội phải “dĩ hòa vi quý”. Truyền thống này ăn sâu vào tiềm thức đến mức nếu con không nghe lời cha mẹ thì trăm đường con hư; học trò không dám tranh luận với thầy cô, và nếu có xung đột với bạn bè, đồng nghiệp thì người Việt thường chỉ biết khuyên nhau “1 điều nhịn là 9 điều lành”... Trong khi đó, người nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển họ lại nghĩ khác và làm khác chúng ta. Sau đây là một góc nhìn khác của chị Jennifer Connolly, một nhà tâm lý-giáo dục học đến từ New York, chia sẻ những cảm nhận cá nhân về trẻ em Việt Nam cũng như về nền giáo dục tại nơi chị sinh ra và lớn lên.

 

Jennifer Connolly từng giảng dạy tại Mỹ và Ý trước khi trở thành chuyên gia đào tạo marketing và bán hàng cho hai thương hiệu kim cương nổi tiếng thế giới – Tiffany & Co và Cartier. Chị đã đạt được nhiều thành công với công việc này. Tuy nhiên, 13 năm sau đó, Jennifer đã trở lại với niềm đam mê giảng dạy của mình, đặc biệt là dạy trẻ em. Hiện nay, chị đang là giáo viên của một trường Quốc tế tại Hà Nội và đang tiến hành nghiên cứu về tâm lý học đường tại Việt Nam.

Thú thực, tôi luôn thắc mắc vì sao chị quay trở lại với việc giáo dục và đặc biệt chú trọng tới trẻ em trong khi chị đang gặt hái rất nhiều thành công trong những công ty kinh doanh trên?

Trong quá trình làm việc với các công ty trên, tôi dần nhận ra một điều rằng: Bắt đầu từ 3 cho đến 13 tuổi là giai đoạn hình thành kỹ năng tốt nhất của trẻ em và nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc của chúng khi trưởng thành cũng như nguồn lao động của xã hội.

Thông tin có thể tìm được ở khắp mọi nơi một cách dễ dàng, đặc biệt là trong thời đại Internet ngày nay; tuy nhiên, kỹ năng để tiếp nhận những thông tin đó mới quan trọng, làm sao để trẻ hiểu và biến nó thành của mình, vận dụng được một cách hiệu quả để đóng góp cho xã hội sau này. Vì thế, với tư cách là một nhà giáo dục như hiện nay, tôi đặc biệt chú trọng vào việc phát triển kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ, tương tác xã hội và kỹ năng lãnh đạo; khả năng hợp tác với những người khác trong công việc; chia sẻ và làm việc nhóm, đóng vai nhiều vị trí trong nhóm kể cả người lãnh đạo hay người được lãnh đạo.

 Chị có dạy giải quyết xung đột không?

Tất nhiên rồi, điều này rất quan trọng vì ta không thể né tránh xung đột mãi mà phải đương đầu để giải quyết mâu thuẫn, từ đó đi đến sự thống nhất. Và điều này cần thực hiện dưới sự phối hợp giáo dục của cả cha mẹ ở nhà và giáo viên ở trường.

Ví dụ, khi một đứa trẻ gọi mẹ/cô giáo mách rằng bạn này bạn kia lấy bút của con thì điều quan trọng là bạn phải tạo điều kiện cho chúng ngồi xuống nói chuyện với nhau. Giáo viên/cha mẹ phải cố để hiểu chúng và giúp chúng dàn xếp với nhau chứ không được phép quát mắng và tự phân xử vì nếu chúng không hiểu tại sao chúng lại phải làm thế thì lần sau chúng sẽ vẫn tiếp diễn. Bạn cần khuyến khích chúng nói ra những suy nghĩ của mình. Bạn phải hiểu khi chúng đánh nhau thì nguyên nhân tại đâu, chúng nghĩ gì và cái gì dẫn chúng tới cách cư xử như vậy. Từ đó mới có được giải pháp và chúng sẽ bắt tay, vỗ vai, và tiếp tục chơi với nhau.

 Nếu chị cho rằng điều này là đúng nhưng bọn trẻ lại nghĩ điều kia mới đúng và chúng nhất nhất theo ý kiến của mình thì chị sẽ làm thế nào?

Trẻ con đứa nào cũng có ý kiến riêng của chúng. Tôi tôn trọng và đánh giá cao ý kiến, niềm tin, cũng như suy nghĩ của chúng và tôi sẽ tạo điều kiện để chúng khẳng định cái tôi ấy. Nhưng nếu chúng có những hành vi không đúng đắn thì ta có thể hướng dẫn chúng nhằm giúp chúng điều chỉnh lại hành vi.

 

 Chị nghĩ sao nếu một cậu bé 3 tuổi thay vì mặc áo thì lại đeo quần lên người và mẹ nó vẫn phớt lờ để nó ra đường?

Ồ, đó là cái tôi của chúng, nó thích sự khác biệt với bạn bè. Tôi sẽ tôn trọng điều ấy nếu sự khác biệt đó không ảnh hưởng tới ranh giới của lớp học và không ảnh hưởng tới người khác.

 Chị đánh giá thế nào về khả năng bộc lộ bản thân của học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ?

Trong quá trình nghiên cứu của bản thân tôi, tôi nhận thấy rằng học sinh Việt Nam không thường đặt câu hỏi, không dám phản biện vì sợ làm mếch lòng giáo viên, ảnh hưởng tới kết quả học tập. Thay vì thế, chúng sẽ làm những việc khác nhằm tranh thủ tình cảm của giáo viên để giáo viên “nới tay” khi cho điểm.

Dường như ở Việt Nam, phụ huynh và học sinh đều rất ngại va chạm với giáo viên. Và sự hiểu biết của giáo viên về cái tôi của từng học sinh, ví dụ: suy nghĩ, tâm sinh lý, mong ước, hoàn cảnh gia đình... còn rất hạn chế.

Trong khi đó, tại các trường ở Mỹ, thầy giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn và học sinh làm việc theo nhóm, được tự do bày tỏ ý tưởng, phản biện thầy cô và bạn bè. Hơn nữa mối quan hệ cá nhân giữa thầy trò rất khăng khít.

Áp lực lên giáo viên rằng phải giúp học sinh tiến bộ là rất lớn, nếu một học sinh về nhà nói với cha mẹ con không thích giáo viên này hoặc cha mẹ không thấy con tiến bộ thì ngay lập tức phụ huynh đó sẽ đến gặp giáo viên để xem có vấn đề gì không ổn, lý do tại sao con họ lại không thích thầy cô ấy.

 Chị có thể cho biết thêm về áp lực lên nhà trường và giáo viên trong việc giúp học sinh tiến bộ?

Ở Mỹ, Chính phủ cung cấp tiền cho trường học và trường học phải chứng minh được chất lượng, hiệu quả đào tạo của mình. Chính phủ đặt ra một thang tiêu chuẩn để dựa vào đó hàng năm sẽ đánh giá hoạt động của các trường trên khắp đất nước. Trong trường hợp một trường hoạt động kém hiệu quả, Chính phủ sẽ cho họ một năm thử thách, nếu sau năm đó mà không tiến bộ được như thang tiêu chuẩn thì trường sẽ bị đóng cửa hoặc ngân sách của Chính phủ cho trường sẽ giảm đi. Chính vì  thế mà áp lực đối với trường và giáo viên rất lớn và họ phải liên tục phản biện lẫn nhau để tìm ra các giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo.

Theo truyền thống thì trách nhiệm dạy dỗ trẻ con phần lớn là ở gia đình, nhưng thời nay, khi cha mẹ ngày càng bận rộn với công việc thì trách nhiệm này chuyển dịch nhiều hơn sang phía nhà trường.

 Khi chị còn nhỏ, tiếng nói của chị trong gia đình có được cha mẹ chú ý?

Tôi là đứa trẻ “lớn tiếng” đến nỗi suốt ngày bị ăn đòn. Tôi là người luôn bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ cho dù nó có đi ngược với ý muốn của bố mẹ.

Jennifer và cha mẹ

 Và cha mẹ chị có cho phép chị làm tất cả những gì chị muốn?

Không phải lúc nào cũng thế, tôi cũng phải vào khuôn khổ.

 Chị có hay tranh luận với cha mẹ không?

Luôn luôn. Tôi hay chất vấn và đòi hỏi sự công bằng. Tôi có ba chị nữa và nếu như chị tôi được phép làm điều này mà tôi lại không được thì tôi sẽ tranh luận với cha mẹ vì thấy như thế là không công bằng, thậm chí tôi còn đấu tranh.

 Vậy, chị hay cha mẹ chiến thắng?

Thường là cha mẹ. Vì họ là người chịu trách nhiệm về tôi, là “chính quyền” trong gia đình tôi.

 Có lần nào chị chiến thắng không?

Có. Cha tôi là một luật sư, ông là người công bằng trong khi mẹ thiên về tình cảm. Vì thế, nếu tôi có đủ chứng cứ và lý lẽ thuyết phục, ông sẽ chấp thuận kể cả khi ý kiến đó đi ngược với mong muốn của ông.

 Trong trường hợp chị chưa có chứng cứ và lý lẽ đủ thuyết phục nhưng lại có một niềm tin sắt đá rằng con đường chị đang đi là đúng thì sao?

Lúc này cần sự kiên nhẫn. Tôi sẽ đấu tranh tới cùng cho đến khi nào cha mẹ chấp thuận vì nhận ra rằng họ không có lý do nào để từ chối tôi. Nếu không đủ lý lẽ thuyết phục, tôi phải chứng minh rằng tôi có niềm tin và sự đam mê mạnh mẽ chứ không phải một sở thích nhất thời. Sự bền bỉ của tôi sẽ giúp tôi chiến thắng.

 Cha mẹ giúp chị khám phá ra ước mơ của mình hay họ áp ước mơ của mình lên chị?

Xưa kia cha mẹ tôi tạo điều kiện cho chúng tôi học các thể loại nhạc cụ: piano, violin, guitar... bởi gia đình tôi từ thời ông bà có truyền thống về âm nhạc. Tuy nhiên, họ không bắt buộc chúng tôi phải theo loại nhạc cụ nào. Lúc đầu chúng tôi có thích nhưng sau một thời gian chúng tôi chán. Cha mẹ cũng không bắt ép và cho chúng tôi chuyển sang một môn khác. Đến giờ chúng tôi vẫn có thể chơi đàn nhưng không trở thành một nhạc công. Và đến cấp ba, tôi thích ngành tâm lý học nên theo đuổi nó cho tới nay. Cha mẹ vẫn luôn ủng hộ tôi dù ông bà cho rằng tôi có nhiều sự lựa chọn hơn là giảng dạy.

 Trẻ con thường nhanh thích, chóng chán. Không có kỷ luật của cha mẹ, liệu chúng có chuyển hết môn này sang môn khác để cuối cùng không học được cái gì trọn vẹn?

Vâng, tôi đồng ý với điều này. Cha mẹ cần cho con thấy rằng dù khó khăn nhưng nếu cố gắng thì sẽ tiến bộ. Và cha mẹ phải làm sao cho con thấy được rõ cái kết quả này để chúng có niềm hứng khởi và không dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn.

Cha mẹ ở Mỹ có vẻ không nghiêm khắc như ở Việt Nam. Họ không bắt bọn trẻ luyện tập piano khi chúng không muốn, và thích xem TV hay các hoạt động khác hơn. Tuy nhiên, khi đã trưởng thành, đôi lúc tôi nghĩ nếu mẹ tôi trước kia nghiêm khắc hơn thì chắc giờ đây tôi đã chơi violin tốt hơn bây giờ rất nhiều.

 Ở Mỹ, người đủ 18 tuổi sẽ được cho ra ở riêng. Vậy lúc đó, cha mẹ không sợ con cái bị cám dỗ bởi những điều xấu của xã hội sao?

Cha mẹ không sợ mà rất mong “được giải phóng” khỏi con cái để từ đây, “những người lớn trẻ” này phải tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Tự học hỏi để trở thành một người lớn thực thụ. Sống và học. Nếu ngã thì phải tự đứng dậy – họ đã được giáo dục từ bé như vậy rồi kia mà.

Gần đây, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế mà nhiều người đã không ra ở riêng để tiết kiệm chi phí; tuy nhiên, dù sống trong cùng một mái nhà, họ vẫn được coi là người đã trưởng thành và hoàn toàn có quyết định riêng, cuộc sống riêng.

 Xin cảm ơn chị!

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn