Hậu Đại lễ nhìn lại

Tổng hợpThứ Bảy, 23/10/2010 12:15:00 +07:00

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân: "Bản sắc văn hóa người Hà Thành còn thì Hà Nội còn"...

“Nên nhìn vào những giá trị thật chứ không phải những thành tích ảo trong việc làm biến chuyển bộ mặt của Thủ đô cho xứng tầm thành phố ngàn năm tuổi” –  “Pho sử sống về văn hóa Hà thành” đã từng nhấn mạnh, khi chia sẻ cảm xúc về tầm vóc của Hà Nội cách đây đúng một năm, khi miền đất “lắng hồn núi sông” 999 tuổi. Mười ngày Đại lễ đón thời khắc đất rồng bay tròn thiên niên kỷ vừa đi qua. Tạp chí Truyền hình số VTC lại có dịp trò chuyện với nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân, để nghe ông trải lòng về những dư âm vui – buồn sau ngày hội nghìn năm có một…

 

 

Nhà nghiên cứu Giang Quân (G.Q):  Theo quan sát của tôi, khoảng thời gian chuẩn bị cho Đại lễ, chúng ta đã khiến Thủ đô có nhiều thay đổi tích cực. Có đi ra ngoại ô mới thấy Hà Nội đã làm được nhiều việc trong xây dựng cơ bản, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Sự lớn lên từng ngày của Hà Nội là điều không thể phủ nhận, nhưng bộ mặt đô thị cũng phải thay đổi ra sao cho xứng tầm. Trong khi những khu đô thị mới hiện đại, những khu chung cư cao cấp ngày một vươn cao khỏe khoắn thì con người Hà Nội cần ứng xử thế nào cho phù hợp. Đó mới là điều quan trọng.

 PV: Cảm xúc bao trùm, trong những ngày diễn ra Đại lễ, về ứng xử của người Hà Nội ra sao, thưa ông?

G.Q: Chúng ta đã có được một thành phố 10 ngày xanh - sạch - đẹp, trật tự ổn định, tình người cởi mở, ứng xử lịch thiệp làm ấm lòng du khách bốn phương và đồng bào cả nước đối với đại lễ. Tôi đã gặp lại những hình ảnh đẹp từ ngày xưa trên đường phố, khi gặp những bạn trẻ rạng ngời trong chiếc áo in dòng chữ “I love Hanoi”, nghe họ ăn nói thanh lịch, khi thấy họ nhường nhịn, không tranh giành lấn lướt khi tham gia giao thông. Tôi nghĩ, cái được lớn nhất mà những ngày kỷ niệm mang lại, đó là nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa tự hào của người Hà Nội. Tự hào về truyền thống hào hùng, về bề dày lịch sử, về cả hương sắc ngàn năm mà cha ông ta chung đúc…

 PV: Nhưng ông cũng từng nói, rằng người Hà Nội gốc giờ còn ít lắm. Chỉ bộ phận nhỏ ấy thấy tự hào, liệu một cánh én có đủ làm nên mùa xuân?  

G.Q: Đừng khoanh vùng khái niệm người Hà Nội là những cá nhân sinh ra, lớn lên, có hộ khẩu  hay đã có gốc gác mấy đời nơi đây. Các cụ ta từng nói, nhập gia tùy tục. Chỉ cần mới tới đây học tập, lao động vài ba năm nhưng bạn gắn bó với thành phố này bằng cả trái tim, được văn hóa nơi đây ngấm vào và trở thành máu thịt của mình, bạn đã là người Hà Nội.

Đúng là người Hà Nội gốc giờ còn ít lắm, trước đây ước tính khoảng 9%, còn sau ngày Thủ đô mở rộng chỉ còn có 5% của 6,3 triệu dân. Vì thế, tính hòa hoa, nét đẹp thanh lịch Hà thành đang ngày một phôi pha. Đó cũng là điều trăn trở lớn của tôi, trong những công trình nghiên cứu mà tôi vẫn ngày đêm dồn hết tâm sức thực hiện. Chuyên tâm vào nghiên cứu những giá trị văn hóa Hà Nội ba thập kỷ cũng là nỗ lực muốn lưu giữ những hạt ngọc đẹp lại cho thế hệ sau, để họ hiểu và yêu thương, tự hào và nâng niu những gì đã làm nên một đất và người Hà Nội thật sự khác biệt. Ngôi nhà Thăng Long - Hà Nội đang ngày một đổi mới, đang ngày một lớn lên cả về hình hài và địa thế. Người Hà Nội phải thấy điều ấy để tự nâng mình lên cho xứng đáng là con dân của trái tim tổ quốc

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân

 PV: Thành phố đẹp, con người thanh lịch hơn… có thể chỉ là cảm xúc nhất thời lúc ban đầu. Nhưng còn hình ảnh một Hà Nội tan hoang sau những ngày Đại lễ tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sao, thưa ông?

G.Q: Đúng là vào giờ phút kết thúc của đêm hội Mỹ Đình, lại đã bộc lộ ra những việc làm chưa đẹp, làm cho dư luận xã hội phải lên tiếng. Rác xả bừa bãi, thảm cỏ xéo nát, vườn hoa tả tơi, đường đi tắc nghẽn không ai nhường ai... Trồng được nếp tốt đã khó, duy trì được lề thói tốt lâu dài lại càng khó hơn. Cái thói quen tuỳ tiện, thiếu ý thức, không tôn trọng kỷ cương pháp luật đã thành căn bệnh khó chữa.

 PV: Khó chữa hay đã trở thành bệnh nan y, thưa ông?

G.Q: Khó chữa, tôi khẳng định. Tuy nhiên, không có gì là không làm được. Ta đã đánh thức dậy lòng tự hào của người Hà Nội, của thành phố văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Ta đã được bạn bè quốc tế hết lời ngợi ca, ta đã được bà con trong nước tôn vinh. Có lẽ nào ta không tự ngượng, không thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi xảy ra các hiện tượng nói trên? Có người bào chữa: Tình hình không đẹp ấy là do người quá đông, mà trong đó phần lớn là bà con các tỉnh về.

Không nên đổ lỗi cho ai và hãy tự vấn mình. Người Hà Nội phải làm gương trước đã, phải thực hiện trước đã.

Qua các triều đại, đã có bao anh hùng cứu quốc, bao văn nhân tài ba, bao bàn tay vàng thợ thủ công khéo léo là người tứ trấn, phát huy tài năng và lập sự nghiệp vẻ vang ở đất Thăng Long - Hà Nội. Đã có bao nét đẹp các vùng quê hội tụ về đô thành, kết tinh, hoà vào cuộc sống Hà Nội và toả sáng ra khắp nước. Hà Nội tự hào là “thành phố vì hòa bình”, “thành phố của lương tri và phẩm giá con người”. Ta đã anh hùng qua bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và bảo vệ biên cương tổ quốc. Ta cũng anh hùng trong xây dựng thành phố ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chả lẽ cái việc rơm rác, việc nhường nhịn nhau trong trật tự, việc giao tiếp lịch sự, nói lời hay, làm việc tốt, tôn trọng luật lệ lại không thực hiện nổi ư?

 PV: Ý thức không thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng giá như nếp nhà, nếp người, nếp văn hóa Hà Nội vẫn vẹn nguyên thì mọi sự sẽ giản đơn hơn rất nhiều? 

G.Q: Vâng, tôi nghĩ, vai trò chính hình thành nhân cách cho mỗi con người trước hết và quan trọng nhất thuộc về gia đình. Gìn giữ được nếp nhà, sẽ hình thành và lưu giữ được nếp người, nếp văn hóa. Để không còn túi rác vứt bên thùng rác, lề đường, không còn vết chân đạp lên cỏ xanh, không còn cành hoa bị bẻ gãy, không còn những dòng quảng cáo, rao vặt làm nham nhở mặt tường, những chữ lưu niệm gây tì vết di tích. Để không còn chiếm dụng vỉa hè buôn bán, đẩy khách bộ hành xuống đường, quạt lò than nướng chả thả khói ra phố phường, đóng cọc chăng dây làm chỗ gửi xe với giá chém khách vô tội vạ, đeo bám du khách nước ngoài để bán hàng. Để không còn cảnh chen lấn hỗn độn, lấn sang phần đường bên trái, làm ách tắc không di chuyển được ở các nút giao nhau; không còn người đi bộ sang đường không chịu lên cầu vượt, không còn tìm lối dành riêng, dắt cả xe băng qua dải phân cách. Để không còn lời thô, tiếng tục văng ra khi lỡ va chạm; giải quyết mọi hiềm khích, bất đồng bằng hoà giải, thương lượng, không dùng đao búa bạo lực. Để hai tiếng “xin lỗi”, “cảm ơn” trở thành câu cửa miệng... Tất cả đều phải được rèn giũa từ trong môi trường gia đình. Khi đã có nền tảng văn hóa Hà Nội chắc chắn đó, những điều mong muốn tôi vừa chia sẻ ở trên sẽ trở thành hiện thực. Nhiều người bi quan, rằng rồi đây Hà Nội sẽ dần đánh mất những giá trị vô giá làm nên bản sắc riêng biệt của đất cùng người nơi đây. Nhưng cái nhìn của tôi lạc quan hơn, bản sắc văn hóa Hà Nội còn thì Hà Nội còn, vĩnh viễn trường tồn cùng năm tháng.  


 PV:
Câu hỏi cuối cùng, đại lũ nhấn chìm miền Trung đúng những ngày tưng bừng diễn ra Đại lễ đã khiến dư luận dậy sóng với nhiều luồng ý kiến trái chiều, nói ta nghèo nhưng chơi quá sang, rồi đòi giảm thiểu các hoạt động và có những động thái tích cực chia sẻ với mất mát đau thương của đồng bào... Cá nhân ông nghĩ sao?

G.Q: Tôi nghĩ khác. Đại lễ kỷ niệm nghìn năm mới có một lần. Công việc chuẩn bị đã diễn ra trong một thời gian dài. Khách trong nước và quốc tế tới chia vui rất đông. Vì thế, việc cắt giảm, hủy bỏ những hoạt động đã đưa vào lịch trình chính thức là điều rất không nên. Hà Nội cũng đã có quyết định kịp thời, hợp lòng dân khi hủy bỏ 28 điểm bắn pháo hoa đêm 10/10 để dùng số tiền đó cứu trợ người dân đang nhọc nhằn chống chọi với thiên tai. Tôi đánh giá cao nghĩa cử đó.

Nhà nghiên cứu văn hóa HN Giang Quân

 Tên thật là Nguyễn Hữu Thái Sinh năm 1927, tuổi Đinh Mão Quê quán: Cẩm Giàng – Hải Dương

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo và nhà viết kịch. Nhiều năm công tác tại Sở văn hóa Hà Nội. Sau sáu thập kỷ gắn bó và tròn 30 năm chuyên sâu nghiên cứu mảnh đất rồng bay, ông đã sở hữu gia tài xấp xỉ 50 cuốn sách về Thủ đô, trong đó có khoảng 30 cuốn đứng tên riêng.

Được đề cử cho giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2010. 

Một số tác phẩm tiêu biểu: Ký sự địa chí Hà Nội, Từ điển đường phố HN, Khâm Thiên gương mặt cuộc đời, Trò chơi trò diễn dân gian vùng HN, HN phố phường, HN ca dao ngạn ngữ, Văn hóa gia đình người HN, Thăng Long HN nghìn năm truyền thống và thanh lịch….

Bình luận
vtcnews.vn