Tiếng chân khua chấm lửng nỗi buồn…

Tổng hợpThứ Bảy, 24/07/2010 08:00:00 +07:00

Da đỏ, trán cao, tóc màu sợi đay buông xuôi đến tận vai, vẻ đẹp lão của Hoàng Cát khiến người ta nghĩ đến hình ảnh một tiên ông hồn hậu...

Da đỏ, trán cao, tóc màu sợi đay buông xuôi đến tận vai, vẻ đẹp lão của Hoàng Cát khiến người ta nghĩ đến hình ảnh một tiên ông hồn hậu hoặc là một đạo sĩ đang thong dong, thư thái với cảnh đời. 

 

 

Căn nhà nhỏ hút trong ngõ, tuy không sâu nhưng cũng cách biệt được với tiếng xe cộ ồn ào. Mở cổng đón tôi là một phụ nữ phúc hậu, tươi cười. Nghe tiếng tôi chào, Hoàng Cát đang lọet quẹt quét sân cũng gọi với ra: “Hương phải không! Vô đây mi!”. Tôi đáng tuổi con cháu của Hoàng Cát nhưng cách gọi trìu mến, mộc mạc của xứ Nghệ đó khiến tôi bật cười, vui vui, ấm lòng.

Hoàng Cát tất tả rửa tay rồi dẫn tôi lên gác hai. Bên cầu thang bắc lên phòng văn của Hoàng Cát là một cây khế xanh tươi, tỏa bóng râm mát. Những chùm khế vàng ươm, to hơn nắm tay, ngon mắt lạ lùng. Trong căn phòng chật chội, chật chội như chính chỗ của cuộc đời dành cho Hoàng Cát, thứ nhiều nhất chính là sách. Một tủ sách cao choán gần hết diện tích của phòng. Ở chiếc bàn nhỏ là quyển kinh Phật, đang đọc dở. Trên tường là những bức ảnh của Hoàng Cát trong mỗi thời kỳ khác nhau, đặc biệt là tấm ảnh chụm đầu chụp chung với nhà thơ Xuân. Tôi tò mò trước những hòn đá nhăn nheo, già nua đủ kích cỡ, hình dáng được Hoàng Cát cất giữ rất kỹ trong tủ kính. “Đó là những chứng tích, những kỷ vật của mỗi miền đất đã đi qua, mình giữ lại, thỉnh thoảng nhìn để nhớ và nhớ lại nhìn”- Hoàng Cát cười khà khà.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, thi sĩ già vẫn giữ được nụ cười tươi và giọng nói sang sảng như chưa hề có đau khổ, gian nan. Khác hẳn với cái nóng gay gắt 43 độ ngoài kia, dù không rộng rãi nhưng bước chân vào căn phòng đó, tôi vẫn tìm thấy cảm giác thư thái, mát mẻ giữa không gian yên tĩnh và dìu dịu mùi hương tinh dầu hoa nhài.

 

“Trái tim tôi là một nấm mồ…”

 

Nếu chỉ nhìn dáng đi thì không ai nghĩ Hoàng Cát đang đeo chân giả. Bởi bước chân của ông luôn ngay ngắn, đàng hoàng, không hề khập khiễng một chút nào. Những ngày sau Tết Kỷ Dậu 1969, Hoàng Cát làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay. Học xong, định trở về thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Đó là trưa mồng hai Tết Kỷ Dậu. Chàng thi sĩ bị hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái anh nát như một cái... bắp cải dập. Từ đó, nhà thơ tự nhủ với lòng mình:

 

Không chân thật thì đi bằng chân giả

Miễn trong tim là thật máu của mình

(Thân con kiến)

 

Nói về cái chân giả, nhà thơ Vương Trọng- bạn rất thân của Hoàng Cát từng kể: hồi ở chiến trường, cứ mỗi lần đi ngủ hoặc có bom dội là thi sĩ thương binh lại phải tháo ra lắp vào cái chân trái của mình rất vất vả. Có khi bom đạn vãi khắp nơi mà người vẫn chưa lắp xong chân, đồng đội đành cắt cử người cầm hộ chân giả, hai người cõng nhà thơ đi tránh bom. Phiền hà quá, bận sau, Hoàng Cát không tháo chân nữa mà cứ thế, cà nhắc chạy tới chạy lui, mỗi lần máy bay địch bốc cháy thì hò hét rất hăng: “Sớm mai đi ăn sáng nhé!”

Cũng chuyện cái chân giả đấy, sau này, trong một lần về thăm lại chiến trường, lúc đến Huế, có một đối tượng nói xấu cách mạng, sẵn ngứa tai ngứa mắt, Hoàng Cát rút luôn... chân giả ra ném vào mặt gã vô lại. Khi bị xúc phạm đến lý tưởng mà thế hệ mình và cả dân tộc mình đã phải đánh đổi xương máu mới có được, Hoàng Cát không thể kìm nổi cơn tức giận. Chiếc chân văng ra, gãy mất. Sau này, bạn bè lại tài trợ cho ông một chiếc chân giả khác nhưng cũng từ đó Hoàng Cát có thêm biệt danh mới: “lão gàn xứ Nghệ”

Trở về sau những trận đánh, Hoàng Cát để lại chân trái ở chiến trường, tay trái cũng bị mảnh bom làm khuyết thành một vệt sẹo lớn. Và trong hộp sọ kia vẫn còn nguyên một mảnh đạn, để mỗi bận trái gió trở trời, vết thương quằn lên nhức nhối.

Trị Thiên Huế là địa bàn tác chiến của Hoàng Cát thời binh lửa. Sau chiến tranh, ông sống và viết ở Hà Nội, nhưng vẫn yêu Trị Thiên Huế như chính quê hương mình, những tên đất tên người luôn ghi khắc vào tâm khảm và nỗi nhớ của nhà thơ.

 

Trái tim tôi là một nấm mồ…

Tôi đã chôn cất biết bao bè bạn

Giữa trái tim tôi, giữa tuổỉ trẻ đời tôi…

(Trái tim tôi là một nấm mồ)

 

 

Những ngày tháng khốc liệt ấy, Hoàng Cát cùng đồng đội sống trong những căn hầm chật chội đến nỗi không đủ duỗi chân tay, nhiều bữa ăn chỉ có lá cây rừng. Thỉnh thoảng ông lại về thăm chiến trường năm xưa, và gọi đó là những chuyến “về nguồn”.

 

Thật đây rồi ư? Chiến địa năm xưa

Những Quảng Thái, Phong Chương, Triều Dương, Cao Xá

Những Quảng Thọ, Quảng Hòa, Phù Lai Cà, Hiền Lương, An Lỗ

Thức dậy trong ta cả trời thương nhớ

Cả tuổi thanh xuân hăm hở sống- quên mình!

 

Ngày trước còn khoẻ, năm nào Hoàng Cát cũng về, có năm về hai, ba lần. Bây giờ, tuổi tác, bệnh tật chỉ cho phép ông tìm về nơi ấy trong nỗi nhớ của một thời hoa lửa.

 

Như hoa trên nhánh xương rồng ấy…

 

Và cũng lại chiếc chân giả đã “cứu” Hoàng Cát khỏi án đi tù. Chuyện là, vào những năm 1970, sau khi truyện ngắn thiếu nhi “Cây táo ông Lành” của ông được đăng trên báo Văn Nghệ thì bị coi là “có vấn đề” về tư tưởng qua ẩn dụ nghệ thuật. Hoàng Cát bị “treo bút” hơn 20 năm, tất cả các tòa soạn đều từ chối, cơ quan cho nghỉ mất sức ở tuổi 37, phải đến thời kỳ đổi mới tư duy, tên tuổi của ông mới được phục hồi.

Người lính chiến trở về, bỏ lại một phần thân thể ở chiến trường, ngồi tựa gốc nhãn hoang kiếm sống. Nhà thơ thương binh từng phải sắm chiếc xe đẩy, ấm nước chè xanh và cái phích, ra ngồi vỉa hè. Một chén nước năm xu, mười chén năm hào, có khi cả buổi không bán nổi mười chén. Ngồi một chỗ thì bị công an phường truy đuổi, đành dong dong đẩy xe đi khắp tận cùng ngõ phố. Sáng đẩy xe đi, tối đẩy về, trưa ngồi nhai cái bánh mỳ, thế là xong bữa. Lãi chẳng đủ tiền đong gạo, có người lại mách cho Hoàng Cát cách làm bóng bì, nem chạo. Mờ sáng, thi sĩ xứ Nghệ đạp xe đến các lò mổ đi mua bì lợn. Không có nhiều tiền nên ông chỉ mua được những miếng “đầu thừa đuôi thẹo”, nhỏ thó và nhiều lông. Về nhà lại lấy díp hì hụi cả buổi chiều để làm sạch lông, chọn miếng “được” nhất thì để phơi khô, cất kỹ cuối năm làm bóng bì bán dịp Tết. Còn lại để thái chỉ làm nem chạo. Trong một bài thơ tặng vợ, anh viết:

 

Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn

Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau.

 

Hết dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước, rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì, nem chạo đến nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn... không biết bao nhiều ngày tháng cơ cực đã trôi qua như thế.

Vật lộn với miếng cơm, manh áo nhưng chưa bao giờ Hoàng Cát hờ hững, bỏ rơi nàng thơ. Thơ như chiếc nạng vững chắc để ông chống vào mà đứng dậy, mà sống trọn vẹn và bao dung bằng một niềm tin mãnh liệt với đời. Thơ hồn nhiên, vùng vẫy trong tim. Thơ ào ạt, trào tuôn bất kể vui buồn. Đẩy xe bán dạo nước chè, lẩm nhẩm đọc thơ. Ngồi nhổ lông bì lợn hay đạp xe đi mua bì, thính gạo, lá chanh… cũng thành thơ, thành chữ.

 

Túp lều nát ẩn bên bờ dứa dại

Đống rác to che một phía gió lùa

Cây nhãn hoang còm nhom cho ta ngồi tựa gốc

Suốt bao năm trời gội nắng chan mưa

(Cảm ơn vỉa hè)

 

Rồi những câu thơ dứt ruột ấy cũng được gom lại thành tập thơ Tháng Giêng dai dẳng, ra mắt bạn đọc nhờ sự “tài trợ” của nem chạo, bóng bì. Tập thơ mỏng, in xấu, nhưng đọc xong ai cũng phải ngậm ngùi. Hội bạn thơ cứ rủ rỉ đùa nhau: chưa một nhà văn xứ Nghệ nào có được khoản nhuận bút to như Hoàng Cát. Số là, bà mẹ vợ đọc xong tập thơ, đêm đêm nằm khóc một mình, sớm mai đã gọi con gái và con rể đến cho mấy cây vàng để sửa sang nhà cửa và cải thiện cuộc sống.

 

 

Thì hãy sống như đời xui ta sống

 

Đã bước sang mùa xuân thứ 69. Một nhà thơ thương binh tàn tật không có lương hưu, không tiền thương tật, không có bảo hiểm xã hội nhưng vẫn yêu đời, yêu thơ và cứ sống hồn nhiên như tự thuở nào:

 

Tôi thanh thoát như là không- có- thật

Như là tôi đã ngự ở Thiên- đàng

Như là tôi đang tọa cõi Niết- bàn

Tôi sung sướng như là không- tôi- nữa!

 

Có lẽ, chưa gặp nghệ sĩ nào mà tôi thấy vui như khi đến nhà Hoàng Cát. Vui vì cách nói chuyện bỗ bã, chân thật. Vui vì cả buổi được nghe và trò chuyện với một nghệ sĩ bằng chính chất giọng địa phương của quê hương mình. Chả thế mà lúc gọi điện hẹn phỏng vấn, biết tôi cũng là người Nghệ, Hoàng Cát phấn khởi “Đồng hương hả con, rứa mi đến đi, bác tặng mi quyển Tuyển tập” rồi cười hề hề.

Hì hụi mãi rồi Hoàng Cát cũng tự làm cho mình được quyển Tuyển tập. Không có mạnh thường quân nào cả, chỉ nhờ vợ, nhờ bạn bè và tiền nhuận bút bao năm ki cóp. Ông rút trong tủ kính ra quyển Tuyển tập mới cóng, phẳng phiu, cẩn thận lấy bút hý hoáy ký tặng tôi. Nhìn nụ cười mãn nguyện trên gương mặt, tôi hiểu giờ thi sĩ già đã bình yên, thanh thản thật rồi. Hoàng Cát bảo, tự làm Tuyển tập có cái thú là không ai hiểu mình bằng chính mình. Được lựa chọn những cái mình thích và loại bỏ những cái không hợp lý. Cũng giống như với người ăn được mắm tôm thì thấy ngon còn không ăn được mà cố ép thì đúng là cực hình.

Không chỉ riêng tôi mà đã nhiều người tự hỏi, sao một nhà thơ hễ viết ra là buồn như Hoàng Cát, buồn đến khóc được trên từng câu thơ ấy, mà khi gặp nói chuyện lại vui vẻ yêu đời đến nhường này. Phải chăng, với Hoàng Cát, đời chỉ là một cõi tạm, để sống hết yêu thương và chân thành tự đáy lòng mình.

Thơ Hoàng Cát có thể không sắc sảo, câu chữ cũng không độc nhưng lại thấm đẫm cái tình mênh mang, chân thật. Người ta vẫn bảo “Thơ là lời tự thú của tâm hồn”. Không cầu kỳ rối rắm chữ nghĩa, không uốn éo lượn lời, thơ Hoàng Cát giản dị như chính con người ông. Đọc những vần thơ ấy, có cảm tưởng như đang ngồi cùng thi nhân thủ thỉ chuyện trò, hoặc lắng nghe lời độc thoại từ trái tim nồng ấm tình yêu thương.

Dù đã già nhưng Hoàng Cát vẫn “chơi sang”, vẫn “pờ-rồ” khi chịu khó tập tành sử dụng internet và trở thành một trong những blogger thơ sôi nổi, trẻ trung được nhiều người yêu mến trên cộng đồng mạng. Sáng sáng, lại lướt web vèo vèo để “úp-đết” thông tin. Hoàng Cát cười bảo, giờ đã quen sáng tác trên máy tính, nghĩ cái cảnh lọ mọ ngồi viết ra giấy cảm xúc của mình như ngày xưa lại thấy ngại.

Góc tường trong phòng văn của Hoàng Cát luôn dựng sẵn một bàn cờ. Hoàng Cát thích chơi cờ tướng và thỉnh thoảng có những nước cờ xuất thần, nhưng thường để mất quân vô cớ. Khi ngồi chơi cờ, miệng ông nói liên tục, khi thì mấy câu tiếng Pháp, khi thì dăm câu đặc sệt tiếng Nghệ để gây cười và trêu chọc đối phương. Hoàng Cát coi cờ tướng là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi giải sầu giải cảm chứ không hề để ý đến kết quả cuộc chơi. Chính vì thế, không thứ bảy, chủ nhật nào mà nhà ông không nhộn nhịp bạn cờ, bạn thơ.

Đang nhắc đến bạn bè thì chuông điện thoại réo, liếc thấy số người quen, Hoàng Cát kêu lên “Giờ ni là bọn nớ gọi đi nhậu đây, nhọc lắm!” rồi cứ thế, để nguyên máy, không dám nghe. Nếu như dạo trước là đã tức tốc vớ cái quần dài rồi í ới “Bây ở mô, tau ra” nhưng hồi này, Hoàng Cát đã biết học cách… trốn. Sau trận đột quỵ năm 2005 và căn bệnh nhồi máu cơ tim đeo bám, giờ bên người Hoàng Cát luôn mang theo thuốc và tự nhắc mình uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, phần lớn bạn bè đều có chung nhận xét: Hoàng Cát là người sống hết mình, không coi trọng tiền bạc nhưng lắm khi coi thường cả mạng sống của mình. Mặc dù đời đến nhường này. Phải chăng, với Hoàng Cát, đời chỉ là một cõi tạm, để sống hết yêu thương và chân thành tự đáy lòng mình.

Thơ Hoàng Cát có thể không sắc sảo, câu chữ cũng không độc nhưng lại thấm đẫm cái tình mênh mang, chân thật. Người ta vẫn bảo “Thơ là lời tự thú của tâm hồn”. Không cầu kỳ rối rắm chữ nghĩa, không uốn éo lượn lời, thơ Hoàng Cát giản dị như chính con người ông. Đọc những vần thơ ấy, có cảm tưởng như đang ngồi cùng thi nhân thủ thỉ chuyện trò, hoặc lắng nghe lời độc thoại từ trái tim nồng ấm tình yêu thương.

Dù đã già nhưng Hoàng Cát vẫn “chơi sang”, vẫn “pờ-rồ” khi chịu khó tập tành sử dụng internet và trở thành một trong những blogger thơ sôi nổi, trẻ trung được nhiều người yêu mến trên cộng đồng mạng. Sáng sáng, lại lướt web vèo vèo để “úp-đết” thông tin. Hoàng Cát cười bảo, giờ đã quen sáng tác trên máy tính, nghĩ cái cảnh lọ mọ ngồi viết ra giấy cảm xúc của mình như ngày xưa lại thấy ngại.

Góc tường trong phòng văn của Hoàng Cát luôn dựng sẵn một bàn cờ. Hoàng Cát thích chơi cờ tướng và thỉnh thoảng có những nước cờ xuất thần, nhưng thường để mất quân vô cớ. Khi ngồi chơi cờ, miệng ông nói liên tục, khi thì mấy câu tiếng Pháp, khi thì dăm câu đặc sệt tiếng Nghệ để gây cười và trêu chọc đối phương. Hoàng Cát coi cờ tướng là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi giải sầu giải cảm chứ không hề để ý đến kết quả cuộc chơi. Chính vì thế, không thứ bảy, chủ nhật nào mà nhà ông không nhộn nhịp bạn cờ, bạn thơ.

Đang nhắc đến bạn bè thì chuông điện thoại réo, liếc thấy số người quen, Hoàng Cát kêu lên “Giờ ni là bọn nớ gọi đi nhậu đây, nhọc lắm!” rồi cứ thế, để nguyên máy, không dám nghe. Nếu như dạo trước là đã tức tốc vớ cái quần dài rồi í ới “Bây ở mô, tau ra” nhưng hồi này, Hoàng Cát đã biết học cách… trốn. Sau trận đột quỵ năm 2005 và căn bệnh nhồi máu cơ tim đeo bám, giờ bên người Hoàng Cát luôn mang theo thuốc và tự nhắc mình uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, phần lớn bạn bè đều có chung nhận xét: Hoàng Cát là người sống hết mình, không coi trọng tiền bạc nhưng lắm khi coi thường cả mạng sống của mình. Mặc dù “tim bong, chân chắp”, nhưng đã lên xe máy là phóng như bay, thanh niên phải nể. Bởi vậy chuyện ông ngã xe, bất tỉnh dọc đường không phải là hiếm. Có lẽ, cái tuổi Nhâm Ngọ khó mà ngồi yên một chỗ. Hồi giáp tết Mậu Tý 2008, Hoàng Cát bị tai nạn xe máy, cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Tỉnh dậy, mặt mày vẫn còn xây xát, ông ân hận làm thơ thương vợ vì mình mà khổ, tự nguyện để con giấu chìa khóa xe, hứa không bao giờ dùng đến. Nhưng khi vết thương lành, đâu lại vào đấy, thậm chí còn ngông hơn:

 

Vẫn bít rít quần “gin”, phông cộc

Mặc kệ trên đầu rợp trắng mây trôi...

 

 

Một buổi sáng bình yên, những con chim sâu lích chích trên cành khế, bầu trời trong xanh, không gian yên tĩnh, phòng văn bề bộn sách vở, những bài thơ vừa mới viết xong và những câu thơ đang thao thức trong tâm tưởng... Hoàng Cát bất chợt thấy mình hạnh phúc, và ông cảm thấy nao lòng khi nghĩ đến những người không có được hạnh phúc như ông. Con người biết cảm nhận hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của cuộc sống là con người rất gần với cách sống của Phật.

Hay cười là thế nhưng Hoàng Cát cũng dễ bật khóc. Khóc khi buồn, khi bế tắc, khóc khi gặp lại bạn và khóc cả lúc đọc thơ. Thi sĩ bảo, bưng mặt khóc được cũng tốt, cho nó chảy hết những buồn đau trong cuộc đời, rửa trôi những bụi bẩn trong lòng.

Dung mạo già hơn so với tuổi, chứ thực ra, Hoàng Cát còn trẻ lắm, đặc biệt là tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp và phái đẹp. Nhà thơ Vương Trọng kể lại, cứ sau mỗi chuyến đi công tác xa là Hoàng Cát lại có một loạt bài thơ tình để tặng những người phụ nữ vừa mới quen với nhiều đau khổ, dằn vặt. Tự biện hộ cho mình “là lửa nên phải cháy”, Hoàng Cát cứ sống hồn nhiên với thơ, với đời. Thế nên, đứng xa vài chục mét mà nghe Hoàng Cát rù rì điện thoại di động thì cũng dễ dàng đoán ra là đang nói chuyện với đàn ông hay đàn bà.

“Có thể ví tình yêu của người mới yêu là sức nóng của hòn than rực lửa, nên nó mãnh liệt hơn. Còn tình yêu của người “thất thập cổ lai hy” là sức nóng của những đám tro âm ỉ còn sót lại”- thi sĩ hóm hỉnh ví von. Xưa Xuân Diệu - người anh, người thầy, người bị dị nghị có tình cảm đặc biệt với Hoàng Cát đã làm mấy câu thơ:

 

Một tấm lòng em sâu biết bao

Để anh thương mãi, biết làm sao!

Em đi xa cách, em ơi Cát

Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu..."

(Em đi)

 

Hoàng Cát kể đó là bài thơ Xuân Diệu tặng ông khi ông đi B. Nhiều người bảo đó là một bài thơ tình. Hoàng Cát cũng không bao giờ phủ nhận. Nay, mỗi lần nhắc đến Xuân Diệu, Hoàng Cát lại bần thần. Tận sâu thẳm trong lòng, ông rất thương Xuân Diệu, đó không phải là tình yêu mà như tình tri kỷ, tri âm.

Cái chết đã trở thành một ám ảnh, một triết lý trong Hoàng Cát. Ông nói về cái chết thấm thía lắm, bởi ít ai đối mặt với cái chết nhiều như ông. Trong chiến tranh cái chết kề sát bên đã đành, 15 năm nghi án cũng là chết theo một cách nào đó, và khi được viết trở lại, cuộc sống thoải mái hơn thì căn bệnh tim lại mọc lên trong người, chực cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào... Mỗi buổi sáng thức dậy, Hoàng Cát vẫn tự hỏi mình: sao đêm qua mình nằm ngủ mà không chết, rồi ngạc nhiên tuyên bố: Tôi chưa chết, đấy mới là chuyện lạ.

Hoàng Cát không buồn, thi sĩ đã chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi bình yên. Còn trong phút giây hiện tại này, Hoàng Cát chỉ biết yêu thắt lòng cuộc sống. Thơ ông chẳng mấy khi vui mà thường là những nỗi buồn. Nhưng không phải nỗi buồn buông xuôi mà đó là khát vọng sống. Cũng như khi người ta nói về cái chết cũng là vì quá yêu cuộc sống mà nói vậy. Chết làm cho sự sống có giá trị hơn. Nó hối thúc con người hãy sống sao cho lúc chết đi được thanh thản.

… Chia tay ra về, tôi vẫn nhớ mãi nụ cười của đôi vợ chồng già liêu xiêu bên cây khế, vẫy vẫy bàn tay tạm biệt. Người đàn ông tóc bạc trắng, ngửa cổ cười khơ khơ với đời. Người phụ nữ dáng lam lũ, nụ cười hiền lành bên chồng, sẵn sàng san sẻ bao nhiêu cực nhọc, cơ hàn. Càng ngẫm lại thấy đúng, yêu một người đàn ông đã khó, yêu và làm vợ một nhà thơ còn khó vạn lần… Vượt qua những tháng ngày vất vả, đôi bồ câu già vẫn tựa đầu bên nhau, gù lên những thanh âm trong trẻo. Bên hiên nhà, cây khế rủ bóng kín vuông sân…

 

-   Hoàng Cát sinh năm 1942 tại Nam Lạc, Nam Đàn, Nghệ An

-   Tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Kỹ thuật Trung Cao Cơ điện Hà Nội, công tác tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.

-   Từ 1965- 1971 vào bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận miền Nam, chủ yếu là Thừa Thiên- Huế, bị thương năm 1969

 

-   CÁC TẬP THƠ ĐÃ XUẤT BẢN: 

Tháng giêng dai dẳng: Nxb Văn Hóa 1991

Ngôi sao biếc: Nxb Văn Học 1994

Mùa thu- tình yêu- cuộc đời: Nxb Hội Nhà văn 1999

Thì hãy sống: Nxb Thanh Niên 2002

Cảm ơn vỉa hè: Nxb Hội Nhà văn 2006

Thanh thản: Nxb Hội Nhà văn 2008

Chuyện tình của xin: Tập truyện, Nxb Thanh niên 2005

Tuyển tập Thơ Hoàng Cát- Nxb Hội Nhà văn 2009

 Thanh Hương
Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn