GS. Tôn Thất Triêm: Nốt lặng dịu dàng

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 04:59:00 +07:00

Một buổi chiều như bao buổi chiều, nghệ sỹ già ngồi bên cây đàn. Đôi bàn tay không tuổi, mềm mại như múa, như thêu lên từng nốt nhạc. Tiếng dương cầm réo rắt...

 

Có một con đường âm nhạc...

Năm 1930, ở vùng kinh đô Huế, chàng trai trẻ Tôn Thất Hoạt chưa tròn 20 tuổi đã nổi danh thông minh kiệt xuất, để rồi trở thành chuyên gia nhãn khoa hàng đầu Việt Nam.

 

Hai mươi lăm năm sau đó, cũng tại vùng kinh đô Huế, người dòng họ Tôn Thất xuất hiện trong lĩnh vực âm nhạc. Những thanh âm vút cao lên vũ trụ bao la, nơi không có ranh giới quốc gia, không có ranh giới sang hèn. Để hôm nay, Việt Nam và thế giới có được Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lan, Tôn Nữ Nguyệt Minh- những nghệ sĩ piano tài hoa, cảm xúc và tinh tế.

 

Ở tuổi mười tám, chàng anh cả Tôn Thất Triêm đã có thể chơi đàn một cách điêu luyện. Mẹ anh- nhà giáo Vũ Thị Hiển, một trong những giảng viên kỳ cựu của Nhạc viện Hà Nội chính là người đã thắp lên ngọn lửa và thổi bùng khát vọng cất cánh trên con đường âm nhạc cho các con mình. Mọi thiên tài đều xuất phát từ khổ luyện. Để có được những thành công như hôm nay, Tôn Thất Triêm nhớ mãi những ngày miệt mài bên cây đàn hơn 10 tiếng đồng hồ. Cứ có thời gian là ngồi vào đàn. Tiếng dương cầm như cơm ăn, nước uống, như một phần thân thể, máu thịt của ông.

Nếu tuổi ấu thơ của Tôn Thất Triêm gắn liền với những bản nhạc mẹ dạy thì tuổi trẻ của ông gắn liền với những cuộc hành quân từ chiến dịch Khe Sanh đến đường 9 Nam Lào.

 

Giữa cái nóng như thiêu đốt của miền Trung, ông cùng các chiến sĩ say mê thể hiện những tác phẩm, ánh mắt long lanh hạnh phúc mơ tới ngày đất nước hòa bình. Cũng bàn tay tài hoa ấy, một xẻng một cuốc, ghé vai hất những mảnh tường, đào bới nắp hầm, tìm kiếm và kéo lên những trẻ em, người già, nạn nhân đang hấp hối. Không quản đường xa, với cây đàn phong cầm, anh đã nhiều lần đến Trung tâm phục hồi chức năng lao động con liệt sĩ để dạy các em học đàn. Cuộc đời trai trẻ của ông gắn với những đêm không ngủ của nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình giữa những năm khói lửa. Sống đến tận cùng với giới cần lao, mỗi bản đàn mà ông thể hiện gần như một sự trả nợ cho đời, cho những người đồng đội đã ngã xuống.

 

Tiếng đàn tài hoa ấy đã vang lên ở khắp bốn phương trời nhưng khi hỏi ký ức sâu đậm nhất trong đời ông, lại không phải những năm tháng học tập và làm việc ở nước ngoài. Cũng không phải giây phút đăng quang huy hoàng của các giải thưởng âm nhạc danh giá. Mà đó là những lần đi biểu diễn dưới hầm sâu, ở trên được che kín bằng chăn màn, sao cho không một âm thanh, ánh sáng nào lọt ra, để tránh địch phát hiện. Vẫn còn đó, hình ảnh bữa cơm thân mật tại gia đình anh Kỷ ở Hà Tĩnh năm 1966. Rồi giây phút lặng người khi ông nghe tin họ đã hy sinh. Sau này, mỗi lần đánh bản “Hát ru” của nhạc sĩ Tchaikovski, bữa cơm ấy lại hiện về nhức nhối và hình ảnh người phụ nữ gầy guộc ôm đứa trẻ hát ru trong đêm thanh vắng cứ mãi ám ảnh ông.

 

Ngày hòa bình, ông trở lại Nhà hát vũ kịch. Nhưng nghệ sĩ Tôn Thất Triêm vẫn tiếp tục đi khắp đất nước biểu diễn, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo xa xôi. Thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, ông cũng ghi dấu chân lên nhiều miền đất khác nhau. “Qua nửa đời phiêu bạt”, giờ bình yên trong vòng tay quê mẹ Việt Nam, người nghệ sĩ ấy thủng thẳng bằng lòng với cuộc sống, với những niềm vui giản dị mà ý nghĩa vô cùng. Vẫn buổi chiều bình yên ấy, nghệ sĩ già đối diện với cây đàn. Khuôn mặt trầm tư những dấu lặng. Khoảnh khắc đó, ông thốt lên “Đời người như chiếc lá, cũng đã bay vào Trường Sơn, bay qua bao xứ người… giờ chỉ muốn về cội”.

 

 Một buổi biểu diễn của vợ chồng nghệ sỹ cùng ban nhạc Hy Vọng

Những giai điệu đẹp nhất cuộc đời

Thi thoảng người ta lại nghe thấy tiếng đàn vang lên từ một căn phòng nhỏ nơi ký túc xá trường Nguyễn Đình Chiểu. Những cậu bé khiếm thị sống ở đó cứ lần theo dãy hành lang tối đi về phía tiếng đàn, khẽ mở cánh cửa, chăm chú lắng nghe.

Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm ngồi bên cây đàn vừa lướt các ngón tay vừa giải thích lời một bài hát nước ngoài: “Sóng biển muôn đời cứ vỗ vào bờ, còn con người thì lớp này tiếp nối lớp kia…”. Cứ thế từ những giai điệu của Indonesia, Philippines cho đến quốc ca Venezuela, những bài hát về các nông trang miền Tây nước Mỹ được vang lên qua những nhạc cụ độc đáo rất Việt Nam: đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo trúc, tam thập lục …

 

Rời khỏi những sân khấu lộng lẫy hay bàn tiệc sang trọng, người ta lại thấy nghệ sĩ Tôn Thất Triêm ân cần hướng dẫn các em nhỏ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội tập hát, tập đàn. Để trở thành một nghệ sĩ đã khó, việc hướng dẫn và tổ chức cho các em khuyết tật trình bày những bài hát của Việt Nam hay Mỹ, Italy, Đức, Pháp… như những nghệ sĩ chuyên tu còn khó bội phần. Vậy mà bao nhiêu năm qua, Tôn Thất Triêm vẫn âm thầm, nhẫn nại làm điều đó và thành công. Ông như người thầy, có khi là người bạn đồng hành với các em để thành lập ra ban nhạc mang tên “Hy Vọng”. Ông đã nâng đỡ và trao cho các em một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống dẫu những đôi mắt tật nguyền ấy chưa một lần thấy ánh bình minh.

 

Không chỉ nhiệt tình dạy các em tập đàn, tập hát, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm còn nhờ vào mối bang giao của mình với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán để liên hệ cho các em biểu diễn nhân những dịp lễ quan trọng. Cứ thế, vừa là piano chính vừa tất tả ngược xuôi, làm cả chức “bưu tá” đi đưa từng tấm thư mời các đại sứ. Đêm diễn nào, ông cũng bên các em, những nghệ sĩ dù ánh mắt không nhìn thấy nhưng vẫn có một trái tim yêu cuộc đời, yêu âm nhạc đến lạ kỳ. Và Tôn Thất Triêm cũng xem đó là những giai điệu đẹp đẽ nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.

 

 

Về ngồi thương lượng với cô đơn

Giữa phòng khách ấm cúng, ông ngồi chơi bản “Hướng tới niềm vui” của thiên tài âm nhạc Beethoven, một anh hùng ca vừa đầy chất trữ tình với giai điệu mạnh mẽ, rộn ràng lại thật nhẹ nhàng và thanh thoát như cánh chim tự do tung bay dưới vùng trời bao la. Mới nhìn thấy những ngón tay nhẹ nhàng, dìu dặt, thoắt cái, đã thấy lướt nhanh điêu luyện, đòi hỏi sự tập trung cao độ của người trình diễn lẫn người nghe. Ông như vừa là chiến sĩ vừa là một tướng lĩnh chỉ huy cả đội quân âm thanh hùng hậu. Khoảnh khắc ấy cứ ám ảnh mãi trong tôi.

 

Hai lần gặp và trò chuyện cùng ông, đủ để tôi nhận ra một người nghệ sĩ tài hoa nhưng cũng thật giản dị. Ông như nốt lặng bình yên giữa bản nhạc cuộc sống muôn màu. Tiếp tôi tại nhà, lúc nào cũng thấy ông chỉn chu, lịch thiệp. Cả cái cách ông kể cho tôi nghe về quá khứ, hiện tại và những dự định tương lai cũng thật kiệm lời. Ông ít nói về mình, chỉ thích nói về người khác, về những em nhỏ khuyết tật tài năng. “Nghệ thuật là sa mạc và mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi, chẳng có gì đáng kể so với những người chưa có cơ hội tỏa sáng”. Ở Tôn Thất Triêm toát lên cung cách của một nghệ sĩ hàn lâm viện. Piano vẫn được coi là môn nghệ thuật của giới “quý tộc” và có lẽ vì thế mà những nghệ sỹ piano luôn toát lên vẻ cao sang, lịch lãm và dịu dàng.

 

Ngăn tủ sách bên tường hầu như dành trọn cho những quyển sách nhạc, những tuyển tập giai điệu piano của mọi thời đại… Nghệ sĩ già ân cần ngắm nghía và lần giở từng trang sách như lần về từng ký ức đẹp đẽ của một thời đi qua. Thấy tôi tò mò trước tập “tài liệu” dày được gói gém cẩn thận, ông mở cho tôi xem. Hóa ra, đó là những lá thư của các đại sứ, tổ chức quốc tế đã gửi lời cảm ơn vợ chồng ông qua các buổi hòa nhạc. Nhiều quốc gia khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau nhưng đều dành cho ông lời lẽ trân trọng và yêu mến nhất.

 

Đã đọc thông viết thạo nhiều ngoại ngữ, giờ đây, mỗi buổi tối lặng lẽ bên ánh đèn, Tôn Thất Triêm vẫn mày mò tự học thêm ngoại ngữ mới để có cơ hội tiếp xúc với bạn bè bằng thứ tiếng bản địa.

 

Có một người đàn bà đã hơn ba mươi năm qua vẫn lặng lẽ song hành cùng ông trên mỗi nhịp bước cuộc đời. Người phụ nữ ấy, trong những buổi hoà nhạc quốc tế trọng đại đã cất lên bài Quốc ca Việt Nam hào sảng mà rưng rưng. Đó chính là vợ ông- nghệ sĩ opera Xuân Thanh. Thật không quá khi nói rằng vợ chồng nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm và giọng hát Xuân Thanh đã bắc nhịp cầu văn hoá Việt Nam ra thế giới và ngược lại, góp phần để khán giả trong nước hiểu thêm văn hoá, âm nhạc của một số quốc gia bạn bè. Mỗi khoảnh khắc ấy đã được lưu giữ trong những tấm ảnh treo trên tường phòng khách. Để mỗi lần thư thái bên chén trà, họ cùng nhau sống lại một thời tuổi trẻ đầy say mê. Một Xuân Thanh soprano trong trẻo, trữ tình hòa cùng những âm hưởng mãnh liệt từ đôi tay điêu luyện của nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm. Họ dâng cho đời những tinh túy lấp lánh nhất của những người yêu nghề và sống cho nghệ thuật.

 

Giờ đây, khi bức rèm của sân khấu khép lại, ông đèo bà trên chiếc xe máy đã cũ mua từ thời lâu, lâu lắm rồi, lặng lẽ trở về trên con đường Láng quen thuộc. Bà vội vã pha cho ông một cốc trà nóng đặt lên bàn cạnh chiếc đàn piano, không quên nhắc ông những viên thuốc bổ tim trước khi đi ngủ. Cứ  thế, cuộc sống của họ êm ả trôi qua. Căn nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ con bao giờ nhưng lại dịu dàng tiếng đàn, tiếng hát vút lên từ con tim. Với họ, may mắn có nhau trong đời, được san sẻ cùng nhau mọi buồn vui, được mất đã là niềm hạnh phúc lớn. Bà là vợ, cũng là người bạn tâm giao của ông. Có thời gian, ông bị ốm nặng, bà phải cặm cụi đi học một khoá châm cứu cấp tốc. Giờ thì hàng ngày bà trở thành bác sỹ cho ông với đúng nghĩa của từ này.

 

Đã bước qua nửa dốc cuộc đời, đôi vợ chồng nghệ sĩ ấy vẫn tin hạnh phúc là có thật. Được hết mình trong công việc và gần gũi, giúp đỡ các em học sinh khuyết tật thiệt thòi là những niềm vui mà có lẽ chỉ họ mới cảm nhận rõ hơn cả.

 

Tối tối, ông bà lại dắt nhau đi bộ trên con đường Láng rợp bóng xà cừ. Dẫu rằng, sẽ có lúc hai người miên man đi về những ngả rẽ hồi ức khác nhau nhưng đôi bàn tay thì vẫn nắm thật chặt. Như một cuốn tiểu thuyết chưa đến hồi kết, như một bộ phim chưa đến phút dừng lại, và như một bản nhạc chưa có nốt sau cùng…

 

-   Tôn Thất Triêm là nghệ sĩ piano duy nhất 4 lần nhận danh hiệu và bằng khen danh dự “Nghệ sĩ hòa tấu piano xuất sắc” tại 4 cuộc thi âm nhạc quốc tế danh tiếng tại Nga: Tchaikovsky (1990), Glinka (1993), Gulaev (1993), Kaliningrad (1994)

-   Là nghệ sỹ nước ngoài duy nhất được mời làm giảng viên tại trường Đại học tổng hợp văn hóa Quốc gia Moscow (1992- 1996).

-   Ông được mời tham gia nhiều chương trình biểu diễn ở Nga, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ… Tham gia, tổ chức những buổi hòa nhạc hữu nghị nhân ngày Quốc khánh nhiều nước: Nga, Ucraina, Hoa Kỳ, Đức, Malaysia, Hàn Quốc…

-   Là nghệ sĩ duy nhất được mời tổ chức biểu diễn chào mừng Tổng thống Indonesia Megawati Soekarno (2001), Thủ tướng Pháp F.Fillon (2009) khi thăm Việt Nam.

-   Ông có thể giao tiếp tốt tiếng Pháp, Anh, Nga và tự học thêm tiếng Ý, Tây Ban Nha, Đức.

Bình luận
vtcnews.vn