Cuộc gặp kín giữa các nhà báo và chàng Đông Ki Sốt

Tổng hợpThứ Sáu, 25/06/2010 12:08:00 +07:00

Một cái làng ở Phú Thọ bị biến thành nghĩa địa hoang tàn thật sự, bà con chết vãn vì căn bệnh ung thư, có người đàn bà lay lắt sống với 12 cái bát nhang...

Tôi vào nghề báo bằng tâm thế của gã trai làng nghèo túng, lơ ngơ về Hà Nội để tìm công ăn việc làm. Năm 1994, thi đỗ Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (Hà Nội), vẫn giữ thói quen vung vẩy ngón tay trỏ ra khoảng không gian trước mặt để ôn lại mớ chữ Nho do cụ đồ Thuận ở Đường Lâm truyền dạy, tôi ao ước sẽ theo học chuyên ngành Hán Nôm. Đang học, thì cả nhà tá hỏa ngộ ra cái chân lý: rúc đầu vào thế giới của các ông hoàng bà chúa, ông Nghè ông Cống thời khoa cử phong kiến, “nhân chi sơ” mãi rồi thể nào cũng “ế việc”, ôm bằng đại học về làm phu hồ xây dựng như mấy anh chị cùng quê. Thời này mà học Hán Nôm có khác gì học nghề “mổ rồng”. Bố mẹ quyết định cho tôi về, nằm chờ Phân viện Báo chí Tuyên truyền họ hạ điểm, may ra học được cái nghề làm anh nhà báo, rồi hy vọng các nhà văn bạn của bố cài cắm vào xin việc cho.

 

 

Tôi về Hà Nội với chiếc xe đạp cọc cạch đến mức, giờ đây tôi đang ước ao gặp lại được “kỳ quan không chuông không phanh không gác đờ bu” đó để trưng bày cho các con tôi xem. Tôi đạp xe hỏi thăm đường đến các tòa soạn, run rẩy gửi bài, rồi từ các tòa soạn lại hỏi thăm đường về ký túc xá. Tôi viết đủ thứ, viết để đủ tiền thuê đánh máy chữ cho bài sau, viết để ki cóp hai anh em ăn cơm bụi (em tôi cùng học trường đại học đó với tôi) để đỡ phải xin tiền bố mẹ. Sau này, “nổi tiếng” đến độ thầy giáo vào lớp giảng bài, câu đầu tiên là: “Lớp này có phải có cậu Đỗ Doãn Hoàng” không nhỉ, tôi sung sướng, tự hào (ngầm) mất nửa tháng giời. Khi có “thương hiệu” trong giới… sinh viên tập tọng viết báo, tôi bắt đầu viết để đủ tiền mua được cái thẻ điện thoại trả tiền trước, mỗi lần cần gọi cho ai thì nháo nhào chạy đi tìm cái “bục” công cộng, rúc vào đó mà thì thầm, thẽ thọt. Cái thẻ ấy, với tôi, nó thật “dã man”, bởi tôi vừa xót xa nói chuyện, vừa nấp mình trong cái ca-bin bẩn thỉu, bụi bặm, bao giờ cũng ngự giữa chốn ồn như cái chợ vỡ đó để… ngắm số tiền còn lại cứ thụt lùi dần với tốc độ “tằm ăn rỗi”. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ dám gọi điện cho ai, ngoài việc bổi hổi bồi hồi nhìn số tiền của mình dụt lùi trong thẻ trả trước để gọi cho các cô các chú ở các tòa soạn để hỏi xem bài của “cháu” có được đăng không, đã có nhuận bút hay chưa.

 

Dài dòng một chút, ôn nghèo kể khổ một chút, là ý tôi muốn nói rằng: tôi đã vào nghề, đã viết mỗi đêm một truyện ngắn, mỗi ngày một hoặc vài bài báo, chỉ đơn giản là tôi cần phải viết. Học báo thì viết báo, viết báo để được ăn bánh mỳ mỗi sáng, và để sau này ra trường dễ tìm công ăn việc làm mua cho bố một cái radio nghe truyện đêm khuya mỗi tối. Con đường dò dẫm dưới chân tôi, tôi chăm chắm chỉ một lời của nhà văn Khuất Quang Thụy, người đã lái xe đê-đê (honda) màu đỏ đưa tôi từ “Nhà số Bốn” (số 4, phố Lý Nam Đế, trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội) đi thi hai trường đại học, rằng: “Cứ nhảy xuống nước, rồi khắc biết bơi. Đừng nhìn bác, cháu cứ nhảy đi…”. Biết bơi rồi “bác” Thụy sẽ lo công ăn việc làm. Học được hai năm, tôi đã có trong tay chiếc xe máy nghĩa địa (xe cũ, nhập từ “bãi rác” ở nước ngoài về), khiến sinh viên trường báo chí coi như một huyền thoại… kiếm tiền bằng nhuận bút (chúng bạn đùa là “múc óc ra bán” rất “được giá”). Mỗi lúc phành phạch về đến trường (xe cũ, chạy bằng “má-víp” nên cứ đi 40km lại phải nghỉ một lần, nếu không nó sẽ tự chết máy), tôi dùng sợi xích to như ngón tay trỏ, “trói” xe vào gốc cây xoan ở gần cầu thang rồi mới lên ký túc xá.

 

Khi ấy, nếu nói chuyện “lý tưởng nghề viết” đối với tôi, nó là điều khá xa lạ và có gì đó xa xỉ, dù rằng, tôi nhớ rõ, bấy giờ mình viết không phải vì chỉ thẳng tưng cái đồng tiền nhuận bút! Dường như tôi muốn thể hiện mình, muốn được sống thật nhiều trong cái cảm giác hồi hộp và tự hào khi chữ viết tay của mình được đánh máy, được in lên báo, in vào sách. Tôi muốn mình sẽ có tay nghề vững, sẽ được thỏa chí tang bồng bay nhảy, muốn chưa ra trường đã có một tờ báo nhận về làm. Rồi một ngày tôi được cầm Thẻ Nhà báo rồi tự tin nói với người cán bộ cơ sở đang cật vấn dò xét vào cái mặt non choẹt của tôi “anh là ai?”, thưa: “Tôi là Nhà báo”. Nhà báo Nguyễn Như Phong, nhà báo Tô Phán sau này có vào lớp nói chuyện với sinh viên báo chí chúng tôi, hai cuộc gặp hiếm hoi với hai nhà báo đang thật sự làm nghề này đã khiến tôi khoa chân múa tay vì xúc và động khoan khoái (hai người đó, tình cờ, sau này mỗi người làm sếp của tôi ít nhất… 5 năm). Ăn báo, học báo, ngủ báo, chửi nhau cũng… báo, bấy giờ, những đám mây mang tên “báo chí” trùm phủ lên cuộc sống của chúng tôi mọi lúc mọi nơi.

 

 

Một cách thật thà nhất, tôi muốn nói rằng: phải mất gần chục năm lúc nào cũng ấp ủ để viết, viết liên tục, xuất bản cả chục cuốn sách rồi, mấy năm gần đây, tôi mới thấm thía được cái đích đến cuối cùng của hoạt động báo chí mà mình xả thân tham gia, nó là cái gì. Tôi đã không ngại khó, không ngại sai lầm hay ngại mình thật thà đến lố bịch, tôi đã hết lòng với từng con chữ của mình, ở nhiều tờ báo được coi là lớn, là có số lượng phát hành lớn vào bậc nhất ở Việt Nam. Tôi đã nhọc nhoài làm tốt trang công tác đoàn, trang văn hóa, trang phóng sự - ghi chép, trang an ninh trật tự…. Nhưng dường như tôi cứ làm mà chưa bao giờ dừng lại tự hỏi: bài viết của mình sẽ đi về đâu, sẽ đem lại cái gì sâu thẳm nhất hoặc đáng để đón chào nhất (trong chừng mực năng lực mà tôi có) cho công chúng báo chí? Đã vài lần (chứ không phải ít), rời một cơ quan báo chí, tôi đã khóc nức nở nhiều ngày, vì không nỡ rời một không gian, một sự thân gần như máu thịt mà mình đã gắn bó, mình đã cống hiến, đã đổ mồi hôi và đã sẵn sàng để đổ máu vì nó (khi làm các phóng sự quá nguy hiểm), tại sao mình lại tự nguyện ra đi? Mình đã sống những ngày, mà mỗi sớm báo phát hành, không thấy bài của mình ở trang nhất, là ngày đó mình không ăn ngon ngủ yên, cái sự đắm say đó, liệu có còn theo mình trong những chặng đường đầy bất trắc phía trước hay không? Có khi, chuyển khỏi một cơ quan, ngồi lục lại máy vi tính của mình (trước đó, bài nọ gọi bài kia, chuyến đi nọ gọi chuyến đi kia, tôi không bao giờ dừng lại để… ngắm một cái gì, kể cả mái tóc, hàm răng hay áo quần của mình); tôi thử thống kê các tin bài mình đã viết trong mấy năm đó xem sao. Và, tôi tá hỏa, tôi xấu hổ, tất cả những điều tôi viết đó, nó vô cùng cập nhật và hữu dụng cho trang báo của tôi, nhưng nó không còn đúng với hiện thực khi tôi đọc lại nữa. Quan trọng hơn, là tôi cũng không muốn đọc lại nữa, bởi tôi đã từng “thơ ngây” hơn tôi tưởng rất nhiều. Có thể đó chỉ là cảm giác của một người quá mong manh. Vâng, báo chí là thứ mà nhiều khi người ta viết để cho độc giả đọc và quên đi…. để chờ đọc thông tin nóng hổi khác. Với các trang báo “tờ sau đè (chết) tờ trước”, việc bọn chúng bị dọc ra ngay trong ngày phát hành để gói xôi hay bọc mẩu bánh mỳ cho đám “mèo con đi học”, đôi khi là vinh dự của kẻ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng với tôi, từ nhỏ tôi đã ấp ủ viết, đã muốn viết, đã muốn viết cái thể loại bài viết nào đó nó đằm sâu hơn, nó để cho tôi có thể lưu giữ được những “mảnh vỡ ký ức” nào đó cho mình. Cho nên, tôi không muốn như vậy…

 

Từ bấy, tôi bắt đầu vừa tổ chức các trang phóng sự vừa nghĩ về nghề, vừa viết… hồi ký. Vừa làm vừa viết nhận xét, lý luận về nghề báo cho một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành báo chí (không dám ký tên thật, vì tôi vẫn là một cậu bé tham gia viết báo); tôi cũng tham gia thỉnh giảng, nói chuyện nghiệp vụ ở một số trường đào tạo báo chí, một số tòa soạn và Hội nhà báo địa phương (với lời mời của Hội Nhà báo VN và các tỉnh).  Những va đập, trăn trở đó, đã khiến tôi nhận ra rằng: bài báo - đặc biệt là phóng sự, điều tra, ghi chép, bút ký - nó cần phải hướng tới nhiều hơn những tác động xã hội tích cực mà người viết nào cũng hằng ấp ủ. Tất nhiên, một phóng sự hay, không thể chỉ là cái việc người viết nói ra một sự thật bỏng rẫy nào đó, rồi cứ thế xuống dòng, chuyển sang phần kiến nghị cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm vụ việc (như thế, bài viết sẽ giống một cái đơn khiếu nại tố cáo). Tất nhiên, một bút ký, ghi chép, phóng sự hay ho, vẫn có thể là một bài du ký, tả toàn mây gió trăng hoa, kể toàn chuyện tôi đã leo núi, đã lặn xuống đáy biển, đã gặp những tộc người kỳ lạ; hoặc tôi đã xâm nhập, giả đò “bay” cùng dân chơi thuốc lắc, cùng cánh ca ve hay những tội đồ của lòng nhân ái nào đó... Nữa: chúng ta hoàn toàn có thể viết dài kỳ về chân dung một người tốt hoặc xấu đến độ khó tin; một con người hoặc những con người kỳ lạ khiến độc giả (khán, thính giả) phải ngạc nhiên “mắt chữ ô miệng chữ o” (mà tuyệt nhiên không cần “nóng bỏng” hay “bức xúc”, kiến nghị gì). Thực tế là tôi đã nhiều năm tung hoành với thể loại phóng sự khám phá các miền đất và nhân vật kỳ lạ cả ở phần tốt và ở những góc xấu của Đời.

        

 

Tuy nhiên, chuyện lạ mãi rồi nó cũng hết, bí ẩn mãi rồi cũng được trơ trật ra trước “ba quân tướng sỹ”; và nữa: nghĩ cho cùng thì chẳng ai thích du sơn du thủy cả đời, xem “Chuyện lạ Việt Nam” suốt ngày; cái mà cuộc sống hướng đến đích thực: là những câu chuyện dân sinh cụ thể. Cái mà công chúng trông chờ nhiều nhất ở nhà báo, có lẽ vẫn là việc nhà báo xông pha, nhà báo sử dụng cái mà (cửa miệng) chúng ta vẫn quen gọi là quyền lực thứ tư của mình để làm cái gì đó thể hiện trách nhiêm công dân chân chính, trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Chia tay những võ sư chân trần bay qua sông, những tộc người kỳ dị ở nơi hoang thẳm, những anh chàng thản nhiên uống bát mỡ lợn đang sôi sùng sục giữa chợ đời, tôi trở về với những vấn đề nóng bỏng, cụ thể, mà tôi nghĩ rằng nó có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày đông đảo bà con mình hơn.

 

Một cái làng ở Phú Thọ bị biến thành nghĩa địa hoang tàn thật sự, bà con chết vãn vì căn bệnh ung thư, có người đàn bà lay lắt sống với 12 cái bát nhang người thân, tất cả họ đã chết trong đau đớn tột cùng. Ung thư do chất độc kinh hoàng của cái nhà máy hóa chất cũ kỹ khọt khẹt nhưng “đóng ngân sách” nhiều nhất nhì tỉnh đó gây ra. Phải di dời dân, phải cải thiện hệ thống phát thải của nhà máy kia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phải có mặt để cứu dân chứ, không thể đổi mấy đồng tiền chẳng lớn lao gì kia lấy mạng sống của hàng nghìn người đang tức tưởi và tuyệt vọng như thế được. Lại một cái xã, bà con sống trên kho thuốc trừ sâu khổng lồ được chôn lấp cẩu thả từ thời chống Mỹ, con cá nuôi dưới ao, không có đuôi, méo sẹo cái đầu, “Cá nấu chín vẫn còn mùi thuốc sâu” (tên phóng sự). Bà con chết vãn. Bộ Y tế phải thành lập đoàn lên khám bệnh, chính quyền địa phương phải cấp đất nơi khác để di dân khẩn cấp, hỗ trợ tiền cho bà con làm nhà chứ. Hoặc: một cháu bé 14 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh thều thào chờ chết, bố chết, mẹ tâm thần đi biệt, cháu là học sinh giỏi cấp huyện, mà giờ đây, hằng ngày phải xin ăn ở Bệnh viện Tim quốc gia với hy vọng sẽ bằng cách nào đó kiếm được 40 triệu “tu sửa” trái tim tật nguyền, để được sống làm người. Mỗi ngày Hà Nội đăng ký thêm hàng trăm chiếc ô tô mới, chỉ một chiếc bánh xe, có thể cứu sống được cháu bé; chúng ta liên tục vận động từ thiện hàng trăm tỷ trên… tivi, sao tiền tỷ đó không rót về cứu cháu bé đáng được làm từ thiện bậc nhất như thế này? Sao không có một cái quỹ mổ tim miễn phí cho tất cả trẻ em ở Việt Nam?

 

Tất cả những chữ “sao” kể trên, đã được giải đáp và cứu giúp như mong muốn. Thậm chí, như cháu bé Thơ bị bệnh tim kia, chỉ trong 2 tuần, từ bài báo “Thơ ơi, em đừng chết” (đăng trên Lao Động) đã có 350 triệu tiền của các nhà hảo tâm gửi về, mổ tim, lập sổ tiết kiệm, giúp sửa nhà cửa, lo học hành và công ăn việc làm cho anh em bé Thơ. Đến nỗi, đôi khi, tôi đã nghĩ, mình có mắc bệnh hoang tưởng không, có phải là Đông ki sốt (một nhân vật tiểu thuyết mà tôi rất… thần tượng) không? Báo chí có quyền hạn của nó ở chừng mực nào đó thôi chứ. Những lời nhắc nhở đó khiến tôi thận trọng và luôn luôn tìm cách kéo mình về “hiện thực” trong những phi vụ mà lòng nhiệt tình của mình và cộng sự hơi… lớn, sự thổn thức hơi… nhiều. Cũng lúc đó, tôi nhận ra: cơ quan chức năng, các tòa soạn, nhà khoa học, các trí thức có trách nhiệm với cộng đồng, các Đại biểu Quốc hội và nhiều đồng chí cấp trên luôn rất sẵn lòng vào cuộc, giúp các bài báo “có tính chiến đấu” và tâm huyết thật sự sớm chạm được vào cái “đích” cần phải đến. Phải nói, đó là điều khích lệ rất lớn đối với các chàng Đông ki sốt chúng tôi. Chúng tôi đã dám thấy mình không đơn độc, đã thấy những nỗ lực phải nói là xả thân (nhất là các vụ việc bị “bắn tin” dằn mặt, bị dọa giết, dọa bắt cóc vợ con, dọa gây tai nạn giao thông để “khử”) của nhà báo không rơi vào… ao bèo. Đã thấy rõ hơn sức mạnh của ngòi bút trong việc thay đổi hiện thực theo hướng tốt hơn, dựa trên ý thức chính trị và trách nhiệm xã hội của người làm báo. Đó là việc những tiêu cực, bất công, bức xúc được xóa tan, sau khi có sự chỉ đạo của các đơn vị quan trọng như: Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành có công văn yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết, báo cáo về vấn đề báo nêu. Đó là khi bài báo được đưa vào nghị trường Quốc hội, khi loạt bài góp tiếng nói quan trọng chỉnh sửa một đạo Luật đã đi vào cuộc sống và hở ra nhiều bất cập suốt dăm bảy năm ròng. Đó cũng là khi mà, sau bài viết, nhiều công trình tiền tỷ mà sai phạm bị đình chỉ; khi nhiều làn sóng sai lầm, nhiều cảnh tàn sát thiên nhiên, hoang thú và hủy hoại môi trường bị chấm dứt; khi những cộng đồng tận khổ được chở che, chăm sóc, chữa bệnh. Cũng có khi giản dị hơn, chùm phóng sự nào đó đã khiến cả một giới người vốn bị ngầm kỳ thị, oan khuất mấy chục năm ròng (do những biến thiên buồn của lịch sử) sẽ được xã hội hiểu đúng…

                    

 

Ví dụ: khi nhận được tin Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (từng được coi là khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam) bị tàn sát thê lương, từ chỗ 300.000ha diện tích bảo vệ, năm 2008, người ta buộc phải ra quyết định thu hẹp địa bàn quản lý chỉ còn 45.000ha (còn chưa đầy 1/6 diện tích cũ). Người ta giữ rừng một cách giả cầy, để đến nỗi, năm 2009, là năm có một kỷ lục Việt Nam kinh hoàng được âm thầm xác lập: 1 năm, riêng một huyện Mường Nhé của tỉnh Điên Biên, có tới 39 cái bản làng được công nhận thành lập mới, dân số tăng cơ học một cách chóng mặt. Toàn bộ công dân ở 39 bản làng này, đều là người nhảy dù vào giữa rừng bảo tồn, xả thịt thiên nhiên không thương tiếc và coi thường luật pháp đến độ hãi hùng. Tất cả những cuộc chiến bi hài đó, không có kẻ thắng người thua, chỉ có điều, nhất cử nhất động của hai bên, đều được đánh đổi bằng mạng sống của hàng trăm nghìn héc-ta (!) của những cánh rừng màu mỡ, nguyên sinh nhất Việt Nam. Sau quá trình đi bộ điều tra dài ngày, khi loạt bài 3 kỳ “Choáng váng với rừng ở Mường Nhé” của tôi được in trên trên trang phóng sự tờ Lao Động, Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đã đưa câu chuyện “liệu chúng ta còn có pháp luật nữa hay không” này vào nghị trường Quốc hội năm 2009, Ban chỉ đạo Tây Bắc cử đoàn cán bộ lên điều tra xác minh, chấm dứt các “ung nhọt” đáng sợ.

 

Ví dụ nữa: khi nghe tin  thị xã Cao Bằng với 6 vạn dân bị đầu độc nguồn nước ăn bằng sự “đặc quánh” sông Hiến và nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân, xianua do “vàng tặc”, sau khi ngụy trang biển số xe (BKS Hà Nội), dán kính xe đen kịt và tìm cách cắt đuôi những “cú vọ” dùng điện thoại di động theo dõi các “đoàn khách” ngay từ thị xã (tay chân của “vàng tặc”), chúng tôi đã lọt vào thiên la địa võng dài mấy chục cây số sông suối gồm toàn các cỗ máy tiền tỷ đang giết chết sông suối ở Cao Bằng. Sau loạt bài “Thị xã bị đầu độc”, “Bạc mặt vì có… vàng”, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có công văn yêu cầu Bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Cao Bằng phải nỗ lực giải quyết rồi báo cáo Thủ tướng. Các chiến dịch ra quân, các cuộc thanh kiểm tra liên tục, hệ thống các bất cập “kinh thiên động địa” được lòi ra. Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quân ráo riết. Cũng tại Cao Bằng, cùng thời điểm đó, cùng đề tài đó, một ví dụ nữa, là sau loạt bài “Bới tung rừng Phia Oắc”, viết về tình trạng tàn khốc, phá rừng, bới tung kho di sản hơn 10 nghìn héc-ta, ở nơi cao nhất, là khu rừng phòng hộ rộng lớn, màu mỡ và giàu có nhất miền Đông Bắc Việt Nam để tìm quặng vonfram…; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và sau đó là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đều đã có công văn yêu cầu lực lượng hữu trách vào cuộc. Thế rồi, trật tự được lập lại bằng cái cách mà trẻ lên ba cũng biết được, ấy là: cán bộ cơ sở cần phải thực thi nghiêm túc những quy định đã có sẵn, những chiến dịch mà chính họ đã triển khai, báo cáo là “lực bất tòng tâm” nhiều lần…

        

Có một sự thật tê tái là: chỉ có cái tâm thật sáng, cái lương tâm biết cắn rứt; chỉ có công phu điều tra và thể hiện thật sự hết mình, thì bài viết mới đến tay và gây hiệu ứng xứng đáng (như cần phải có) được với đông đảo độc giả. Có khi chúng tôi đo phản ứng của độc giả qua một bài viết bằng hàng ngàn cuộc điện thoại trong ít ngày, bằng chồng thư từ dày cả gang tay gửi về tòa soạn, bằng các lời comments (bình luận) dài cả 15 trang vi tính (khi tải bài viết lên trang báo mạng điện tử), dài gấp 10 lần bài viết đã post (xuất bản). Nhưng, thật thà mà nói, lời độc giả quý hóa lắm, song nó hầu như rất ít khi khiến người có trách nhiệm ở cơ sở nhìn vào chân lý đó để xắn tay lên thay đổi hiện thực (như mong muốn của nhà báo chân chính đã chuyển tải đến độc giả). Mà phải chờ đến khi cấp trên của cán bộ tỉnh (ví dụ với các vụ ở tỉnh thành nào đó) lên tiếng, có công văn cho họ và cho… báo chí đăng tải. Nghĩa là phải… thúc vào mông họ thì họ mới “đứng dậy”, mới vào cuộc. Tôi ví dụ, tháng 3 năm 2009, sau khi tôi in trên Lao Động loạt bài 6 bài phóng sự và hồi âm mang tên “Từ trong hang núi bước ra”; “Góc khuất Sa Pa” (Bán cả con vì đói khát/ Những con nghiện nhặt xương ngoài thùng… rác)…, thì các cơ quan tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa vẫn bình chân như vại. Tình trạng hàng chục người nghiện sống trong hang núi tối tăm, họ phải bò lổm ngổm để vào và ra hang đá như loài muông thú, ở đó toàn thuốc phiện, thuốc cảm ABC (dùng thay ma túy khi “vật” quá), các ống tẩu và các nồi luộc sái thuốc. Sự thực đó đã diễn ra cả chục năm trời. Họ trộm cắp, chết vì HIV cả loạt, họ cõng con xuống chợ bán như bán mớ rau, họ vạch cơ thể (chỗ kín) đầy máu me của mình ra cho du khách nước ngoài xem để xin tiền chữa bệnh (thực ra là để hút hít ma túy), họ cho con gái 6-7 tuổi của họ sử dụng thuốc phiện để dễ bề sai khiến nó bám chân du khách, hoặc làm đủ trò ma tịt khác để… kiếm tiền. Cơ quan chức năng cứ báo cáo và cứ trả lời nhà báo là đã ra quân, đã nỗ lực nhưng bất lực, họ đã mang can dầu và ít rẻ rách lên tẩm dầu vào rẻ, đốt các hang núi, xua người nghiện đi cho “đỡ xấu mỹ quan” thị trấn du lịch (!). Sự thật độc địa được trưng lên mặt báo, nhưng cơ quan chức năng vẫn bình chân như vại. Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ nhiệm UB Quốc gia phòng chống mại dâm và ma túy chính thức có công văn đến Bộ Công an và UBND tỉnh Lào Cai (một loạt các tờ báo đăng tải) yêu cầu điều tra làm rõ rồi nhất thiết báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 10/3/2009. Khi ấy, không cần ai cấp thêm một khẩu súng, không cần ai hỗ trợ kinh phí hay lựu đạn hơi cay, UBND huyện Sa Pa, cơ quan hữu trách tỉnh Lào Cai đã tá hỏa, đã tự mình giải quyết sạch bách mọi xót xa, cay độc kia trong vài ngày.

 

Nếu được phép chia sẻ vài kinh nghiệm trong việc này, thì tôi sẽ nói rằng: nhà báo cần tìm đề tài điều tra độc lập, hoặc cần cái nhìn riêng mà mình tâm huyết, bức xúc, mình tin rằng cái nhìn đó là hoàn toàn đúng. “Cái nhìn” đó, sự độc lập đó sẽ là thứ nhân cốt tạo để (có thể) tạo nên cuộc điều tra và bài viết có tính chiến đấu, tạo nên tác phẩm báo chí có sức mạnh thay đổi suy nghĩ, hành vi của xã hội. Để làm được trọng trách đó, thì những gì nhà báo nói phải đúng, phải được công luận kiểm chứng bằng ý kiến chuyên gia, nhà chức trách hay các căn cứ khoa học đáng tin cậy; và hơn thế, bằng việc… người ta tiếp thu. Tức là, những phản hồi “tích cực”, việc ủng hộ khách quan với bài viết, bao giờ cũng là thước đo duy nhất và cuối cùng để nhà báo chứng minh sức mạnh, sự chính nghĩa của ngòi bút. Để làm được như thế, rất nhiều khi, cần phải biết tạo ra một chiến lược bài vở với đường đi nước bước, với sự lên tiếng của nhiều bậc trí thức, nghệ sỹ, quan chức trung ngôn và có uy tín xã hội. Ví dụ như khi tổ chức viết mấy chục phóng sự, bài viết, hàng trăm tấm ảnh phanh phui rất rất nhiều dự án trùng tu tôn tạo di tích kiểu… phá hoại trên khắp mọi miền tổ quốc, tôi (và những người tổ chức) đã phải “chuẩn bị lực lượng” trong nhiều tháng, chờ đợi thời cơ (khi Quốc hội sắp sửa Luật Di sản), thân chinh đến từng nhà, từng cơ quan mời những người hiểu - yêu di sản văn hóa cha ông, dám bày tỏ ý kiến trước việc hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước và nhân dân bị tiêu tốn mỗi năm để thu về nhiều cái lố bịch kiểu “gọt nhẵn rêu phong”, biến di sản vài trăm năm tuổi thành… 01 ngày tuổi. Sau khi chứng thực việc phá dỡ di tích vững chắc ra để giải ngân hàng chục tỷ mỗi tòa đình, chùa, đền để rồi làm nó méo mó, tội nghiệp, thê thảm đi; sau khi chỉ ra những sai trái nghiêm trọng mà các đơn vị trùng tu mắc phải, sau khi kêu gọi báo chí vào cuộc yêu cầu nhà chức trách hạ lệnh dừng “bức tử” di tích quốc gia; chúng tôi đã mời một loạt các nhà văn hóa, nghệ sỹ lớn của Việt Nam cùng lên tiếng về tình trạng phổ biến này. Đó là các ông: Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương, Phạm Mai Hùng, Nguyễn Xuân Diện…, họ đều tán đồng quan điểm gây phản ứng dữ dội từ phía các cán bộ, cơ quan của nhà nước chuyên nghề… trùng tu. Tiếp đó, tôi viết các loạt phóng sự dài với mong muốn đem nó vào, đặt trên bàn làm việc ở nghị trường Quốc hội, để các ông nghị bàn kế hoạch sửa đổi những bất cập không nhỏ của Luật Di sản Văn hóa sau 7 năm đi vào cuộc sống. Quả thế, cuối cùng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thành lập đoàn Thanh tra đặc biệt do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng đoàn, đi kiểm tra hầu khắp các di tích bị báo chí lên án là trùng tu kiểu “gieo vừng ra ngô”, là “muốn sống đem vôi quét trả Đền”.    

Viết đến đây, bằng sự sâu chuỗi, thống kê vài “cuộc chiến” kể trên, tôi mới dám tin, hóa ra vẫn có những “cuộc gặp kín” giữa các nhà báo và một chàng Đông ki sốt nào đó. Hóa ra, các ý tưởng, các khát vọng cháy bỏng và không kém phần phiêu lưu của người làm báo, rất nhiều khi đã có thể trở thành hiện thực. Giá mà, mỗi cơ quan báo chí, trong mỗi năm, ra chỉ tiêu và thống kê đầu việc cho mỗi nhà báo, rằng là anh chị ta phải viết cái gì đó, bày tỏ trách nhiệm với cộng đồng của mình thông bài viết một cách như thế nào đó, để tháo gỡ bớt cho xã hội những vấn đề nóng về mỗi lĩnh vực mà mình “theo dõi”, như: kinh tế, y tế, văn hoá, giáo dục, giao thông... Đó, há chẳng phải là minh chứng tiêu biểu nhất và vinh quang nhất cho sức mạnh của quyền lực thứ tư mà ngòi bút của nhà báo đang được vinh dự sở hữu ư? 

Bình luận
vtcnews.vn