The PinkChoice - Đơn giản, yêu là yêu

Tổng hợpThứ Ba, 20/11/2012 08:22:00 +07:00

Tôi cảm nhận được là họ sống cho hiện tại nhiều hơn tôi hay bất kỳ ai. Có lẽ là bởi họ có quá nhiều sức ép, họ không có tương lai, không được pháp luật bảo vệ.

“Tôi cảm nhận được là họ sống cho hiện tại nhiều hơn tôi hay bất kỳ ai. Có lẽ là bởi họ có quá nhiều sức ép, họ không có tương lai, không được pháp luật bảo vệ. Họ biết thời gian ở bên nhau quá ngắn ngủi và mong manh cho nên, còn yêu nhau, ở bên nhau ngày nào họ sẽ chăm sóc, trân trọng nhau ngày ấy”, Maika tác giả của Triển lãm ảnh The Pink Choice- Yêu là Yêu chia sẻ cảm nhận của mình về tình yêu của những người đồng giới sau một  năm theo đuổi dự án này.

Bắt đầu từ lúc nào Maika có ý tưởng chụp ảnh về tình yêu đồng tính?

Dự án của tôi bắt đầu từ tháng 5 năm 2011. Câu chuyện cũng dài lắm. Đấy là lúc tôi sang Cambodia học Workshop và có 2 tuần để chụp một bộ ảnh ở bên đấy. Tuy nhiên lúc tôi sang lại đúng vào dịp lễ của họ, những nơi mình cần chụp thì đóng cửa hết nên đành lên mạng tìm kiếm xem có gì khác thay thế không.

Tình cờ tôi tìm thấy trang web Pinkchoice.com là một trang du lịch của những người đồng tính trên thế giới. Trên trang web đó giới thiệu những khách sạn, nhà hàng thân thiện với người đồng tính và cả những khách sạn chỉ dành riêng cho người đồng tính.

 
Tôi thấyrất thú vị vì ở giữa Cambodia, giữa Angkor, giữa một đất nước Châu Á giống như mình mà có cả khách sạn 4 sao, 5 sao dành riêng cho người đồng tính. Ban đầu tôi đến gặp người quản lý chỉ xin chụp không gian khách sạn thôi nhưng ông ta yêu cầu tôi phải hỏi ý kiến của từng đôi một vì họ đã đến đây trả rất nhiều tiền để được riêng tư. Tôi bèn hỏi hú họa nhưng không ngờ đôi nào cũng đồng ý hết, thậm chí họ còn mời “về phòng tôi chụp đi, phòng tôi có ban công, có lan can, có bể bơi rất đẹp…”. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì họ cởi mở, vui tươi và yêu đời đến vậy.

Vậy là dự án bắt đầu ngay từ giây phút ấy?

Ồ, không. Sau khi học xong và về Việt Nam, tôi cũng quên bẵng đi bộ ảnh đó. Nhưng về sau này, tình cờ đi xem triển lãm của chính các bạn đồng tính, rồi xem ti vi, sách thấy họ đều bị làm mờ mặt, che mặt, hoặc quay lưng lại… tôi tự hỏi, tại sao lại phải giấu mặt như thể tội phạm vậy?

Các nhân vật đồng tính trên phim cũng vậy, đều gây hài, mua vui. Có những phim đồng tính hay nhưng câu chuyện lại quá buồn. Nó khiến mình thương cảm họ hơn nhưng cũng thấy cuộc đời của họ bi kịch hơn. Xem phim đó tôi nghĩ chắc những người đồng tính chưa công khai có lẽ sẽ không dám công khai nữa vì sợ những chuyện như thế cũng sẽ xảy đến với mình.

Trước đây khi làm về thời trang tôi thấy những bạn đồng tính làm việc cùng với tôi đều rất yêu đời, tài năng và thực lòng tôi rất cảm phục họ. Tôi thấy rõ ràng, những mặt tích cực của người đồng tính hầu như ít khi được nhắc đến.

Vì vậy khi được tiếp cận với họ và thấy rằng nếu họ có thể gây thiện cảm với mình thì cũng có thể gây thiện cảm với những người khác nữa. Nên tôi quyết định chia sẻ thông tin này. Và chụp ảnh cũng là một cách chia sẻ thông tin.

Từ ý tưởng đến lúc thực hiện, có lẽ không dễ dàng gì?

Thật ra, không có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án này như mọi người tưởng đâu. Trước khi chụp tôi đã lên danh sách những người mình cần nhờ họ giúp. Một trong những người đầu tiên là anh Dũng, tác giả của cuốn tự truyện Bóng- là người đồng tính đầu tiên trải lòng. Anh Dũng đồng ý giúp tôi tìm các đôi. Sau khi anh Dũng thuyết phục được họ thì tôi mới đến chụp ảnh. Còn những nơi khác như TP. HCM thì thuận lợi hơn vì lúc đó tôi có cầm ảnh theo cho họ xem để họ biết mình làm gì. Hơn nữa, ở TP. HCM tôi có nhờ được một trung tâm về quyền của người đồng tính hỗ trợ, họ mời đến những admin từ các diễn đàn của người đồng tính để tôi có thể gặp trực tiếp.

Có lẽ là do tôi đã chọn lọc và chuẩn bị tốt nên mọi thứ tương đối suôn sẻ (cười).

Làm sao để có thể chụp được những khoảnh khắc tự nhiên như vậy?

Tôi đến nhà, trò chuyện để biết họ thích không gian nào nhất trong nhà, thích quãng thời gian nào dành cho nhau… Tôi dành cả một ngày ở nhà họ, ăn cơm cùng họ, nói chuyện cùng họ và chụp họ. Họ có tình yêu đẹp thì họ khoe và khoe gì thì đó là quyền của họ. Vì vậy, trong mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện nhỏ trong đó.

Họ cởi mở chứ?

Khi mới bắt đầu chụp thì hầu như tất cả các đôi đều không tự nhiên lắm. Cho nên mặc dù tôi chụp rất nhiều, khoảng 70 đôi nhưng cuối cùng ảnh chọn ra được rất ít.

Tổng cộng 70 đôi chụp trong một năm rưỡi nhưng túc tắc thôi, lúc nào rảnh thì tôi chụp.


Ăn, ở cùng họ trong suốt hơn một năm chắc Maika có nhiều kỷ niệm với họ lắm?

Có nhiều đôi khiến tôi rất bất ngờ. Chẳng hạn nhìn họ rất nam tính, bụi phủi nhưng nhà của họ lại vô cùng lãng mạn, có rèm, có rất nhiều hoa. Lại có những đôi sinh viên, nhà chật nhưng họ vẫn rất vui vẻ và ấm cúng trong tổ ấm đó.

Đối tượng tôi chụp cũng rất đa dạng, sinh viên, công chức, dân làm ăn, và cả dân xã hội nữa.

Có rất nhiều câu chuyện ấn tượng, tuy nhiên tôi không định khai thác sâu vào chuyện tình cảm của họ. Khi tôi chụp bộ ảnh này tôi luôn giữ quan điểm: Tình yêu nào cũng có những hạnh phúc, những khổ sở riêng của nó. Tình yêu nào cũng đáng được trân trọng như nhau.

Có những kỷ niệm rất vui, chẳng hạn như đến nhà của hai bạn sống cùng gia đình. Lúc tôi chụp ảnh trong phòng thì bố mẹ bạn ấy xông vào. Tôi tưởng họ sẽ mắng nhưng hóa ra không phải, bác ấy lại bảo, “hai đứa này có gì hay mà chụp, xuống chụp cả nhà mới vui”. Xong rồi bác ấy bật dàn karaoke lên, hai ông bà già cùng nhảy nhót cho tôi chụp. Buổi chụp hôm đó rất vui và hai bạn ấy là một trong số ít những đôi rất may mắn.

Trong số 45 bức ảnh triển lãm của Maika, nhiều bức rất táo bạo, đó là chủ đích của người chụp hay của họ?

Cũng tùy. Thật ra ban đầu họ cũng không tự nhiên lắm nhưng rồi đến nửa buổi thì họ bắt đầu chán tôi (cười). Họ mệt, họ chán rồi, vì họ thấy chẳng có gì mà mình cũng chụp, lại có những lúc họ làm rất nhiều mà chẳng thấy mình chụp gì. Đến giờ ăn họ vẫn phải ăn, giờ ngủ họ vẫn phải ngủ. Ở cùng họ tôi cũng khá  thoải mái, tôi nấu ăn cùng họ, khi họ ngủ tôi cũng ngủ… lăn quay theo (cười) và tôi chụp lúc họ đang cảm thấy thoải mái, tự nhiên nhất.

Nhưng cũng có những đôi họ rất táo bạo, rất bốc lửa và họ thích thể hiện tình yêu của mình theo cách của họ.

Cũng như Maika, đã có lúc tôi muốn viết về người đồng tính nhưng rồi hình như cái duyên ấy vẫn chưa đến...

Cái này cũng chẳng ai định trước được. Nó tự xảy đến với mình. Nhiều thứ tình cờ xảy ra, tình cờ liên kết với nhau. Dự án này của tôi đúng là như vậy. Nó là quá trình dài, tôi gặp chuyện này, chuyện kia mà và cảm thấy có thể khai thác được. Đối với dự án ngắn thì không sao nhưng dự án dài hơi thì phải suy nghĩ rất nhiều về việc vì sao mình phải làm nó ? Có rất nhiều câu hỏi trong đầu tôi và khi trả lời hết những câu hỏi đó thì tôi mới bắt tay vào làm.

Ngày xưa khi chưa đi học Workshop, thầy hỏi vì sao tôi chụp.Tôi trả lời là vì tôi thích thôi. Tất nhiên, cũng chẳng làm sao, nhưng bạn cần phải tôn trọng nhân vật của mình. Mình dùng khuôn mặt, mình dùng cuộc sống, mình dùng câu chuyện của người khác để làm nghệ thuật nên không thể nói thích là đủ- thầy tôi đã nói như vậy.

Bạn không thể khai thác một nhân vật rồi vô trách nhiệm với họ, vì vậy ngay từ trước khi làm việc cần rõ ràng, thẳng thắn với nhau. Những thứ chụp rồi sẽ công bố thì phải tìm được lý do thuyết phục họ và nếu họ đồng cảm họ sẽ nhận lời.

Có nhiều người từ chối bạn không?

Có chứ và mình từ chối người ta cũng nhiều. Khi gặp họ, tôi luôn phải giải thích rõ để họ hiểu đây là dự án nhiếp ảnh cá nhân nên tôi muốn quyết định mọi thứ. Có những người không muốn vậy. Hoặc trong lúc tiếp xúc tôi dùng từ ngữ không chính xác trong khi nói chuyện cùng họ, họ giận và từ chối hợp tác.

Nhưng cũng đôi khi tôi phải từ chối họ, chẳng hạn ở Sài Gòn tôi có một thân một mình đi chụp, mang theo nhiều máy móc đắt tiền, nên gặp người nào khiến tôi cảm giác bất an thì tôi sẽ từ chối.

Hóa ra có thời gian Maika «trốn» vào Sài Gòn là vì dự án này? Vào đó, bạn đã sống như thế nào?

Vào TP. HCM tôi ở nhờ nhà bạn bè. Mỗi tháng ở nhờ nhà một người. Bao giờ thấy phiền họ quá thì tôi lại đi (cười).

Việc tôi làm triển lãm Pink Choice và đi xin tài trợ cũng là yếu tố thúc đẩy tôi nhanh chóng hoàn thiện dự án này. Việc đó cũng giống như ca sĩ đi hát phòng trà lâu thì cũng phải ra đĩa, nhà thiết kế phải có bộ sưu tập, nhà văn phải có sách. Đơn giản vậy thôi.

Ban đầu tôi chỉ định làm triển lãm ở Hà Nội nhưng vì có khá nhiều đôi tôi chụp ở TP.HCM nên tôi quyết định làm cả triển lãm trong TP.HCM nữa.

Sau hơn một năm làm việc với những người đồng tính trong dự án này, bạn có cảm thấy những suy nghĩ của mình đối với họ thay đổi hoặc khác đi không?

Không quá khác nhưng có một điều tôi cảm nhận được là họ sống cho hiện tại nhiều hơn tôi hay bất kỳ ai. Có lẽ là bởi họ có quá nhiều sức ép, họ không có tương lai, không được pháp luật bảo vệ. Họ biết thời gian ở bên nhau quá ngắn ngủi và mong manh cho nên, còn yêu nhau, ở bên nhau ngày nào họ sẽ chăm sóc, trân trọng nhau ngày ấy.

Bạn sẽ mời họ đến triển lãm chứ?

Có nhưng tôi không biết có bao nhiều đôi có thể đến được. Có những đôi yêu nhau 6,7 năm nhưng khi tôi đề nghị gửi giấy mờit hì họ nói, «chẳng biết được đâu, có khi cuối năm về cưới vợ rồi». Chị biết đấy, cũng chỉ có một khoảnh khắc nào đó trong đời, họ được sống vô tư như chính con người thật của mình thôi.

Cảm ơn Maika !

Maika Elan tên thật là Nguyễn Thanh Hải (1986) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Năm 2008 : Tốt nghiệp khoa Xã hội học- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tháng 5. 2010 Giải nhất ảnh đơn và giải nhất phóng sự ảnh tại khóa học ảnh báo chí chuyên nghiệp do Quỹ Tưởng Niệm Đông Dương tổ chức tại Hà Nội.

Tháng 7. 2012 : Học bổng toàn phần tại khóa học báo chí Foundry tại Chiang Mai, Thái Lan.

Từng có triển lãm :

Tháng 5.2009 : Happy Farmer tại Kuala Lumpur, Malaysia

Tháng 11. 2009 : Triển lãm Phòng cấp cứu do ĐSQ Đan Mạch bảo trợ và thực hiện tại Hà Nội.

Tháng 9.2012 : The Pink Choice, Nottingham, UK.


Hà Trang thực hiện

 

 

Bình luận
vtcnews.vn