Ngọc Diệp hai bàn tay cùng đầy

Tổng hợpThứ Năm, 18/10/2012 08:26:00 +07:00

Ngọc Diệp có hai “bàn tay”. Hai “bàn tay” cùng đầy. Đầy bản lĩnh nghề nghiệp.

Ngọc Diệp có hai “bàn tay”. Hai “bàn tay” cùng đầy. Đầy bản lĩnh nghề nghiệp. Một “bàn tay” biên dịch Bản tin Đời sống - Văn hóa – Xã hội Quốc tế hằng ngày phát sóng lúc 16 giờ trên Kênh VTC1. Một “bàn tay” nữa dẫn chương trình cho Chương trình Thời sự tổng hợp cũng hằng ngày phát sóng vào lúc 19 giờ, và cộng tác dẫn chương trình chuyên đề cho các kênh khác của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Ngọc Diệp xinh và ăn ảnh. Chị Hồng Vân phòng hóa trang nhận xét thế. Gương mặt vừa ngây thơ vừa dạn dĩ. Chính vì lẽ đó nếu cô mỉm cười gương mặt trong sáng bừng lên nét khả ái. Hằng ngày Ngọc Diệp khai thác tin từ các bản tin tiếng Anh của hãng Reuters TV, tìm xem tin và phóng sự nào phù hợp với tiêu chí bản tin của mình thì biên dịch. Một bản tin có dung lượng khoảng 5 tin và 3 phóng sự về đời sống xã hội, văn hóa thế giới.

 
Anh Hồ Trường trưởng phòng quốc tế, là người thể hiện tiếng Việt bằng cái giọng trầm ấm có tiết tấu khẩn trương như CNN đã rất thích cách chuyển ngữ của Ngọc Diệp nhẹ nhàng và chau chuốt. Hôm đi qua trường quay S4 tôi gặp Ngọc Diệp ở phòng hóa trang đi ra. Tiện đường, vào chuyện phiếm với Ngọc Diệp trong khi chờ khách mời đến ghi hình. Chương trình “Đa chiều” kỳ này của Biên tập viên Mỹ Nga bàn về “Gái ngoan Gái hư” buổi sáng, và chiều là “Hôn nhân tuổi xế chiều”. Cái cô Mỹ Nga thật tinh tường tìm toàn những đề tài “hót” trong cuộc sống hiện đại để phiếm chuyện.

Mỹ Nga thường trong một tuần làm cả một sê-ry bốn năm cái liền cho tiện cùng một công mời khách và MC như giáo sư Đặng Hùng Võ và Ngọc Diệp đang ngồi bên tôi đây. Tôi khen Ngọc Diệp làm chương trình có yếu tố chính luận như Đa chiều ngày một lên tay. Đặc biệt cái khiếu năng gợi mở vấn đề “bơm” những ý có tính phản biện để khách tranh luận là rất cần thiết. Cũng “hỏi xoáy” để “đáp xoay” trong nhiều chương trình khá ấn tượng ví như “Tướng bà” ảnh hưởng chừng nào đối với “Tướng ông”. Hoặc đàn ông thích gái ngoan hay gái hư?

Tôi hỏi Ngọc Diệp học chuyên Anh ở trường nào mà dịch thoát rất khéo. Ngọc Diệp làm tôi sửng sốt cho biết cô học chuyên tiếng Trung, và điều này thì ít người biết tới. Và cô kể. Chưa tròn một tháng Ngọc Diệp về làm việc ở Đài, thì gặp sự kiện Đài VTC và Đài Truyền hình tỉnh Nam Ninh Trung Quốc hợp tác tổ chức Cầu truyền hình mừng Xuân mới. Nhìn đi trông lại chưa biết tìm ai biết tiếng Trung để Đài cử sang thành phố Quảng Tây dẫn cùng một bạn dẫn ở đầu cầu bên đó. Thì anh Phan Anh hồi đó làm chương trình “Sao Online” biết Ngọc Diệp đã tiến cử cô.

 
Bấy giờ người ta mới sực nhớ tới học vấn nhân thân, là Ngọc Diệp được đào tạo ở Trường Đại học Ngọai ngữ Hà Nội khoa tiếng Trung. Yên tâm về cái tiếng Trung. Nhưng khả năng diễn thuyết thì sao, mà lại là diễn trực tiếp đòi hỏi ứng biến tùy biến trong mọi tình huống có thể xảy ra trong không khí áp lực cao chốn đông người lại ở nơi đất khách. Rồi cũng phải tin tưởng ở cô thôi. Bây giờ chuyện lại với tôi Ngọc Diệp nói rằng cũng không hiểu sao lần ấy cô tự tin thế, nhập việc rất suôn sẻ.

Có lẽ muốn khẳng định mình nên phải gắng. Nhưng điều quan trọng nữa là Ngọc Diệp được làm việc với các MC của Đài Truyền hình Nam Ninh họ  khá chuyên nghiệp. Người dẫn với Ngọc Diệp là anh Từ Cận. Từ lúc anh bàn với Ngọc Diệp về kịch bản chương trình, sự phối hợp giữa anh và cô trong từng phân khúc chương trình, đến khả năng tùy hứng trong từng bối cảnh hỗ trợ đưa đẩy nhau sao cho linh hoạt để chương trình ghép nối thống nhất và liên tục. Anh Từ Cận dẫn rất lưu loát, xen kẽ anh có thể hát, múa, diễn tiểu phẩm cứ như một ca sĩ, diễn viên thực thụ. Ngọc Diệp nhận ra điều này ngay khi hai người tập thử.

 
Và hình như MC phải là người đa tài. Cũng chính điều đó mà Ngọc Diệp vững tâm lên vì bên cạnh cô luôn có một “leader”. Ngọc Diệp nhận xét không sai. Tôi có hai lần tham quan Đài Truyền hình Nam Ninh. Các phóng viên ở phòng quan hệ quốc tế họ tổ chức các sự kiện chặt chẽ như xếp những mảnh ghép. Cậu phiên dịch thì giỏi tiếng Việt sử dụng khẩu ngữ bợm hơn cả người bản Việt. Dọc đường đi tôi liên tục xin dừng xe xuống “ngắm sông”. Cậu phiên dịch tung ra một câu làm ông giám đốc của tôi cười rũ “Bia bọt lắm đây mà!”

Chương trình cầu truyền hình năm ấy diễn ra từ 8 giờ tối đến quá nửa đêm. Đài Truyền hình Nam Ninh cử anh Quần Đạt sang dẫn cùng chị Thùy Trang ở đầu cầu Đài VTC thủ đô Hà Nội. Nội dung chương trình khá phong phú. Có các phóng sự giới thiệu phong tục, tập quán và các hoạt động văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền của hai nước. Rồi giao lưu người thân. Biểu diễn văn nghệ chào mừng Xuân mới. Có một thầy giáo từng dạy học sinh Việt Nam ở Khu học xá Quế Lâm qua cầu truyền hình chuyện trò với một học sinh của ông nay thành đạt trong sự nghiệp của mình ở Việt Nam nghe rất cảm động khi giọng thày giáo ấy nghẹn ngào nói.

 
Cầu truyền hình năm ấy tổ chức rất thành công. Còn Ngọc Diệp cảm thấy mình “lớn” thêm lên vài… phân. Sự khẳng định ấy được Đài ghi nhận và đã cử tiếp Ngọc Diệp sang Nam Ninh thực hiện cầu truyền hình thêm một lần nữa vào dịp Tết năm sau. Vẫn “cặp đôi hoàn hảo” với anh Từ Cận đa tài. Còn đầu cầu ở Đài VTC vẫn là anh Quần Đạt nhưng với MC Thu Hương.

Thế rồi Ngọc Diệp định hình khả năng MC sau hai sự kiện kiểm chứng ở “đấu trường” nước ngoài, và Ngọc Diệp thú nhận đã học tập được nhiều điều cho nghề từ đồng nghiệp bên Nam Ninh.

Thì ra con đường đến với nghề để thành nghề đích thực ở Việt Nam thường phát tiết từ năng khiếu, học nơi trường đời, vòng vèo một chút lại tới đích nhanh hơn. Triết luận ấy làm tôi nhớ tới cái nhận xét về tính cách người Việt Nam của nữ nhà văn Dimitrova, rằng khi cần một cái gì đó đừng dại dột yêu cầu “thẳng tuột ruột ngựa”. Phải vòng vo một lúc đã, như lần chị sang Việt Nam mục đích chính là tìm gặp bé Hà con đỡ đầu trong chiến tranh của chị. Nhưng chị đã phải vân vi hỏi nhà trường từ thày hiệu trưởng đến ban giám hiệu về sức khoẻ của họ. Rồi không kìm nén được nữa chị hét lên “Bé Hà của tôi đâu?” Khiếu năng dẫn chương trình của Ngọc Diệp cũng vòng vèo na ná thế...

Trang Linh

Bình luận
vtcnews.vn