Mỹ Nga khóc

Tổng hợpThứ Ba, 28/08/2012 01:29:00 +07:00

Rảo bước băng băng tới phòng tôi, nắm vội lấy tay tôi, đôi mắt đen huyền sũng nước, Mỹ Nga nức nở: “Bác ơi cứu cháu!”

Rảo bước băng băng tới phòng tôi, nắm vội lấy tay tôi, đôi mắt đen huyền sũng nước, Mỹ Nga nức nở: “Bác ơi cứu cháu!”

Thật ngỡ ngàng. “Bác chết thay giúp cháu. Vào phút chót mà khách mời gọi điện báo không đến được! Bác có 15 phút chuẩn bị thôi!” Tôi đã hiểu. Cô làm chương trình “Đa chiều”, tối thiểu phải có hai khách mời mới “cãi nhau” được về quan điểm cho một vấn đề nóng. 

- Bác sẽ cãi nhau với ai?

- Với nữ nhà văn Phong Điệp.

- Đề tài?

- Dạy con: Cha hay mẹ?

 
Đề tài này tôi đã viết một phiếm đàm 3.000 từ không khó khăn gì. Khó khăn là ở chỗ da tôi ngăm đen, đã xuất hiện đôi nốt tàn nhang, gấp gáp thế này không được hóa trang là thiệt thân. Tôi viết cố gắng viết hay để người đọc tưởng tượng ra tác giả có lợi hơn là họ biết bản mặt mình không xinh bị họ chán. Bị chán  oan uổng.

Tôi nhận lời. “Cứu” phụ nữ “chết thay” phụ nữ mà lại là phụ nữ trẻ không thể nói là phí hoài. Mỹ Nga bấy giờ mới đưa tay áo lên thấm nước mắt, cười. Hình ảnh ấy là hình ảnh làm nhẹ lòng với tôi.

Nhà văn Phong Điệp phụ trách Trưởng biên tập ấn phẩm “Văn nghệ Trẻ” của Hội Nhà văn. Đến Báo Văn nghệ lĩnh nhuận bút tài vụ thể nào cũng hỏi “Trẻ” hay “Già”. Trẻ là của Phong Điệp. Chúng tôi đọc của nhau nhưng chưa từng gặp.

Chị có một trang phongdiep.net văn chương tôi thường gửi đến góp mặt. Gặp nhau lúc này, chị siết tay tôi vui chứ không thất vọng vì phải talk với một anh chàng không còn trẻ mà bấy nay chị cứ ngỡ chưa già. Để tránh từ “chú – cháu”, Phong Điệp chọn từ “ông” chung chung đại loại “Tôi chia sẻ với lập luận có phần cá tính của ông Khiếu Quang Bảo”. Hoặc “Sao ông lại bênh vực vị trí người cha đến thế?” Và chúng tôi “cãi nhau” rất “đoàn kết”. Kết thúc chương trình Giáo sư Đặng Hùng Võ bắt tay chúng tôi khen trong ấm ức: “Tưởng như hai mà hóa ra là một!”
 
Sau đó có thêm một lần cũng vào phút chót khách mời đi công tác gấp thành thử Nhà thơ Trần Đăng Khoa phải “cãi nhau” một mình. Đầy ngẫu hứng. Về đề tài “Báo chí: Quyền lực thứ tư?” Nhưng anh chàng Khoa thông minh “mớm” ý để hai người dẫn chương trình “mồi” câu phản biện cho anh ta cãi. Độc thoại trong 23 phút khá hay với nhiều điển tích lẫn giai thoại. Khả năng này Trần Đăng Khoa có dư.

Hồi Trần Đăng Khoa còn nhỏ tuổi nhưng đã có tập thơ “Góc sân và khoảng trời” ra Hòn Gai chơi, tôi và nhà văn Lý Biên Cương đưa Khoa đến nhà in xem số báo Tết tôi có dùng bài thơ “Nhớ Rừng” của nhà thơ Trần Nhuận Minh anh ruột Khoa. Đọc xong Khoa rú lên “Em có thơ tặng anh Minh đây rồi”, và ứng khẩu: “Nghe anh ở vậy suốt đời / Sao nay bỗng thấy một trời nhớ Nhung?” Nhung viết hoa. Hóa ra mẹ ép lấy vợ Trần Nhuận Minh chối đây đẩy thề là sẽ ở vậy, và bây giờ thì “nhớ cô Nhung” ở ngành lâm nghiệp lại viết thác đi là “Nhớ Rừng”.

Làm chương trình “Đa chiều” ngoài cái khó khăn tìm đề tài sao cho hấp dẫn, còn khó hơn với Mỹ Nga lại là…tìm khách mời. Khách mời phải là những người được nhiều người biết tới. Có học hàm học vị càng tốt vì phong phú về lý luận lập luận và chứng cứ nghiên cứu khoa học. Đủ tin. Khó khăn hơn nữa là khách mời phải hoạt ngôn, ứng phó với những quan điểm trái chiều không lường trước bằng những ý kiến cá nhân mang tính phổ quát “hàm súc đa ý” hiểu thế nào cũng được.

Một sân chơi không dễ chơi. Khách mời không “cứng cựa” là mất đi thế thượng phong và chương trình cần “đa chiều” trở thành “một chiều”. Nhưng khi gặp không ít khách mời “bạo ngôn” “lộng ngôn” lõi đời trải nghiệm gỉ gì gi cái gì cũng biết thì “cãi nhau” nhiều khi đổi hướng bất thường. Phải bẻ ghi.

Có lần Mỹ Nga tâm sự với tôi nỗi khó khăn này. Cô tính mỗi chương trình hai khách. Một tháng bốn kỳ vị chi tám khách. Tháng có 5 tuần là 5 kỳ phải cần 10 khách. Quay vòng gì thì ít ra mỗi vị khách đừng xuất hiện nhiều hơn một lần mỗi tháng. Mà đề tài chỉ được khuôn trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Bởi đó là những vấn đề rộng mở “vô tiền khoáng hậu” chỉ có “hay” và “dở” chứ không có “đúng” hoặc “sai”.

Mỹ Nga đang làm cái việc đi tìm. Không sẵn và không dễ. Phát hiện một khách mới phải ngầm thử đôi lời quan điểm xem có suy nghĩ độc lập, cách phát ngôn mới lạ, và có cá tính khác người không. Một lần “test” trên trường quay là cho thấy khả năng trụ hạng.

Những khách mời như Nhà văn Chu Lai, Tiến sĩ văn học Đoàn Hương, Tiến sĩ ngôn ngữ điện ảnh Trần Minh Thái thoại “phiêu” như máy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang lại phiêu kiểu lãng tử nhưng chèo lái giỏi. Các Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Đình Cử lập luận khúc triết chỉ “phiêu” chút đỉnh vì các ông thiên về khoa học chính xác.
 
Vừa rồi Mỹ Nga “kéo” được một doanh nhân khu vực tư nhân thành đạt Vũ Hữu Lợi cãi nhau về “Tiêu tiền” với quan điểm kiếm được tiền thì có quyền tiêu, và khách mời đầy cá tính này cho rằng sao lại phải quan tâm tới mặt bằng xã hội khi tiêu tiền, đưa Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A - một chuyên gia dạy người ta kiếm tiền, có phần thụ động khi gặp một doanh nhân “bạo ngôn” chỉ biết nhìn ra thế giới phát triển để lựa chọn cách sống, không mảy may thể tất hoàn cảnh người dân trong nước.

Mỹ Nga lo lắng. Tôi bảo không sao. Thế mới là đa chiều. Những khách mời như Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ nghiên cứu tâm lý Trịnh Hòa Bình lại thoại rất cụ thể tưởng như thật nhưng không hết sự thật, mà đó là sự khôn ngoan cần thiết bởi họ là…chính khách…Chương trình “Đa chiều” đã bắt đầu hấp dẫn.

Sau cái lần Mỹ Nga khóc và tôi xúc động “cứu” “chết thay”, Mỹ Nga đưa tôi vào danh sách khách mời. Nhưng Mỹ Nga xếp cho tôi toàn đề tài khó nhằn: “Hôn nhân tuổi xế chiều”, rồi “Gái ngoan – Gái hư”, cứ như tôi là anh “lẳng lơ”. Trong “Hôn nhân tuổi xế chiều” tôi “cãi nhau” với nữ Chuyên gia tâm lý Khuất Thu Hồng. Khi chị đưa ra hôn nhân tuổi xế chiều cũng cần đăng ký kết hôn theo luật định, thì tôi lại chủ trương “giàng buộc lỏng lẻo”.

Chị đặt câu hỏi làm vậy sẽ ảnh hưởng quyền lợi người phụ nữ khi ly hôn. Tôi cho rằng tuổi xế chiều hôn nhân là đi tìm hạnh phúc cuối đời đâu phải kiếm tìm quyền lợi. Chị lật lại rằng người phụ nữ sẽ khó tránh khỏi mang tiếng. Tôi lại cho rằng một mình với một mình bốn con mắt ngắm nhìn nhau sao phải quan tâm tới cái nhìn của trăm con mắt khác còn chi là hạnh phúc. Mà án phí bây giờ cao lắm. Người phụ nữ đứng đơn ly hôn lại thêm một lần thiệt. Khuất Thu Hồng đã cười phá lên còn Giáo sư Đặng Hùng Võ thì hỉ hả xem tôi như vị cứu tinh của hôn nhân xế chiều.

Đắng nhất với tôi là cuộc “cãi nhau” với nữ nhà văn Trang Hạ. Trong khi tôi tự nhận là “trai ngoan” thì chị tự nhận “gái hư”. Tôi nhận thế bởi khi tôi biết yêu vào thập niên 60 – 70 thế kỷ trước toàn gặp gái ngoan. Tới tận 15 năm lại đây mới biết tới gái hư. Trang Hạ dồn tôi rằng gái hư có từ thời xa xưa đâu phải 15 năm này.

Vâng, gái hư thời xa xưa là hư đốn. Còn gái hư thời đổi mới là họ phát triển “mở cửa” những tiêu chí gái ngoan về phẩm giá và phẩm hạnh truyền thống. Ví dụ tôi hỏi gái ngoan “Em có yêu anh không?” Câu trả lời sẽ là “Em cũng không biết nữa!” Còn gái hư sẽ là “OK” hoặc “CANCEL!” Gái ngoan khuyên tôi sống chậm. Gái hư giục tôi sống nhanh. Gái ngoan thì “Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Còn gái hư thì: “Yêu em tốn kém lắm đấy. Nếu không thì cạp đất ra mà ăn à?”

Sau kỳ này Mỹ Nga đặt lịch ngay cho tôi kỳ sau sẽ là “Cơm và Phở thứ nào ngon hơn?”

Mỹ Nga ơi là Mỹ Nga. Được đằng chân lân đằng đầu.

Nhưng mừng. Cô đã không còn khóc nữa. Chỉ chau mày oải thôi khi phải tìm dò phát triển thêm khách mời.

Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn