Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc: Bản hoà tấu đảo phách

Tổng hợpThứ Tư, 15/08/2012 09:45:00 +07:00

Sự nhạy cảm của tâm hồn cộng với một hơi thở Jazz đương đại, nhiều cảm xúc, nghệ sĩ kèn saxophone Quyền Thiện Đắc đã làm say lòng bao trái tim yêu nhạc jazz.

Vẻ ngoài rất đàn ông, sự nhạy cảm của tâm hồn cộng với một hơi thở Jazz đương đại, nhiều cảm xúc, nghệ sĩ kèn saxophone Quyền Thiện Đắc đã làm say lòng bao trái tim yêu nhạc Jazz. Nếu như Jazz không đơn thuần là những nốt nhạc đến với nhau theo một trật tự nhất định, thì cuộc đời và sự nghiệp của Quyền Thiện Đắc cũng như một bản hòa tấu đầy ngẫu hứng, đôi khi có những sự đảo phách ngoạn mục…

Nỗi niềm của “Hoàng tử Jazz Việt”

Quyền Thiện Đắc sinh năm 1979 tại Hà Nội. Anh là con trai duy nhất của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh. Nếu NSƯT Quyền Văn Minh đến với Jazz bằng con đường tự học thì Quyền Thiện Đắc chính là nghệ sĩ saxophone đầu tiên của Việt
Nam sở hữu bằng cấp quốc tế.

Nối nghiệp cha, năm 12 tuổi, Đắc theo học kèn Clarinette tại Nhạc viện Hà Nội. Để đi dài hơi với niềm đam mê nhạc Jazz, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp Nhạc viện, anh đã thi đỗ học bổng 3 năm tại trường Đại học Berklee College of Boston - Mỹ. Đến năm 2011, sau 2 năm tiếp tục “săn tìm”, gom góp kiến thức, Quyền Thiện Đắc lại trở về nước với tấm bằng master của Thụy Điển.

 
Đắc thừa nhận, buổi đầu khi ra nước ngoài học tập, anh chỉ thích chơi những bản nhạc Jazz quốc tế, thích “chinh phục” nhưng bản nhạc khó nhất, thích phô trổ kỹ thuật mình học được… Nhưng càng trưởng thành hơn, càng đi biểu diễn nhiều hơn thì Đắc càng hiểu rằng, muốn tôn vinh một thứ nhạc Jazz của Việt Nam, anh phải theo một lối khác. Cha anh đã hoàn toàn đúng khi ông tự sáng tác và chơi những bản nhạc Jazz mang âm hưởng dân gian Việt Nam.

Rồi Đắc cũng tập tành viết nhạc. “Khi tôi học ở Mỹ, phong cách chơi nhạc của họ rất cuồng nhiệt, sôi nổi. Khi sang châu Âu thì họ lại đi sâu về âm nhạc hơn. Họ có thể chơi lả lơi, “bay” hơn. Tôi là một người rất may mắn được học ở hai trường phái khác nhau. Nó hỗ trợ rất nhiều cho con đường âm nhạc mà tôi đang theo đuổi.

Tức là sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Việt
Nam mà kết hợp với nhạc Jazz. Tôi có thể sáng tác những bài dựa trên chất liệu chèo nhưng lại theo phong cách Mỹ: dồn dập, cuồng nhiệt. Tôi cũng có thể sử dụng thêm những chất liệu mềm mại của trường phái châu Âu. Bản thân giai điệu âm nhạc của dân gian mình cũng rất đơn giản, mộc mạc”- Đắc “béo” chia sẻ.

Nếu sau chuyến du học ở Mỹ trở về, Quyền Thiện Đắc xuất xưởng album Sự tỏa sáng và Bóng dáng quê hương với sự tham gia của những người thầy giáo nước ngoài thì tại liveshow À ơi, được thực hiện sau khi anh trở về từ Thụy Điển, Đắc lại trình tấu với tam tấu P.O.Nilsson của Thụy Điển.

Nghe đâu chi phí để mời 3 nghệ sĩ trẻ này mất tới hơn 100 triệu đồng. Đắc tự bỏ tiền túi và lỗ to. Nhưng anh vẫn cười hề hề: “Lỗ cũng không sao vì đây là một phép thử cần thiết cho Jazz Việt”.

Trong liveshow này, Quyền Thiện Đắc và 3 nghệ sỹ Thụy Điển đã trình tấu gần 10 bản nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam với phong cách Jazz như: Gió bấc, À ơi, Phiên chợ, Trống cơm, Bèo dạt mây trôi, Vũ điệu Thăng Long... Liveshow đã được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng với Quyền Thiện Đắc quan trọng hơn cả là dường như Jazz Việt đã thoát ra khỏi “bụi rậm”. Bởi ít nhiều nhạc Jazz Việt
Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến và công chúng, dư luận của Việt Nam

 
cũng đã gần với Jazz hơn bao giờ hết. Với Quyền Thiện Đắc, mỗi một lần chơi nhạc chung với các nghệ sỹ quốc tế cũng giống như một lần ra quân trong bóng đá vậy. Buộc phải tự tin và phải khẳng định: Tôi là người Việt
Nam, tôi có thể chơi được những bản nhạc các bạn đang chơi và tôi cũng có những bản nhạc của riêng mình.

“Hoàng tử của nhạc Jazz Việt” cho biết, âm nhạc dân gian Việt
Nam vốn đơn giản, giai điệu mộc mạc, không trúc trắc. Vậy nên người chơi Jazz thường phải sáng tạo một số hòa thanh mới, một số nhịp, tiết tấu chệch khỏi khuôn mẫu, nhưng cũng cần tỉnh táo vì nếu không, tác phẩm dễ biến thành một thứ lai căng “nửa nạc, nửa mỡ”.

Vẫn biết âm nhạc là trừu tượng, đặc biệt là Jazz. Và để công chúng tiếp nhận Jazz một cách tự nhiên thì hiện thời còn khó. Nhưng không vì điều đó mà Quyền Thiện Đắc dừng lại những công việc mà anh đã và đang theo đuổi hơn 10 năm nay. Bên cạnh việc biểu diễn, từ cuối 2005, Quyền Thiện Đắc đảm nhiệm vai trò giảng viên khoa Accordeon - Guitar-Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mặc dù có nhiều lời mời, cơ hội sống và làm việc ở châu Âu, châu Mỹ, nhưng chưa khi nào Đắc rơi vào cảnh “đấu tranh, giằng xé” tâm lý, vì đã xác định: sẽ làm âm nhạc trên đất nước mình, biểu diễn cho công chúng Việt, truyền thụ kiến thức cho sinh viên, đàn em Việt Nam.
 
Gia tài lớn nhất mà Đắc có được đến nay là cây kèn Tenor luôn mang theo trong những đếm diễn. Còn già tài quan trọng nhất mà anh có được từ cha là hai cây kèn của ông cho Đắc mượn, rồi mua lại theo kiểu trả góp nhưng Đắc bảo, chắc sẽ… xin luôn vì biết sẽ không biết bao giờ đủ tiền trả.

Nghệ thuật công bằng với tất cả mọi người, bất kể họ đến từ đâu, nếu họ dám sống với nó bằng toàn bộ trái tim, và dám đi đến cùng con đường mà mình đã chọn… Ước muốn của “Hoàng tử jazz Việt” Quyền Thiện Đắc là đến một ngày nào đó công chúng thưởng thức nhạc jazz Việt Nam quen thuộc, gần gũi với dòng nhạc mới mẻ này như người Hà Nội ăn phở buổi sáng vậy.

“Tôi nợ bố 5 cây kèn!”

Như một người tiên phong đi mở đường, NSƯT Quyền Văn Minh đã làm tất cả để Jazz hiện hữu trên bản đồ âm nhạc Việt
Nam, trở thành một ngành nghệ thuật được đào tạo chính thức tại Học viện âm nhạc quốc gia. Làm người mở đường, ông chấp nhận nhiều gai góc, nhiều mồ hôi và thất bại. Chọn con đường khó để đi, không ân hận, không ngần ngại, nghệ sĩ Quyền Văn Minh gửi gắm tinh thần “tử vì đạo”, trước tiên là vào con trai Quyền Thiện Đắc của mình.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về kèn, đó là một thuận lợi của Quyền Thiện Đắc. Nhưng ngay cả khi Đắc đã cập kề tuổi hai mươi, những hoài bão của anh với cây kèn, với nhạc Jazz vẫn chưa rõ ràng, cho dù lúc đó anh đã được bố “đôn đốc” cho học xong sơ cấp và trung cấp âm nhạc ngành kèn, tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Khi cầm cây kèn saxo lần đầu, anh không nghĩ là nó sẽ gắn bó với mình cho tới hết cuộc đời. Phải mất tới 4 năm luyện tập, Đắc mới bắt đầu có “cảm giác” với nó. Hồi đó, Đắc thấy bố quá vất vả và hy sinh quá nhiều, thậm chí là cả đời mình cho một thứ nghệ thuật mà nhìn chung là còn quá xa lạ với công chúng trong nước, đặc biệt là công chúng Hà Nội, và vẫn phải sống… nghèo.

 

Vậy cái gì đã kéo Quyền Thiện Đắc, một cậu bé ham chơi và khá lười đến với nhạc Jazz? Đắc kể, mọi chuyện bắt đầu từ một buổi tối, cha có việc bận và nhờ anh đánh thế một “tăng” tại một nhà hàng của Pháp. Anh thanh niên Quyền Thiện Đắc, với chút ít ngón nghề jazz đã bị một phen xấu hổ ê chề khi bị người quản lý nhà hàng lịch sự mời xuống: “Thôi, cậu không cần phải đánh nữa, cứ ngồi chơi đi, chúng tôi vẫn trảthù lao cho cậu. Mọi người sẽ đợi bố cậu đến chơi “tăng” 2 vậy”. Mặt đỏ như gấc chín, Đắc ra về và... sải một bước chân dài thành nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc của ngày hôm nay - hoàn toàn tự tin trên con đường mà anh đã chọn.

Ngày Đắc quyết định ra nước ngoài học, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã không ngần ngại bán đi gia tài lớn nhất của mình, là 5/7 cây kèn mà ông yêu quý và gắn bó, để lấy tiền cho con. Đắc nhớ lời cha trước lúc lên đường: “Đây, một đống củi đây. Một đống tiền trên ấy và tưới sẵn xăng rồi. Con học không thành thì coi như con vứt xuống đấy một mồi lửa”. Đó có lẽ là một trong những câu nói nặng nề nhất mà trong đời mình, nghệ sĩ Quyền Văn Minh buộc phải nói với con trai ông.

Vì nó chất chứa trong đó cả sự nghiệp của gia đình ông đã tạo dựng trước nguy cơ có thể bị tiêu tan nếu không được tiếp nối. Câu nói đó là một gánh nặng đối với Quyền Thiện Đắc. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã không ngần ngại đặt gánh nặng đó lên vai con trai, và rất may là Quyền Thiện Đắc cảm nhận được gánh nặng ấy từ những trao gửi của cha. Những tháng ngày vất vả, thiếu thốn ở xứ người qua đi. Năm 2005, khi Đắc nhận bằng đỏ của trường đại học đào tạo nhạc Jazz hàng đầu thế giới - Berklee College, Boston, Mỹ, dưới lá cờ Tổ quốc tung bay, hai bố con họ Quyền đã ôm nhau khóc.

Đi nhiều, học nhiều, tiếp xúc nhiều, thấm thía những hy sinh thầm lặng của cha, Quyền Thiện Đắc đã hiểu sâu sắc câu chuyện của những người tiên phong trong nghệ thuật. Những phân vân của một trái tim trẻ tuổi đã biến mất. Anh thực sự đã chia sẻ được những tâm sự của cha mình- người đã từng bị cho là “điên” khi lập ra Câu lạc bộ Minh’jazz ở Hà Nội, người đã chấp nhận mọi thiệt thòi để đi đến cùng lựa chọn của mình, là gắn bó với Jazz, trong hy vọng mãnh liệt, rằng một ngày nào đó nó sẽ trở thành một món ăn không thể thiếu trong thực đơn âm nhạc của nhiều người Việt, rằng làm một người nghệ sĩ đích thực thì thích hơn làm một người giàu có…

Đắc tâm sự: “Tôi không biết đến bao giờ mới mua đền lại được cho bố tôi 5 cây kèn mà ông đã bán. Có lẽ tôi chỉ còn biết chơi nhạc thật hay, thật giỏi để bù đắp lại những gì ông đã hy sinh cho tôi. Điều mà ông luôn nói với tôi là “Con hãy chơi hết mình!”. Tôi cũng học được ở ông rất nhiều, đặc biệt là sự nhẫn nại trong âm nhạc và cuộc sống”.

Quyền Thiện Đắc không ngại ngần khi nói rằng anh chịu ảnh hưởng của cha anh rất nhiều. Vì ông chính là một trong những người thầy quan trọng nhất của cuộc đời anh. Nhưng, xem Đắc biểu diễn, thưởng thức những sản phẩm âm nhạc của Đắc, các album nhạc Jazz của anh… người sành Jazz có thể yên tâm, rằng Quyền Thiện Đắc đã thực sự bước ra khỏi cái bóng lớn của cha mình. Bởi những gì anh đã được học từ những môi trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới, bởi sự cảm thụ âm nhạc từ một trái tim còn trẻ với nhiều xu hướng hiện đại trong Jazz, bởi ý thức về một cái Tôi riêng biệt của người làm nghệ thuật…

Y Bình

Bình luận
vtcnews.vn