Bạn tôi là phóng viên

Tổng hợpThứ Ba, 18/01/2011 12:50:00 +07:00

Anh Thư học hai năm đại cương với tôi ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau đó, tôi học khoa Báo in, còn Thư chăm chăm đi học truyền hình.

HTML clipboard

Anh Thư học hai năm đại cương với tôi ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau đó, tôi học khoa Báo in, còn Thư chăm chăm đi học truyền hình. Ngày đó, bọn sinh viên khoa Báo chúng tôi cứ trêu nhau, một là phải xinh, hai là đứa nào con ông cháu cha mới học truyền hình, nếu không thì ra trường đừng hòng xin được việc. Nhà Thư không có ai làm truyền hình cả cũng không phải đứa nhan sắc sóng sánh gì. Nàng ta học chỉ vì thích, thế thôi.

Thư làm ở kênh VTC1, cũng là đứa chịu khó và chăm chỉ. Vừa rồi nàng được cái bằng khen cho tác phẩm tham dự Liên hoan truyền hình lần thứ 30 ở thể loại Phóng sự dài có tên là Làng phố- Phố làng. Nhân dịp đó, bạn cũ gặp nhau vừa tán dóc vừa nói chuyện công việc.

 

Chợt nhớ, thủa sinh viên, nhà Thư ở Hà Tây. Cứ cuối tuần nàng lại đạp xe từ KTX về nhà. Giờ Hà Tây thành Hà Nội, có lẽ nhà Thư cũng thành Làng phố- phố làng như cái phóng sự mà nàng làm cũng nên. Tất nhiên, đó là tình trạng chung của các làng ven đô, ngoại thành còn cái phố làng trong phóng sự của nàng lại nằm gần như ở trung tâm Hà Nội- làng Định Công. Đó là cái làng đang trong quá trình lên phố, phố thì chưa thành mà cũng chưa rũ bỏ hết cái chất quê mùa. Con người ở đó vì thế cũng thuộc loại phố không phải mà làng cũng không.

Hồi sinh viên, ít khi thấy Thư đi làm cộng tác viên cho đài truyền hình như một số bạn bè. Báo In thì đương nhiên nàng không viết rồi. Nhưng từ khi đi làm, nàng trở thành một trong những nữ phóng viên năng động và chăm chỉ nhất kênh 1. Nàng làm phóng sự cho chương trình chính luận như Góc nhìn thẳng, Đường dây nóng, phim tài liệu. Chưa chồng con gì nên đi công tác xa xăng xái và không sợ khổ. Lần đầu có tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình đối với nàng cũng là một thử nghiệm nho nhỏ. Tuy không được giải nhưng Làng phố- Phố làng cũng được ban giám khảo đánh giá là phát hiện đề tài hay; cách dẫn dắt vấn đề rõ ràng, rành mạch; sử dụng tiếng động và âm nhạc hợp lý... Ý tưởng thì nàng bảo của sếp gợi ý. Công của nàng với anh quay phim là chịu khó lang thang suốt từ 6 giờ sáng đến chiều tối đi bộ ăn trực nằm chờ quanh khu Định Công để góp nhặt, để phục quay những hình ảnh chân thực nhất diễn ra ở khu nửa phố nửa làng này.

Nàng càng đi, càng nhìn càng thấy giống tình trạng từ làng lên phố của quê mình. Chẳng hạn, giữa những nhà cao tầng quy hoạch lộn xộn này vẫn có những máy xay sát gạo chạy ầm ầm như nhà quê, những ao rau muống, những biển hiệu chỉ đường vẫn còn chữ "xóm" trước chữ "phố". Rồi thì nhà cửa, đất đai bị chia nhỏ ra bán dần. Số nhân khẩu tăng theo cấp số nhân trên cùng một diện tích đất. Những biển hiệu quảng cáo xanh đỏ nhộn nhạo lấn ra đường cái, người dân mang bếp than tổ ong ra đường giao thông mà nhóm lửa khói mù mịt, rồi thì quạt phành phạch. Đường xá thì càng ngày càng nhỏ hẹp, trẻ con không còn chỗ chơi. Xưa là làng thì dùng nước giếng khoan, giờ lên phố, nước giếng khoan vẫn phải dùng, ô nhiễm cũng mặc kệ vì đơn giản đường ống dẫn nước sạch không có do không có đất... công để đi qua, mà đi qua đất tư thì dân không chịu...

 

Để thấy được từng đấy cái lộn xộn, ngột ngạt, và ngổn ngang đó, nàng và đồng nghiệp phải lôi thôi, lếch thếch đi bộ lòng vòng suốt nhiều ngày, chờ trực từ sáng sớm, lăn lộn vào những con phố bẩn thỉu, lép nhép nước thải, rác rưởi và tắc đường. Giờ ngồi đây uống coffee, nàng vừa kể về cái mất vệ sinh với lại chật chội của phố Định Công, vừa cười khì khì khi nhớ lại bị mấy chú xe ôm nhầm là bọn sinh viên đi tập quay chứ "nhà báo gì bọn này", rồi bị người dân đuổi đi, nhất định không cho quay.

Nhìn nàng lại nhớ, cách đây 5 năm cùng học với nhau, tóc nàng dài chấm mông trông đậm chất "tỉnh lẻ". Thế rồi từ khi chuyển sang học truyền hình, tự dưng nàng "sành điệu" hẳn, tóc vẫn dài nhưng tỉa tót thời trang, ăn mặc đẹp. Đúng là làm truyền hình, người ta phải chú ý đến hình ảnh của bản thân hơn hẳn. Bây giờ, tóc Thư vẫn dài như vậy, nhưng cái giọng điệu khi kể về vụ bị một tá các anh lái xe bus hùng hổ đến tận đài đòi "xử", hay vụ đi tác nghiệp ở Đông Anh bị dân cầm gậy gộc quây dọa nạt khi làm Đường dây nóng với cái giọng điệu lúc chậm lúc nhanh, lúc trầm, lúc bổng, lúc to lúc thì thào và khuôn mặt lúc cười rõ tươi lúc lại nghiêm trọng thì vẫn hệt như ngày xưa mỗi khi tụi con gái tụ tập buôn chuyện nhố nhăng.

 

Mới thế mà đã sắp 6 năm kể từ ngày cả bọn tốt nghiệp ra trường. Tết này, nàng lại chuẩn bị rục rịch đi công tác, năm ngoái Thư kêu đi Hà Giang rồi, năm nay đi Sapa làm phim về Tết của người Dao đỏ. Làm truyền hình như nàng, Tết chả lúc nào được trọn vẹn, không đi công tác thì cũng trực sóng, hoặc phải đi quay, dựng... Truyền hình thì lấy đâu ra ngày nghỉ. Nhưng như thế cũng hay, nhờ nó mà tôi phát hiện ra rằng, bạn mình, một đứa ngày xưa nhàn nhạt thế mà nay bỗng tung tăng và nhiều màu sắc hẳn.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn