Tản mạn về ăn bẩn

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 11:19:00 +07:00

Những lão ông, lão bà không nơi nương tựa, bị con cháu bỏ rơi, hoặc làm nghề ăn mày chuyên nghiệp… vẫn ngày ngày chìa bàn tay xương xẩu, bẩn thỉu ra xin ăn.

Tôi còn nhớ trước đây, mẹ tôi thường dạy cái ăn cái uống vào mồm là phải sạch sẽ, vệ sinh thì cơ thể mới khỏe mạnh. Ăn gì thì ăn, nhất quyết không được ăn bẩn. Nhưng khi trưởng thành, đi nhiều, đọc nhiều và nhận thức được đầy đủ hơn tôi nhận ra rằng hình như không đơn giản như mẹ tôi nghĩ. Trong những cuốn sách của bác giáo Bình, ông Nguyễn Công Hoan mà tôi đã từng được đọc lại phản đối các nhà vệ sinh dịch tễ khi ông ấy phát hiện ra một điều nghịch lý rất thú vị rằng, để sống lâu được, người ta phải ăn bẩn. Phàm những anh béo tốt, đều thích ăn bẩn cả. Chả nói đâu xa, ngay khu phố tôi đang ở đây chả ngày nào là không thấy đội quân ăn mày lượn qua. Những lão ông, lão bà không nơi nương tựa, bị con cháu bỏ rơi, hoặc làm nghề ăn mày chuyên nghiệp… vẫn ngày ngày chìa bàn tay xương xẩu, bẩn thỉu ra xin ăn và ăn ngay tại chỗ, vậy mà họ vẫn sống nhăn có sao đâu. Thậm chí, gần đây chả biết từ đâu dạt đến một người phụ nữ tâm thần lang thang từ đầu phố xuống cuối phố; chuyên đi nhặt rác chỗ này, bỏ chỗ kia. Có lúc chị ta khệ nệ vác hàng ba bốn bao tải một lúc, tưởng gì hóa ra toàn rác là rác. Trông đến hãi!

 

Người đàn bà này đặc biệt không hề chìa tay xin ăn như những người ăn mày, dù chỉ là chút cơm thừa, canh cặn, thế mới lạ. Không lẽ, điên mà còn biết tự trọng hơn cả người thường sao? Đã không xin cũng không ăn cắp, cướp giật của ai. Không xin, không ăn cắp, vậy chị ta sống bằng gì? Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy chị ta lê la bên cạnh những thùng đựng rác, nhặt ăn từ trong các túi ni-lông đựng rác mà người ta vứt ra rãnh nước trước nhà, đợi công nhân môi trường đô thị đi thu gom. Có lần tôi thử cho chị ta một cái bánh chưng, chị ta ngửng lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống những túi ni-lông rác. Tôi phải giục đến ba bốn lần chị ta mới hờ hững đưa một tay lên cầm cái bánh tôi cho, một tay vẫn bới đống rác. Mấy bà hàng xóm đi qua thấy thế góp chuyện: Gớm, hôm nay còn chìa tay nhận đấy, chứ mọi bận ai cho gì cũng không thèm cầm đâu. Chỉ thích món ăn tìm được từ trong các túi rác thôi! Ăn toàn những thứ bẩn thỉu như thế, ấy vậy mà chị ta chả hề bệnh tật gì cả, từ “tiêu chảy cấp” đến cúm A, cúm B gì gì đó; lại còn cứ ngày một béo quay ra! Lạ. Không thể hiểu nổi! Thấy tôi thắc mắc, có ông bạn nhà báo còn dẫn chứng: Đã ăn thua gì, lên thị trấn Cẩm Khê, Phú Thọ, đến cổng chợ thị trấn hỏi ai chả biết ông Độ điên chuyên đem xác chó chết, lợn chết trương phình thối oẵng về nấu… lẩu, chuyên đi nhặt dòi ở các nhà vệ sinh công cộng cạnh chợ để… ăn! Nghe ghê cả người. Ấy vậy mà là chuyện hoàn toàn có thật, mới lạ chứ! 
Có lần đem chuyện ăn bẩn này nói với một bác nhà văn, bác cười xòa kể: 
Những ai đã đi qua thời bao cấp chắc là nhớ những khay đậu phụ hở hang bốn bề đặt trên nền gạch bẩn thỉu cửa hàng thực phẩm. Nhớ những túi cá biển ươn tanh mù mịt đổ thẳng trên vỉa hè xúc bằng xẻng bán cho người tiêu dùng. Rẽ ruồi ra mà cân. Nhớ mắm tôm ép khối như hòn gạch xỉ dĩ nhiên xếp trong kho như xếp gạch không cần đậy điệm trước khi mang bán. Ruồi dấm, ruồi đen, nhặng xanh, gián, thạch sùng và chuột đều chọn nơi này tái định cư cùng nhau xây dựng mái ấm đa dạng sinh học. Nhớ gạo mậu dịch ải mục mua về khoắng trong rá tre nổi lềnh phềnh non nửa lẫn với xác mọt lấm tấm đen như rắc vừng. Nấu cơm lên thoang thoảng mùi cứt gián. Khi ăn, cẩn thận thì cứ chan nước luộc rau muống vào ý tứ đảo chậm cho sạn cát lắng xuống đáy bát. Cả tháng được lạng thịt cho nên dân gian có câu: “Việt Nam vốn tính cần cù/ Thịt rơi xuống đất thổi phù ăn ngay!”. Tôi đã hi sinh mất vài chiếc răng hàm trong thời kì đen tối ấy. Răng không chắc nên kém hẹn hò. Nhưng vẫn sống cho đến tận bây giờ. Nói rồi ông thở dài: Ngày xưa đói khổ là thế nhưng vẫn còn sạch hơn chán bây giờ. Nói về cái sự ăn bẩn thì có lẽ thời nay mới là đáng kinh, ngày xưa chả thấm tháp gì!

 

Tôi thấy riêng điểm này bác nói quá đúng. Sống ở Hà Nội đã mấy chục năm nay, nhưng càng sống tôi càng thấy Hà Nội "bẩn" hơn. Đọc báo, coi tivi thường xuyên lại càng rùng mình không dám ăn gì. Chưa bao giờ việc phanh phui của giới nhà báo về vấn đề thực phẩm lại liên tục và với tần xuất dày đặc đến thế: 
Miến Cự Đà dùng bột tạo màu hóa chất mua ở chợ Đồng Xuân. Bún chả dùng thịt ôi thiu thậm chí thịt thối lấy từ các phiên chợ muộn hoặc các phiên chợ từ các ngày trước đem về ngâm hóa chất cho hết mùi. 20 ngàn/1 bát đầy ắp thịt thơm ngon. Gà, vịt quay toàn gà chết, vịt bệnh từ biên giới qua đường tiểu ngạch chui vào Việt Nam. Thịt lợn dùng chất tạo màu "hô biến" thành thịt bò mà mắt thường không tài nào phát hiện được. Rau dùng thuốc trừ sâu đặc hiệu của Trung Quốc phun, đảm bảo sâu chết cả bầy chứ không chết lẻ tẻ, chỉ hai ngày sau thu hoạch cứ gọi là non mơn mởn. Đá "sạch" được sản xuất từ nước giếng. Mỗi mùa hè cho ra gần chục tấn đá viên... Thịt lợn trước khi mổ không thể thiếu khâu bơm nước vào để kiếm lời vài trăm ngàn/1 con. Nội tạng cùng với bì lợn thối nhập lậu từ bên kia biên giới về phù phép bằng hóa chất lại tinh khôi như mới. Bún muốn sợi dai, trắng muốt cũng chỉ cần vài giọt hóa chất là xong. Đến nước tinh khiết mua loại đóng bình uống cho yên tâm giờ lại tóm được mấy ổ sản xuất nước đóng bình từ nước giếng khoan rồi lọc thô sơ. Thế mới hiểu vì sao mỗi khi về với u, ăn rau, ăn thịt ở nhà sao mà thơm mà ngọt thế. Ở đất kinh kỳ ngựa xe như nước, áo quần như nêm mà... vẫn cứ phải ăn bẩn. 
Người ta nói: ăn bẩn là đặc thù của những người mất trí. Thực tế quả có vậy, không quá đáng như cái nhà ông Độ điên ở Phú Thọ thì cũng “khùng” như cái chị điên ở phố tôi. 

 

Nhưng có người cãi lại: Người điên ăn như thế, là ăn bằng công sức mình kiếm tìm ra, chứ đâu có ăn mồ hôi của người khác, sao gọi là… ăn bẩn được? Câu “phản biện” này nghe có lý lắm! Nhưng chắc là người cãi muốn ám chỉ, muốn chửi đổng ai đó mà thôi. Kiểu nói này làm tôi nhớ đến những cuộc thi bình chọn người đẹp, ví như “Người đẹp ăn chay” chẳng hạn.
Nước mình cũng có vài chân dài dạo bước trong danh sách dự kiến. Kể cũng khó mà có danh hiệu. Ăn chay là thứ không dễ kiểm chứng và có thể ù xọe cho qua. Nhưng nhan sắc thì chân dài nước mình tuy đã nổi tiếng toàn thế giới nhưng để có được giải nọ giải kia thì vẫn còn là việc xưa nay hiếm. Thế nên ở cuộc thi này người đẹp Việt đâu cũng chỉ mon men đến top 10. Thứ hạng cao hơn phải chờ đến cuộc thi do một người Việt tổ chức. Đã có không ít những quí ông tai tiếng đầy mình khi đứng ra tổ chức thi nhan sắc. “Ăn bẩn” của cả thí sinh lẫn phụ huynh khát mùi vương miện.
Vậy là “ăn bẩn” bây giờ không chỉ còn gói gọn trong lĩnh vực ẩm thực. “Thức ăn” cũng vô cùng khác lạ.  Người ta có thể ăn sắt thép, xi măng, gạch ngói, xăng dầu. Có người còn mạnh dạn ăn cả vài trăm tấn phân (hóa học). Ăn dự án đầu tư hiệu quả và không hiệu quả. Ăn tiền đền bù và cứu trợ. Ăn tiền chạy án và ăn tiền “làm luật” giao thông. Ăn tiền chạy chức... Những dạng“Ăn bẩn” này ngạc nhiên thay vẫn sống lâu đúng như thành ngữ. Bởi vì với nền y tế hiện đại của thế giới bây giờ rất ít khi người ta chịu bó tay chữa chạy khi bệnh nhân vẫn còn khả năng chi trả.   
“Ăn bẩn sống lâu” là câu thành ngữ vỉa hè. Bà nội tôi ngày còn sống không bao giờ cho phép con cháu trong nhà chạm đến hai từ “ăn bẩn” chứ đừng nói đến cả câu thành ngữ. Tôi chỉ nghe một lần duy nhất cụ nói đến hai từ ấy mà thôi. Đó là hôm có người mang biếu cụ ít chả chó thơm lừng. Cụ nhận nhưng chờ khách về là lập tức mang đổ vào vại nước gạo. Tôi hỏi, sao bà lại làm thế? Cụ quắc mắt, chó là loài ăn bẩn? Bà nội mất đã gần năm chục năm rồi. Và thằng cháu thì lêu lổng chẳng nhớ lời cụ dạy. Không những nói ra hai từ ấy mà còn viết cả nó lên báo! 

Đỗ Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn