“Tại sao không” ra đời như thế nào?

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 02:05:00 +07:00

Những bức ảnh bay điệu nghệ lãng mạn, những thước phim Stopmotion từ hàng nghìn bức ảnh chụp rời để làm nên bộ phim sống động... là những minh chứng thuyết phục

Những bức ảnh bay điệu nghệ lãng mạn, những thước phim Stopmotion từ hàng nghìn bức ảnh chụp rời để làm nên bộ phim sống động cho trẻ nhỏ, “độ” đèn led cho… điện thoại di động để cứ khi nối sóng là chiếc điện thoại nháy lập lòe như bầy đom đóm… là những minh chứng thuyết phục nhất về khả năng sáng tạo của những người trẻ Việt. Đó cũng là lý do chương trình “Tại sao không” ra đời trên kênh VTC2.

 

Tại sao không?

Những bức ảnh cô gái bay: Bay thẳng đứng, bay nghiêng, bay nằm ngang. Trong cái tư thế bay ấy, tóc thề, khăn quàng, tà áo cùng tung bay trong gió. Phất phơ. Gợi cảm như nhân vật trong phim thần thoại có cô gái khoác trên mình bộ váy áo dài tay cầm chiếc ô đỏ… lửng lơ bay. Tưởng thế mà không phải thế. Nhiếp ảnh gia đã đánh lừa thị giác bạn. Nếu chụp một động tác nhảy cao, thật cao, thì cho ảnh bay cao giữa vòm trời đầy mây. Nếu nhân vật chỉ nhảy cao ở mức nâng chân lên khỏi mặt cỏ, thì cho ảnh bay là là. Nhiếp ảnh gia càng hạ tay máy sát mặt đất thì cái người bay kia càng vọi lên vòm trời. Cái tuyệt vời của nhiếp ảnh là thế. Tất nhiên, về công nghệ, đòi hỏi phải có một máy chụp hình tốc độ cao.

      Mới đây, những bức ảnh người bay được trưng bầy ở một triển lãm tại Hà Nội đã làm giới trẻ trầm trồ thích thú, ao ước mình có thể bay như người trong ảnh.

      Bí mật. Đây là ngón nghề. Cho tới khi hiểu ra về nguyên lý nó quá ư đơn giản, thì tặc lưỡi: Ta cũng có thể làm. Tại sao không?

      Trong cuộc sống, có hàng chuỗi hàng loạt vấn đề thật giản đơn có thể làm mà ta chưa nghĩ ra, đặc biệt là trong xã hội công nghệ phát triển. Một đồ chơi công nghệ như chiếc chong chóng “Tosy” bay, bay xa rồi lại trở về trên tay người đã cho nó bay, không phải là một chiếc mà là cả một dàn chong chóng cùng bay, mang đèn led sáng chấp chới đã trở thành thương hiệu Việt. Một con “Rô-bốt giải trí Roosam” biết nhảy múa theo…các loại nhạc, đã làm nức lòng những người có mặt tại Triển lãm Công nghệ Thế giới tại Mỹ, họ khâm phục sức sáng tạo của nhóm kỹ sư trẻ Việt. Rồi làm phim Stopmotion từ hàng nghìn bức ảnh chụp rời, dựng chuỗi lại theo công nghệ dựng phim hoạt hình 24 hình/giây là thành một phim sống động cho trẻ nhỏ, như “Cuộc phiêu lưu của chiếc bút chì và hòn tẩy ”, có cả lồng tiếng thoại và âm nhạc nền, mà tác giả của nó lại đang ở độ tuổi ngồi trên ghế giảng đường đại học… Vấn đề là họ đã nghĩ ra và lao động sáng tạo ra. Đó là lý do chương trình “Tại sao không” ra đời trên kênh VTC2.

Một tác phẩm Digital Art

      Giữa tháng 7 năm 2011, chương trình “Những công dân @” có giới thiệu một cô gái trẻ có tên Phan Nha Trang, sinh viên Khoa Công nghệ Đồ họa Arena Multimedia Trường Đại học FPT. Đồng môn phong cô là “nhà thiết kế đồ họa” kiêm “nhiếp ảnh gia”. Cô gái có cá tính này đã sử dụng công nghệ vẽ lên những bức tranh và dựng những bức ảnh cực kỳ ấn tượng, thoạt nhìn hơi tăm tối nhưng rồi cảm nhận một tư duy táo bạo sẵn sàng bùng nổ. Hình khối thảng chút siêu thực. Đơn sắc mà đa sắc. Khi dịu dàng lúc bí ẩn. Như phản ánh thất bại của con người, một nỗi đau ai cũng từng có. Không phải là tất cả, nhưng cũng chưa phải là cuối cùng. Một cô gái trẻ xinh bước qua tuổi 20, năm cuối đại học, mà đã có cách nhìn đời ma quái mà lại rất chi trong trẻo khi cô nói cô muốn khám phá cách nhìn về sự hồi sinh, kiếp luân hồi sinh tử. Muốn thấu hiểu những nỗi đau nhân gian, đi vào tận cùng những cảm xúc và hoài niệm. Và tôi nhận ra, những gì cô gái thể hiện đạt nhất lại là những thứ thuộc về đau khổ. Mặc dù về ngoại hình Phan Nha Trang là cô gái bé bỏng, ngọt ngào, có trái tim nhân hậu, có một biệt danh rất gợi: Trang Zen. Phải thú nhận Trang Zen đã ám ảnh tôi.

      Tưởng sẽ không gặp lại cô, thì VTC2 đã cho tôi một bất ngờ: Trang Zen được mời dẫn chương trình “Tại sao không?”

      Trang Zen tiếp tục trẻ và xinh như 7 tháng trước. Thơ ngây mà dạn dĩ. Em mặc giản dị, quần bò, áo khoác ngoài phủ chiếc áo phông kẻ sọc trong. Chiếc khăn quàng len quấn thả buông lơi. Thật hợp với trang phục của một phóng viên làm truyền hình thực tế. Trang Zen hoạt ngôn, nhưng dẫn chuyện em lại rất thận trọng chọn từ ngữ. Tươi vui, cởi mở và gợi mở. Tác nghiệp đầy tự tin. Có lẽ tri thức công nghệ cộng với tư duy lo-gic đã cho em tố chất làm chủ mọi tình huống. Hai phóng viên Thu Vân và Thanh Vân, người tổ chức sản xuất “Tại sao không” chọn Trang Zen dẫn chương trình là đúng người hợp việc.

Ảnh người bay

      “Tại sao không” đã sản xuất và phát sóng chương trình thứ năm. Số đầu là trải nghiệm cùng kỹ thuật “Timelapse”, là loại phim video xử lý tốc độ nhanh gây ấn tượng khi mô tả về “giao thông chóng mặt” ở thành phố lớn. Rồi trải nghiệm với quá trình nghiên cứu và thiết kế rô-bốt giải trí Roosam của nhóm kỹ sư điện tử Công ty Roohyro. Tiếp, là đến với chàng kỹ sư Thế Hà nghĩ ra cái trò vui vui hay hay “độ” đèn led cho… điện thoại đi động, cứ khi nối sóng là chiếc điện thoại nháy lập lòe như bầy đom đóm. Gần đây nhất, Trang Zen cùng một nhiếp ảnh gia đến một bãi sông Hồng thực hiện một bộ sưu tập “Ảnh bay”, và chính Trang Zen “đóng” cô gái bay. Các kiểu bay. Chương trình này Trang Zen và nhiếp ảnh gia “bật mí” cho các bạn trẻ những bí mật, thủ pháp “ngón nghề” trong nhiếp ảnh “người bay”. Thú vị nhất là cùng với quy trình làm những bức ảnh bay ấy, họ còn “bật mí” là có thể dùng phần mềm Photoshop vẽ cho người bay thêm đôi cánh như đôi cánh của thiên thần. Hoặc vẽ phía dưới người bay một thành phố nguy nga tráng lệ như ở châu Âu chẳng hạn, cho người bay du lượn ở trên đó.

      Dùng phương thức “truyền hình thực tế” cho chuyên mục này, là thể loại truyền hình gần gũi với người xem, êkip làm phim có thể dẫn dắt khán giả trải nghiệm thực sự công việc thật cùng con người thật. Người trong cuộc “mở” dần những bí mật mà trước đó tưởng như khó hiểu. Hiểu rồi thì ồ! Hóa ra trong cuộc sống không có gì là không thể.

      Êkip làm chương trình “Tại sao không” phải vất vả vào Nam ra Bắc săn tìm những “Công dân @” mang phong cách số có tư duy táo bạo say sưa lao động sáng tạo làm những việc tưởng như nhỏ mà ý nghĩa không hề nhỏ. Ví như một Teen 9X mà táo bạo thiết kế mô hình rô-bốt cứu hộ ATX. Lê Thanh Hoa với dự án làm phim bằng ngôn ngữ kí hiệu (cho người câm). Cậu bé 11 tuổi Nguyễn Kỳ Anh mà lập được cả website cho trò chơi dân gian. Nguyễn Quang Đức lại là người thiết kế nên phần mềm quản lý y tế. Và nhóm “4cus – Locked” thì miết mải hoài cùng những kỹ xảo trong phim hành động…

      Khi tôi viết những dòng cuối này, Thu Vân – Thanh Vân lại trao tôi một chương trình “Tại sao không” mới để thẩm định, mà hai cô vừa thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh. Xem. Hay quá. Độc đáo quá! Đó là trải nghiệm “Digital Art” của một họa sĩ dùng công cụ brush trong Photoshop sáng tác tranh trên máy tính. Tên anh là Phan Vũ Linh. Quán café  nơi nhà anh cũng là nơi anh trưng bày những tác phẩm ấn bản hoặc trên màn hình led có độ lớn trên dưới một mét vuông về các nhân vật trong truyền thuyết như Thánh Gióng, Sơn tinh – Thủy Tinh, Thạch Sanh cùng nhiều nhân vật tưởng tượng. Không khác gì những tác phẩm được vẽ từ chất liệu truyền thống như sơn dầu hoặc acrilic. Mà nó còn tạo được ấn tượng ẩn dụ mê hoặc từ độ phân giải ánh sáng cùng sắc màu kỹ thuật số. Phan Vũ Linh là một họa sĩ được đào tạo chính quy từ trường mỹ thuật trong nước và nước ngoài. Nhưng anh muốn dùng công nghệ để làm nghệ thuật. Phan Vũ Linh cho hay, phim “Cướp biển vùng Cariber” các họa sĩ làm thiết kế ban đầu bối cảnh và các nhân vật đều bằng “Digital Art” trước khi thực hiện công nghệ 3D. Người Sài thành đã nghiện cả hai: Café và Digital Art nơi quán Phan Vũ Linh. Một không gian khác biệt – một không khí Phantasy.

      Chương trình “Tại sao không” không mang ý nghĩa khoa giáo lớn lao. Nhưng nó khuyến khích tuổi trẻ tự làm giàu trí tưởng tượng, luôn tìm tòi phát tác những ý tưởng mà ban đầu đôi khi chỉ là sự sáng tạo thú vị. Nhưng nó lại là nền tảng công nghệ cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo sau này. Có thể là chính họ. Cũng có thể là làm tiền đề cho những người khác.

      Nói vậy vì tôi nghĩ tới Newton, khi ông đánh đố các nhà khoa học cùng thời rằng hãy cho ông “một điểm tựa và một cánh tay đòn ông sẽ nâng bổng trái đất lên” bấy giờ trong ông mới hình thành một lý thuyết. Thế mà sau đó câu nói ấy đã trở thành một học thuyết căn bản cho nguyên lý đòn bẩy.

      Ở hậu trường “Tại sao không”, tôi kể nhỏ chuyện này với Giám đốc Kênh VTC2 Đồng Hải Hà, chuyện thực tế mà đôi khi nghĩ cứ thấy buồn cười. Đồng Hải Hà cười rung rinh: Chỉ dám mong nó lấp lóe sáng như chiếc “Kính vạn hoa” thôi. Được thế đã quý lắm rồi.

      Ơ hay! Phải kỳ vọng chứ. Tại sao không?


      Nguyễn Khiếu Bảo Châu


Bình luận
vtcnews.vn