Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng

Quân sựThứ Năm, 24/06/2021 07:18:29 +07:00
(VTC News) -

Dù có quy mô không quá lớn, sức mạnh Hải quân Việt Nam vẫn khiến nhiều quốc gia nể phục với biên đội tàu tên lửa đông đảo.

Theo thống kê của Global Firepower, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang có trong biên chế 65 tàu chiến các loại. Trong số này có 4 tàu hộ vệ tên lửa, 13 tàu tên lửa tấn công nhanh và 8 tàu tên lửa.

Tàu tên lửa mạnh nhất của Việt Nam

Có thể thấy lực lượng nòng cốt của hạm đội tàu mặt nước của Việt Nam hiện tại chính là các tàu hộ vệ tên lửa và tàu tên lửa tấn công nhanh. Dẫn đầu là các 4 tàu hộ vệ Gepard 3.9, kế đến là tàu tên lửa Molniya (8), Tarantul (4) và BPS-500 (1).

Không cần phải so sánh cũng có thể thấy Gepard là lớp tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Việt Nam nhờ vào cấu hình vũ khí và khả năng tác chiến đa nhiệm của chúng.

Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng - 1

Hệ thống vũ khí trên tàu hộ vệ tên lửa 016 – “Quang Trung” của Hải quân Việt Nam.

Các tàu hộ vệ Gepard trong biên chế Hải quân Việt Nam lần lượt được đặt tên là:  011 – “Đinh Tiên Hoàng” , 012 – “Lý Thái Tổ”, 015 – “Trần Hưng Đạo” và 016 – “Quang Trung”. Trong bốn tàu này, 015 và 016 được đánh giá có năng lực tác chiến toàn diện nhất. Sở dĩ nói như vậy là bởi ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như trên thì các cặp tàu Gepard còn được trang bị thêm vũ khí chống ngầm cực mạnh.

Ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như cặp tàu Gepard đầu tiên, Tàu 015 và 016 còn được trang bị thêm cụm ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm PTA-53-11661. Hệ thống vũ khí còn lại gồm: hải pháo AK-176M, một tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU, 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E và hai tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M. Ngoài ra, các tàu Gepard đều có thể mang theo một trực thăng săn ngầm Ka-27.

Tàu tàng hình mạnh nhất Đông Nam Á

Nói về những lớp tàu chiến đang được các nước Đông Nam Á sử dụng không thể không nhắc đến lớp khinh hạm tàng hình Formidable của Hải quân Singapore. Thậm chí nó còn được đánh giá là mẫu tàu chiến mạnh nhất trong khu vực.

Khinh hạm Formidable của Singapore là một biến thể sửa đổi từ khinh hạm lớp La Fayette của Pháp xuất khẩu cho. Nó thiết kế đặc trưng của một lớp tàu chiến tàng hình với thân tàu có mái che vát xiên ở phía hai bên mạn giúp giảm mặt cắt radar.

Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng - 2

Khinh hạm tàng hình Formidable của Hải quân Singapore.

Về hệ thống vũ khí, Formidable được trang bị một hải pháo siêu nhanh Oto Melara, một cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng  (VLS) có thể mang theo 8 tên lửa phòng không trên hạm Aster-15, 8 tên lửa chống hạm Harpoon và 2 cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm. Là một tàu chiến đa năng, Formidable cũng được thiết kế để mang theo một trực thăng hải quân đa nhiệm S-70B.

Hải quân Singapore hiện có trong biên chế 6 khinh hạm lớp Formidable giúp họ trở thành quốc gia sở hữu nhiều khinh hạm tàng hình nhất khu vực Đông Nam Á.

Niềm tự hào của Hải quân Indonesia

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia duy nhất có thể thực hiện việc tự đóng các mẫu tàu chiến hiện đại trên 2.000 tấn. Dĩ nhiên một phần dựa vào công nghệ được chuyển giao từ các nước phương Tây.

Ví dụ rõ nhất chính là các tàu khinh hạm lớp Martadinata được công ty PT PAL của Indonesia liên doanh với tập đoàn hàng hải Damen (Hà Lan) đóng mới dựa trên thiết kế khinh hạm SIGMA 10.514.

Martadinata cũng được đánh giá là một trong những tàu chiến mạnh ở Đông Nam Á có năng lực tác chiến chống hạm, chống ngầm và phòng không rất toàn diện. Điểm đáng chú ý nhất của Martadinata là nó có tới 2 lớp phòng thủ.

Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng - 3

Khinh hạm lớp Martadinata của Hải quân Indonesia.

Đầu tiên là hệ thống tên lửa phòng không trên hạm VL-MICA với cụm phóng VLS có thể mang theo 12 tên lửa, thứ hai là hệ thống phòng thủ tầm cực gần Millennium được trang bị pháo tự động 35mm.

Về vũ khí tấn công, Martadinata được trang bị một hải pháo OTO Melara 76mm, 8 tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block III và hai hệ thống ống phóng ngư lôi (3 ống phóng mỗi cụm) 324mm. Tàu cũng được thiết kế để mang theo trực thăng hải quân.

Khinh hạm 3.700 tấn của Thái Lan

Hiện tại, Bhumibol Adulyadej (DW-3000F) được đánh giá là lớp khinh hạm hiện đại nhất của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, một biến thể nâng cấp từ khinh hạm Gwanggaeto Đại đế được Hàn Quốc phát triển theo yêu cầu của Bangkok.

Khinh hạm Bhumibol Adulyadej có lượng giãn nước lên đến 3.700 tấn, ngay từ đầu nó đã được thiết kể trở thành lớp tàu chiến đa năng nên hệ thống vũ khí đi kèm khá mạnh gồm hệ thống phòng không trên hạm và tên lửa chống hạm. Đây cũng là lớp khinh hạm có lượng giãn nước tối đa lớn nhất Đông Nam Á.

Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng - 4

Khinh hạm Bhumibol Adulyadej của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Tàu được thiết kế với tính năng tàng hình cao, khi các hệ thống vũ khí được che chắn và bố trí bên trong thân tàu. Hệ thống vũ khí của Bhumibol Adulyadej bao gồm: một hải pháo OTO Melara 76mm, hai cụm ống phóng ngư lôi 324mm (6 quả), 8 cụm ống phóng VLS MK-41 có thể mang theo 8 tên lửa-ngư lôi chống ngầm ASROC hoặc 32 tên lửa phòng không ESSM. Vũ khí chống hạm chủ yếu của tàu là 8 tên lửa Harpoon.

Trên tàu có sân đỗ trực thăng và nhà chứa máy bay có thể  tiếp nhận trực thăng S-70B Seahawk hoặc MH-60S Knight hawk.

Tàu hộ vệ “nhỏ nhưng có võ” của Myanmar

Xuất hiện lần đầu tiên trong đầu những năm 2010, lớp tàu hộ vệ tàng hình Kyan Sittha được xem là một trong những thành tựu công nghiệp quốc phòng quan trọng của. Tuy nhiên, để có thể tạo được một lớp tàu chiến được đánh giá mạnh nhất nhì trong Đông Nam Á, Myanmar phải dựa vào sự hỗ trợ rất lớn từ các đối tác quốc phòng của nước này.

Theo đó, dù mang danh nghĩa tự thiết kế và đóng mới lớp tàu hộ vệ Kyan Sittha, Myanmar lại vay mượn phần lớn các công nghệ từ Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Hầu hết trong số đó là trang thiết bị điện tử, hệ thống vũ khí và cả hệ thống động lực của tàu.

Sức mạnh hạm đội tàu chiến Đông Nam Á: Hải quân Việt Nam gây ấn tượng - 5

Tàu hộ vệ tên lửa Kyan Sittha của Hải quân Myanmar.

Về cơ bản thiết kế của Kyan Sittha còn chú trọng đến việc giảm diện tích phản xạ radar, giúp con tàu ẩn mình tốt hơn trước các phương tiện trinh sát điện tử của đối phương. Hệ thống vũ khí trên tàu gồm: 8 tên lửa chống hạm C-802 (Trung Quốc), một hải pháo Oto Melara Super Rapid cỡ 76mm mua lại của Ấn Độ, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M cỡ 30 mm của Nga, cùng ngư lôi và rocket chống ngầm.

Ngoài ra, Kyan Sittha cũng được trang bị sàn đáp trực thăng và nhà chứa máy bay ở đuôi cho phép tiếp nhận 1 trực thăng Kamov Ka-28 hoặc Eurocopter AS365 Dauphin.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp