Sữa chua, trận bán kết 1 và bóng đá Hà Lan

Bạn đọc viếtThứ Năm, 15/07/2010 04:40:00 +07:00

(VTC News) - Quan sát mẹ làm sữa chua, nó lại thấy có nhiều điểm có thể so sánh với trận bán kết 1 WC 2010 ở đất nước Nam Phi xa xôi. Thử xem nào!

<:smarttagtype namespaceuri="urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" name="country-region">

(VTC News) – Bóng đá, không chỉ là bóng đá, đó là bức tranh thu nhỏ về cuộc sống, nhỏ hơn, nhưng cũng sôi động và sinh động hơn. World Cup lại càng giống như một cuốn sách giáo khoa về cuộc sống, mà ở đó, người ta học được những bài học bất ngờ. Một chia sẻ hồn nhiên nhưng rất ý vị của độc giả Lưu Anh Dương.

 

Độ này mẹ làm sữa chua bắt nó ăn. Mẹ bảo: “Thằng này bị đau lưng do thiếu canxi nên phải ăn sữa chua!” Sữa chua ăn thì cứ tìn tĩn mà đau lưng thì vẫn hoàn đau lưng, chẳng hiểu tại sao. Nhưng quan sát mẹ làm sữa chua, nó lại thấy có nhiều điểm có thể so sánh với trận bán kết 1 WC 2010 ở đất nước Nam Phi xa xôi. Thử xem nào!

 

Cần phải có men cái:

 

Làm sữa chua thì phải có men cái, ai cũng biết thế, giống như 1 đội bóng cần phải có 1 hạt nhân để tổ chức lối chơi xung quanh, cần phải có xuất phát điểm để làm nền tảng cho mọi tư duy chiến thuật đơm hoa kết trái trên đó.

 

Uruguay
, đó đương nhiên là đội trưởng Diego Forlan còn Hà Lan là Wesley Sneijder. Trong 1 trận đấu mà cả 2 bên đều sứt mẻ lực lượng ở nhiều vị trí quan trọng thì họ vẫn giữ được hạt nhân trong lối chơi của mình trên sân và nhờ đó bộ mặt mà họ thể hiện vẫn đủ sức thuyết phục. Nếu như ở Forlan là 1 cú nã đạn miễn chê đưa trận đấu trở về thế cân bằng trong khi các đồng đội vẫn còn loay hoay chưa tìm được cách tiếp cận khung thành đối phương, thì Sneijder lại là một tình huống mang nhiều màu sắc may mắn hơn (có thể hầu hết  các bàn thắng của Sneijder ghi cho đến lúc này không thực sự thuyết phục, nhưng như The Special One nói đấy: “Trong bóng đá, bàn thắng đã là đẹp nhất rồi!”) và nhờ đó Hà Lan mới có thể đưa cục diện trận đấu đi theo hướng khác, con đường khác – con đường dẫn họ vào trận chung kết thứ 3 trong lịch sử.

 

Pha với nước nóng và nước lạnh:

 

Men cái được hoà với sữa đặc và nước lạnh rồi pha thêm chút nước nóng để có được nhiệt độ thích hợp, giống như 1 đội bóng chỉ có hạt nhân thôi thì chưa đủ, điều cần thiết để tạo ra 1 mẻ sữa ngon chính là những thứ phụ gia này, giống như 1 đội bóng cần có những vệ tinh siêu đẳng để tiến xa vậy.

 

 
Nếu Uruguay chỉ có “men cái” - Forlan là người có thể thay đổi được cục diện trận đấu thì Hà Lan lại không thiếu “sữa đặc” và “nước”. Bằng chứng là bàn mở điểm của “ông già” Gio thậm chí còn đẹp hơn cả pha làm bàn sau đó của Forlan, cũng như cú lắc đầu gọn gàng của Robben – cú lắc đầu mà có lẽ đến các HLV nước Anh nơi luôn tự hào với truyền thống “kick and rush” cũng nên ghi lại để làm tư liệu thị phạm cho học trò.

 

Rõ ràng không thể đặt toàn bộ trách nhiệm làm bóng cộng ghi bàn lên vai Forlan được, nếu có là 11 “Forlan” trên sân thì cũng không thể được. Cũng giống như làm sữa chua vậy, mua nhiều hộp sữa chua làm men cái thì cũng chỉ là mua – ăn chứ đâu phải làm – ăn. Còn The Oranje, họ đã có đủ nguyên liệu để tạo ra 1một mẻ sữa chua ngon lành, vậy tại sao không thưởng thức?

 

Ủ:

 

Ủ là công đoạn không thể thiếu trong làm sữa chua, thậm chí cần đến cả chục giờ đồng hồ để men cái có thể sinh sôi. Trận đấu đêm trước cũng vậy, sau khi có bàn cân bằng tỉ số, đội bóng Nam Mỹ đã dồn ép đối thủ khá tốt, nhưng vấn đề là không ai có thể chia lửa được với Forlan (Cavani chỉ có mỗi nhiệm vụ là bắt các trọng tài biên căng cờ cho trận đấu thêm vui, hết). Tấn công nhưng không ghi được bàn thắng thì sẽ phải trả giá, đó là chân lý bao đời nay của môn nghệ thuật thứ 8 mà.

 

Sneijder đã được “ủ” và đã lên tiếng thể hiện vai trò ông chủ thực sự trên sân. Có thể Persie đã việt vị, có thể bóng đã đập chân hậu vệ để tạo ra 1 quỹ đạo khó nhất có thể, nhưng ai có thể nói cứng rằng khi “cơn lốc màu da cam” tung những độc thủ thì đội bóng Uruguay vốn chứa đựng nhiều yếu tố mất cân bằng kia có thể đứng vững? Và bàn thắng thứ 3 cho Hà Lan là điều cần thiết, cũng giống như trong quá trình ủ sữa chua cần phải tránh va đập vậy.

 

The Oranje cần bàn thắng đó để dập tắt mọi hy vọng của đối thủ. Và họ cần 1 cái tên để làm điều đó – Ajren Robben – “đôi chân pha lê” đã có tên trên bảng điện tử.

 

Cần nhiều cốc để đựng:

 

2 đội bóng này đều đã 2 lần có mặt trong trận đấu cuối cùng của 1 kỳ WC. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ là  tỉ lệ vô địch của

Uruguay
là 100% còn Hà Lan là 0%.

 

Bóng đá Hà Lan không bao giờ thiếu tài năng, thậm chí 2 trận chung kết mà họ góp mặt ở thập niên 70 của thế kỷ trước, nhiều người vẫn luôn tin rằng đó mới là đội bóng mạnh nhất của giải đấu. Cả 2 đất nước đều chờ đợi quá lâu để có thể lại đến gần ngưỡng cửa thiên đường như thế nhưng Thượng để đã chiều lòng những người khao khát hơn.

 

“Cần nhiều cốc để đựng” -  cần nhiều những “chiếc cốc” bao dung, những “chiếc cốc” của niềm tin chiến thắng để “đựng” những thành công đang đón đợi. “Cơn lốc màu da cam” – mẹ nó thích đội này. Mẹ bảo nó là ngày xưa đây là đội bóng đầu tiên mẹ cõng nó đi xem bóng đá qua cái màn hình đen trắng cũ xì mà cả tập thể Khoá Việt Tiệp mới có một cái. Mẹ bảo: “Bọn này đá hay lắm nhưng chẳng bao giờ gặp may cả!” Nhưng ở World Cup này, cho đến trước trận chung kết thì Hà Lan liên tiếp gặp may, có phải vận mệnh của họ đã thay đổi? Vì sao? Vì vẫn có rất nhiều những “chiếc cốc” như mẹ nó.

 

Sữa chua mẹ làm ăn ngon thật, nhất là trong mấy ngày hè oi ả như thế này. Hôm qua đi học mãi 1h30 mới về đến nhà, mệt tưởng chết, nhưng được ăn cốc sữa chua của mẹ tỉnh cả người. “Cơn gió mát” ở châu Phi xa xôi đã không thể làm mát lòng những ai đang mệt mỏi muốn chết vì thiếu niềm tin. Nhưng biết đâu đấy, cứ tin đi, lần thứ 4 ở

Brazil
– mẹ nhỉ!

 

Lưu Anh Dương



Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ”. Mời bạn đọc tiếp tục gửi những nhận định, bài viết của mình về những chuyện trong hay ngoài sân cỏ World Cup, để nhận được những giải thưởng thú vị từ BBT. Vào đây để gửi bài viết của bạn, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn