Sự thật “làng điên” dưới chân núi Đọi

Thời sựThứ Bảy, 09/04/2011 07:53:00 +07:00

(VTC News) - Dưới chân núi Đọi (Duy Tiên - Hà Nam) có một thôn tên gọi: Đọi Nhất. Thôn ấy, người ta gọi là: Làng điên!" - Sự thật phải chăng là vậy?!

(VTC News) - Bấy lâu vẫn nghe đồn, chếch phía Tây Nam núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam), với chùa Long Đọi Sơn nổi tiếng có một thôn tên gọi: Đọi Nhất. Thôn ấy, người ta gọi là: Làng điên!" - Sự thật phải chăng là vậy?!

Chúng tôi đến thôn Đọi nhất thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam vào đúng ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Vẫn cái không khí thanh bình như bao làng quê Việt Nam khác, hôm nay tết thanh minh nên các dòng họ trong làng tổ chức liên hoan, con cháu phương xa đều tụ họp về với cội nguồn.

Tiếp đón chúng tôi có ông Bí Đảng ủy xã Lê Ngọc Quang, ông Phó chủ tịch UBND xã Trần Kim Công, cùng một người già trong hội người cao tuổi của xã. Trước câu hỏi về sự thật làng điên, ông Công khẳng định với chúng tôi: "Việc những tin đồn về làng Đọi Nhất có nhiều người bị điên và bị gọi là “làng điên” là hoàn toàn sai sự thật khiến nhiều người dân trong thôn rất bức xúc". Ông đưa ra những dẫn chứng cụ thể ở thôn Đọi Nhất có một vài trường hợp mắc bệnh tâm thần do ảnh hưởng di chứng sau chiến tranh từ thế hệ trước khi tham gia kháng chiến, bị địch bắt giữ tù đầy.

Ông Lê Ngọc Quang – Bí thư Đảng ủy xã Đọi Sơn khẳng định, thôn Đọi Nhất không phải là “làng điên”! 

Con ngõ nhỏ đầy cỏ mọc hai bên dẫn chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Bảo (người mắc bệnh điên trong lời đồn thổi). Sinh năm 1954 trong một gia đình cả bố và mẹ tham gia kháng chiến chống Pháp. Bố bà là cụ Trần Đăng Ao, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đọi Sơn hai nhiệm kì từ năm 1975 đến năm 1986, mẹ bà là cụ Trần Thị Diệu cũng là Đảng viên, tham gia du kích thời kháng chiến chống Pháp.

Cụ bà đã bị địch bắt và tra tấn dã man khi đang mang thai, đứa trẻ sau này chính là bà Bảo. Đầu to cùng đôi chân nhỏ xíu, bà Bảo không nói được chỉ đi lại trong sân nhà. Không chỉ bà Bảo mà người em khác của bà (anh Trần Đăng Chiến) sinh ra cũng không được lành lặn. Hai cuộc đời kém may mắn cao không đến 1m, cùng với sự giúp đỡ của xã hội họ vẫn nương tựa vào nhau để sống.  

Như một đứa trẻ, đang ngồi trước cổng, nhìn thấy chúng tôi bà chỉ cười ngây ngô. Ngôi nhà 2 gian được Ngân hàng Công thương Việt Nam trao tặng nhà tình nghĩa năm 2009 thông xuống căn nhà cũ kĩ hai chị em bà đã sống trước kia. Trong nhà chỉ có hai chiếc giường được kê song song, bàn thờ đặt di ảnh hai cụ thân sinh của bà Bảo.

Bà Trần Thị Bảo 

Khi chúng tôi hỏi em trai của bà Bảo đâu (tức anh Trần Đăng Chiến) thì ông chú ruột của bà, ông Trần Đăng Thái nói: “Thằng Chiến đi ăn họ rồi, hôm nay mồng 3 tháng 3 cả làng đi ăn tết thanh minh”. Chúng tôi được ông Thái đưa đến tận nơi dòng họ Trần nơi đang tổ chức ăn tết thanh minh, và được gặp anh Trần Đăng Chiến ở đó. Quả thực anh Chiến cao không quá 1 mét, nhưng anh vẫn nhận thức được, anh vẫn chào hỏi chúng tôi bình thường, anh kể với chúng tôi hôm nay đi ăn họ vui lắm.

"Cả thôn Đọi nhất có gần 300 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Số người mắc bệnh tâm thần chỉ bốn đến năm người. Nguyên nhân của những người mắc bệnh tâm thần ở thôn Đọi Nhất không phải do vấn đề tâm linh hay ô nhiễm môi trường như môt số tin đồn đã nói" - ông Lê Ngọc Quang, Bí thứ Đảng ủy xã khẳng định.

Theo ông Quang, nguyên nhân những người mắc bệnh ở thôn Đọi Nhất là do ảnh hưởng của chất độc màu da cam và sự tàn khốc dã man của kẻ thù. Những người dân trong làng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, họ tham gia vào các chiến trường bảo vệ quê hương. Khi hòa bình có người lành lặn trở về, có người cũng không bao giờ trở về nữa, và cũng có người mang đầy thương tích trong người trở về. Đó là những tàn dư đau thương mà chiến tranh để lại.

Trước thông tin cho rằng, gần đây một số gia đình đã phải bỏ đi nơi khác do thôn có nhiều người bị phát bệnh điên, ông Trần Kim Công - Phó chủ tịch UBND xã khẳng định: "Từ trước đến nay cuộc sống ở thôn vẫn bình thường, mọi người vẫn chăm chỉ làm ăn, một số người đi làm ăn xa thì đến ngày lễ tết vẫn trở về. Trụ sở của ủy ban xã, trường học cũng được đặt trên chính mảnh đất thôn Đọi Nhất từ lâu".

Một vài năm trở lại đây có mấy lò gạch mọc lên giữa đồng, cách làng khoảng 1km. Nhiều người cho rằng, do bị ô nhiễm môi trường nên nhiều người phát điên. Ông Quang khẳng định, những người bị bệnh trong thôn phần lớn là bị từ trước khi có các lò gạch xuất hiện.

Anh Trần Đăng Chiến 

Những người bị bệnh tâm thần trong thôn đều được hưởng chế độ chính sách xã hội. Cụ thể, anh Đinh Trọng Phong (thường gọi là “Lác”) con ông Đinh Trọng Lạc được hưởng chế độ chính sách xã hội 180 nghìn đồng/ tháng. Do trước đây bố mẹ anh Phong tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi trở về hai ông bà bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, ông bà sinh được bốn người con thì trong đó anh Phong là bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng nhất, anh chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, cũng không biết gì.

Nói về nỗi bức xúc của người dân trong thôn, ông Trần Đăng Thái - Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Đọi Nhất cho biết: “Khi chúng tôi biết được có những tin đồn gọi làng tôi là làng điên, người dân trong thôn rất bức xúc, điều này ảnh hưởng đến giá trị và cách nhìn thiếu thiện cảm với người dân làng tôi, nhiều thanh niên ế chồng, ế vợ cũng do lời đồn này”.

Ông Thái thừa nhận trong thôn có người điên, nhưng không phải điên do vấn đề tâm linh, hay ô nhiễm môi trường gây ra như các tin đồn, bản thân những người điên này đều bị ảnh hưởng từ hậu quả các cuộc chiến tranh. Ông Thái nói: “Ở thôn Đọi Nhất hoàn toàn không có nhiều người mắc bệnh tâm thần đến mức bị gọi là “làng điên” mà chỉ có 4, 5 trường hợp/700 nhân khẩu, liệu đây có thể gọi là "làng điên"?

Để giải tỏa nỗi bức xúc của mình, ông Thái đưa chúng tôi đi thăm tất cả những người mắc bệnh tâm thần trong thôn để làm rõ vấn đề chuyện người điên thôn Đọi Nhất. Gia đình cuối cùng mà chúng tôi đến thăm là gia đình anh Trần Đăng Lượng con trai ông Trần Đăng Điều.

Không giống như người mắc bệnh điên theo tin đồn. Anh vui vẻ pha trà, rót nước mời chúng tôi. Anh phấn khởi khoe vợ anh đi làm quán cơm ở mãi tận Hà Nội, lương tháng được 1,5 triệu. Hai đứa con nhỏ vừa sang bà ngoài chơi. Khi ra về, anh Lượng còn tiễn chân và chúc chúng tôi đi đường mạnh khỏe...

Nguyễn Quế - Tạ Thùy

Bình luận
vtcnews.vn