Sử dụng kỹ năng văn phòng trong việc gia đình

Sức khỏeThứ Năm, 29/12/2011 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Bạn quá mệt mỏi với một núi việc nhà. Nhiều khi bạn cảm thấy bất công khi mình là người duy nhất làm việc nhà, sau một ngày làm việc mệt mỏi?

(VTC News) - Bạn quá mệt mỏi với một núi việc nhà. Nhiều khi bạn cảm thấy bất công khi mình là người duy nhất làm việc nhà, sau một ngày làm việc mệt mỏi?

Bạn có thể hoàn toàn làm chủ các tình thế trong công việc: gặp khách hàng khó tính, hoàn thành báo cáo với thời hạn rất gấp hay tham dự cuộc họp không được báo trước. Nhưng ở nhà tình hình lại không được như vậy. Bạn quá mệt mỏi với một núi việc nhà. Nhiều khi bạn cảm thấy bất công khi mình là người duy nhất làm việc nhà, sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Ảnh minh họa 

Vậy tại sao bạn không dùng những kỹ năng làm việc vào quản lý gia đình để có được kết quả như mong muốn:

1. Lập thời gian biểu: Cũng giống như khi bạn dành thời gian cho các cuộc họp quan trọng ở cơ quan, ở nhà bạn cũng nên lập thời gian biểu cho các công việc nhà.

2. Kỹ năng tổ chức: Bàn làm việc của bạn ở cơ quan rất gọn gàng vì bạn đã có thói quen ghi rõ tên các cặp file tài liệu. Khi dùng xong tài liệu hoặc đồ dùng văn phòng nào đó, bạn cũng có thói quen để ngay vào chỗ cũ phòng khi đồng nghiệp cần sử dụng đến. Nếu bạn thực hiện quy củ như vậy ở nhà thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian để tìm đồ dùng bạn cần. Ngoài ra đó cũng là cách để tạo thói quen tốt cho con nhỏ và bạn sẽ không mất nhiều thời gian dọp dẹp sau khi trẻ chơi xong.

3. Kỹ năng giao việc: Giao việc là một hình thức để phát hiện tiềm năng và bồi dưỡng tài năng. Giao việc cho trẻ là cách để bạn nói với con là bạn tin tưởng vào năng lực của trẻ.

Và cũng đừng quên giao việc cho chồng. Chồng bạn cũng muốn chứng tỏ anh ấy là người quan trọng trong gia đình.

Nhưng bạn lưu ý đừng giao việc một cách cứng nhắc. Hãy để cho mọi người có sự lựa chọn và như vậy họ thấy thoải mái hoàn thành công việc hơn. Ở cơ quan thỉnh thoảng bạn cũng có sự thay đổi vị trí làm việc. Vì vậy ở nhà bạn cũng có thể áp dụng phương pháp đó, để trẻ cảm thấy hứng thú khi được giao công việc mới.

4. Động viên: Các công ty đều nhận thấy tầm quan trọng của việc giúp cho nhân viên cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Tương tự như vậy, ở nhà bạn nên tìm hiểu những điều làm cho các thành viên trong gia đình cảm thấy hài lòng, thoải mái. Kể cả khi trẻ chưa đạt được mục tiêu đề ra, bạn cũng nên có lời khuyến khích, động viên để trẻ cố gắng hơn.

5. Đánh giá kết quả: Khái niệm đánh giá kết quả công việc có thể sử dụng trong gia đình để tăng cường sự đoàn kết, hòa hợp giữa các thành viên. Việc khéo léo đánh giá kết quả công việc có thể giúp các thành viên nhận ra điểm yếu và khắc phục. Nhưng nếu không khéo léo có thể gây ra sự mất đoàn kết hoặc bất mãn. Đây cũng là cơ hội để lắng nghe ý kiến của các thành viên trong gia đình.

Gia đình cũng như một công ty, cần có một mục tiêu chung. Vì vậy các thành viên trong gia đình cần được có điều kiện để phát biểu và thảo luận cách làm để đạt được mục tiêu chung đó.

6. Kỹ năng lãnh đạo: Bạn và chồng như là những người lãnh đạo công ty, cùng với các nhân viên là các con, người giúp việc và ông bà. Đừng bao giờ hạ thấp chồng trước mặt những người khác và thỉnh thoảng nếu cần thiết thì cũng nên tự nhận khuyết điểm trước mọi người. Khi thể hiện sự khiêm tốn nhún nhường như vậy, bạn sẽ nhận được sự trung thành của các thành viên.

7. Kỹ năng hướng dẫn: Những người lãnh đạo công ty thường quan tâm đến việc bồi dưỡng nhân viên làm việc nhóm, suy nghĩ thấu đáo và cùng đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Ở gia đình, thay vì nhất định giải pháp của mình là tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến mọi người xem có cách nào tốt hơn không. Bạn có thể cho là cách làm của mình là hợp lý nhất, nhưng mọi người lại không nghĩ như vậy. Vì vậy nếu bạn ép buộc mọi người làm theo cách của mình, mọi người sẽ không tâm phục khẩu phục. Và nếu thất bại, mọi người sẽ chỉ trích “Thấy chưa, anh/con đã nói là không được mà em/mẹ cứ khăng khăng theo ý mình”.

Mai Nguyễn (Theo tạp chí Her World)

Bình luận
vtcnews.vn