Sốc vì con bỗng dưng nổi loạn

Giáo dụcThứ Tư, 01/06/2011 01:32:00 +07:00

(VTC News) - Hung tợn, phản ứng gay gắt với bố mẹ hay co lại, ủ rũ, tự hủy hoại bản thân, đập phá đồ đạc… là những biểu hiện thường gặp ở độ tuổi từ 12 đến 16.

(VTC News) - Hung tợn, phản ứng gay gắt với bố mẹ hay co lại, ủ rũ, tự hủy hoại bản thân, đập phá đồ đạc…là những biểu hiện thường gặp ở độ tuổi từ 12 đến 16.

Cha mẹ độc tài, con nổi loạn…

Chị Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) tá hỏa khi nhận thấy cô con gái cưng của mình bỗng nhiên có nhiều biểu hiện lạ, khác thường. Không dấu được xúc động và lo âu chị quyết định tìm đến một trung tâm tư vấn tâm lý với mong muốn tìm hiểu được nguyên nhân và chữa trị cho con.

Chia sẻ với nhà tham vấn, chị kể: Quỳnh Hoa (con gái chị), năm nay 13 tuổi. Từ nhỏ cháu tỏ ra rất ngoan và biết nghe lời. Vợ chồng chị làm việc ở một công ty liên doanh với nước ngoài nên thu nhập của gia đình rất khá. Con gái chị không thiếu thứ gì so với các bạn của nó. Thậm chí còn hơn nhiều bạn bè khác. Chị lo cho con từ ly sữa đến việc ăn gì, mặc gì, chơi thế nào. Nhưng thời gian gần đây, cháu có biểu hiện kỳ quặc là hễ cứ có ai lạ vào nhà là cháu chửi và mắng người ta là ngu, vô học. Bố mẹ thì toàn là đạo đức giả, đáng khinh bỉ, ghê tởm và không muốn lại gần. Tức giận thì đập phá đồ đạc, những thứ trước cháu rất thích và nâng niu thì nay vứt ra một góc.

Giáo dục bằng cách cưỡng bức, cấm đoán sẽ dẫn tới rối loạn nhân cách của trẻ. Ảnh minh họa 

Chị Huệ nhấn mạnh, gia đình chị đủ giàu có để con mình không thể tầm thường, không thể giống con nhà khác và phải cao quý hơn. Ngay từ bé, chị đã bắt con phải thế này, con không được làm thế kia.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (giám đốc trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân) khẳng định, hiện nay, cách làm của chị Huệ và nhiều gia đình khá giả khác là bảo bọc con cái bằng mọi cách, và đó chính là một hành động sai lầm khi lấy mất đi sự tự do, hồn nhiên và trong sáng của trẻ. Đứa trẻ không được làm theo những gì mà nó thích. Thay vào đó là khuôn phép do cha mẹ chúng đặt ra. Có thể như bé Hoa, phản ứng lúc đầu là chiều theo bố mẹ, làm những gì bố mẹ bảo. Nhưng đến một lúc nào đó, nhất là khi được tiếp xúc với những bạn bè và trẻ thấy rằng làm theo ý mình thật thoải mái. Lúc đó con trẻ sẽ phản ứng tức thời và tâm lý trẻ sẽ bị rối nhiễu và xáo trộn. Điển hình là trường hợp của cháu Hoa.

Ông Bình còn khẳng định, việc bắt người khác phải sống theo ý mình là một hình thức giáo dục chuyên quyền, đậm chất bạo lực. Thực chất chính là sự tham vọng của các ông bố bà mẹ và sự sợ hãi vô thức bên trong. Nhằm thỏa mãn những cái gì đang thiếu trong mình. Họ không hiểu rằng, muốn thay đổi con cái trước hết phải thay đổi nhận thức của bản thân. Phân biệt giữa tình yêu thương và giả yêu thương là khác nhau. Từ đó mới mong con cái phát triển bình thường.

…đến phản kháng quyết liệt

Trường hợp của Thu Huyền (17 tuổi, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) lại khác. Tâm sự với thám tử, bố mẹ Huyền cho biết, Huyền thường xuyên nổi loạn, sống bất cần, chán ghét bản thân, nhiều hôm bỏ nhà đi qua đêm với bạn bè và trở về nhà vào sáng hôm sau trong bộ dạng thân tàn ma dại và người đờ đẫn. Nhiều hôm không kìm được tính nóng giận, ông bố đã cho con gái những trận đòn nhớ đời nhưng cô bé cũng đứng trơ lỳ ra đó, không một chút phản kháng. Sau những lần như thế, Huyền càng sống buông thả hơn, bỏ bê học hành, thu mình vào một góc và trở nên xa lạ với những người trong gia đình.

Chị Mai (mẹ của Huyền) tâm sự: “Con bé trước chỉ chơi với những bạn con nhà hiền lành, gia giáo thì nay chơi toàn với đám trẻ lang thang, bụi đời, ra ngoài thì không sao nhưng cứ hễ về nhà là như cái bóng. Tâm thần hoảng loạn, xuất hiện những ảo thanh. Đó có thể là câu nói hay lời dẫn dụ như mày ngu thế, mày là con quỷ hai sừng, mày nên chết đi...”

Chia sẻ với chúng tôi, thám tử tư đồng thời cũng là nhà tâm lý cho hay: Vấn đề của cô bé này không nằm ở phía con cái mà chính là ở bố mẹ. Ngay từ nhỏ, bố mẹ Huyền đã tạo ra một vỏ bọc khá tốt cho con gái, chăm chút cho con đầy đủ. Nhà khá giả, có điều kiện, bố lại là quan chức to nên lúc nào cũng muốn con mình phải hơn người. Nhờ mối quan hệ tốt nên từ khi đi học, năm nào Huyền cũng giữ vai trò lớp trưởng và thành tích vào top đầu của lớp. Không những vậy, bố mẹ cô còn can thiệp cả vào chuyện chọn bạn bè để chơi. Theo họ, chơi với những bạn mà bố mẹ xấu thì cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhất thiết phải tránh xa những đứa trẻ lang thang, bụi đời.

Nhưng khi tiếp cận với đám bạn mà trước đây bố mẹ luôn cấm, Huyền như tìm thấy được tuổi thơ bị đánh cắp của mình, phát hiện ra những cảm xúc trái ngược, biết chia sẻ cảm xúc và không đặt mình lên trên tất cả, có thể sống hết mình vì bạn bè và thật với lòng mình. Từ đó, nhân cách của Huyền thay đổi, chống đối tất cả những gì bố mẹ giáo dục.

Trong cảm nhận của nhà tâm lý, giáo dục phân biệt, áp đặt đè nén là mầm mống của sự bạo loạn bên trong và xung đột nội tâm. Do đó, bất cứ sự giáo dục phân biệt nào đều là hành vi bạo lực với con trẻ và hủy hoại đi sự trong sáng và cảm xúc nơi các em.

Minh Lý


 

 

Bình luận
vtcnews.vn