Số phận bi thảm của đào rừng

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 25/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Một nhóm gồm hơn chục chàng trai Mông chuẩn bị cả ba lô cơm nắm, rượu hàng can, đi sâu vào rừng già để chặt đào. Họ tha đào như kiến tha mồi.

(VTC News) - Một nhóm gồm hơn chục chàng trai Mông chuẩn bị cả ba lô cơm nắm, rượu hàng can, đi sâu vào rừng già để kiếm đào. Tìm được cây đào nào đẹp, họ chặt hạ, rồi phân công mang vác ra ngoài. Người đi tìm, người mang vác, các chàng trai Mông tha đào từ trong rừng ra như kiến tha mồi.

Trong những ngày này, từ những con đường mòn vắt vẻo trên sườn núi, những cành đào, những gốc đào rêu mốc rung rinh trên vai đồng bào đổ về thị trấn Sapa và dọc quốc lộ 4D từ TP. Lào Cai lên thị trấn xinh đẹp này. Dọc con đường dài hàng chục cây số từ Sapa vào Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ, rồi con đường từ Sapa đến tận Trạm Tôn, đâu đâu cũng thấy đào rừng tập trung thành bãi, dựng dọc lan can đường.

Đào rừng tập trung dọc Quốc lộ 4D.

Đồng bào dựng lều bạt, đốt lửa sưởi ấm, ăn ngủ ngay tại các cung đường dẫn về thị trấn Sapa để bán đào 24/24. Người đi xe máy cũng cố buộc vào yên xe một cành đào nhỏ. Tài xế chất những cành đào lớn lên nóc xe con, xe khách, cẩn thận đặt vào cốp xe. Tôi gặp rất nhiều xe tải biển số Hà Nội, Lào Cai, chất đầy những cành đào rêu mốc trong thùng. Các loại phương tiện chở đào rầm rập về xuôi.

Lý A Chư – Trưởng Công an xã Hầu Thào chỉ tay về phía đại ngàn Hoàng Liên Sơn bảo: “Từ ngày mùng 10 âm lịch, đồng bào Mông, Giáy, Dao đã cơm nắm, rượu ngô vào rừng tìm đào rồi. Ở xã nhà nào cũng có một vài cây đào cổ trong vườn, trên nương, nhưng số đào này không đáp ứng đủ nhu cầu đâu. Chặt hết đào trồng, đồng bào lại vào rừng chặt tiếp”.

 
Đồng bào dựng lều, ăn ngủ để bán đào 24/24. 

Bản Hang Đá của xã Hầu Thào nổi tiếng với những gốc đào cổ thụ mọc trên núi đá. Những gốc đào ở vùng này đều vài chục năm tuổi, đặc biệt, có những gốc lên đến cả trăm năm. Với những gốc đào cổ này, mỗi lần cưa cành đem bán, phải chờ qua vài Tết nữa, mới có thể cưa tiếp.

Tôi tìm lên bản Hang Đá, song chẳng gặp thanh niên nào. Trong bản chỉ còn toàn cụ già và trẻ nhỏ. Cụ Mã A Sung chỉ tay sang dãy núi chìm nghỉm trong mây mù phía bên kia thung lũng Mường Hoa, nơi có bãi đã cổ bảo: “Thanh niên trong bản vào hết rừng kia tìm đào rồi. Tìm được gốc đào nào, chúng nó chặt mang xuống đường bán. Bán xong, lại vào rừng chặt tiếp”.

Tôi vòng qua thung lũng Mường Hoa, nhằm con đường mòn dẫn vào đại ngàn. Cụ Sung bảo, năm ngoái rừng cháy dữ quá, cháy hết từ Bản Hồ đến Séo Mý Tỷ của Tả Van, nên đào cũng hiếm hơn mọi năm. Để lấy được đào, người Mông phải đi xa hơn.

Đào ở vườn nhà dân ngày một hiếm. 

Trên đường vào rừng, thi thoảng tôi lại gặp mấy chàng trai trẻ người Mông vác đào đi ra. Cành nhỏ thì họ vác lúc lỉu trên vai, cành to thì vài ba chàng khiêng. Họ lấy một cây vầu nhỏ, hoặc cây tre to, buộc cành đào vào cây tre rồi khiêng. Hai chàng hai đầu cây tre khiêng cành đào, một chàng ghé vai trực tiếp vào cành đào để giữ thăng bằng.

Tôi đứng chắn ngang đường bảo 3 anh chàng nọ dừng chân. Ba anh chàng này là người ở xã Hầu Thào, gồm Giàng A Pao, Lý A Lô và Mã A Di. Tôi hỏi lấy đào ở đâu, Pao bảo chặt ở trong rừng già.

Cành đào lớn thế này vác làm sao được! 

Nói rồi, Pao chỉ tay vào lớp rêu mốc trên thân cành đào. Tôi lấy tay bóc lớp rêu mốc, Pao chặn lại. Theo lời Pao, lớp rêu mốc đó là “tem” chứng nhận để khẳng định đây là đào rừng, chứ không phải đào trồng trong vườn. Nếu lớp mốc bị biến mất, thì giá trị cành đào sẽ mất quá nửa.

Nhìn cành đào to đại tướng, tôi chẳng thấy có bông hoa nào, cũng chẳng thấy có lá. Chỉ thấy cành khẳng khiu và những cái búp chưa bung nở. Những cái chồi nhỏ xíu như giọt sương chẳng chịu nhú khỏi cành. Theo đám thanh niên này thì năm nay lạnh quá, trên núi toàn 0 độ C, nên hoa đào không chịu nở, búp chẳng chịu lên. Nhưng đào búp, đào chồi thế này chơi mới được lâu.

Phải 3 chàng trai Mông khỏe mạnh mới khiêng nổi cành đào này ra khỏi rừng. 

Tôi hỏi: “Cành đào này bao nhiêu tiền?”, Pao kiên quyết: “Đúng 10 triệu mới bán”. Tôi lắc đầu lè lưỡi chê đắt. Pao bảo, phải mất 3 ngày cuốc bộ trong rừng mới tìm được cành đào này và mất 2 ngày mới vác ra được đến trung tâm xã, nên giá đó còn quá rẻ. Theo lời Pao, nếu cành đào khổng lồ này về Hà Nội, giá sẽ là 50 triệu đồng, thậm chí đắt hơn.

Một nhóm gồm hơn chục chàng trai Mông chuẩn bị cả ba lô cơm nắm, rượu hàng can, đi sâu vào rừng già để kiếm đào. Tìm được cây đào nào đẹp, họ chặt hạ, rồi phân công mang vác ra ngoài. Người đi tìm, người mang vác, các chàng trai Mông tha đào từ trong rừng ra như kiến tha mồi. Cứ tình trạng này, chả mấy chốc mà đào rừng sẽ tuyệt diệt.

Họ tha đào từ rừng ra như kiến tha mồi. 

Lang thang cuốc bộ trên những con đường mòn, tôi gặp rất nhiều chàng trai Mông cõng đào từ rừng ra. Tôi hỏi họ lấy đào ở đâu, họ chỉ nói xa lắm, trong rừng già. Hỏi ở cánh rừng nào, thì lắc đầu không nói. Hình như những khu rừng có đào là bí mật của đồng bào Mông.

Trưởng Công an Lý A Chư bảo, người Mông trồng ngô, trồng sắn quanh năm cũng chẳng đủ ăn, vì núi thì cao mà toàn là đá, nhưng nhiều người lại phất lên vì kiếm được một khu rừng có nhiều đào cổ thụ. Một cành đào đẹp bán đi có thể bằng trồng ngô, trồng sắn cả năm, thậm chí đổi được cái xe máy, thì chả có lý do gì để đồng bào không vào rừng tận diệt đào hoang dã.

Tết đến, nhà nhà, người người đều muốn có được cành đào, ngoài việc để có không khí Tết, còn thể hiện đẳng cấp văn hóa, tiền bạc. Các cơ quan, công sở thì không tiếc tiền mua những cây đào, những cành đào to, đẹp, đắt tiền.

Cứ tình trạng tận diệt như thế này, chẳng mấy chốc mà sạch bóng đào rừng. 
 

Cứ nhìn cách người ta chơi đào là biết ngay đẳng cấp. Người dân bình thường thì sắm cành đào nhỏ, gọi là có. Người giàu sang, phú quý thì chơi đào gốc, đào thế. Thậm chí, họ bỏ ra hàng ngàn USD chỉ để thuê gốc đào chơi mấy ngày Tết. Nhưng đào thế bây giờ đã không còn đẳng cấp bằng đào rừng.

Các đại gia muốn thể hiện với đời bằng cách chơi hàng độc. Thế là, họ tung tiền sắm cho được một tác phẩm đào rừng. Một tuyệt phẩm đào rừng về đến Hà Nội có thể có giá cả trăm triệu đồng. Người thành phố muốn thể hiện đẳng cấp, còn người bản địa vì miếng cơm manh áo, nên kéo nhau vào rừng tận diệt đào.

Ngày Tết rồi cũng qua, những cành đào bạc triệu giữa đại ngàn sẽ ngổn ngang ở bãi rác. Số phận đào rừng thật bi thảm.


Vị Thủy

Bình luận
vtcnews.vn