"Siêu lý thuyết" Nhiêu lên "bàn mổ" của nhà khoa học

Thời sựThứ Sáu, 24/09/2010 08:09:00 +07:00

(VTC News) – Tổng Thư ký Hội Toán học VN cho biết, việc có người tự nhận phát minh ra lý thuyết cao siêu như Lý thuyết Nhiêu không phải hiếm.

(VTC News) - Việc nhà “siêu khoa học” Nhiêu gửi thư giới thiệu lý thuyết mang tên mình sẽ giải quyết được mọi vấn đề, có thể ứng dụng vào mọi mặt của đời sống xã hội kèm với lời mời tài trợ 3.000 USD/trang bản thảo... đã được hầu hết các nhà khoa học mổ xẻ, cho rằng đó là một trò nực cười.

Như chúng tôi đã đưa tin, nhà “siêu khoa học” cho rằng Lý thuyết Nhiêu của anh ta có thể giải quyết được mọi vấn đề, từ vấn đề vật chất đến vấn đề ý thức. Lý thuyết này sẽ giúp các nhà khoa học tiếp cận bản chất sự vật, hiện tượng theo hướng mới, định hướng các nhà khoa học nghiên cứu để ứng dụng vào mọi mặt đời sống xã hội như kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống, môi trường…

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, một lý thuyết khoa học được công nhận thường phải kèm theo kết quả thực nghiệm. Do vậy, một sơ đồ phác thảo lịch làm việc kéo dài tới 5 tháng để giới thiệu nội dung của hệ thống Lý thuyết Nhiêu kèm với vài gạch đầu dòng điểm các chuyên mục thì không đáng để bận tâm.

Không cần tri thức phải trả tiền

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, việc tự nhận, tự giới thiệu phát hiện, phát minh ra lý thuyết cao siêu như Lý thuyết Nhiêu không phải hiếm, cả trong lĩnh vực Toán học cũng như Lý học.

Chúng tôi trân trọng tất cả những suy nghĩ của các cá nhân đã gửi “công trình” đến nhờ chúng tôi xem xét, thẩm định. Nhưng có thể khẳng định những công trình dạng này độ chính xác không cao, thậm chí có thể thấy cái sai hiển nhiên ngay từ đầu.

GS.TS Nguyễn Hữu Dư.

Nếu ông Nhiêu có thể giới thiệu hoàn chỉnh lý thuyết của mình dưới dạng như một bài báo thì mới có cơ sở để thẩm định. Những gạch đầu dòng ông Nhiêu gửi kèm trong Thư mời tài trợ và tổ chức sự kiện đến VTC News chỉ là tiêu đề chứ không phải nội dung. Do vậy, để biết được trong Lý thuyết Nhiêu có “suy nghĩ” độc đáo hay không thì tôi không khẳng định.

Việc ông Nhiêu hay Nhóm phát triển Lý thuyết Nhiêu yêu cầu phải trả tiền thì mới thuyết trình là không bình thường. Lý thuyết khi chưa được kiểm chứng thì không có giá trị. Chúng tôi không cần cái tri thức đó nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ cho sự thẩm định lý thuyết đó nếu độc giả tin tưởng rằng lý thuyết này là đúng, GS Dư nói.

GS Dư cũng đưa ra lời khuyên đối với tác giả Lý thuyết Nhiêu: Nếu tác giả có lòng tin chắc chắn về lý thuyết của mình thì hãy gửi công trình đó ra nước ngoài dưới dạng ấn phẩm tri thức để đánh giá. Nhưng, có lý thuyết không thôi thì chưa đủ, mà phải chứng minh được lý thuyết đó và để chứng minh được thì không phải là chuyện ngày một ngày hai, đặc biệt nếu anh có kiến thức của một người chưa học đến lớp 12, GS Dư kết lại.

Có thể là một người hoang tưởng

Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn Thông tin Dự báo, Trung tâm Tiềm năng con người, khi gửi “học thuyết” đến các cơ quan truyền thông dù bằng văn bản hay qua email nghĩa là ông Nhiêu đã công bố lý thuyết của mình, nên việc e ngại Lý thuyết của mình bị sao chép, phát tán, đánh cắp “bản quyền” là không cần thiết. Do vậy, theo ông Hải, trước khi nói lên điều gì, ông Nhiêu có thể gửi toàn bộ lý thuyết đến các nhà khoa học để nhờ họ thẩm định.

Tin nhắn của một người hoang tưởng có thể "đuổi bão" gửi cho ông Nguyễn Phúc Giác Hải.

Đã là người nghiên cứu thì khi đưa ra lý thuyết, anh phải chứng minh được lý thuyết đó và phải có những hi sinh bước đầu của người nghiên cứu. Không thể bắt mọi người đầu tư cho anh cái mà người ta chưa hiểu, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cá nhân ông hay Trung tâm Tiềm năng con người thường xuyên nhận được những lời giới thiệu của các cá nhân về khả năng siêu phàm của mình. Nhiều người tự nhận họ có thể ngăn mưa, đuổi bão, ngoại cảm, tìm mộ thậm chí chữa bệnh… Nhưng sau khi đưa những ví dụ để họ thử nghiệm thì chủ yếu là không làm được.

Phần lớn những cá nhân này là những người hoang tưởng, ông Hải cho biết.

Thông tin cung cấp quá ít nên khó đánh giá

Anh Phan Thanh Hiền, Chủ nhiệm CLB Thiên Văn Bách Khoa cho rằng, một lý thuyết khoa học mới muốn được công nhận thì phải kèm theo kết quả thực nghiệm hoặc giải thích bằng toán học. Nếu lý thuyết đó không thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm hoặc bằng toán học thì đó sẽ không còn là khoa học nữa, mà là triết học.

Chủ nhiệm CLB Thiên văn Bách Khoa Phan Thanh Hiền.

Lý thuyết mới có thể là một công trình nghiên cứu hoàn toàn mới hoặc kế thừa và phát huy ưu việt hơn lý thuyết cũ. Trước khi một lý thuyết khoa học hay công trình nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi thì phải qua giai đoạn phản biện với các nhà khoa học uy tín.

Do vậy, anh Phan Thanh Hiền cho rằng, “nhà nghiên cứu” Nhiêu nên gửi bản thảo Lý thuyết Nhiêu đến một tạp chí chuyên ngành Vật lý có uy tín hoặc các cơ quan chuyên môn để thẩm định.

Ở đó, Lý thuyết Nhiêu sẽ được các nhà phản biện xem xét. Họ sẽ gửi các câu hỏi phản biện yêu cầu xác thực các số liệu. Nếu sau khi chỉnh sửa nội dung và có phản biện tốt, Lý thuyết Nhiêu sẽ được công bố.

Đến lúc đó mới có thể xác thực Lý thuyết Nhiêu thuộc "bản quyền" của nhà nghiên cứu Nhiêu. Còn hiện tại chưa thể đánh giá được Lý thuyết Nhiêu trước đó đã được công bố bởi một nhà nghiên cứu nào hay chưa (với tên gọi khác nhưng có nội dung hoặc một phần nội dung tương tự).

Nếu Lý thuyết Nhiêu được các nhà khoa học ghi nhận, tức là lý thuyết về hạt quang từ của ông Nhiêu đúng thì nó sẽ có tầm vóc ngang ngửa với Lý thuyết Dây của Einstein.

Theo Lý thuyết Dây của Einstein thì tất cả mọi thứ trong vũ trụ, từ những hạt nhỏ nhất cho đến những ngôi sao xa xôi, đều được tạo nên từ một thành tố là những hệ năng lượng cực kỳ nhỏ dao động, được gọi là Dây. Giống như những dây đàn Vi-ô-lông có thể tạo nên vô số nốt nhạc khác nhau, sự dao động theo vô số cách khác nhau của Dây trong Lý thuyết Dây sẽ tạo cho hạt các thuộc tính khác nhau như khối lượng và điện tích. Cho đến nay Lý thuyết Dây vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và tranh luận gay gắt, anh Phan Thanh Hiền kết luận.



Thu Hiền (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn