'Siêu' dự án thủy lợi qua sông Vàm Cỏ đưa nông nghiệp Tây Ninh 'cất cánh'

Thị trườngThứ Tư, 05/10/2022 09:37:00 +07:00
(VTC News) -

"Siêu" dự án thủy lợi qua sông Vàm Cỏ sau khi hoàn thành sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ chọn Tây Ninh là điểm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 1985, hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước 270km2 đưa vào vận hành trong niềm vui mừng khôn tả của người dân Tây Ninh. Thế nhưng, do địa hình, nước từ lòng hồ Dầu Tiếng lại không thể đưa về tưới tắm cho các cánh đồng bên kia sông Vàm Cỏ Đông.

Hàng chục năm qua, người dân ở 2 huyện biên giới là Bến Cầu và Châu Thành khao khát có một công trình thủy lợi, để giảm bớt những nhọc nhằn vì thiếu nước tưới.

'Siêu' dự án thủy lợi qua sông Vàm Cỏ đưa nông nghiệp Tây Ninh 'cất cánh' - 1

Điểm nhấn của dự án là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ hiện đại bậc nhất khu vực. 

Người dân địa phương cho hay, ngày trước, để có đủ nước tưới cho cây trồng, nhiều hộ dân cùng nhau khoan giếng bơm nước ngầm. Máy bơm được đặt liên tục từ 7-10 ngày/đợt tưới. Việc này rất tốn chi phí sản xuất, nhiều lúc máy móc còn bị hư do hoạt động liên tục.

Cuối tháng 4/2018, tại ấp Trường, xã Hảo Đước (huyện Châu Thành), UBND tỉnh Tây Ninh đã khởi công xây dựng "siêu" công trình thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông. Đây là một dự án quy mô lớn trong kế hoạch mở rộng phạm vi tưới tiêu của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, dự kiến hoàn thành cuối năm năm 2022.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, "siêu" dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ là dự án công trình thủy lợi cấp II, với tổng mức đầu tư 1.147 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 6/1/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm gần 98 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 1.246 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ với kết cấu bằng ống thép đường kính 2D-2,4m, hai bên bố trí đường giao thông cho xe thô sơ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và công tác quản lý vận hành; tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống 17 tuyến kênh cấp I có tổng chiều dài trên 71km.

'Siêu' dự án thủy lợi qua sông Vàm Cỏ đưa nông nghiệp Tây Ninh 'cất cánh' - 2

Hệ thống kênh chuyển nước thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông cơ bản hoàn thành.

Ðến nay, dự án đã thực hiện trên 95% khối lượng. Trong đó, hệ thống kênh chuyển nước và tuyến kênh tưới chính đã hoàn thành đúng thiết kế. Đặc biệt, điểm nhấn của "siêu" dự án là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ hiện đại bậc nhất khu vực, hệ thống đường ống máng trên trụ có quy mô lớn nhất Việt Nam cũng đã hoàn tất đúng tiến độ.

Còn đối với giai đoạn hai sẽ thực hiện bê tông hóa tuyến kênh chính qua các xã Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành, thông tuyến toàn bộ dự án.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, siêu dự án thủy lợi này sau khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân chủ động trong tưới tiêu, nước sinh hoạt của 6 xã phía tây của huyện Châu Thành và các xã của huyện Bến Cầu.

Nhìn thấy tuyến kênh tưới của siêu dự án thuỷ lợi khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ được hình thành, ông Võ Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Khánh, huyện Bến Cầu phấn khởi chia sẻ, HTX có 15 thành viên chính thức và gần 100 liên kết sản xuất trên 150ha ngô sinh khối cung ứng cho trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh.

Trước đây, hầu hết các thành viên đều canh tác lúa, tuy nhiên mỗi năm chỉ làm được một vụ, một số hộ đã chuyển sang canh tác ngô sinh khối. Mặc dù tình trạng thiếu nước sản xuất thường xuyên xảy ra nhưng nhờ ứng dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ trang trại, việc trồng ngô vẫn đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần lúa dù chỉ làm được 2 vụ/năm.

'Siêu' dự án thủy lợi qua sông Vàm Cỏ đưa nông nghiệp Tây Ninh 'cất cánh' - 3

Công trình không chỉ phục vụ nông nghiệp khu vục phía tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân.

Hiện nay, khi có nước tưới từ hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ, người dân sẽ không còn cảnh vừa làm nông vừa trông chờ vào trời mưa hay chắt mót từng chút nước đọng của mương nước ven đường vất vả như hiện nay nữa. Từ đó, HTX sẽ mở rộng diện tích lên 1.000ha và thâm canh 3 vụ/năm.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh là một trong những tỉnh có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh. Ngoài hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà bảo đảm nước tưới cho hơn 100.000 ha của Tây Ninh và các tỉnh lân cận.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.740 tuyến kênh tưới các cấp và 365 tuyến kênh tiêu, với tổng diện tích thiết kế tưới tiêu khoảng 66.974ha. Tại các địa phương trong tỉnh, hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng được quan tâm đầu tư, bảo đảm cho công tác cấp nước tưới, tiêu, chống ngập úng...

Đáng chú ý, siêu dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ là công trình lớn hết sức có ý nghĩa, không chỉ phục vụ hàng ngàn ha đất nông nghiệp khu vục phía tây sông Vàm Cỏ mà còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân trong vùng dự án. Đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ chọn địa phương là điểm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Sau khi hoàn thành, công trình thủy lợi này sẽ đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để phục vụ cho gần 17.000ha đất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế của người dân 2 huyện Bến Cầu và Châu Thành.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn