Sếp mệt mỏi với những nhân viên lười học hỏi

Giới trẻThứ Ba, 11/10/2022 13:57:10 +07:00

Làm việc trong môi trường marketing cần sự năng động, Ngọc Liên bất ngờ khi từng gặp những nhân sự không có ý thức phát triển.

Ngọc Liên (sinh năm 1991, trưởng nhóm Social một công ty truyền thông tại Hà Nội) từng tuyển dụng một nhân sự mới. Cô cho rằng với kinh nghiệm đã có, người này sẽ tự chủ động học hỏi liên tục những điều mới, xu hướng mới phục vụ công việc.

Tuy nhiên, khác với kỳ vọng, nhân sự này không dễ dàng tiếp nhận kiến thức mới, cũng chưa từng cố gắng tự phát triển bản thân như những gì hứa hẹn trong buổi phỏng vấn.

"Ví dụ với một vấn đề khó, các bạn khác sẵn sàng hỏi han, tự tìm kiếm thông tin hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ quản lý, thì người này sẽ thả trôi, coi như đã xong, để lần tới, gặp chuyện tương tự, bạn ấy sẽ mắc đúng lỗi đó. Cứ như vậy trong một thời gian rất dài", Ngọc Liên kể ngắn gọn.

Cuối cùng, khi cảm thấy không thể thay đổi, cô quyết định cho người này nghỉ việc.

“Quan điểm quản lý của tôi là nhân viên có thể không giỏi xuất sắc nhưng cần có sự cầu thị và sẵn sàng học cái mới. Nếu không, cuối cùng họ cũng sẽ trở thành nhóm trì trệ, chậm chạp và nhanh bị đào thải”, cô nói với Zing.

Sếp mệt mỏi với những nhân viên lười học hỏi - 1

Ngọc Liên từng làm việc với những nhân sự không chủ động học hỏi, nâng cấp bản thân. (Ảnh: NVCC).

Quản lý đau đầu

Môi trường marketing nơi Ngọc Liên làm việc yêu cầu tính chủ động, liên tục trau dồi bản thân, đây cũng là điều cô thường thấy ở phần lớn người làm trong ngành.

Tuy nhiên, thi thoảng tôi vẫn gặp vài nhân sự, lúc phỏng vấn rất ổn, nhưng khi vào làm trực tiếp mới thấy các bạn ấy hoặc là chây ì, hoặc là nghĩ mình đã giỏi, không cần học thêm nữa”.

Ngọc Liên nhận định những cá nhân này thường không gắn bó được với môi trường marketing hiện đại. Cô cũng thường từ chối kiểu nhân viên này sau khoảng 2 tháng thử việc hoặc họ tự xin nghỉ vì không thể đáp ứng yêu cầu.

Là người quản lý, cũng từng nhảy việc 3 lần, Ngọc Liên cho rằng, chủ động là điều cần thiết ở mỗi người lao động.

"Mọi người cần chủ động tìm hiểu, quan sát, hỏi han, tạo dựng mối quan hệ để tốt hơn cho công việc của bản thân. Quan trọng nữa phải luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và kiên trì".

Cô cũng thừa nhận lứa nhân sự mới mỗi năm đều nhanh nhạy, thông minh và sáng tạo hơn. Nếu những nhân viên cũ chỉ vì đã có một vị trí làm việc mà lười học hỏi, họ sẽ trở thành "vật cản" trong công việc.

Đối với Huyền Trân (Giám đốc Công ty pháp lý Riway, TP.HCM), có 3 dạng nhân sự thường gặp ở các doanh nghiệp: Nhóm một là sau khi lấy bằng đại học, kiếm được việc sẽ không học thêm điều gì, chỉ đi làm cho qua ngày.

Thứ hai là nhóm tiếp tục học tập sau khi đi làm song dàn trải, chủ yếu để lấy bằng cấp, chứng chỉ và không ứng dụng được nhiều trong công việc.

Cuối cùng, nhóm nhân viên tiềm năng nhất, những người nghiên cứu chuyên sâu về công việc, ngành nghề đang làm, tự trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng.

Để tránh dạng nhân sự số một, công ty Huyền Trân cố gắng chọn lọc kỹ ngay từ khâu tuyển dụng. Trong quá trình làm việc, cô cũng tạo áp lực, buộc nhân viên phải tự học hỏi nâng cao bản thân để đáp ứng yêu cầu.

Sếp mệt mỏi với những nhân viên lười học hỏi - 2

Huyền Trân chọn lọc kỹ nhân sự trước khi tuyển dụng và đặt KPI để nhân viên phải nâng cao bản thân để đáp ứng yêu cầu. (Ảnh: NVCC).

“Công ty tôi trả lương cơ bản theo mức quy định, thu nhập còn lại của nhân viên phụ thuộc vào năng suất làm việc và mức độ hoàn thành KPI. Bởi vậy, việc nhân sự nhanh nhạy, năng động rất quan trọng”.

Khi còn làm việc ở công ty cũ, Huyền Trân từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp xung quanh giậm chân tại chỗ, luôn làm mọi việc qua loa cho xong.

Mỗi khi công ty mạnh tay cắt giảm nhân sự, họ là nhóm phải rời đi đầu tiên.

Hiện kinh doanh riêng, Huyền Trân chú trọng tạo điều kiện để nhân viên được học hỏi liên tục. Ngoài ra, cô đặt một số KPI liên quan việc tự học tập thêm các chứng chỉ, tự đào tạo để nhân sự có không gian tìm kiếm khóa học đúng sở trường.

“Trong quá trình làm việc, các bạn có tình huống nào khó xử lý sẽ ghi chú lại. Tới buổi training, họ sẽ nêu ra cho mọi người cùng nghe và hướng xử lý ra sao để mọi người góp ý. Nếu vấn đề bế tắc chưa tìm được hướng giải quyết, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cho các bạn hoặc thậm chí nhờ người có kinh nghiệm hơn hỗ trợ nếu cần”, Huyền Trân chia sẻ.

Theo tạp chí Human Resources Director, mọi nhân sự trong lực lượng lao động, từ cấp quản lý đến nhân viên mới ra trường, đều cần phải nâng cao kỹ năng liên tục nếu muốn theo kịp các yêu cầu công việc, giải quyết vấn đề mới và hợp tác, trao đổi với đồng nghiệp.

Cụ thể, công ty Deloitte từng tuyên bố chu kỳ bán rã của các kỹ năng học được hiện nay là khoảng 5 năm, có nghĩa là sau thời gian này, những gì một người học để đạt được bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề có thể đã trở nên lỗi thời.

Một cuộc khảo sát của công ty tuyển dụng Hays với hơn 2.000 người cho thấy 77% nhà tuyển dụng có xu hướng lựa chọn một ứng viên thường xuyên nâng cao kỹ năng của mình.

Sếp mệt mỏi với những nhân viên lười học hỏi - 3

Nhóm nhân viên tiềm năng nhất là những người nghiên cứu chuyên sâu về công việc, ngành nghề đang làm, tự trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng. (Ảnh: Phương Lâm).

Tuy nhiên, trong khi 96% người lành nghề coi việc nâng cao kỹ năng là “rất quan trọng” hoặc “quan trọng”, chỉ một số ít đang thực sự học hỏi để bắt kịp những thay đổi trong công việc.

“Vẫn còn thời gian để các ứng viên nhảy vào cuộc cạnh tranh tìm việc bởi chỉ có 14% người lành nghề cho biết họ nâng cao kỹ năng hàng tuần, 18% hàng tháng và 20% hàng quý. Đừng nằm trong nhóm 24% chỉ nâng cao kỹ năng một lần mỗi năm, 20% thậm chí ít hơn như vậy hoặc tệ nhất là 4% không bao giờ nâng cao kỹ năng của mình”, Nick Deligiannis, Giám đốc điều hành của Hays tại Australia và New Zealand, nhận định.

“Nâng cấp bản thân cũng đảm bảo bạn có thể chuyển sang một vai trò hoặc lĩnh vực mới khi mọi thứ thay đổi. Các nhà tuyển dụng muốn người làm việc cho họ là những người tự học và có động lực để thành công”, ông nói thêm.

Khả năng tự học

Hơn một năm nay, vào tối thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, Lê Uyên (sinh năm 1998, nhân viên kiểm thử phần mềm, Hà Nội) đều đặn tham gia lớp học tiếng Hàn Quốc online. Lớp của cô có 4 học sinh, đều là những người đã đi làm. Ngoài là sở thích, việc học thêm ngoại ngữ còn được Uyên xem là một trong những cách giúp cô mở rộng cơ hội.

“Nếu sau này có nhảy việc, ứng tuyển vào một công ty Hàn Quốc, ngoài chuyên môn, việc biết tiếng Hàn chắc chắn sẽ là một lợi thế. Bên cạnh đó, tôi cũng đang chăm chỉ ôn luyện để lấy chứng chỉ nghề”, Uyên chia sẻ.

Trừ những khi có dự án bận rộn, nữ nhân viên văn phòng cho rằng việc bỏ ra 3 tiếng mỗi tuần cho việc học không phải điều khó khăn.

Sếp mệt mỏi với những nhân viên lười học hỏi - 4

Người lao động có thể tranh thủ sau giờ làm, ngày nghỉ để học thêm kiến thức, kỹ năng. (Ảnh: Pexels).

Tương tự, sau thời gian dài lên kế hoạch và tìm kiếm giáo viên phù hợp, Lan Anh (sinh năm 1991, nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội) cũng dành 2 buổi tối trong tuần để tham gia lớp tiếng Anh giao tiếp.

“Công việc của tôi đôi lúc yêu cầu làm việc với người nước ngoài. Dù có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ, tôi vẫn muốn tự mình giao tiếp, trao đổi với họ để đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, tôi thấy dù có phục vụ công việc hay không, học cũng chẳng bao giờ là thừa”.

Ngoài việc muốn tự tin và có thêm cơ hội, Lan Anh cũng sợ mình rơi vào trạng thái nhàm chán với vòng xoay từ nhà tới công sở.

"Tôi làm công việc '9 to 5' và nếu không tự đào tạo thêm, tất cả những gì tôi làm hàng ngày là sổ sách, máy tính. Những người tôi gặp cũng chỉ có vài đồng nghiệp thân thiết. Tôi muốn có thêm một vài môi trường nữa để học hỏi, giao lưu", Lan Anh giải thích.

“Lớp tôi học có một bạn làm việc ở ngân hàng, đã có gia đình, con cái nhưng vẫn cố gắng dành thời gian đi học, hay như một học viên gần 50 tuổi từng khiến tôi rất bất ngờ, nể phục. Theo tôi, dù là nhân sự ở độ tuổi nào, hoàn cảnh ra sao, miễn là tìm được phương thức học tập phù hợp thì không bao giờ là muộn”, cô kết luận.

Cũng là đầu tư thời gian vào việc học và tự đào tạo, Nguyễn Trần Huyền Trang (sinh năm 1995, làm ngành Xuất - nhập khẩu ở TP.HCM) nhấn mạnh vào việc học gì cần thiết, học theo nhu cầu.

"Nói thế bởi đôi khi chính công ty tôi cũng có một vài khóa training tốn thời gian, bày vẽ, không giúp ích gì cho nhân sự. Những khóa này vừa khiến mọi người nản chí, chiếm dụng không gian đáng lẽ dành cho công việc, tệ nhất là khiến niềm vui với việc học hỏi bị giảm đi rất nhiều", Trang nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn