Seagames 27 và nỗi lo với kinh tế Myanmar

Tổng hợpChủ Nhật, 01/12/2013 10:42:00 +07:00

(VTC News) - Gánh nặng tài chính từ việc tổ chức SEA Games có thể khiến cho người dân Myanmar cảm thấy lo lắng

(VTC News) - Gánh nặng tài chính từ việc tổ chức SEA Games 27 có thể khiến cho người dân Myanmar cảm thấy lo lắng.

Không phải đến khi SEA Games 27 diễn ra, Myanmar mới nhận được sự chú ý của thế giới nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng.

Kể từ khi những cải cách chính trị sâu rộng được tiến hành từ năm 2011 đồng nghĩa với việc xóa bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu, đất nước này đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư nước ngoài như một miền đất hứa với vô vàn những cơ hội làm ăn.
Có diện tích đất nông nghiệp lớn hơn Việt Nam nhưng sản lượng gạo của Myanmar chỉ bằng một nửa Việt Nam. 

Một báo cáo của hãng tư vấn McKinsey cho thấy kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 4,7%/năm trong giai đoạn 1994 đến 2010, nhưng đã nhảy vọt lên 8.8% trong năm 2011, năm đầu tiên sau khi cuộc cải cách diễn ra. GDP bình quân đầu người Myanmar đạt 1300 USD/năm, một con số khá ấn tượng nếu so với Việt Nam (khoảng 1900USD/người/năm). 
Còn theo dự đoán của ngân hàng thế giới, kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,8% trong năm tới, chủ yếu dựa vào các lĩnh vực như sản xuất gas, thương mại, nông nghiệp cũng như sự gia tăng mạnh của đầu tư nước ngoài.

Nếu so với con số tăng trưởng 5,1% mà tổ chức này dự đoán cho khu vực Đông Nam Á nói chung, rõ ràng nền kinh tế Myanmar được đánh giá khá cao và có tiềm năng lớn trong tương lai.
Mynanmar đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. 

Dĩ nhiên những nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Việt Nam, không thể bỏ qua cơ hội lớn này. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đã tăng gấp rưỡi trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 và những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là may mặc, năng lượng, công nghệ thông tin, thực phẩm và đồ uống.

Đất nước này ngoài diện tích lớn, vị trí đẹp (nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á năng động) còn sở hữu trữ lượng khí đốt khổng lồ và lượng đá quý vô cùng lớn (đứng đầu thế giới về sản xuất ngọc bích, hồng ngọc và lam ngọc).
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Myanmar đang đối mặt với nguy cơ từ chỉ số lạm phát cao trong thời gian gần đây.

Chỉ số lạm phát đã lên tới 7,3% trong tháng 8/2013 chủ yếu do giá nhà ở và thực phẩm, gây tác động lớn đến người dân nghèo. Giá một m2 đất tại Yagon hiện đã cao hơn ở Bangkok, và ở một số khu vực trung tâm, giá thuê nhà lên tới gần 11.000 USD/m2, cao hơn cả khu Manhattan ở New York!

Bên cạnh giá cao, việc thiếu điện trầm trọng diễn ra tại cố đô nước này cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo lắng khi muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở đây. 
Lạm phát cao là một trong những nỗ lo chính ở đất nước này. 

Việc đăng cai tổ chức SEA Games 27 là một nỗ lực lớn đối với chính phủ Myanmar trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người dân lo ngại về tính hợp lý của những khoản chi tiêu khổng lồ từ chính phủ, thay vì đầu tư vào các lĩnh vực mang lợi ích trực tiếp cho người dân như giáo dục, y tế hay nhà ở.
Hồi năm ngoái, khi phóng viên của tờ Myanmar Times đi tìm sự thật về số tiền chính xác mà nước này đã bỏ ra để đăng cai SEA Games, đại diện của cả bộ Tài chính và bộ Thể thao Myanmar đều từ chối trả lời. Có nguồn tin cho rằng chính phủ Myammar đã duyệt chi số tiền 400 triệu USD để đăng cai SEA Games lần này và sẵn sàng chi thêm nếu cần.
Đó có vẻ như là một con số “hợp lý”, nếu so với chi phí mà các quốc gia khác tại Đông Nam Á đã bỏ ra để đăng cai SEA Games từ trước tới nay. SEA Games năm 2011 đã ngốn của nước chủ nhà Indonesia 3000 tỷ rupiah, tương đương khoảng 319 triệu USD.

Còn ở kỳ Olympic trẻ thế giới 2010 được tổ chức tại Singapore, quốc gia nổi tiếng về sự minh bạch và chặt chẽ trong tài chính công, khoản ngân quỹ 85 triệu USD ban đầu sau đó đã phình to lên tới 317 triệu USD, đến mức mà báo chí nước này đã gọi đó là một “thảm họa”.
Đăng cai SEA Games giúp quảng bá hình ảnh Myanmar, nhưng nó cũng tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho đất nước này. 

Và đó cũng chính là lý do mà con số ước tính chỉ 37 triệu USD để mà Bộ thể thao Malaysia đưa ra để tổ chức SEA Games 2017 (hoặc 2019) đã bị dư luận nước này phản đối kịch liệt gần đây.

Rõ ràng, bên cạnh lợi ích quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút khách du lịch, việc đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao lớn luôn đi kèm với gánh nặng tài chính lớn cho những nước chủ nhà. Nhất là ở khu vực Đông Nam Á, khi mà ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, các quốc gia còn chi rất nhiều tiền để chuẩn bị đào tạo vận động viên nhằm chạy đua thành tích ở mỗi kỳ SEA Games.
26% người dân Myanmar đang sống dưới mức 1USD/ngày, và giống như ở các quốc gia đang phát triển đã giành được quyền đăng cai các sự kiện thể thao lớn khác như Brazil, chính họ là người cảm thấy bị thiệt thòi nhất trong việc chi tiêu quá mạnh tay này.

Rất nhiều người dân nghèo đã phải rời bỏ các thành phố lớn như Yagon do không thể đáp ứng nổi chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ ở đây, trong khi những bất ổn chính trị và tôn giáo vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến niềm tin của người dân bị giảm sút trầm trọng.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn