SEA Games 28: Chủ tịch VFF 'bẻ lái' mục tiêu của U23 Việt Nam

Thể thaoThứ Tư, 25/02/2015 11:27:00 +07:00

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định mục tiêu của ĐT U23 Việt Nam ở SEA Games 28 là cố gắng đoạt ngôi cao nhất.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định mục tiêu của ĐT U23 Việt Nam ở SEA Games 28 là cố gắng đoạt ngôi cao nhất.

Thoạt nghe đây chỉ là một tuyên bố như nhiều tuyên bố "lên gân" khác mà người ta vẫn thấy trong ngày đầu năm, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy nó là một cú "bẻ tay lái" rất đáng thông cảm của ông Chủ tịch.

Nói thế là bởi ngay sau khi nhận chức Chủ tịch VFF khóa VII, ông Dũng đã quyết định sẽ không đặt nặng chỉ tiêu thành tích, mà hướng nhiều đến việc xây dựng nền móng cho bóng đá Việt Nam, từ cấp độ CLB đến cấp độ đội tuyển quốc gia (ĐTQG), hướng đến một bước nhảy giàu tính khả thi trong tương lai.
 Ông Lê Hùng Dũng và bầu Đức
Và theo quan điểm của chúng tôi thì đấy là một sự lèo lái chính xác, bởi nhiều năm qua nền bóng đá nước nhà đã quá quen và đã phải trả giá đắt với tình trạng ham hố thành tích theo đúng kiểu "ngắt ngọn". Với quan điểm ấy, ông Dũng nhiều lần khẳng định sẽ không đặt bất cứ mục tiêu nào cho HLV trưởng ĐT U23 Quốc gia Toshiya Miura tại SEA Games 28 được tổ chức vào tháng 6 tới tại Singapore.


Nhưng khổ cho ông Chủ tịch khi sau đó Ủy ban Olympic - nơi ông vừa được bầu là một Phó Chủ tịch bổ sung và Tổng cục TDTT - nơi vẫn được coi là "cấp trên" của Liên đoàn (dù về lý thuyết, FIFA đề nghị mọi Liên đoàn bóng đá hoạt động độc lập, mà không phải chịu bất cứ sự can thiệp nào khác từ các cơ quan nhà nước) lại khẳng định, mục tiêu của ĐT U23 là phải vào chung kết SEA Games 28.

Khi diễn ra chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" này, đã có người đặt ra câu hỏi: một nhân vật cá tính, nổi tiếng là dám nói dám làm như ông Dũng có thể bảo lưu quan điểm cá nhân của mình, cũng đồng thời là quan điểm của Liên đoàn Bóng đá do mình lãnh đạo để chống lại quan điểm cấp trên?
Mục tiêu vô địch SEA Games có vượt qua tầm U23 Việt Nam?
 Mục tiêu vô địch SEA Games có vượt qua tầm U23 Việt Nam? (Ảnh: Hà Thành)
Thực tế thì ngay sau khi nghe Ủy ban Olympic công bố mục tiêu chung kết, ông Dũng cho biết là giữa Ủy ban và Liên đoàn sẽ có một cuộc ngồi lại để tìm tiếng nói chung, và cho đến lúc đó nhiều người vẫn tin rằng ông Dũng sẽ thuyết phục được "cấp trên" đi theo quan điểm của mình.


Nhưng với câu trả lời mới nhất về việc "ĐT U23 cố gắng đạt mục tiêu cao nhất" mà ông Dũng nói đến ngày hôm qua trên một tờ báo (nếu những thông tin của tờ báo này là chính xác) cho thấy ông đã phải "bẻ tay lái" một cách bất đắc dĩ.

Mà thực chất thì không riêng gì ông Dũng, ngay cả Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức - cha đẻ của một lứa cầu thủ U.19+ vừa được chọn làm nòng cốt cho ĐT U23 cũng đã "bẻ" như vậy khi cho biết mong ước của mình là chiếc HCV SEA Games.
U23 Việt Nam hành xác ngay ngày đầu tập trung (Ảnh: Hà Thành)
U23 Việt Nam hành xác ngay ngày đầu tập trung (Ảnh: Hà Thành) 
Câu hỏi đặt ra: sau lần đầu tiên “bẻ tay lái”, liệu những quan chức VFF có phải tiếp tục “bẻ tay lái” trong những vấn đề mang tính phát triển chiến lược nền bóng đá nữa không?

Trước đây, khi Chủ tịch VFF thường là người đang tại chức hoặc đã về hưu của ngành thể thao thì chuyện VFF nhất nhất "theo lệnh" ngành là điều không thể khác. Thế nên khi một doanh nhân như ông Dũng ngồi vào ghế Chủ tịch Liên đoàn thì người ta tin rằng kiểu nhất nhất "theo lệnh" sẽ được giảm thiểu, nhưng có vẻ mọi thứ không như vậy.

Nghĩ cũng khổ cho ông Chủ tịch, vì đã phải "bẻ tay lái" một lần thì có thể sẽ phải "bẻ tay lái" nhiều lần tiếp theo!

Nguồn: CAND
Bình luận
vtcnews.vn