Rúng động những vụ nhân viên Vietnam Airlines bị bắt vì buôn lậu

Thời sựThứ Năm, 16/04/2015 11:13:00 +07:00

Trong những năm qua, nhiều nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt giữ, trục xuất về nước, thậm chí ngồi tù vì liên quan đến hành vi buôn lậu.

(VTC News) - Trong những năm qua, nhiều nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt giữ, trục xuất về nước, thậm chí ngồi tù vì liên quan đến hành vi buôn lậu hàng hóa, vàng, ngoại tệ...

Ngày 15/4, Cục hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này đang phối hợp với hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) làm rõ vụ việc một cơ trưởng và một tiếp viên của VNA bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ vì hành vi buôn lậu vàng.

Bức ảnh 4kg vàng tang vật thu được trong giày của nhân viên phi hành đoàn (Ảnh: Yonhapnews)

Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này, Cục hàng không Việt Nam, ngày 14/4, một số báo của Hàn Quốc đã đưa tin vụ việc hai nhân viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam (một cơ trưởng và một tiếp viên) đã bị Cục thuế quan của sân bay giao nộp cho cảnh sát Hàn Quốc vào ngày 13/4.

Theo thông tin từ các tờ báo này thì sự việc này đã xảy ra vào tháng trước, cụ thể là ngày 10/3/2015,  sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan), một cơ trưởng và một tiếp viên đã bị phát hiện giấu 6kg (mỗi thỏi vàng là 1kg) dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay. Trong đó tiếp viên hàng không giấu 2 thỏi và cơ trưởng giấu 4 thỏi vàng. 

Vụ việc đang được giới chức trách Hàn Quốc tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ danh tính các thành viên phi hành đoàn liên quan đến vụ việc.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, trên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Pusan ngày 10/3/2015; hai nhân viên của Hãng là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (SN 1980, số bằng lái 29836, ngày cấp 31/03/2010) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong đã mang theo vàng và không khai báo, sau đó bị hải quan tại sân bay Gimhae, Pusan, Hàn Quốc bắt giữ.

Cũng theo báo cáo của Vietnam Airlines, nhà chức trách Hàn Quốc vẫn chưa có thông tin chính thức cho phía Việt Nam.

Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên các nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines bị cảnh sát bắt giữ về hành vi buôn lậu.

Trước đó, vào tháng 3/2014, một nữ nhân viên của hãng hàng không này bị tình nghi mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp tại Nhật Bản. Nữ tiếp viên này đã bị cơ quan chức năng Nhật Bản tạm giữ để phục vụ điều tra.

Theo đó, tiếp viên nữ Nguyễn Bích Ngọc mang mã tiếp viên 35, bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 Yen Nhật (tương đương 25,7 triệu VNĐ) khi đi trên xe dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc tế Kansai từ tháng 9/2013.

Liên quan đến tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc, cơ quan cảnh sát điều tra Tokyo cũng cho rằng tiếp viên này đã nhận đặt hàng từ với một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi đang sống tại Nhật để buôn lậu quần áo ăn cắp, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay, tuy nhiên tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc đã phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra.

Hồi cuối tháng 2/2014, một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines cũng bị cáo buộc tương tự khi bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật. Vụ việc được phát hiện vào ngày 26/2 khi cảnh sát mở rộng điều tra các cuộc thẩm vấn những kẻ trộm cắp tại nước này. 
Các loại hàng hóa được xác định gồm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng 

Video sự cố hàng không năm 2014:
 

Cũng liên quan tới hãng hàng không Vietnam Airlines, tháng 9/2013, Công an TP Hà Nội tạm giữ Bùi Ngọc Tuấn (tiếp viên của hãng) để điều tra về hành vi buôn lậu. 

Theo điều tra, ngày 22/9/2013, lực lượng an ninh sân bay phát hiện Bùi Ngọc Tuấn mang theo 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không làm thủ tục khai báo trong chuyến bay mang số hiệu VN106 của Vietnam Airlines từ Paris về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Hành vi mang theo vàng không khai báo, nhân viên của hãng này cũng đã nhiều lần bị cảnh sát các nước phát hiện và điều tra. Cụ thể ngày 22/11/2011, Hải quan sân bay Incheon - Seoul (Hàn Quốc) phát hiện 20 lượng vàng trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên Vietnam Airlines chuẩn bị xuất về Việt Nam. Các nhà chức trách đã lập biên bản, tạm giữ 3 nhân viên trên để điều tra làm rõ nguồn gốc và áp dụng mức phạt theo quy định của Hàn Quốc.

Nghiêm trọng hơn, vào cuối năm 2011, tiếp viên Thái Anh Tiến của Vietnam Airlines bị đưa ra xét xử, cùng siêu mẫu Vĩnh Thụy. Người này bị cáo buộc có liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM.

Trong năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.

Cuối năm 2008, phi công Đặng Xuân Hợp, cơ phó của Vietnam Airlines trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo đã bị Hải quan Nhật Bản tạm giữ để điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép...

Tháng 11/2008, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. 

Liên quan đến vụ việc này, phi công Trần Đình Đang bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép 6,5 triệu đô Úc về Việt Nam.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn