Ra mắt cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”

Thời sựThứ Ba, 10/01/2012 06:17:00 +07:00

(VTC News) - Chiều 9/1, Sở Nội vụ Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng)tổ chức ra mắt cuốn sách Kỷ yếu ghi chép toàn bộ tư liệu về Hoàng Sa.

(VTC News) -  Chiều 9/1, Sở Nội vụ Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức ra mắt cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa. Cuốn sách ghi chép toàn bộ tư liệu, bằng chứng về Hoàng Sa từ trước đến nay.

Cuốn kỷ yếu có độ dài hơn 200 trang, gồm phần 3 phần: Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam với nội dung về vị trí địa lý, các công trình, minh chứng lịch sử thể hiện chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa;

Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa bao gồm những ghi chép, Chỉ dụ, tờ Châu, Nghị định liên quan đến hoạt động của người dân trên đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ;

Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, ghi lại những ký ức, cảm xúc cùng những trăn trở của những người từng sống, làm việc tại đảo Hoàng Sa và thế hệ mai sau.

Bìa quyển Kỷ yếu Hoàng Sa 

Điểm khác biệt của cuốn kỷ yếu là phần giới thiệu đầy cảm xúc của hơn 20 nhân chứng "sống", từng ở, sinh sống và làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX.

Khác biệt hơn, cuốn sách còn ghi nhận cảm nghĩ của ngư dân Mai Phụng Lưu - biệt danh “sói biển”, gắn bó với vùng biến Hoàng Sa mấy chục năm nay.

“Dù khó khăn đến mấy, cha con tôi cũng quyết không rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình, dù có bị đánh đập, tịch thu tài sản hoặc thiên tai rủi ro luôn rình rập. Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi tiếp tục đạp sóng ra khơi. Ra biển Hoàng Sa”, Mai Phụng Lưu viết.

Ông Phạm Khôi, nhân chứng sống tại Hoàng Sa tặng bản đồ phác thảo về quần đảo Hoàng Sa 

Tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Văn Nhự (SN 1927, quê Hòa Tiến, Hoà Vang, TP Đà Nẵng, nguyên nhân viên Ty khí tượng - Thủy văn Trung Trung bộ ở Đà Nẵng), nhân chứng sống tại Hoàng Sa xúc động nói: “Cảm giác được đặt chân lên đảo Hoàng Sa năm nào vẫn còn in trong trí nhớ của tôi. Những cây đu đủ tía to lớn mọc khắp nơi, những buổi cà phê trên đảo cùng tiếng sóng đảo… không bao giờ tôi quên được.

Ngày hôm nay, những ký ức đó càng in đậm. Ngay giờ đây, không mong muốn gì hơn là được một lần trở lại Hoàng Sa, được đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Văn Nhự bùi ngùi bên cuốn kỷ yếu Hoàng Sa 

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng cũng chia sẻ: “Đây là cuốn kỷ yếu quy mô nhất về Hoàng Sa, với nhiều giá trị nhằm giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, quá trình xác lập chủ quyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cuốn kỷ yếu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Bên cạnh đó, cuốn kỷ yếu là lời tri ân đến các nhân chứng Hoàng Sa, vì tình yêu tổ quốc, vì kỷ niệm máu thịt với Hoàng Sa đã vượt qua khó khăn, bệnh tật để viết lại những dòng hồi ức thấm đẫm tâm hồn nơi Hoàng Sa.

Hy vọng cuốn kỷ yếu không chỉ là tài liệu tham khảo mà còn là tài liệu nghiên cứu quý giá về Hoàng Sa”.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn