Quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 11/12/2020 10:18:00 +07:00
(VTC News) -

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị thời đại to lớn được coi như bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

Ngay 10/12 là Ngày Nhân quyền thế giới. Cách đây 72 năm, Bản Tuyên ngôn nhân quyền đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, có ý nghĩa nhân văn cao cả, là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại.

Tại Việt Nam, kể từ ngày lập nước 2/9/1945, việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người luôn được thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn.

Có thể khẳng định đến nay, người dân Việt Nam đều được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, được cải thiện về đời sống, văn hóa, truyền thống, tiếng nói, chữ viết, đến quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng xét xử trước pháp luật… Những thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Có được thành quả đó có phần lớn là nhờ giá trị về quyền con người, quyền dân tộc đã được khẳng định ngay trong Tuyên ngôn độc lập, văn kiện lịch sử đầu tiên mở ra một thời kỳ mới của dân tộc.

Quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. (Ảnh: Tư liệu)

Cách đây 75 năm, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân, đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Trong bản Tuyên ngôn bất hủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định quyền con người, quyền dân tộc độc lập mà còn chứa đựng những giá trị thời đại to lớn được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội là nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 28 tháng 8 năm 1945. Chỉ với 1 nghìn chữ, được sắp xếp trong 49 câu nhưng đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, sắc bén, có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc.

Trong những dòng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại các bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào căn cứ đó, nhưng suy rộng ra quyền con người gắn chặt với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chính vì sự tác động biện chứng đó nên Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người thành một giá trị mang tính thời đại.

Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập….

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945 mở ra kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

75 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Ngày nay đất nước ta lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, Việt Nam trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp