Quan chức Quốc hội: Oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút

Thời sựThứ Ba, 20/09/2016 15:24:00 +07:00

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng có trường hợp bị giam thời gian dài, oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức.

Sáng 20/9, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra nhiều câu hỏi khi thảo luận.

Bà Nga cho rằng việc xây dựng luật phải xác định từng bước, tính đến tất cả các trường hợp, mở rộng dần dần để đảm bảo giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi quyết định của Nhà nước. Quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan tố tụng.

le thi nga

 

“Luật có giải quyết được thực trạng phạm vi các trường hợp được bồi thường hiện nay? Hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành động phạm tội mà đã thực hiện biện pháp ngăn chặn rồi thì quy định thế nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Từ những trường hợp cụ thể như ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ việc quy định các trường hợp được bồi thường trong luật, tránh trường hợp người đáng được bồi thường lại không được bồi thường.

Bà Nga cho rằng có trường hợp thời gian dài, oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức.

“Đi tù chừng ấy năm thì việc thăm nuôi lấy đâu ra chứng từ? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng từ trong khi gia đình người ta khốn đốn thì lấy đâu chứng minh”, bà Nga nói.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai.

“Một vấn đề quan trọng khác là người dân bức xúc vì số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường là quá lớn, vậy trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai thế nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Video: 'Người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén được bồi thường hơn 4,2 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự. Tuy nhiên, thực tế bồi thường nhiều khi không khôi phục được quyền lợi của người bị hại.

“Có người không thể khôi phục được quyền lợi như buộc thôi việc cấp Tổng cục trưởng trở xuống, sau đó có quyết định bồi thường, khôi phục lại công việc nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội được cất nhắc, bổ nhiệm. Luật có dự kiến vấn đề này không vì tôi đọc không thấy có”, bà Thuý Anh nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn