Phim về Lý Công Uẩn lại dậy sóng lùm xùm

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 09/06/2011 05:03:00 +07:00

(VTC News)–Tin đài VTV định phát bộ phim giả sử “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long" thay thế phim lịch sử “Huyền sử thiên đô" đang làm 'nóng' dư luận.

(VTC News) – 20 tập phim trong tổng số 42 tập đã sản xuất của “Huyền sử thiên đô” đã ra mắt khán giả Việt và ghi được nhiều dấu ấn tốt đẹp nhưng bất ngờ “đứa con đang đẻ dở, mới được nửa người thì phải dừng lại” (Lời của nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản “Huyền sử thiên đô”) gây bất bình cho khán giả truyền hình lẫn nhà sản xuất.

Dư luận đang rất bất ngờ trước thông tin sau khi bộ phim lịch sử Huyền sử thiên đô phát đến tập 20 và ngưng phát sóng vào cuối tháng này, đài THVN sẽ chọn phim  Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long để chiếu thay thế. Vấn đề này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, đa phần là phản đối, thậm chí lên tiếng gay gắt. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?

Bộ phim lịch sử "Huyền sử thiên đô" sẽ bị cắt sóng cuối tháng 6 này?

Phim Trung Quốc nói tiếng Việt thay phim thuần Việt?!

Dù đã được Hội đồng Duyệt phim quốc gia duyệt đi duyệt lại tới 3 lần nhưng bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vẫn chưa rũ bỏ được cái áo văn hóa Trung Quốc khoác lên mình nó. Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn thì nhiều tình tiết trong bộ phim hoàn toàn sai lệch lịch sử, có chỗ xuyên tạc lịch sử.

Là một giáo sư được mời ngồi ghế hội đồng thẩm định bộ phim, GS. sử học Lê Văn Lan sau khi xem xét xong bộ phim cho rằng, đây đơn thuần chỉ là một bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt (!). Kịch bản cuối cùng do chính một vị đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc hoàn thiện đến toàn bộ ê-kíp làm phim, chuyên gia hóa trang, đạo cụ, phục trang, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng, trường quay Hoành Điếm… tất cả đều của Trung Quốc.

Việc bộ phim ‘vay mướn’ quá nhiều thứ từ Trung Quốc tạo nên một nghịch lý là nhà đài đã vô tình quảng bá không công cho văn hóa Trung Hoa trong khi văn hóa dân tộc lại chưa có nhiều cơ hội vươn tầm ra thế giới. Như thế, số tiền và công sức bỏ ra dựng một bộ phim hoành tráng nhưng lại ‘nhuốm’ văn hóa ngoại quốc như vậy thật quá vô ích.

Chưa kể nội dung phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã đi chệch nhiều so với chính sử. Trong con mắt người Việt, vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) là một vị anh hùng dân tộc đáng kính, nhưng trong phim ông lại là một vị vua vừa xa xỉ vừa nhu nhược, hồ đồ sa thải các trung thần, trừng phạt Lý Công Uẩn vì dám can gián vua… Do vậy, dư luận lên tiếng kịch liệt phản đối không nên phát sóng bộ phim vì sợ sẽ gây nên sự lệch lạc trong suy nghĩ của thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc.

Phim Trung Quốc nói tiếng Việt "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long"  sẽ thay thế "Huyền sử thiên đô"?

Nói về bộ phim lịch sử Huyền sử thiên đô, mới chỉ qua gần 20 tập phim phát sóng trên kênh VTV3 đã nhận được những đánh giá và phản ứng khá tốt từ khán giả xem truyền hình. Đây có thể được coi như một dấu son cho phim lịch sử Việt. Dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng Huyền sử thiên đô đã xóa tan mọi nghi ngại ban đầu về một bộ phim lịch sử Việt Nam đúng nghĩa.

Điều quan trọng hơn, những người từng theo dõi Huyền sử thiên đô hẳn sẽ dễ dàng cảm nhận đây là một bộ phim thuần Việt, phản ánh đúng cốt cách truyền thống của văn hóa Việt. Từ kịch bản, ê-kíp làm phim, đạo cụ, phục trang đến trường quay… tất cả đều lăn lộn suốt 2 năm trên khắp miền Bắc Việt Nam để hoàn thành tác phẩm điện ảnh này. Qua bộ phim, nhiều khán giả truyền hình hoàn toàn có quyền tự tin vào tương lai của thể loại phim lịch sử Việt Nam.

Theo nhiều nguồn tin báo chí thì vào 29/6 tới VTV sẽ ngăng phát tiếp Huyền sử thiên đô ở tập 20 để thay vào đó là bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Người hâm mộ đang chờ một câu trả lời đích xác cho sự việc này nhưng vẫn chưa có. Khả năng sự vụ lùm xùm này sẽ còn tiếp diễn dài ngày…

Thêm một “Anh chàng vượt thời gian”!?


Mới đây, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả của Huyền sử thiên đô đã thẳng thừng phát biểu trước báo giới rằng lý do ngưng bộ phim chỉ là vì ‘sự cửa quyền và tiền’: “Vì cửa quyền và tiền nên tự nhiên giá trị văn hoá nó rẻ mạt đi. Họ cũng chẳng cần nghìn năm Thăng Long, họ chẳng cần gì hết, họ chỉ cần tiền…”.

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, cha đẻ của "Huyền sử thiên đô".

Ông Tuấn còn nhấn mạnh thêm rằng, việc VTV định ngưng phát Huyền sử thiên đô để chiếu Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là một việc làm rất tối kỵ vì cùng một năm có thể chiếu hai phim lịch sử nhưng với hai phim cùng một đề tài, cùng nói về một nhân vật lịch sử mà lại dừng phim này để chiếu phim kia thì chưa ở đâu thấy.

Về phía Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng cho vấn đề. Khi được hỏi về lý do ngưng phát sóng Huyền sử thiên đô, một đại diện VTV cho rằng, vì là lần đầu tiên công chiếu một bộ phim lịch sử có kinh phí lớn nên phải cân nhắc nhu cầu khán giả và bài toán kinh tế. Cách chiếu phim cuốn chiếu như thế này thuận lợi cho cả nhà sản xuất chứ không chỉ riêng VTV… Vị đại diện này còn nói thêm rằng hợp đồng 20 tập đã được cả hai bên đồng thuận kí kết.

Như vậy, việc ngưng phát sóng mà VTV quyết định là đúng luật. Nhưng xét về nhu cầu khán giả thì chưa thỏa đáng lắm vì đa số mọi người đều muốn xem nốt phần còn lại. Vô hình chung, việc ngưng Huyền sử thiên đô giống như đang ăn một món mà bị đánh đổ. Chung quy lại nhà đài chỉ cân nhắc tới “bài toán kinh tế” mà bỏ qua “nhu cầu khán giả” nên đã mắc một lỗi lớn là làm ‘mếch lòng’ khán giả Việt.

Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là bộ phim giả sử được đầu tư kinh phí ‘khủng’ tới 100 tỉ đồng, với 19 tập phim, mỗi tập sẽ xen vào một thời lượng quảng cáo nhất định. Với việc thu về 40% doanh thu quảng cáo ở mỗi tập tương ứng với số tiền bỏ ra sản xuất 1 tập phim thì đây sẽ là một bài toán kinh tế khả quan… Trong khi đó, Huyền sử thiên đô lại không làm được điều này vì ngay từ những tập đầu, doanh thu quảng cáo của phim đều chưa đạt yêu cầu, chưa tính đến chuyện ngay khi có tin Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long sẽ được chiếu thay thế sau này, các nhà quảng cáo đã ầm ầm chạy sang phim mới ngay.  

Trong khi phần lớn dư luận còn đang phản đối việc phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long thì về phía ông Lê Ngọc Minh, phó cục trưởng Cục Điện ảnh, chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc Gia lại cho rằng bộ phim này không phạm vào điều cấm và hoàn toàn có thể phát sóng được. Ông Minh còn cho biết thêm, bộ phim hay dở thế nào là do khán giả quyết định. Ngay lập tức, nhiều người phản bác lại ý kiến trên vì cho rằng, nhà chức trách đã 'đá quả bóng trách nhiệm' sang phía người xem.

Ông Lê Ngọc Minh, phó cục trưởng Cục Điện ảnh, chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc Gia cho rằng phim "Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long" không phạm vào điều cấm và hoàn toàn có thể phát sóng.

Phát biểu chiều 7/6, đạo diễn Tất Bình, đồng đạo diễn của Huyền sử thiên đô cho biết, trước làn sóng phản đối của dư luận và sự can thiệp của báo giới, VTV đã xem xét lại và có cuộc trao đổi với nhà sản xuất Sao Thế Giới để thương thảo về những điều kiện của bản hợp đồng tiếp theo. Ông cũng nói rằng nhiều khả năng Huyền sử thiên đô sẽ được công chiếu tiếp 22 tập còn lại nhưng chính ông cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ nhà sản xuất là có cho phát tiếp hay không.

Đạo diễn Tất Bình, đồng đạo diễn của "Huyền sử thiên đô" tỏ ra nghi ngại về số phận của 22 tập phim còn lại.

Còn nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn thì khẳng định rằng đến giờ 22 tập còn lại của Huyền sử thiên đô còn chưa tìm được cửa phát sóng thì 99% khả năng gần 30 tập phim trên kịch bản ông viết sẽ không được sản xuất nữa vì nếu làm chỉ có lỗ nặng vì giỏi lắm chỉ thu về 50% vốn.

Vụ lùm xùm chưa dừng lại ở đó, khi sáng 8/6 đại diện của VTV lại lên tiếng phủ nhận những thông tin mà báo chí đưa mấy ngày qua về việc ngưng phát sóng Huyền sử thiên đô để thay vào Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là không đúng sự thật. Dù đây cũng là một tin khá tốt lành để có thể hy vọng nhưng khán giả Việt giờ chỉ còn nước vò đầu bứt tóc vì không biết thực hư câu chuyện rốt cuộc ra sao. Không có lửa thì sao có khói!

Thiện cảm của khán giả xem truyền hình có thể giúp "Huyền sử thiên đô" thắng thế và tiếp tục được phát sóng?

Có quá nhiều những luồng ý kiến trái chiều, chứng tỏ mớ bòng bong quanh bộ phim lịch sử được yêu mến Huyền sử thiên đô và bộ phim dã sử ‘đắt đỏ’ nhưng lại mất nhiều thiện cảm của công chúng Việt Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long không phải dễ gỡ.

Qua đây mới thấy một điều rằng, điện ảnh Việt Nam vẫn còn nghiệp dư lắm! Giấc mơ Oscar vẫn còn xa vời lắm! Mong đừng thêm một "Anh chàng vượt thời gian” nữa vì khán giả đã không còn nhiều kiên nhẫn với phim Việt. Một khi niềm tin của khán giả truyền hình đã mất thì cho dù ngưng hay phát bất cứ phim gì cũng không còn quan trọng nữa.

Sợ rằng, một ngày nào đó khi nhìn thấy phim Việt, khán giả sẽ chuyển kênh!

Hoàng Nghĩa (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn