Phía sau những phóng sự điều tra

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 08:19:00 +07:00

...Truyền hình lại là mảnh đất níu được bước chân chàng sinh viên đầy nhiệt huyết ấy với một lý do hết sức đơn giản, làm báo để được dấn thân và trải nghiệm.

 27 tuổi, với 4 năm tuổi... Đảng, từng 2 năm giữ vị trí thủ khoa trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ra trường với tấm bằng đỏ trên tay, Khắc Phục có nhiều cơ hội để lựa chọn những công việc có thu nhập cao. Nhưng… cuối cùng, truyền hình lại là mảnh đất níu được bước chân chàng sinh viên đầy nhiệt huyết ấy với một lý do hết sức đơn giản, làm báo để được dấn thân và trải nghiệm.

 

 Nghề nguy hiểm

 Nhắc đến nghề truyền hình, nhiều người hình dung rằng, đó là nghề mang lại sự nổi tiếng. Nhưng phía dưới phần nổi của tảng băng ấy là sự lao tâm, khổ tứ và thậm chí rất nguy hiểm của cả một tập thể các phóng viên, nhà báo, BTV, kỹ thuật viên... nhằm tạo ra một sản phẩm báo chí có giá trị.

Không ít nhà báo khi xông pha vào những đề tài khó như tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu... đã bị hành hung nghiêm trọng. Có lẽ độc giả vẫn nhớ những vụ tấn công nhà báo trong khi họ đang tác nghiệp gây ra một làn sóng phẫn nộ trong giới báo chí. Chẳng nói đâu xa, đầu năm 2010, vụ phóng viên báo NLĐ Trần Thế Dũng đến làng 7, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) để ghi nhận tình hình buôn lậu gia cầm tại đây đã bị đánh dã man phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Tại Hà Tĩnh, nhà báo Võ Minh Châu (báo Tiền Phong) bị đánh vào đầu gây chấn động não, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh; nhà báo Minh Thùy bị cầm dao rượt đuổi khi đang tác nghiệp chụp ảnh đưa tin về vụ cưỡng chế hành chính liên quan đến đất đai tại xóm Tân Thọ xã Kỳ Thọ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Còn nhiều vụ khác trước đó nữa đã bị rơi vào quên lãng và vô vàn thách thức trên con đường phía trước của các nhà báo không ngừng đấu tranh cho công bằng và trật tự xã hội.

Khi được hỏi, có cảm thấy chùn khi chứng kiến những vụ việc này không, Khắc Phục chia sẻ: “Thực sự sau khi vụ hai nhà báo Trần Thế Dũng và Minh Châu bị hành hung, là phóng viên Đường dây nóng, tôi cũng thấy thực sự chia sẻ và thấu hiểu với nỗi đau của họ và gia đình. Về vấn đề này, tôi đã trực tiếp làm hai phóng sự phản ánh, đến tận nhà phóng viên Dũng, rồi phỏng vấn anh Châu, làm việc với báo Người Lao Động, Tiền Phong, Hội Nhà Báo, Bộ Thông Tin & Truyền thông để khẳng định việc hành hung phóng viên là không thể chấp nhận được. Qua những vụ thế này, mình rút ra một điều: cần mở mắt to để có những quyết định sáng suốt khi tiếp cận các vấn đề nóng”.

Không phải ngẫu nhiên người ta gọi nghề báo là nghề nguy hiểm nhưng thực tế vẫn không ít phóng viên trẻ sẵn sàng chấp nhận dấn thân vào công việc ấy. Khắc Phục cũng vậy. Những bài học xương máu còn đấy, và không phải không lường trước được những khó khăn nhưng anh chàng giỏi ngoại ngữ vẫn lựa chọn đối đầu với những đề tài mang tính thử thách như vậy.

Nhắc đến Khắc Phục, đồng nghiệp của anh thường nhắc đến những phóng sự điều tra gai góc trên chuyên mục Đường dây nóng của chương trình Giai điệu ngày mới phát sóng hàng ngày trên kênh VTC1. Khi tôi hỏi Phục về những “giai thoại” ấy, hắn cười bảo, mỗi một chuyến tác nghiệp là thêm một cảm xúc, ấn tượng khác nhau nhưng có một điểm chung là tâm lý sẵn sàng chuẩn bị đối phó với những “tai nạn nghề nghiệp” bất ngờ. Công việc này nhiều khi ly kỳ như phim ảnh nhưng nỗi sợ thì thật như đời.

Khắc Phục nhớ như in lần đầu tiên kết hợp với một số tờ báo khác đến làm việc với lãnh đạo chi cục kiểm lâm Thái Nguyên, nhằm làm rõ sự vụ những cán bộ này ăn hối lộ. Tất cả hồ sơ vụ việc, thông tin và chứng cứ, anh em phóng viên đều đã chuẩn bị kĩ lưỡng ở nhà. Lên đến nơi với danh nghĩa là đến để phản ánh công tác bảo vệ rừng của kiểm lâm, phóng viên Đường dây nóng lặng lẽ tỏa đi phỏng vấn người dân, làm việc với chi cục lâm nghiệp tỉnh, phỏng vấn Công an xã Nghinh Tường, Võ Nhai, Thái Nguyên rồi sau khi đã nắm đầy đủ thông tin mới “tấn công” trực diện vào chốt kiểm lâm Nghinh Tường, đưa ra những chứng cứ xác đáng, lập luận chặt chẽ khiến những cán bộ này phải lúng túng không thể chối cãi.

Nhớ lại chuyến đi này, Khắc Phục kể, lần đó để đến chốt kiểm lâm Nghinh Tường, do đường xá đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, xe của đoàn phải dừng cách chốt 20km và đi nhờ xe của một người dân yêu rừng. “Lo nhất là nếu vụ đó mình để lộ là đến điều tra tội nhận hối lộ của họ thì không biết đường về còn “hiểm trở” hơn đường đi đến thế nào”, Phục nói.

Nhưng thật mừng là ngay sau khi báo chí đồng loạt đưa tin trong đó có phóng sự của Phục, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đề nghị điều tra làm rõ sự việc nhận hối lộ của cán bộ kiểm lâm Nghinh Tường. Đó là niềm vui lớn sau rất nhiều nỗ lực của tất cả anh em báo chí.

Một vụ khác mà Phục vẫn nhớ là lần đi “rình” nạn đổ trộm phế thải diễn ra hàng ngày ở Xuân La, Tây Hồ. Để bắt được tận tay, phóng viên phải leo nhờ lên nhà dân và đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Cho đến khi nản chuẩn bị rút về thì bắt được một người đàn ông lén lút chở rác thải ra đổ. Do bị che khuất bởi cây cối và nhiều chướng ngại vật khác, Phục và anh quay phim phải liều mình tiến đến tận nơi để quay. Đúng lúc đó một người đàn ông tướng tá bặm trợn, tay cầm gậy đến gần. “Anh em chúng tôi vừa tác nghiệp vừa... “camơrun”, chưa cần bị hành hung chỉ cần hắn đập máy quay là mình đã đủ chết rồi . Rất may là không có gì đáng tiếc xảy ra cả”, Phục kể lại.

 

 Những trải nghiệm nhớ đời

    Bị đối tượng điều tra hăm dọa đã đành, nhưng nhiều chuyến tác nghiệp cũng tủi hổ không kém vì bị chính nhân dân nghi ngờ, công kích. Vụ điều tra việc tự ý tăng giá điện sản xuất và tiêu dùng lên gấp đôi, làm hóa đơn giả của HTX điện thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương là một ví dụ. Tổng cộng Hợp tác xã Điện xã này đã thu chênh lệch cả điện sản xuất và tiêu dùng là 264.781.589 đồng.

Lần đó, nhận được đơn thư và hồ sơ của dân, Khắc Phục cùng đồng nghiệp của mình đã lên đường về Hải Dương điều tra làm rõ sự việc. Lên đến nơi, thay vì gặp người gửi đơn tố cáo trước, Phục đến thẳng huyện lấy ý kiến của chủ tịch huyện, rồi về xã lấy ý kiến lãnh đạo xã, điện lực xã... Thấy vậy, hiểu lầm phóng viên “ăn tiền”, dân chúng bèn quây chặt Ủy ban xã đe dọa phóng viên. “Lúc đó đã quá trưa nên tôi phải giải thích mãi với dân là chiều tôi sẽ quay lại làm việc với họ, họ mới tạm lắng lại”, Phục kể.

Phản ánh vụ việc này, Giai điệu ngày mới có hai phóng sự phát sóng liên tiếp. Phóng sự đầu tiên tuy đã làm sáng tỏ mọi việc nhưng dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường và lãnh đạo địa phương chưa bị xử lý thích đáng. Lần này theo yêu cầu của dân, Khắc Phục một lần nữa về sở Công thương Hải Dương để xác minh phản hồi của dân. Dân thôn Cậy, xã Long Xuyên còn thuê cả một chiếc xe đi theo xe phóng viên đến tận nơi. Phải đến phóng sự thứ hai này, mọi việc được giải quyết ổn thỏa, dân được trả lại 300 triệu đồng, Chủ tịch và Lãnh đạo xã được bầu lại, Phục thở phào vì “công việc hoàn thành mà quan trọng hơn là không bị dân hiểu lầm, ghét bỏ nữa”.

Anh chia sẻ, “làm việc với dân nhiều khi rất đau đầu và bị áp lực bởi họ dễ bị kích động. Họ không hiểu cách làm việc của mình nên không ít lần phóng viên đến là nhao nhao dọa nạt, gây khó dễ. Nhiều lúc mình cũng thấy tự ái kinh khủng nhưng công việc của mình là vậy, không thể cái gì cũng giải thích tường tận cho dân được”.

Ấn tượng với Phục nhất có lẽ là lần về thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh để phản ánh ý kiến người dân về việc xây dựng nghĩa trang ở đây. Thụy Lâm, Đông Anh được biết đến với đền Sái nổi tiếng và quan trọng hơn, là vựa lúa Đông Anh cạnh con sông Cà Lồ. Ý tưởng xây dựng nghĩa trang ở đây đã dấy lên hai làn sóng trái ngược, một phản đối, một đồng tình đã gây ra rối loạn trong nội bộ người dân.

Có lẽ, Phục không thể nào quên được ấn tượng mạnh mẽ khi lần đến Thụy Lôi chuyến ấy.  Bước khỏi xe và trông thấy trước mặt là một biển người đang nhao nhao nhìn chòng chọc về phía mình. “Cảm giác lúc đó rất choáng, bất ngờ pha lẫn chút sợ hãi. Chúng tôi phải gọi cho người đại diện gửi đơn ra đón và bảo vệ để đi qua khoảng 500 đến 700 con người đang náo loạn và kích động. Ông ta đến và rẽ lối cho phóng viên đi, oai như nguyên thủ quốc gia vậy”, Phục hóm hỉnh cười.

Đến đây, dân tụ họp trong một cái đình lớn, vòng trong là các ông già bà cả, vòng ngoài là thanh niên. Chỗ nào cũng chật ních và xôn xao, bất đắc dĩ, Phục phải dùng loa để trấn an và trình bày. Qua vụ này một cách an toàn nhưng về nhà Phục bị đau họng mất mấy hôm vì nói nhiều. Bù lại, phóng sự sau khi phát sóng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nghĩa trang được quyết định xây dựng ở một nơi khác, người dân rất biết ơn đã đến tận Đài để cảm ơn.

 

Khắc Phục cho biết, khi đi làm những phóng sự điều tra xã hội theo ý kiến của dân, phóng viên gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn khi liên hệ phỏng vấn với đối tượng bị phản ánh đã khó, gặp được để được họ trả lời còn khó hơn. Nhưng khó nhất là gặp được rồi phải có đủ lý lẽ xác đáng khiến đối tượng không thể chối cãi. Đã từng bị đe dọa khi phản ánh vụ kiểm lâm nhận hối lộ, đã từng bị dân bao vây dọa nạt... Khắc Phục rút ra cho mình một vài kinh nghiệm vàng để phòng, chống những tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm đó sẽ giúp phóng viên trẻ luôn đủ vững vàng để tiếp tục nhập cuộc trên hành trình đi tìm sự thật của Báo chí.

Với dáng vẻ cao, gầy, nom tướng số vất vả, trông Phục hợp đến kỳ lạ với cái tên của chính mình. “Tên tớ là độc nhất vô nhị đấy. Chỉ vì cái tên vận vào người mà toàn bị gán với những đề tài khó khăn cần giải quyết, mặc dù chưa biết giải quyết được đến đâu”, hắn vừa nói vừa cười hiền trước khi kết thúc câu chuyện.

 Ai cũng biết, nghề báo là một nghề nguy hiểm, viết điều tra càng nguy hiểm hơn, bởi lúc này, sự thật chưa bị phơi bày ra ánh sáng và đối tượng được điều tra đang rất cần sự im lặng của nhà báo. “Nguy hiểm đầu tiên là mình phải đối mặt với những cám dỗ vật chất, sự mua chuộc của đối tượng… Những lúc đó, mình phải biết cách vượt qua chính mình, phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Nguy hiểm thứ hai là có thể bị đe dọa, trả thù, và thực tế những điều này đã xảy ra với một số nhà báo”, khắc phục  tâm sự. 

T.M

Bình luận
vtcnews.vn