Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Thời sựThứ Sáu, 14/01/2011 11:12:00 +07:00

(VTC News)- “Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn..."

(VTC News)- “Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Ông Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Nguồn: TTXVN) 

Tại phiên họp chiều 14/1, Đại hội XI của Đảng, ông Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày tham luận “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững.”

Ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định quan điểm xây dựng “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”. Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh con người là sức mạnh lớn nhất của dân tộc ta. Chính vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa là tập trung mọi nỗ lực nhằm “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe lao động giỏi, có văn hóa; có tinh thần quốc tế chân chính.”

Ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” Vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, vì vậy, cần thiết phải quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (như xuất bản sách báo, sản xuất phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc….) theo đúng định hướng của Đảng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp và các chính sách văn hóa.

Bài tham luận cũng nhấn mạnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa ở trong nước và ở nước ngoài. Tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa, cho việc xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng văn hóa, đặc biệt coi trọng nguồn lực xã hội hóa.

Chủ động, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc với bè bạn năm châu, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo nhân dân được hưởng thụ tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa dân tộc.

“Giải pháp mang tính quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh sáng tạo của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.” Ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận chiều nay (14/1) (Ảnh: TTXVN) 

Cũng trong buổi chiều 14/1, Đại hội đã nghe thêm 9 tham luận của các đại biểu, gồm:

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam với tham luận “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”;

Đồng chí Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam với tham luận “Một số vấn đề nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị”;

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với tham luận “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN”;

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng với tham luận "Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer";

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao với tham luận “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn mới”;

Đồng chí Châu Văn Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với tham luận “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức”;
Ông Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng phát biểu tham luận (Ảnh: Phạm Thịnh)

Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng với tham luận “Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”;

Đồng chí Trần Du Lịch, đoàn đại biểu Tp Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận về vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và vấn đề quản lý đất đai.

Đại hội đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Thư ký Đại hội đọc thông báo danh sách 9 điện mừng của các chính Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế vừa gửi tới Đại hội trong ngày 13/1/2011.

Qua 2 ngày thảo luận, Đại hội đã nghe 27 tham luận, ý kiến thảo luận trên Hội trường và đã kết thúc phần thảo luận, đóng góp vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI.

Ngày mai, (15/1), Đại hội làm việc về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.


Phạm Thịnh

 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn