Phát hiện trẻ sốt xuất huyết, cần làm ngay những việc gì?

Sức khỏeThứ Ba, 08/08/2017 16:18:00 +07:00

Để góp phần đẩy lùi nạn dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là sốt xuất huyết ở trẻ em, phụ huynh cần ghi nhớ kỹ những điều sau khi phát hiện con em mình có những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có gần 12.000 trường hợp mắcsốt xuất huyết, 4 trường hợp tử vong. Trong tuần qua, số mắc sốt xuất huyết mới là hơn 2.700 trường hợp, tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì...

chua-het-noi-lo-sot-xuat-huyet-tre-mac-benh-ho-hap-un-un-nhap-vien1501594459

Trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện

Bệnh sốt xuất huyết Dengue khởi phát từ hiện tượng sốt cao đột ngột, liên tục kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chán ăn buồn nôn, đầy bụng và khó tiêu…. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường hay bệnh sốt phát ban nên dễ bị bỏ qua.

Video: Dịch sốt xuất huyết hoành hành, tuyệt đói không làm những điều sau

Đặc biệt, đối với các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết, các gia đình cần đặc biệt lưu ý những biểu hiện sau đây để đưa trẻ đến các cơ sở y tế: Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục ≥ 38,5oC, toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu. Xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt; xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng hay hành kinh sớm hơn và kéo dài. Đau bụng âm ỉ, buồn nôn, nôn hay nôn khan. Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu nặng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau: Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Trẻ buồn nôn và nôn, đau bụng. Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài đối với trẻ nữ. Tiểu ít, đi ngoài phân đen.

Đặc biệt, quá trình chăm sóc, theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà rất quan trọng. Theo Điều dưỡng Trần Thị Ngọc - Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương: 

Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại, kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa…Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin: rau, nước quả ép.Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

Lê Thạch
Bình luận
vtcnews.vn