Phải thi văn, nghệ sĩ nhân dân cũng trượt đại học

Giáo dụcThứ Sáu, 17/02/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News)- “Năm 2003, có một nghệ sĩ nổi tiếng trượt đại học vì kết quả môn văn kém. Nhưng cũng trong năm đó, chị được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân".

(VTC News)- “Năm 2003, có một nghệ sĩ nổi tiếng trượt đại học vì kết quả môn văn kém. Nhưng cũng trong năm đó, chị được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân" - Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ.


Trong hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, nhiều ý kiến của các lãnh đạo các trường khối nghệ thuật đưa ra một thực tế tuyển sinh hàng năm, nhiều thí sinh có điểm thi môn văn thấp nhưng điểm môn năng khiếu lại cao.  

Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ nhà trường mong muốn tìm được những thí sinh có năng khiếu thực sự nhưng do chỉ có điểm văn kém nên những thí sinh này không có cơ hội được thể hiện tài năng của mình. Như vậy, đó là một sự lãng phí tài năng. Quan điểm của trường ĐH Sân khấu điện ảnh là muốn tạo cơ hội cho các thi sinh có năng khiếu được học tập và thử sức.

Việc phải thi môn Văn đã khiến nhiều thí sinh có năng khiếu phải trượt đại học (Ảnh minh hoạ) 

Ông Hiệp kể lại, “Năm 2003, có một nghệ sĩ nổi tiếng trượt đại học vì kết quả môn văn kém. Nhưng cũng trong năm đó, chị được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân".

"Chị cầu cứu tôi có cách nào để...qua môn văn hay không, và tôi đã trả lời, dù em chỉ đạt 2 điểm môn này thì tôi vẫn nhận". Ông Hiệp nhớ lại.

Để không bỏ sót tài năng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp đề xuất bổ sung thêm khối S1 và bỏ môn thi Ngữ văn trong kỳ thi vào các trường năng khiếu.
Ông Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất có thêm khối S1 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Đồng quan điểm trên, TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các trường khối văn hoá nghệ thuật do có những đặc thù riêng.

Vị Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cũng cho rằng vừa qua Bộ có ban hành quy định trường ĐH không được đào tạo hệ trung cấp là chưa tính đến đặc thù của các trường khối ngành nghệ thuật.

Bà Hương cũng nhấn mạnh việc bỏ đào tạo trung cấp ở trường nhạc viện là không hợp lý: “Hệ này trước đây đào tạo 11 năm, giờ còn 9 năm. Đây là nguồn để trường tuyển sinh đại học. Thực tế, năm vừa rồi có 15 em thi ĐH, trường chọn được 5 em”.

Bà Hương cho rằng, cách phân bổ chỉ tiêu giao cũng có nhiều bất cập, gây mất cân đối ngành nghề. Có năm, ngành Piano tuyển 10 chỉ tiêu nhưng hồ sơ thi tới 500, trong khi đó các ngành dân tộc hàng năm hồ sơ rất ít khi có năm chỉ có 1 hồ sơ và dĩ nhiên là tuyển luôn thí sinh đó.


Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến các trường khối văn hoá nghệ thuật do có những đặc thù riêng (Ảnh: Phạm Thịnh)

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo hai trường khối nghệ thuật, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng cần có quy định riêng cho khối ngành năng khiếu. “Khối nghệ thuật, vốn đào tạo từ sơ cấp, trung cấp lên thì không thể cắt hệ đào tạo trung cấp" -Ông Toàn nhấn mạnh.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ có buổi làm việc với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và các trường nghệ thuật có tính chất đặc thù để lắng nghe những đề xuất từ các trường này.

“Việc thi môn nào, bỏ môn nào, Bộ cũng muốn nghe đề xuất cụ thể, chi tiết của trường" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Phạm Thịnh




Bình luận
vtcnews.vn