Phải làm gì để tưởng nhớ 2 triệu đồng bào chết đói 70 năm trước?

Thời sựChủ Nhật, 09/08/2015 03:08:00 +07:00

Cứ mỗi năm, người Nhật Bản lại trân trọng, thành kính, thấm đẫm nhân văn tổ chức tưởng nhớ những người đã chết vì bom nguyên tử hồi năm 1945. Khu tưởng niệm bao

Cứ mỗi năm, người Nhật Bản lại trân trọng, thành kính, thấm đẫm nhân văn tổ chức tưởng nhớ những người đã chết vì bom nguyên tử hồi năm 1945. Khu tưởng niệm bao giờ cũng có sức mạnh riêng của mình. Và trong no đủ hôm nay, bất giác nhớ đến nạn đói tiêu diệt 2 triệu đồng bào mình năm ấy...

 
Cứ mỗi năm, người Nhật Bản lại trân trọng, thành kính, thấm đẫm nhân văn tổ chức tưởng nhớ những người đã chết vì bom nguyên tử hồi năm 1945. Mấy ngày qua, có ít nhất 55.000 người về Hiroshima để im lặng cúi đầu trước “Công viên tưởng niệm Hòa Bình”. Nỗi đau hơn 200.000 người chết do bom nguyên tử ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki đã khiến người Nhật Bản và thế giới thổn thức đau đớn suốt 70 năm qua. 
Một khu vực trang hoàng, sang trọng được xây dựng để tưởng niệm và nó là một công viên chứ không phải là nấm mồ hoang lạnh. Cái chết của hơn 200.000 người đã kết nên sức mạnh chống chiến tranh, chống vũ khí hạt nhân, khiến người ta khát khao hòa bình hơn bao giờ hết. Đại diện của hơn 100 quốc gia và khu vực đến tưởng niệm tại “công viên” kể trên, vào ngày 6.8.2015.

“Thịt da ai cũng là người…”
Vâng, con người ta, đứng ở góc độ nhân văn thì chẳng có thịt da nào quý hơn thịt da nào, chẳng có tính mạng ai quan trọng hơn tính mạng ai. Nói khác đi, chẳng ai thay thế cho ai được. So sánh nỗi đau của sự chết chóc nọ với sự chết chóc kia thì rất khó. Nhưng quả là mỗi lần tiếng chuông tưởng nhớ các nạn nhân, nguyện cầu cho hòa bình, cho lòng nhân ái tràn ngập địa cầu này vang lên, là trong tôi lại nảy ra sự liên tưởng giống như nhiều người vẫn liên tưởng. Ấy là vào năm Ất Dậu, cũng năm 1945 như bên Nhật Bản hồi bom Mỹ ném. 
 
Năm ấy, Việt Nam ta có 2 triệu đồng bào chết đói vì chính sách nhổ lúa trồng đay, khai thác thuộc địa tàn độc của thực dân. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, chết vì đói vàng mắt, nó kinh dị và đáng sợ hơn mọi loại chết trên đời. Dĩ nhiên nó đau đớn, dày vò, nó biến người ta thành giống khác trước khi được chết, nó quái đản và hãi hùng hơn chết trong tích tắc vì bom nguyên tử nhiều lần. 
Có người ăn thịt nhau, con đẩy bố xuống sông để giành lấy khẩu phần ăn. Con người ta bị sự gào réo của cái dạ dày biến thành con thú một cách tội nghiệp nhất. Có người ăn bất cứ cái gì vớ được trên đường, ăn cả bãi nôn người khác vừa nôn ra. Họ ăn cả thịt người. Rồi họ chết thảm sau khi thất vọng cứ chồng lên thất vọng. 
Và trên hết: 2 triệu người chết đói, nằm chồng chất lên nhau, từng đống xương cao vút mênh mông trong các bức ảnh vẫn còn đến nay của người nghệ sĩ vĩ đại Võ An Ninh. 2 triệu người chết, tính riêng về số lượng, thì chết đói năm 1945 bởi thực dân tàn ác ở Việt Nam, nhiều gấp 10 lần số nạn nhân bom nguyên tử ném xuống 2 thành phố của Nhật Bản. Xương người chồng chất, hoang lạnh ở nhiều góc phố Hà Nội, ở gầm cầu, quán chợ khắp một vùng rộng lớn.
Giữa lòng thủ đô hoa lệ ngày nay, rộng mênh mông, mở rộng tít hết tỉnh Hà Tây cũ, choán sang cả Hòa Bình, vậy mà khu tưởng niệm các nạn nhân chết đói vẫn bé toen hoẻn. Bé đến mức muốn chụp một cái ảnh cũng không có chỗ đứng mà chọn góc. 
Bạn tôi phải leo sang nhà dân bên cạnh, trèo lên nóc nhà cao tầng mà bấm máy. Nó bé đến mức, đến nơi tìm mỏi mắt mới ra “ông từ” canh khu tưởng niệm. Cái khóa cổng hoen gỉ. Đường vào hun hút trong ngõ hẹp lôi thôi lếch thếch. Khu tưởng niệm tồi tàn đến xót xa!
Cần có một khu tưởng niệm xứng tầm
Nhân 70 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản, nhân dịp 2 triệu đồng bào chết đói cùng năm ấy của chúng ta, lại nhớ những gì Lao Động đã đăng cách đây chưa lâu:
Năm 1951, tức là 6 năm sau sự kiện động trời hồi Ất Dậu, người Hà Nội đã bước đầu quy tập các kho xương, núi xương cốt vào, dựng tấm bia với dòng chữ đắp nổi: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945” ở địa chỉ ngách 86, ngõ 559, đường Kim Ngưu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện nay.
 
Nhưng rồi ruộng vườn và những cam khó của người sống cứ tràn lấn dần. Họ có khi bới mấy chục bộ hài cốt quẳng đi để đào một móng nhà. Nhiều nhà đào được tới 50 cái tiểu và bia mộ mang vứt đi để lấy không gian sống. Hầu hết họ xuất thân khốn khó, nếu không đuổi “ma” đi mà liều sống trên kho hài cốt, núi tiểu sành thì cũng chẳng còn biết làm sao nữa.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc dường như đã gạt nước mắt, khi thống thiết kêu gọi: “Không lẽ chúng ta chấp nhận cơn sốt đất đai, công cuộc đô thị hóa Hà Nội và sự thờ ơ của chính chúng ta hủy hoại chứng tích cuối cùng của một sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hãy dành một nơi xứng đáng hơn tưởng nhớ đồng bào chết đói năm Ất Dậu, để không ai bị lãng quên (…). Đó cũng là cách chúng ta đối xử công bằng với một quá khứ đau thương và những thế hệ sau không trách chúng ta là vô ơn, bạc nghĩa”.
Đúng là chúng ta đã quá bạc bẽo và chậm chạp. Bởi, dù rất nặng lòng với sự kiện, nhưng mãi 45 năm sau ngày bấm những tấm hình cực kỳ ám ảnh cho lịch sử dân tộc, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh mới có dịp cùng chuyên gia Nhật Bản và cộng sự trở lại nấm mồ tập thể lớn nhất Việt Nam ngay giữa lòng Hà Nội để làm một cái gì đó cho xứng tầm tưởng niệm. Viện Sử học cũng phải nửa thế kỷ sau mới kết thúc điều tra, chính thức hóa, số liệu hóa phần nào các ký ức kinh hoàng về nạn đói năm 1945. 
 

Khu tưởng niệm nhỏ bé mới được dựng vào năm 2003, tức là gần 60 năm sau khi 2 triệu đồng bào ta nằm xuống vĩnh viễn. Khu vực tưởng niệm bé đến mức thảm thương. Đường vào hun hút, một cái xe đạp và một cái xe máy tránh nhau còn chật vật. Người Hà Nội gốc tìm đến thắp nhang cho 2 triệu đồng bào xấu số của mình còn khó, chứ nói gì đến người ngoại tỉnh hay khách nước ngoài.
Trong no đủ hôm nay, bất giác nhớ đến nạn đói tiêu diệt 2 triệu đồng bào mình năm ấy, ngắm khu tưởng niệm nhỏ bé và đơn điệu nằm tủi hổ trong góc buồn của con ngõ ngoắt ngoéo kia, không ai có thể thoát khỏi cảm giác se thắt, bẽ bàng.

Thấy xấu hổ, thấy có lỗi với sự thiệt thòi quá lớn của cha ông mình năm ấy. Chúng ta có thiếu đất nền, có thiếu bêtông cốt thép hay tri thức đến mức không xây được một khu tưởng niệm xứng tầm cho 2 triệu đồng bào đã chết vì đói khát kia không?
Khu tưởng niệm bao giờ cũng có sức mạnh riêng của mình. Nó không chỉ là chuyện tâm linh, mà còn là văn hóa - lịch sử; không chỉ vì người đã khuất, mà nó còn vì cả người đang sống và người sẽ sống không chỉ trên mảnh đất này.

Một khu tưởng niệm xứng tầm ra đời không chỉ thay thế cho khu tưởng niệm èo uột tạm bợ đã có, mà hơn thế nó còn mở lối cho chúng ta hiểu rằng: Không một ai là vô danh cả, hãy công bằng với lịch sử, hãy để lịch sử được lên tiếng; và những người nằm xuống vẫn tham dự một cách duy vật vào cuộc sống có tri thức, có văn hóa của tất cả chúng ta.
Nguồn: Đỗ Doãn Hoàng (Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn