Pep Guardiola có thể đã thua Juventus nếu còn ở Barca

Bóng đá AnhThứ Sáu, 18/03/2016 10:00:00 +07:00

Barca thời Guardiola quả là một "dream team" huyền thoại nhưng nếu đội hình ấy gặp Juventus mùa này, chưa chắc Pep đã có được chiến thắng

(VTC News) - Barca thời Guardiola quả là một "dream team" huyền thoại nhưng nếu đội hình ấy gặp Juventus mùa này, chưa chắc Pep đã có được chiến thắng.
Nếu Pep Guardiola gặp Juventus rạng sáng 17/3 khi vẫn còn nắm quyền ở Barca, có lẽ ông đã bó tay trước "Bà đầm già". Đội bóng xứ Catalan của Pep dù đá tiki-taka mượt mà hơn Bayern, có ngôi sao trăm năm có một trong lịch sử bóng đá thế giới như Messi, nhưng biết tìm đâu ra những ông vua mắc màn vòng cấm như Lewandowski hay Thomas Muller.
Guardiola bồn chồn ngoài đường pitse
Guardiola bồn chồn ngoài đường pitch
Lewandowski và Thomas Muller chắc chắn chưa thể và có lẽ không bao giờ so đọ được sự nghiệm với Lionel Messi. Nhưng ở 1 trận cầu cụ thể, trong 1 hoàn cảnh cụ thể, họ lại phát huy được ưu thế chiều cao của mình. Thử tưởng tượng, nếu thay El Pulga vào vị trí của 2 ngôi sao trên trong tình huống "Hùm xám" ghi bàn, liệu siêu sao xứ tango có tận dụng được thời cơ.
Những pha bóng bổng, vì thế vẫn là thứ gì đó trái với lẽ thường ở những đội bóng của Guardiola. Ngày ông đến xứ Bavaria lập nghiệp, những anh chàng cao to cứ lần lượt ra đi. Mario Gomez, Emre Can, Luiz Gustavo, Mario Mandzukic, Dante được thay thế bằng Douglas Costa, Arturo Vidal, Mario Gotze, Thiago Alcantara. Pep chủ trương kiểm soát bóng bằng mọi giá, thậm chí lên đến 100% (lời ông nói sau chiến thắng 5-1 trước Arsenal mùa trước). Vậy thì làm sao có chỗ cho những đường bóng bổng năm ăn năm thua được.
Chuyền sệt là tiêu chí bắt buộc của những đội bóng mang thương hiệu Pep Guardiola. Thay vì những anh chàng chân dài 1m90, cựu thuyền trưởng Barca chỉ khoái những "chú lùn" như Messi, Xavi, Iniesta trước đây hay Thiago, Gotze, Douglas Costa bây giờ.
Barca
Ai mà chẳng thành công khi có bộ ba sát thủ trong đội hình
Ưu điểm của họ là nhanh, khéo, kỹ thuật - quá phù hợp với triết lý tiki-taka. Thế mới có chuyện, Philipp Lahm từng một thời được đẩy vào trung lộ, đá tiền vệ trụ, chứ không phải một chuyên gia ở vị trí này - Javi Martinez.
Clip Bayern Munich 4-2 Juventus 
Nhưng triết lý của Pep Guardiola không hẳn không có những khiếm khuyết. Roberto di Matteo hồi năm 2012 đã chỉ ra rằng, chỉ cần 1 đội quân gồm toàn những anh chàng cơ bắp như Didier Drogba, Ramires, John Obi Mikel, Branislav Ivanovic, Gary Cahill vẫn dư sức kiếm được 1 tỷ số có lợi trong thế thiếu thủ lĩnh đầu đàn (John Terry). 
Lối chơi của Di Matteo không phức tạp như của Pep Guardiola. Thay vì vẽ vời, thêu hoa dệt gấm thì ông thầy người Italia chủ trương đưa bóng đến khung thành Barca 1 cách nhanh nhất có thể, theo kiểu không để đối thủ kịp trở tay.

Không cần đến những anh chàng biết xoay trở trong phạm vi hẹp hay biết che bóng trước sự vây ráp của 2, 3 cầu thủ đối phương, Di Matteo chỉ cần những tiền vệ biết chuyền dài thật nhanh lên phía trên. Thế là đủ!
Max Allegri cũng áp dụng triệt để hệ tư tưởng này trong lần viếng thăm Allianz Arena ở trận lượt về. Ông không còn để nhà vô địch nước Đức tra tấn tinh thần như tại Turin nữa. Bóng và không gian xung quanh khu vực giữa sân là của Bayern, nhưng cơ hội và bàn thắng lại thuộc về “Lão phu nhân”.

Ba sự thay đổi về mặt nhân sự trên mặt trận tấn công đã tạo nên sự khác biệt. Hernanes, Alex Sandro, Morata đá chính thay Marchisio, Mandzukic và Dybala. Sơ đồ 4-5-1 thế chỗ 4-4-2 truyền thống. 
Mục tiêu của “Băng ghế vàng” Serie A 2015 rất rõ ràng. Ông muốn gia tăng nhân sự ở tuyến giữa, đồng thời tạo ra những cú đánh vỗ mặt ở các tình huống phản công. Để rồi cả 2 pha lập công của Paul Pogba và Cuadrado đều xuất phát từ chính diện khung thành Neuer.
60% kiểm soát bóng ở lượt đi, 70% kiểm soát bóng ở lượt về, những con số gần như hoàn hảo của Pep Guardiola nhưng rốt cuộc lại trở nên vô nghĩa. Mục đích cuối cùng của bóng đá, suy cho cùng vẫn cứ là bàn thắng. Kiểm soát bóng như tiki-taka, phản công tổng lực như gegenpressing chỉ là 1 cách để tiến tới mục tiêu tối thượng này.
Nếu không có những anh chàng cao lớn như Muller, Pep có lẽ đã thua
Nếu không có những anh chàng cao lớn như Muller, Pep có lẽ đã thua 
Về mặt này, Pep Guardiola rõ ràng chưa hiệu quả bằng người đồng nghiệp Italia. Trong cuộc đời huấn luyện của ông, chưa bao giờ thua sớm 2 bàn chỉ trong vòng vỏn vẹn nửa giờ. Bởi các đối thủ, đa phần có bao giờ có bóng đâu mà ghi bàn.
Lẽ ra Bayern sẽ chẳng có cửa lội ngược dòng nếu như Morata hay Cuadrado không quá phung phí cơ hội trong khoảng 40 phút kế tiếp, kể từ thời điểm Juventus dẫn 2 bàn. Tuy nhiên thần may mắn rạng sáng 17/3 đã ở bên Guardiola. Không chỉ sát cánh cạnh khung thành Neuer, "thần" còn giúp Pep trở nên sáng suốt khi thay đổi lối chơi trong khoảng 20 phút cuối.

Thay vì cứ ban bật như đâm đầu vào đá, điều Barca của ông từng thất bại trước Chelsea hồi năm 2012, Bayern Munich chuyển sang chơi bóng bổng và đá cánh. Triết lý kiểm soát bóng được ném vào sọt rác khi 1 cầu thủ chạy cánh (Coman) vào thay 1 tiền vệ trụ (Xabi Alonso).

Dấu mốc quyết định này đã thay đổi hoàn toàn số phận trận đấu. Juventus thay vì đón lõng những chân sút Bayern như bình thường, họ chẳng biết theo kèm ai trước những quả tạt của đội chủ nhà. Lewandowski hay Muller? Bóng bổng hay bóng ngang người? Rõ ràng, Juve đã trở nên bị động trước khi thua liền 4 bàn trong vòng 40 phút.

Chưa thể nói triết lý của Guardiola đã gặp khắc tinh bởi dù sao trận đấu với Juventus vẫn chỉ là 1 trận đấu. Nhưng như thế cũng là quá đủ để thấy rằng chẳng có thứ gì là độc cô cầu bại mãi mãi. Tiki-taka hay bóng đá định hướng vị trí rốt cuộc vẫn chỉ là một "bộ võ công". Rồi sẽ có lúc, nó gặp một bộ võ học khác tương khắc.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn